Chính trị gia, thủ lĩnh cộng đồng, lãnh đạo doanh nghiệp: Nên làm gì và khi nào?

Với tất cả những gì đang xảy ra với virus Corona, thật khó để quyết định phải làm gì hôm nay. Ta nên đợi thêm thông tin? Hay làm gì đó ngay hôm nay? Làm gì thì tốt hơn đây?
Bài viết này, với cả đống biểu đồ, số liệu, mô hình và nhiều trích dẫn, sẽ đề cập tới những vấn đề sau:
    • Bao nhiêu ca nhiễm sẽ phát sinh trong khu vực của bạn?
    • Điều gì sẽ xảy ra nếu số ca nhiễm đó trở thành hiện thực?
    • Bạn nên làm gì?
    • Và làm lúc nào?
Khi đọc xong, bạn sẽ có được những thông tin này:
    • Virus Corona đang đến gần.
    • Nó đến với tốc độ tăng theo cấp số nhân: từ từ, rồi đột nhiên đâm sầm vào bạn.
    • Thời gian chỉ còn tính bằng ngày. Có thể chỉ 1 hoặc 2 tuần nữa.
    • Khi nó đến, hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện tại sẽ bị đánh gục.
    • Đồng bào của bạn sẽ phải điều trị trên hành lang.
    • Bác sĩ, y tá sẽ kiệt sức và gục ngã. Vài người sẽ chết.
    • Họ sẽ phải quyết định ai có ô-xy và ai ngưng thở.
   • Cách duy nhất phòng chống là phân cách xã hội ngay. Không phải mai. Mà là ngay hôm nay.
(T/N: Social Distancing: Không có cụm từ tương ứng trong tiếng Việt. Nó có nghĩa là một loạt các biện pháp nhằm kéo xa khoảng cách hoặc ngắt hẳn tiếp xúc/giao tiếp vật lý trong xã hội, để làm giảm nguy cơ lây lan bệnh dịch. Mình không biết dịch cái này như nào cho ngắn gọn, nên tạm gọi tắt là “phân cách xã hội”).
Điều này nghĩa là phải giữ càng nhiều người ở nhà càng tốt, luôn và ngay!
Trên tư cách là chính trị gia, thủ lĩnh cộng đồng hay lãnh đạo doanh nghiệp, bạn có quyền lực và trách nhiệm ngăn ngừa điều đó xảy ra.
Bạn có thể lo ngại: Liệu có phản ứng thái quá không? Bọn nó có cười mình không? Hay nổi điên với mình? Mình trông có giống một thằng đần không? Hay là đợi xem có đứa nào làm trước thì hơn? Mình có gây hại cho nền kinh tế không?
Nhưng trong 2 – 4 tuần tới, khi cả thế giới phong tỏa, khi vài ngày quý giá phân cách xã hội mà bạn thực thi đã cứu nhiều mạng người, sẽ chẳng ai chỉ trích nữa: Họ sẽ cảm ơn bạn vì đã quyết định đúng.
Được chưa, nào ta cùng lên xe buýt!

1. Bao nhiêu ca nhiễm sẽ phát sinh trong khu vực của bạn?

1.1. Tăng trưởng của các nước

Tổng số ca nhiễm virus Corona tăng theo cấp số nhân, cho tới khi Trung Quốc cô lập được nó lại. Nhưng sau đó, nó lại bị rò rỉ ra ngoài, và giờ thành đại dịch chẳng thể ngăn cản.

Cho tới hôm nay, chủ yếu vẫn là Ý, Iran và Hàn Quốc:

Hàn Quốc, Ý và Trung Quốc có số ca nhiễm lớn quá, nên khó thấy được những nước còn lại trên biểu đồ. Phóng to góc phải xem nhé:

Có hàng tá nước cũng đang có tỷ lệ tăng trưởng ca nhiễm theo cấp số nhân. Lần nay hầu hết là phương Tây.

Nếu muốn hiểu điều gì sẽ xảy ra, hoặc biết làm sao để ngăn chặn, bạn phải nhìn lại những trường hợp đã trải qua: Trung Quốc, các nước phương Đông với kinh nghiệm về SARS, và Ý.
1.2. Trung Quốc
Nguồn: Phân tích của Tomas Pueyo dựa trên biểu đồ trong Journal of the American Medical Association, số liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Trung Quốc cung cấp. 
Đây là 1 trong những biểu đồ quan trọng nhất!
Cột màu cam là số ca nhiễm công bố ở tỉnh Hồ Bắc: Số người được xác định dương tính mỗi ngày.
Cột màu xám là số ca nhiễm thực tế mỗi ngày. CDC Trung Quốc có được số liệu này bằng cách hỏi bệnh nhân trong quá trình xét nghiệm, rằng họ bắt đầu có triệu chứng từ khi nào?
Then chốt là, những ca thực nhiễm này đã không được biết đến tại thời điểm chúng phát sinh. Ta chỉ có thể ước lượng chúng bằng cách nhìn lại quá khứ: Chính quyền không thể phát hiện ra người nào đó bắt đầu có triệu chứng. Họ chỉ có thể biết khi người dân đi khám và được xét nghiệm.
Tóm lại, cột màu cam cho ta biết những gì chính quyền biết, còn cột màu xám là thực tế những gì xảy ra.
Ngày 21/1, số ca xét nghiệm dương tính mới (cột màu cam) bùng nổ: khoảng gần 100 trường hợp. Trên thực tế, hôm đó có khoảng 1500 ca thực nhiễm, tăng theo cấp số nhân. Nhưng chính quyền không biết điều đó. Họ chỉ biết là đột ngột có 100 ca nhiễm mới của căn bệnh này.
Hai ngày sau, Vũ Hán bị phong tỏa. Ở thời điểm này, số ca xét nghiệm dương tính mới hằng ngày khoảng 400. Hãy nhớ con số này: họ quyết định đóng cửa toàn thành phố dù chỉ có 400 ca nhiễm mới 1 ngày. Trên thực tế, có khoảng 2500 ca nhiễm mới trong ngày, nhưng họ không biết điều đó.
Ngày hôm sau, 15 thành phố khác ở Hồ Bắc bị phong tỏa.
Tới 23/1, khi Vũ Hán đóng cửa, ta có thể nhìn vào biểu đồ màu xám: nó tăng theo cấp số nhân. Số ca thực nhiễm bùng nổ. Ngay khi Vũ Hán bị phong tỏa, số ca tăng trưởng chậm lại. Ngày 24/1, khi 15 thành phố khác bị phong tỏa, lượng tăng số ca thực nhiễm mới (nhắc lại, cột màu xám) từ từ ngưng dần. Hai ngày sau, số ca thực nhiễm mới đạt tới đỉnh, rồi từ đó giảm dần.
Cần lưu ý rằng cột màu cam (số ca nhiễm được công bố) vẫn tiếp tục tăng trưởng theo cấp số nhân. Trong 12 ngày tiếp theo, trông có vẻ dịch bệnh vẫn bùng nổ. Nhưng không phải. Đó chỉ là những ca bắt đầu có triệu chứng nặng hơn bắt đầu đi khám, và hệ thống xét nghiệm cũng trở nên tốt hơn.
Số ca nhiễm được công bố và số ca thực nhiễm là những khái niệm quan trọng. Hãy ghi nhớ chúng cho phần sau.
Những vùng còn lại của Trung Quốc được chính quyền trung ương điều phối khá tốt, vì thế họ đã ứng phó kịp thời và mạnh mẽ. Kết quả như thế này:

Những đường đi ngang là các khu vực của Trung Quốc có trường hợp nhiễm bệnh. Nơi nào cũng có tiềm năng tăng trưởng cấp số nhân, nhưng nhờ các biện pháp ứng phó được thực hiện chỉ trong vòng mấy ngày cuối tháng 1, tất cả đều chặn được dịch bệnh trước khi lan rộng.
Trong khi đó, Hàn Quốc, Ý và Iran có nguyên cả tháng để học tập. Nhưng không. Họ tăng trưởng ca nhiễm theo cấp số nhân giống y Hồ Bắc, và vượt mọi khu vực khác của Trung Quốc vào cuối tháng 2.
1.3. Các nước phương Đông
Hàn Quốc đã bùng nổ về số ca nhiễm, nhưng liệu bạn có tự hỏi tại sao Nhật, Đài Loan, Singapore, Thái Lan hay Hồng Kông thì không?
Đài Loan còn chẳng vào nổi biểu đồ này, vì họ không có đủ con số tối thiểu 50 ca để vẽ. 
Tất cả mấy nước này đều dính SARS năm 2003, và họ học được từ vụ đó. Họ biết dịch bệnh có thể lây lan và chết chóc như thế nào, vì thế họ biết cách ứng phó nghiêm túc với nó. Đó là lý do số ca của họ, mặc dù bắt đầu tăng trưởng sớm hơn Hàn Quốc rất nhiều, nhưng vẫn có vẻ sẽ không tăng theo cấp số nhân.
Tới giờ, chúng ta đã có những câu chuyện về sự bùng phát của virus Corona, các chính quyền nhận ra nguy cơ, và đang cô lập nó. Tuy nhiên, với những nước còn lại, đây 1 câu chuyện hoàn toàn khác.
Trước khi nhảy tới những nước đó, hãy nói thêm về Hàn Quốc: Nước này hơi ngoại lệ chút. Dịch bệnh đã được cô lập trong 30 ca nhiễm đầu tiên. Bệnh nhân thứ 31 là 1 ca “siêu lây nhiễm” và đã truyền bệnh cho hàng ngàn người khác. Vì virus Corona bắt đầu lây bệnh trước khi có triệu chứng, nên ở thời điểm chính quyền nhận ra vấn đề, thì chuyện đã rồi. Hàn Quốc đang phải trả giá cho những hậu quả gây ra bởi đúng 1 ca bệnh. Nỗ lực cô lập dịch bệnh của họ đã cho thấy kết quả: Ý đã vượt qua họ về số ca nhiễm bệnh, còn Iran thì sẽ vượt họ trong ngày mai (10/3/2020).
1.4. Bang Washington
Ta đã thấy mức tăng trưởng về số ca nhiễm ở các nước phương Tây, và dự báo tình hình sẽ trở nên tồi tệ thế nào chỉ trong vòng 1 tuần. Giờ thử tưởng tượng công tác cô lập dịch bệnh không được thực hiện ở Vũ Hán hay các nước phương Đông, bạn sẽ có 1 dịch bệnh khổng lồ bùng phát.
Hãy xem xét 1 vài trường hợp, ví dụ như bang Washington, vùng vịnh San Francisco, Paris và Madrid.

Bang Washington là Vũ Hán của Hoa Kỳ. Số ca nhiễm đang tăng theo cấp số nhân. Hiện giờ là 140.
Nhưng có gì đó thú vị đã xảy ra từ sớm. Tỷ lệ tử vong cao vọt trần. Đã có lúc, bang có 3 ca nhiễm, 1 trong số đó đã tử vong.
Ta đã biết từ những nơi khác rằng tỷ lệ tử vong của virus Corona nằm giữa khoảng 0.5% tới 5% (có khả năng nghiêng về số sau). Làm sao tỉ lệ tử vong lại lên tới tận 33%? 
Điều này cho thấy dịch bệnh đã lan ra từ hàng tuần trước, mà không bị phát hiện. Không giống như chỉ có 3 ca. Nếu chính quyền chỉ biết có 3 ca, và 1 trong số đó tử vong vì bệnh quá nặng, thì khả năng có một số người cần phải đưa đi xét nghiệm.
Điều này hơi giống cột màu cam và cột màu xám ở Trung Quốc: Ở đây họ chỉ biết tới cột màu cam (số ca công bố) và trông có vẻ tốt đây: vỏn vẹn có 3 ca. Nhưng rất có thể đã có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ca thực nhiễm.
Đây là 1 vấn đề: Ta chỉ biết số ca công bố, nhưng số ca thực nhiễm mới là thứ mà ta cần biết. Và tôi có 1 mô hình tính toán cho cả 2, để ta cùng thử nghiệm số liệu.
Đầu tiên là qua số người tử vong. Nếu trong vùng của bạn có ca tử vong, bạn có thể dùng con số đó để phỏng đoán số ca thực nhiễm hiện tại. Ta biết con số ước chừng về thời gian trung bình từ lúc nhiễm bệnh tới lúc tử vong (17.3 ngày). Vậy người qua đời vào 29/2 ở bang Washington rất có thể nhiễm bệnh khoảng ngày 12/2.
Sau đó, ta có tỷ lệ tử vong. Trong kịch bản này, ta dùng tỷ lệ 1% (ta sẽ bàn kỹ sau). Thế có nghĩa là khoảng ngày 12/2, đã có khoảng xấp xỉ 100 ca nhiễm trong khu vực (chỉ có 1 trong số đó qua đời 17.3 ngày sau).
Thời gian trung bình để nhân đôi đôi số ca cho dịch bệnh này là 6.2. Nghĩa là trong 17 ngày kể từ 12/2 tới khi bệnh nhân qua đời, số ca đã tăng lên gấp 2^(17/6) = ~8 lần. Nghĩa là nếu ta không xét nghiệm tất cả các trường hợp, 1 ca tử vong tương ứng với 800 ca thực nhiễm ở hiện tại.
Bang Washington hiện giờ có 22 ca tử vong. Tính sơ bộ thì tương ứng với hơn 16,000 ca thực nhiễm hiện tại. Ngang với tổng số ca công bố của Ý và Iran cộng lại.
Nếu đi vào chi tiết, chúng ta thấy 19 ca tử vong thuộc cùng 1 cụm lây nhiễm, nên có thể không làm lan rộng. Vậy nếu coi 19 ca tử vong kia chỉ là 1 ca, thì tổng số ca tử vong là 4 ca. Đưa số này vào mô hình tính toán, ta vẫn có tới ~3,000 ca nhiễm bệnh cho tới ngày hôm nay.
Cách tiếp cận của Trevor Bedford là nghiên cứu trực tiếp virus và các biến thể để đánh giá số ca nhiễm hiện tại.
Kết luận là hiện tại có khoảng 1,100 ca nhiễm bệnh ở bang Washington.
Không có cách tiếp cận nào là hoàn hảo, nhưng chúng đều hướng đến cùng một thông điệp: Ta không rõ số ca thực nhiễm là bao nhiêu, nhưng nó lớn hơn số ca công bố rất nhiều. Chúng ta không thể nói về hàng trăm được nữa. Phải là hàng nghìn, thậm chí có thể nhiều hơn. 
1.5. Vùng vịnh San Francisco
Tính đến ngày 8/3, vùng vịnh chưa có ca tử vong nào. Do vậy, ta khó có thể tính được số ca thực nhiễm đang có. Con số chính thức chỉ là 86 ca. Nhưng số xét nghiệm của Hoa Kỳ rất ít, vì họ không có đủ kit thử để dùng. Họ quyết định làm kit thử cho riêng mình, nhưng chúng đã không thể đưa vào sử dụng.
Đây là số trường hợp được xét nghiệm trên thế giới, tính tới 3/3:

Thổ Nhĩ Kỳ, nơi chưa có ca nhiễm nào, có tỷ lệ xét nghiệm trên dân số gấp 10 lần Hoa Kỳ. Tình hình hiện tại ở Hoa Kỳ cũng chẳng khả quan hơn mấy, với khoảng 8,000 xét nghiệm được thực hiện, tức là chỉ có khoảng 4,000 người được xét nghiệm.

Ở đây ta chỉ có thể sử dụng con số được công bố trên để suy ra số ca thực nhiễm. Làm sao để biết dùng cái nào? Với vùng vịnh San Francisco, họ xét nghiệm tất cả những người đã đi du lịch hoặc tiếp xúc với khách du lịch. Tức là họ biết gần như tất cả những ca có liên quan tới du lịch, nhưng không biết những ca lây lan trong cộng đồng. Bằng cách ước đoán mối liên hệ giữa lây lan cộng đồng và lây lan qua du lịch, ta có thể biết số ca thực nhiễm là bao nhiêu.
Nhìn tỷ lệ ở Hàn Quốc, nơi có dữ liệu rất đầy đủ. Ở thời điểm họ có 86 ca, tỷ lệ số ca thuộc lây lan trong cộng đồng trên tổng số ca là 86% (86 và 86% chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên).
Với tỷ lệ này, ta có thể tính ra số ca thực tế. Nếu hiện tại vùng vịnh đang có 86 ca, rất có thể số thực nhiễm sẽ là khoảng 600 ca.
1.6. Pháp và Paris
Pháp công bố rằng họ có 1,400 ca cho tới hôm nay và 30 ca tử vong. Sử dụng 2 phương pháp tính bên trên, ta có khoảng số ca của họ: từ 24,000 tới 140,000 ca thực nhiễm.

Số ca thực nhiễm ở Pháp hiện tại là từ 24,000 tới 140,000 ca.

Để tôi nhắc lại: số ca thực nhiễm ở Pháp rất có thể gấp 10 tới cả 100 lần số ca được công bố chính thức.
Không tin phải không? Nhìn lại biểu đồ Vũ Hán nhé.
Nguồn: Phân tích của Tomas Pueyo dựa trên biểu đồ trong Journal of the American Medical Association, số liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Trung Quốc cung cấp.
Nếu cộng tất cả các cột màu cam tới 22/1, ta có 444 ca. Giờ cộng thêm cả các cột màu xám đi. Sẽ lên tới khoảng ~12,000 ca. Nên khi Vũ Hán nghĩ họ chỉ có 444 ca, thực tế là gấp 27 lần. Nếu Pháp nghĩ họ có 1,400 ca, thì có khi thực tế là hàng chục ngàn.
Tương tự cho Paris. Với khoảng 30 ca trong thành phố, số thực nhiễm có thể là hàng trăm hay hàng ngàn. Với 300 ca trong vùng thủ đô của Pháp (Ile-de-France/Đảo Pháp), số thực nhiễm có thể vượt quá 10,000.
1.7. Tây Ban Nha và Madrid
Tây Ba Nha có số ca tương tự Pháp (1,200 ca so với 1,400 ca, cả 2 đều có 30 ca tử vong). Nghĩa là cách tính của ta vẫn đúng: Tây Ban Nha rất có thể đã có trên 20,000 ca thực nhiễm.
Trong khu vực Cộng đồng Madrid, nơi có khoảng 600 ca công bố và 17 ca tử vong, rất có thể có từ 10,000 đến 60,000 ca thực nhiễm.
Nếu bạn đọc những số liệu này và tự an ủi: “Không thể như thế được, mấy con số này sai cả rồi”, hãy nhớ tới điều này: Khi có số ca tương đương, thì Vũ Hán đã phong tỏa rồi.

Khi có số ca bằng với Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Pháp, Iran, Đức, Nhật hay Thụy Sĩ, thì Vũ Hán đã bị phong tỏa rồi.

Và nếu bạn lại tự an ủi: “Ôi dào, Hồ Bắc chỉ là 1 tỉnh thôi mà”, thì xin được nhắc lại, rằng cái tỉnh ấy có tới 60 triệu người, đông hơn dân số Tây Ban Nha và ngang với Pháp đó.

2. Điều gì sẽ xảy ra nếu số ca nhiễm đó trở thành hiện thực?

Virus Corona đã đến rồi. Nó đang ẩn náu, và lây lan theo cấp số nhân.
Điều gì sẽ xảy đến với chúng ta, khi nó bùng nổ? Không khó để biết, vì có vài nơi đã trải qua ra rồi. Thí dụ tốt nhất là Hồ Bắc và Ý.
2.1. Tỷ lệ tử vong
WHO đưa ra con số 3.4% cho tỷ lệ tử vong (% số người nhiễm bệnh rồi tử vong). Con số này là một định lượng biến thiên, vậy để tôi giải thích nhé.

Nó tùy từng nước và từng thời điểm: từ 0.6% ở Hàn Quốc tới 4.4% ở Iran. Vậy là bao nhiêu? Ta sẽ dùng chút thủ thuật để tính ra.
Có 2 cách để tính tỷ lệ tử vong, đó là Số ca tử vong/Tổng số ca và Số ca tử vong/Số ca đóng sổ. Cách đầu tiên thường sẽ đánh giá thấp tỷ lệ tử vong, bởi vì sẽ có khá nhiều ca cuối cùng vẫn tử vong. Cách thứ 2 thì thì thường đánh giá quá cao tỷ lệ tử vong, vì chốt số chết thì nhanh hơn chốt số hồi phục. 
(T/N: Số ca đóng sổ = Số ca tử vong + Số ca khỏi bệnh)
Điều ta làm là theo dõi thay đổi của cả hai theo thời gian. Hai số này sẽ hội tụ về 1 số cuối cùng, khi tất cả các ca đều kết thúc. Vì vậy nếu ta chiếu xu hướng quá khứ lên tương lai, ta có thể tính được tỷ lệ tử vong là bao nhiêu.
Đó là điều ta nhìn thấy từ số liệu. Tỷ lệ tử vong ở Trung Quốc là từ 3,6% tới 6,1%. Nếu bạn dự đoán số liệu này trong tương lai, có lẽ nó sẽ hội tụ về khoảng 3,8 - 4%. Như vậy là gấp đôi ước tính hiện tại, và nguy hiểm gấp 30 lần cúm thường.
Tuy vậy, nó được quyết định dựa trên 2 sự thật hoàn toàn tách biệt: Hồ Bắc và phần còn lại của Trung Quốc.

Tỷ lệ tử vong ở Hồ Bắc hội tụ về 4,8%. Trong khi đó, ở phần còn lại của Trung Quốc, tỷ lệ này là khoảng 0,9%.

Tôi cũng vẽ biểu đồ về Iran, Ý và Hàn Quốc, những nước duy nhất có số tử vong đủ lớn để những tỷ lệ này trở nên có liên quan.



Iran và Ý đều có tỷ lệ Số ca tử vong/Tổng số ca đang hội tụ về khoảng 3 - 4%. Tôi đoán con số cuối cùng rồi cũng nằm trong phạm vi đó thôi.

Hàn Quốc là ví dụ khá thú vị, bởi vì hai cách tính trên đều không khớp với số liệu của nước này. Tỉ lệ Số ca tử vong/Tổng số ca chỉ bằng 0,6%, nhưng Số ca tử vong / Số ca đóng sổ lại là một gã khổng lồ: 48%. Tôi nghĩ rằng có những điều đặc biệt gì đó đang xảy ra ở đây. Thứ nhất, họ xét nghiệm tất cả mọi người (dựa trên số ca công bố, tỷ lệ tử vong có vẻ thấp), và giữ các ca ở trạng thái đang điều trị lâu hơn (để họ có thể đóng các ca nhanh hơn khi bệnh nhân qua đời). Thứ hai, họ có rất nhiều giường bệnh (xem biểu đồ 17.b). Có thể có những lý do khác mà ta không rõ. Điều liên quan đó là tỷ lệ Số ca tử vong / Tổng số ca vẫn lấp ló xung quanh 0.5% từ đầu tới giờ, cho thấy rằng nó sẽ tiếp tục ở đó, có lẽ là do tác động mạnh mẽ của hệ thống y tế và quản trị khủng hoảng.
Cần lưu ý là phân phối độ tuổi ở mỗi quốc gia cũng có ảnh hưởng: Vì tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều đối với người già, những nước có dân số già như Nhật sẽ dính đòn nặng hơn những nước trẻ như Nigeria. Thời tiết cũng là một yếu tố cần được xét đến, đặc biệt là nhiệt độ và độ ẩm, nhưng vẫn chưa rõ nó ảnh hưởng cỡ nào tới khả năng truyền nhiễm và tỷ lệ tử vong.
Tới đây có thể kết luận:
    • Một số yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng tới tỷ lệ tử vong
    • Bỏ qua những yếu tố đó, những nước nào có sự chuẩn bị sẽ có tỷ lệ tử vong xấp xỉ 0,5% (Hàn Quốc) đến 0,9% (phần còn lại của Trung Quốc).
    • Những nước bị quá tải y tế sẽ có tỷ lệ tử vong xấp xỉ 3 - 5%
Nói cách khác: Quốc gia nào hành động nhanh có thể giảm 9/10 số ca tử vong. Đấy mới chỉ tính tỷ lệ tử vong. Hành động nhanh còn làm giảm mạnh số ca nhiễm, khiến chuyện này trở thành dễ khỏi nghĩ.

Những nước hành động nhanh có số ca tử vong giảm đi ít nhất 10 lần.

Vậy mỗi quốc gia cần chuẩn bị những gì?
2.2. Những vấn đề gây áp lực lên hệ thống
Khoảng 20% số ca cần phải nhập viện, 5% cần điều trị tích cực (Intensive Care Unit - ICU), và khoảng 2.5% cần trợ giúp đặc biệt, với những thiết bị như Máy thở hay Máy tim phổi nhân tạo (ECMO - Extra-corporeal Oxygenation - Ô-xy hoá máu qua màng ngoài cơ thể).


Vấn đề là các thiết bị như Máy thở hay ECMO không dễ sản xuất hay mua hàng loạt. Ví dụ, vài năm trước, cả Hoa Kỳ chỉ có khoảng 250 máy ECMO.
Vậy nếu đột nhiên có 100,000 người nhiễm bệnh, rất nhiều người trong số đó muốn đi xét nghiệm. Khoảng 20,000 người cần nhập viện, 5,000 người cần điều trị tích cực, và 1,000 cần những máy móc mà chúng ta hiện giờ chưa có đủ. Và đó mới chỉ là 100,000 ca thôi đó.
Đó còn chưa tính những vấn đề như khẩu trang y tế. Một quốc gia như Hoa Kỳ cũng chỉ có sẵn 1% số lượng cần thiết để đảm bảo nhu cầu của nhân viên y tế (12 triệu khẩu trang N95, 30 triệu khẩu trang phẫu thuật - so sánh với nhu cầu 3.5 tỷ khẩu trang). Nếu nhiều ca nhiễm xuất hiện cùng lúc, sẽ chỉ đủ khẩu trang dùng cho 2 tuần.
Một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông hay Singapore, cũng như các vùng khác của Trung Quốc ngoài Hồ Bắc, đã được chuẩn bị và cung cấp những gì bệnh nhân cần.
Nhưng những nước phương Tây khác lại có vẻ đi theo hướng của Hồ Bắc và Ý. Chuyện gì đang xảy ra vậy?
2.3. Hệ thống y tế quá tải như thế nào?
Những câu chuyện xảy ra ở Hồ Bắc và Ý giống nhau 1 cách bí hiểm. Hồ Bắc xây 2 bệnh viện dã chiến trong 10 ngày, nhưng kể cả thế, nó vẫn bị quá tải hoàn toàn.


Cả hai đều than phiền rằng bệnh nhân ngập cả bệnh viện của họ. Họ phải nhận điều trị khắp mọi nơi: giữa hành lang, trong phòng chờ…
Tôi đặc biệt đề nghị bạn đọc tweet ngắn này của Jason Van Schoor, nó cho thấy bức tranh trần trụi về hoàn cảnh của Ý bây giờ. 
"Từ 1 người bạn đáng kính và cũng là bác sĩ cấp cứu hiện đang ở phía Bắc nước Ý:
1/ Tôi cảm thấy áp lực khi đưa cho bạn những cập nhật mới nhất về những gì đang xảy ra ở Ý, và cũng đưa cho bạn những lời khuyên trực tiếp về việc nên làm gì.
2/ Đầu tiên, Lombardy là vùng phát triển bậc nhất ở Ý, và nó có hệ thống chăm sóc sức khỏe đỉnh cao. Tôi từng làm việc ở Ý, Anh và Úc nên đừng có nhầm lẫn rằng những gì đang xảy ra ở đây giống như ở các nước thế giới thứ ba. (T/N: các nước đang phát triển)
3/ Tình hình hiện tại rất khó tưởng tượng và nói chung số má cũng khó giải thích được mọi thứ. Các bệnh viện của chúng tôi đều ngập lụt trong COVID-19, và đang phải làm việc với 200% khả năng.
4/ Chúng tôi dẹp hết các loại thủ tục giấy tờ, tất cả các phòng điều hành (OR) đều bị chuyển thành các đơn vị trị liệu tích cực (ITU). Họ chuyển viện hoặc từ chối điều trị tất cả các ca khẩn cấp khác như chấn thương hay đột quỵ. Có hàng trăm bệnh nhân suy hô hấp trầm trọng và nhiều người trong số họ chẳng có bất cứ thứ gì ngoài mặt nạ thở túi ô-xy.
5/ Bệnh nhân trên 65 hoặc trẻ hơn với bệnh nền thậm chí còn không được thăm khám. Tôi không nói là không có ống thở. Tôi đang nói là còn không được khám và không có nhân viên trị liệu tích cực nào lưu tâm tới khi bắt gặp họ. Nhân viên đang làm việc hết sức có thể, nhưng họ bắt đầu bị ốm và sụp đổ về tinh thần.
6/ Bạn bè gọi cho tôi trong nước mắt, họ thấy bệnh nhân chết đi trước mặt mình và chẳng làm được gì khác ngoài cung cấp thêm ô-xy. Bác sĩ chỉnh hình và nghiên cứu sinh được quẳng cho tờ hướng dẫn, rồi bị bắt đi trông bệnh nhân NIV (thở máy không xâm lấn). LÀM ƠN NGỪNG LẠI, HÃY ĐỌC LẠI VÀ NGHĨ ĐI.
7/ Chúng tôi thấy tình trạng này được lặp lại ở nhiều nơi khác nhau 1 tuần trước, và không có lý do gì trong vài tuần tới nó không lặp lại ở khắp mọi nơi. Đây là hình mẫu:
8/ 1) Ban đầu có một vài ca dương tính, chữa trị tương đối nhẹ nhàng, mọi người được nhắc tránh khu cấp cứu, nhưng họ vẫn gặp gỡ nhau trong các nhóm, ai cũng bảo đừng hoảng loạn. 
   2) Một số người suy hô hấp nhẹ, vài người bị nặng cần máy thở, nhưng bệnh nhân bình thường đến phòng cấp cứu giảm đáng kể, nên mọi thứ vẫn tốt.
9/ 3) Rất nhiều bệnh nhân suy hô hấp nhẹ, theo thời gian bắt đầu trở nặng. Đầu tiên họ chiếm hết các phòng điều trị tích cực (ICUs), sau đó tới Máy thở không xâm lấn (NIVs), rồi đến Máy áp lực dương liên tục (CPAP), thậm chí hết cả Ô-xy. 
   4) Nhân viên bắt đầu bị bệnh nên khó tìm được người thay ca, số người chết tăng vọt vì đủ loại nguyên nhân khác không được điều trị đúng.
10/ Mọi thông tin về việc đối xử với dịch bệnh lúc này đều có trên mạng, nhưng điều duy nhất thực sự có tác dụng là: đừng e ngại những biện pháp ứng phó mạnh mẽ và nghiêm khắc, để giữ mọi người an toàn.
11/ Nếu chính quyền không làm điều đó thì ít nhất hãy giữ gia đình bạn an toàn. Người thân của bạn với lịch sử bệnh nền như ung thư, tiểu đường hay ghép tạng sẽ không có ống thở khi cần đâu, ngay cả khi họ còn trẻ. Để an toàn, ý tôi là BẠN đừng gặp họ, và BẠN quyết định ai sẽ gặp và BẠN dạy họ làm thế nào.
12/ Một thái độ điển hình khác là đọc và nghe mọi người đưa tin tương tự như tôi, và nghĩ: “Eo ơi tệ nhỉ”. Sau đó tót ra ngoài ăn tối, vì tưởng mình an toàn.
13/ Chúng tôi đã chứng kiến những gì xảy ra. Bạn thì chưa vì bạn không coi trọng lắm. Tôi thực sự mong chỗ bạn sẽ không tệ như ở đây, nhưng hãy chuẩn bị.
Nhân viên y tế làm việc nhiều tiếng đồng hồ trong 1 bộ quần áo bảo hộ duy nhất, vì không có đồ thay. (T/N: đồ bảo hộ y tế hạng nhẹ buộc phải tiêu hủy sau khi tiếp xúc với người bệnh/nguồn bệnh). Kết quả là, họ không thể rời khu vực lây nhiễm trong hàng giờ liền. Khi đi ra, họ gục ngã, mất nước, và kiệt sức. Không có chuyện thay ca. Mọi người bị đuổi khỏi nơi nghỉ ngơi để đi phục vụ các yêu cầu. Chẳng ai biết rằng có những người phải làm việc suốt cả đêm để đảm bảo ứng phó đầy đủ với những tình huống nguy kịch. Tất cả đều túc trực sẵn sàng bất cứ lúc nào.
Francesca Mangiatordi, y tá người Ý, nằm gục giữa trận chiến với virus Corona
Và mọi chuyện cứ diễn ra theo cách như vậy cho tới khi họ bị ốm. Điều này xảy ra thường xuyên, bởi vì họ thường xuyên tiếp xúc với virus, với trang thiết bị thiếu thốn. Khi điều này xảy ra, họ sẽ bị cách ly 14 ngày, và không thể giúp đỡ ai cả. Trường hợp tốt nhất là 2 tuần. Trường hợp tệ nhất là ra đi mãi mãi.
Tồi tệ hơn cả là ở các phòng điều trị tích cực (ICUs), khi bệnh nhân cần chia sẻ máy thở hay máy ECMO. Thực tế là không chia sẻ được, và nhân viên y tế phải quyết định bệnh nhân nào sẽ được dùng nó. Tức là quyết định ai được sống, và ai phải chết.

“Sau vài ngày, chúng tôi buộc phải chọn lựa. […] Không phải ai cũng được luồn ống khí quản. Chúng tôi quyết định dựa trên tuổi và tình trạng sức khỏe.” 

— Bác sĩ Christian Salaroli, Ý.

Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ tới thăm bệnh nhân nhiễm virus Corona, trong bộ phận điều trị tích cực tại 1 bệnh viện ở Vũ Hán, ngày 6/2, theo Washington Post.
Và tất cả những điều trên đã làm cho hệ thống có tỷ lệ tử vong xấp xỉ 4% thay vì 0.5%. Nếu bạn muốn thành phố hay đất nước của mình về với đội 4%, thì giờ chả cần làm gì hết.
Ảnh vệ tinh chụp nghĩa trang Behesht Masoumeh tại Qom, Iran. Ảnh: ©2020 Maxar Technologies. Đăng trên The Guardian and the The New York Times

3. Ta nên làm gì?

3.1. Kéo giãn đường cong lây nhiễm
COVID-19 nay đã trở thành đại dịch toàn cầu. Nó bất bại. Vậy ta có thể làm gì, để giảm nhẹ ảnh hưởng của nó?
Vài nước đã làm gương trong vấn đề này. Đứng đầu là Đài Loan, nơi gắn kết vô cùng chặt chẽ với Trung Quốc, nhưng tới nay vẫn dưới 50 ca. Tài liệu này giải thích tất cả những đối sách họ thực hiện gần đây, chúng đều tập trung vào cô lập hóa.
Đài Loan có thể cô lập được nó, nhưng hầu hết các nước khác đều thiếu kinh nghiệm này, và đã thất bại. Bây giờ, họ phải chơi 1 trò chơi mới: Giảm thiểu nguy cơ lây lan. Họ cần phải khiến con virus này càng trở nên vô hại càng tốt.
Nếu giảm được số ca nhiễm xuống mức thấp nhất có thể, hệ thống y tế của chúng ta sẽ có thể điều trị tốt hơn rất nhiều, đẩy tỷ lệ tử vong xuống. Và nếu kéo dài được việc lây nhiễm theo thời gian, chúng ta sẽ đạt tới thời điểm mà phần còn lại của cộng đồng có vắc-xin, lúc đó nguy cơ sẽ được loại bỏ hoàn toàn. Do đó mục tiêu của ta không phải là chấm dứt việc lây lan. Mà là hoãn nó lại.
Chúng ta hoãn lại càng nhiều ca lây nhiễm, thì hệ thống y tế càng hoạt động hiệu quả, tỷ lệ tử vong càng thấp, và phần dân số được tiêm vắc-xin trước khi bị lây càng cao.
Làm thế nào để ta kéo giãn đường cong lây nhiễm?
3.2. Phân cách xã hội
Có một cách rất đơn giản mà ta có thể làm và nó sẽ hiệu quả: phân cách xã hội.
Nếu quay trở lại biểu đồ Vũ Hán, ta sẽ nhớ rằng ngay khi thành phố được phong tỏa, số ca nhiễm mới lập tức tăng chậm lại. Đó là bởi vì người dân không tiếp xúc với nhau nữa, vì thế virus không lây lan được.
Khoa học hiện tại đều thống nhất là con virus này chỉ có thể lây lan trong bán kính 2 mét, nếu có ai đó ho. Ngoài phạm vi này, những giọt bắn nhỏ sẽ rơi xuống đất và không truyền bệnh cho người khác.
Nguy hiểm nhất là truyền bệnh trên một số bề mặt: Virus Corona có thể sống tới 9 ngày trên một số bề mặt như kim loại, gốm sứ và đồ nhựa. Nghĩa là những thứ như tay nắm cửa, mặt bàn, nút bấm thang máy chính là những vật trung gian truyền nhiễm ghê rợn.
Cách duy nhất để giảm bớt khả năng lây nhiễm là phân cách xã hội: Giữ mọi người ở nhà càng nhiều càng tốt, càng lâu càng tốt, cho tới khi dịch bệnh lắng dần.
Điều này đã được chứng minh trong quá khứ. Cụ thể, là trong đại dịch cúm 1918.
3.3. Bài học từ đại dịch cúm 1918

Ta có thể thấy Philadelphia đã không hành động nhanh chóng, và nhận bước nhảy vọt kinh hoàng về tỷ lệ tử vong thế nào. Hãy so sánh với St Louis, nơi đã hành động kịp thời.
Sau đó nhìn sang Denver, nơi ban hành các biện pháp ứng phó rồi sau đó lại nới lỏng. Tỷ lệ tử vong của họ có 2 lần lập đỉnh, với lần sau cao hơn lần trước.

Khái quát lại, đây là những gì ta tìm được:

Biểu đồ này cho thấy, đối với dịch cúm 1918 ở Hoa Kỳ, số ca tử vong của mỗi thành phố tùy thuộc vào phản ứng được thực hiện nhanh hay chậm. Ví dụ, St Louis phản ứng sớm hơn Pittsburg 6 ngày, nên có tỷ lệ Số ca tử vong / Số dân nhỏ hơn 1 nửa của Pittsburg. Tính trung bình, phản ứng sớm hơn 20 ngày sẽ giảm 1 nửa tỷ lệ tử vong.
Nước Ý cuối cùng đã phát hiện ra điều này. Đầu tiên họ phong tỏa Lombardy vào Chủ Nhật, và 1 ngày sau - thứ Hai - họ nhận ra sai lầm và quyết định phải phong toả toàn quốc.
Hy vọng chúng ta sẽ nhìn thấy kết quả vào những ngày tới. Dù sao thì cũng cần một đến hai tuần để thấy được kết quả. Hãy nhớ lại biểu đồ Vũ Hán: có một khoảng trễ 12 ngày từ thời điểm công bố phong tỏa thành phố cho tới thời điểm số ca công bố mới (cột màu cam) bắt đầu giảm dần.
3.4. Các chính trị gia góp phần như thế nào?
Câu hỏi các chính trị gia tự hỏi mình hôm nay không phải là họ có nên làm gì không, mà là họ làm gì thì hợp lý?
Có vài giai đoạn để kiểm soát dịch bệnh, bắt đầu từ dự tính trước và kết thúc bằng việc tiễu trừ bệnh dịch. Với mức độ của dịch bệnh hiện tại, chỉ có 2 lựa chọn trước mặt các chính trị gia là cô lập và giảm thiểu.
3.4.1. Cô lập
Cô lập dịch bệnh là việc đảm bảo tất cả các ca nhiễm đều được xác định, kiểm soát và cách ly. Đây là những gì Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản và Đài Loan đã làm rất tốt: nhanh chóng giới hạn nhập cảnh, xác định người ốm, nhanh chóng cách ly họ, sử dụng trang bị bảo hộ hạng nặng để bảo vệ nhân viên y tế, theo dõi tất cả mối liên hệ của họ và thực hiện cách ly kiểm dịch… Việc này có hiệu quả rất tốt nếu ta được chuẩn bị và làm từ sớm, và không nhất thiết phải đóng cửa nền kinh tế mới thực hiện được.
Ta vừa mới ca ngợi cách tiếp cận của Đài Loan. Nhưng Trung Quốc cũng không kém. Độ dài mà quá trình cô lập virus của họ vươn ra thật đáng thán phục. Ví dụ, họ có gần 1,800 đội, mỗi đội 5 người, để theo dõi tất cả những người nhiễm bệnh, những người tiếp xúc với người nhiễm bệnh, và cả những người tiếp xúc với người tiếp xúc… rồi cô lập cả cụm. Đó là cách mà họ có thể cô lập được virus trên 1 đất nước tỷ dân.
Đó không phải là cách những nước phương Tây đã làm. Và giờ đã quá muộn. Hoa Kỳ mới đây công bố cấm hầu hết các chuyến đi từ Châu Âu. Đó là 1 biện pháp mang tính cô lập của 1 quốc gia có số ca hiện tại đã gấp 3 lần số ca ở Hồ Bắc khi họ phong tỏa, và đang tăng với cấp số nhân. Làm sao mà biết thế đã đủ chưa? Thực ra ta có thể biết được bằng việc nhìn vào quá trình Vũ Hán phong thành.
Biểu đồ này cho thấy ảnh hưởng của lệnh cấm xuất/nhập ở Vũ Hán, nó đã góp phần làm chậm dịch bệnh. Kích thước hình tròn thể hiện số ca nhiễm mới. Dòng đầu tiên thể hiện số ca nếu không làm gì cả, 2 dòng còn lại thể hiện ảnh hưởng khi 40% và 90% lượng nhập thành bị chặn lại. Đây là mô hình tạo bởi chuyên gia dịch tễ học, vì ta không thể biết chắc được.
Nếu bạn thấy chả khác mấy, thì bạn đúng rồi. Rất khó để thấy sự thay đổi trong quá trình phát triển của dịch bệnh.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, nói chung, lệnh cấm nhập thành của Vũ Hán làm chậm lại quá trình phát tán khoảng 3-5 ngày.
Vậy còn tốc độ lây nhiễm giảm xuống sẽ ảnh hưởng như thế nào?

Khối đầu vẫn giống như biểu đồ lúc nãy. Hai khối dưới cho thấy ảnh hưởng khi tốc độ lây nhiễm giảm xuống. Nếu tốc độ lây nhiễm giảm 25% (thông qua phân cách xã hội), nó kéo giãn đường cong nhiễm bệnh và trì hoãn thời điểm đạt đỉnh những 14 tuần. Nếu tốc độ lây nhiễm giảm 50%, ta còn không thể nhận ra là có dịch bệnh trong vòng 1 quý.
Lệnh cấm nhập cảnh từ châu Âu của Hoa Kỳ cũng tốt: Nó có thể mua cho chúng ta vài tiếng đồng hồ, hoặc 1-2 ngày. Nhưng không hơn. Thế là không đủ. Đó là biện pháp cô lập trong khi cái mà họ cần là biện pháp giảm thiểu.
Một khi có hàng trăm hoặc hàng ngàn ca nhiễm đang tăng trưởng trong cộng đồng, ngăn chặn thêm ca mới tới, theo dõi những ca hiện tại và cách ly những người tiếp xúc là không đủ nữa. Bước tiếp theo là Giảm thiểu.
3.4.2. Giảm thiểu 
Giảm thiểu tốc độ lan truyền của dịch bệnh đòi hỏi những biện pháp cộng đồng nặng nề. Mọi người cần phải ngưng gặp nhau để giảm tốc độ lây nhiễm (R), từ R=~2-3 nếu không có biện pháp nào, xuống dưới 1. Lúc đó dịch bệnh chắc chắn sẽ kết thúc.
Những biện pháp ứng phó này sẽ yêu cầu đóng cửa công ty, cửa hàng, vận tải công cộng, trường học, thực hiện giới nghiêm… Tình hình càng tệ, thì phân cách xã hội càng nặng nề. Càng sớm áp đặt các biện pháp mạnh, thì càng ít thời gian ta phải duy trì chúng, càng dễ xác định các ca ủ bệnh, và càng ít người bị nhiễm bệnh.
Đó là những gì Vũ Hán đã làm. Đó là những gì Ý buộc phải chấp nhận. Bởi khi virus hoành hành, biện pháp duy nhất là làm cho tất cả các khu vực lây nhiễm ngừng lan rộng ngay lập tức.
Với hàng ngàn ca công bố — và hàng chục ngàn ca thực nhiễm — đó là những điều các nước Iran, Pháp, Tây Ba Nha, Đức, Thụy Sĩ hoặc cả Hoa Kỳ nên làm.
Một số công ty sẽ được làm việc tại nhà, thật là không tưởng.
Một số sự kiện lớn sẽ bị hủy bỏ.
Một số khu vực lây nhiễm sẽ bị cách ly kiểm dịch. Tất cả các biện pháp này sẽ làm giảm tốc độ lây lan của virus. Chúng sẽ giảm tốc độ lây nhiễm từ 2,5 xuống 2,2, thậm chí 2. Nhưng vẫn không đủ để đưa tốc độ lây nhiễm về dưới 1, để chúng ta có được 1 khoảng thời gian duy trì, để có thể chấm dứt dịch bệnh. Nếu chúng ta không làm được điều đó, chúng ta cần đưa nó về càng gần 1 càng lâu càng tốt, để kéo giãn đường cong lây nhiễm.
Câu hỏi được đặt ra là: Ta phải trả giá thế nào, để có thể giảm R xuống? Đây là thực đơn mà người Ý bày trước mặt chúng ta:
    • Không ai được vào hoặc ra các khu vực phong tỏa, trừ khi chứng minh được có gia đình bên trong hoặc vì lý do công việc.
    • Di chuyển bên trong các khu vực bị hạn chế, trừ khi có các lý do chính đáng khẩn cấp không thể trì hoãn về cá nhân hay công việc.
    • Người có triệu chứng (viêm nhiễm đường hô hấp và ốm) được “nhiệt tình đề nghị" ở nhà.
    • Thời gian nghỉ phép tiêu chuẩn của nhân viên y tế bị tạm dừng.
    • Đóng tất cả các cơ sở giáo dục (phổ thông, đại học…), phòng gym, bảo tàng, khu trượt tuyết, các trung tâm văn hóa xã hội, bể bơi, nhà hát...
    • Quán bar và nhà hàng chỉ được mở cửa từ 6h sáng đến 6h chiều, yêu cầu mọi người cách nhau ít nhất 1m.
    • Tất cả sàn nhảy và câu lạc bộ phải đóng cửa.
    • Mọi hoạt động thương mại phải giữ khoảng cách giữa các khách hàng ít nhất 1m. Không làm được sẽ bị đóng cửa. Các địa điểm tôn giáo được phép mở cửa, miễn là giữ được khoảng cách này.
    • Gia đình và bạn bè tới bệnh viện thăm hỏi sẽ bị giới hạn.
    • Họp hành công việc sẽ bị hoãn lại. Làm việc ở nhà được khuyến khích.
    • Mọi hoạt động thể thao hay thi đấu, công cộng hay riêng tư, đều phải hủy. Các sự kiện quan trọng có thể được tổ chức, nhưng phải trong khu vực hoàn toàn kín.
Chỉ hai ngày sau, họ bổ sung: Không, trên thực tế, phải đóng tất cả các hoạt động kinh doanh phi cấp thiết. Chúng tôi sẽ đóng tất cả các hoạt động thương mại, văn phòng, cà phê và cửa hàng. Chỉ có vận tải, dược phẩm, nhu yếu phẩm được phép tiếp tục mở cửa.
Có một cách tiếp cận là từ từ tăng dần các biện pháp ứng phó. Không may là, cách này cấp thời gian quý giá cho virus có cơ hội lan rộng. Nếu muốn an toàn, hãy chơi kiểu Vũ Hán. Mọi người sẽ lèm bèm bây giờ, nhưng sẽ biết ơn bạn sau này.
3.5. Các lãnh đạo doanh nghiệp góp phần như thế nào?
Nếu bạn là chủ doanh nghiệp, và bạn muốn biết nên làm gì, tài nguyên tốt nhất cho bạn là Câu lạc bộ Ngồi nhà (Staying Home Club).
Đó là 1 danh sách các quy tắc phân cách xã hội, do 1 nhóm các công ty công nghệ Hoa Kỳ ban hành — tới hiện tại là 328 công ty.
Chúng bao gồm từ cho phép tới yêu cầu Làm Việc Tại Nhà, và giới hạn thăm hỏi, du lịch, hoặc tham gia sự kiện.
Còn nhiều vấn đề khác mà mọi công ty phải xác định, ví dụ như làm gì với nhân công tính giờ, có nên giữ văn phòng mở cửa hay không, làm sao để tiến hành phỏng vấn, làm gì với căng-tin… Nếu bạn muốn biết công ty của tôi, Course Hero, làm như nào, cùng với mẫu thông báo cho nhân viên của bạn, thì đây là cái mà công ty tôi dùng (bản chỉ xem).
4. Khi nào làm?
Rất có thể tới đây thì bạn đã đồng ý với những gì tôi vừa nói, và đang tự hỏi từ đầu tới giờ: khi nào thì đưa ra quyết định nào. Nói cách khác, yếu tố thúc đẩy nào ta nên có, tương ứng với từng biện pháp ứng phó được đưa ra.
4.1. Mô hình tính toán trên nền rủi ro
Để giải quyết vấn đề này, tôi đã tạo ra một mô hình tính toán.
Nó cho phép đánh giá số ca nhiễm trong khu vực của bạn, xác suất nhân viên của bạn đã nhiễm bệnh, tăng trưởng lây lân như thế nào, và làm thế nào nó nói bạn có nên tiếp tục mở cửa hay không.
Nó sẽ cung cấp cho bạn những thông tin như này:
    • Nếu công ty có 100 nhân viên, sống ở bang Washington, nơi đang có 11 ca tử vong từ 8/3, thì khả năng có ít nhất 1 nhân viên nhiệm bệnh là 25%, và bạn nên đóng cửa văn phòng ngay lập tức.
    • Nếu công ty có 250 nhân viên, hầu hết ở Vịnh Nam (quận San Mateo và Santa Clara, tổng cộng có 22 ca công bố vào ngày 8/3, và số thực nhiễm khoảng ít nhất 54), thì tới 3/9 khả năng có ít nhất 1 nhân viên nhiễm bệnh là xấp xỉ ~2%, và bạn cũng nên đóng cửa văn phòng luôn.
    • Nếu công ty của bạn ở Paris (nội đô), và có 250 nhân viên, thì hiện tại khả năng có ít nhất 1 nhân viên nhiễm bệnh lên tới 95%, và bạn nên đóng cửa văn phòng vào ngày mai. (Cập nhật 12/3)
Mô hình này sử dụng các đầu vào là “công ty” hay “nhân viên”, nhưng bạn có thể dùng cho bất cứ đối tượng nào khác: trường học, nhà ga… Vậy nếu bạn chỉ có 50 nhân viên ở Paris, tất cả họ đều dùng tàu điện, đi qua hàng ngàn người hàng ngày, thì khả năng ít nhất 1 người nhiễm bệnh sẽ cao hơn nhiều, và bạn nên đóng cửa văn phòng ngay lập tức.
Nếu bạn vẫn còn chần chừ bởi vì chưa ai có triệu chứng, thì hãy nhớ rằng có tới 26% lây bệnh cho người khác trước xuất hiện triệu chứng.
4.2. Bạn nằm trong một nhóm các lãnh đạo?
Tính toán này vẫn ích kỷ. Nó chỉ tính rủi ro của từng công ty riêng biệt, cho phép ta chấp nhận rủi ro tới mức mong muốn, đến khi khi cái búa bất khả kháng của virus Corona đóng cửa văn phòng của ta lại.
Nhưng nếu bạn là thành viên của một liên minh các lãnh đạo doanh nghiệp hay chính trị gia, tính toán của bạn không chỉ cho một công ty, mà phải cho tất cả. Bài toán trở thành: Nếu bạn là một nhóm 50 công ty, mỗi công ty trung bình có 250 nhân viên, hoạt động ở vùng vịnh San Francisco, khả năng ít nhất 1 công ty có 1 người nhiễm là 35%, và sang tuần sau sẽ là 97%. Tôi đã thêm 1 thẻ trong mô hình để cho bạn thử tính toán.
5. Kết luận: Cái giá của chần chừ
Có thể cảm thấy hơi đáng sợ để đưa ra quyết định hôm nay, nhưng bạn không nên nghĩ theo hướng đó.

Mô hình lý thuyết này mô tả các cộng đồng khác nhau: Một cộng đồng không thực hiện phân cách xã hội, một cộng đồng thực hiện ở Ngày n của dịch bệnh, cộng đồng còn lại thực hiện ở Ngày n+1. Tất cả các con số hoàn toàn là giả định (tôi chọn số sao cho gần giống với Hồ Bắc, với tối đa xấp xỉ 6000 ca nhiễm mới mỗi ngày). Chúng ở đây để minh họa rằng chỉ một ngày có thể quan trọng tới mức nào với dịch bệnh tăng trưởng theo cấp số nhân. Ta có thể thấy rằng chỉ trì hoãn 1 ngày thôi, sẽ làm cho đỉnh dịch đến chậm hơn và cao hơn, rồi sau đó mới hội tụ về 0.
Thế còn tổng số ca nhiễm thì sao?

Trong mô hình lý thuyết mô phỏng Hồ Bắc này, chỉ trì hoãn thêm 1 ngày sẽ tăng thêm 40% ca nhiễm bệnh! Vì thế, có thể, nếu chính quyền Hồ Bắc công bố phong tỏa vào 22/1 thay vì 23/1, họ có thể bớt đi tận 20000 ca nhiễm bệnh.
Và nhớ rằng, đó mới chỉ là số ca. Số ca tử vong có thể còn cao hơn nhiều, bởi vì nó không chỉ tăng 40% số ca tử vong trực tiếp. Hệ thống y tế sẽ bị sụp đổ nặng hơn, dẫn tới tỷ lệ tử vong tăng gấp 10 lần như ta đã phân tích ở trên. Bởi vậy, chỉ cần một ngày chênh lệch khi thực thi các biện pháp phân cách xã hội, có thể kết thúc bằng sự bùng nổ số ca tử vong trong cộng đồng của bạn, bởi số ca nhiễm nhiều hơn nhân với tỷ lệ tử vong cao hơn.
Đây là nguy cơ theo cấp số nhân. Đếm từng ngày. Khi bạn trì hoãn quyết định chỉ một ngày, bạn có lẽ không chỉ đóng góp thêm vài ca nhiễm bệnh. Rất có thể đang có hàng trăm hoặc hàng ngàn ca nhiễm bệnh trong cộng đồng rồi. Mỗi một ngày còn chưa phân cách xã hội, những ca đó sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân.
6. Hãy chia sẻ
Đây có thể là lần duy nhất trong cả thập kỷ qua, việc chia sẻ một bài viết có thể cứu được mạng người. Họ cần phải hiểu để ngăn chặn 1 thảm họa. Thời điểm phải hành động là ngay bây giờ!

Tác giả: Tomas Pueyo từ Medium
Dịch giả: Mathilda Lando từ QRVN