Bài này tương đối linh tinh, đại khái giống kiểu tâm sự nhảm hơn là một bài mang giá trị kiến thức, nên là mong bạn đừng đọc nếu không muốn phí thời gian, còn nếu dư dả, thì xin cảm ơn và mời bạn đọc.
Chẳng là tôi vừa lướt qua một video trên Youtube về một Mangaka tên Hisashi Eguchi, tác giả của bộ truyện Stop!! Hibari-kun! Bạn có thể xem video clip ấy ở đây.

Ông là một người đã có tuổi, sinh sống ở quận Kichijo, thành phố Tokyo. Ông ta thích nghe nhạc, cuối những năm 70 là lúc một làn sóng âm nhạc mới tràn vào nơi ông sinh sống. Một cửa hàng bán băng đĩa, nơi người chủ, người mà ông cho là có hiểu biết sâu rộng về âm nhạc, giới thiệu ông vài bản thu âm mới. Ông không thể đợi để có thể thưởng thức nó. Thành phố nơi ông ta sống thay đổi từng ngày, tất cả đều đã khác xưa ngoại trừ công viên, ông không thích điều đó và dường như ông rất nhớ khung cảnh ngày trước. Eguchi thích vẽ, ông đã vẽ gần như cả cuộc đời của mình. Mỗi khi ghé tiệm sách cũ, ông ta lại nghĩ về lí do tại sao mình theo đuổi cái nghề Mangaka này. Những bữa nhậu cùng đồng nghiệp trong quán ăn nhỏ họ thường lui tới, nơi có ông chủ quán già luôn mời chào khách ăn thật nhiều, Eguchi và đồng nghiệp ngồi tán nhảm, bàn chuyện phiếm và suy nghĩ về những ý tưởng mới. Bộ manga Stop!! Hibari-kun!! của ông kể câu chuyện về một chàng trai ăn mặc giống con gái, một câu chuyện thể loại Comedy (Super trap, he was way ahead of his time). Eguchi luôn cố để vẽ sao cho nhân vật chính của mình trong thật đáng yêu và giống phụ nữ. Mẫu phụ nữ lí tưởng của ông không phải là người phụ nữ mà ông thích, mà là mẫu người Eguchi muốn trở thành nếu ông ta là phụ nữ.
It's a Trap
Thật sự tôi chẳng biết mình đang viết cái gì, không phải phân tích, không phải cảm nhận, nó giống một trang nhật kí hơn là thứ gì đó có giá trị về mặt kiến thức. Nhìn vào Eguchi, tôi tự hỏi, theo đuổi đam mê và khi về già, liệu mình sẽ giống như ông ấy, tôi thấy như vậy khá tuyệt. Tôi cũng có thứ mình thích, đó là nấu ăn. Tôi không dám gọi nó là ước mơ, không dám 100% theo đuổi nghề đầu bếp mặc dù rất muốn, vì một khi hiểu được những khó khăn, ta phải luôn cân nhắc thật kĩ lưỡng, trở thành đầu bếp giỏi hay thành một Mangaka nổi tiếng, đều khó như nhau cả. Bây giờ, điều duy nhất mà tôi có thể làm là lấp đầy những khuyết điểm của bản thân bằng sự nỗ lực, một đứa mà vạch xuất phát của nó đã thấp hơn hẳn so với người khác, một đứa biết bản thân nó chắc chắn không thể làm được bằng người khác, chỉ có thể bù lại bằng sự nỗ lực và “cứng đầu”, thế đấy. Không biết Eguchi đã nghĩ gì khi ông quyết định làm công việc này, liệu nó đến với ông như một sự tình cờ, hay liệu Eguchi đã phải chật vật để theo đuổi nó, và liệu ông ta có cho rằng trở thành Mangaka là đam mê của bản thân? Ai biết được, đi mà hỏi ổng.
Tôi nhớ tới một nhân vật mà tôi đã từng viết một bài nhưng rồi lại bỏ dở giữa chừng, Goto trong bộ Anime/Manga Kakushigoto (tạm dịch là bí mật của bố). Một câu chuyện tuyệt vời (8.05 trên MyAnimelist cũng khá ấn tượng)

Chuyện kể về Goto, một người đàn ông góa vợ, sống cùng cô con gái 11 tuổi, Hime. Goto có một bí mật, anh ta là Mangaka vẽ truyện Ecchi (đại khái giống truyện bựa, gần với khiêu dâm nhưng không bằng Hentai), và người nhất định không được biết bí mật đó chính là Hime bé bỏng. Một người bố luôn cố phải cân bằng giữa công việc và trách nhiệm làm cha, một cô con gái ngây thơ hồn nhiên nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ, một gia đình tuy thiếu thốn hạnh phúc nhưng vẫn tràn ngập tiếng cười. Những tình huống khó đỡ liên tục xuất hiện vì hành động “che đậy” của ông bố cộng thêm sự ngây thơ đáng yêu của cô công chúa, một niềm hạnh phúc nhẹ nhàng, và chúng ta, người xem chỉ muốn nó kéo dài mãi mãi. Nhưng chúng ta cũng hiểu rằng, đằng sau những tiếng cười ấy là sự thật cay đắng. Goto thì luôn trong trạng thái áp lực vì sợ mất đi công việc còn Hime phải lớn lên mà không có hơi ấm của mẹ, và thực chất, không phải chỉ có duy nhất một bí mật, và cũng không phải chỉ có mình Hime là không được biết. Có một đoạn trong truyện mà tôi rất thích, đó là khi ông ngoại của Hime có cuộc trò chuyện ngắn với Goto.


Ngoại: một ngày nào đó Hime-chan bảo muốn lấy một thằng Mangaka mà tác phẩm đầu tay của nó là “Quần bay trong gió” liệu mày có chấp nhận được không.
Goto: tất nhiên là không có chuyện đó rồi!!
Ngoại: vậy thì mày bắt đầu hiểu rồi đó.
Goto hiểu chứ, nhưng anh vừa phải bảo vệ cho đam mê của bản thân, vừa phải bảo vệ cho gia đình nhỏ, bằng nhiều cách khác nhau. Người đàn ông ấy đã trải qua biết bao bất hạnh trong cuộc đời, vẫn tiếp tục tiến lên vì tình yêu dành cho đứa con gái bé bỏng, nói ra thì sến súa, nhưng đấy quả thực là một sự hi sinh cao cả.
Tôi luôn ngưỡng mộ nhân vật này, cho rằng nó là một hình mẫu lí tưởng của một người đàn ông trong gia đình. Và tác giả của Kakushigoto ông Koji Kumeta, liệu rằng khi ông viết nên tác phẩm này, ông có đang viết về chính cuộc đời mình, vì thật ra, nhân vật Goto có khá nhiều nét tương đồng với chính tác giả (có thể xem qua buổi phỏng vấn của Kumeta)
Tôi luôn muốn trở nên tốt hơn, trong cả việc làm cha, tôi muốn làm được những gì mà cha tôi đã làm được, và cả những việc ông đã không thể làm, còn nếu không, tốt nhất là không nên. (Càng to càng nhỏ, chừng nào mới tiến hóa được đây?)
Thì ra lớn lên là như vậy, trở thành cha là như vậy, chắc đây chỉ mới là một phần nhỏ trong một đống thứ hổ lốn ngoài kia. Cơ mà một thằng còn chưa sang được tuổi 18 thì viết mấy cái linh tinh này làm gì, thôi thì để đấy, lớn rồi đọc, còn giờ thì.
Oyasumi (Chúc ngủ ngon).