Như bao người bạn cùng trang lứa, tôi gặp Nguyễn Tuân lần đầu ở Chữ người tử tù. Nhưng phải đến lần gặp thứ hai, Người lái đò sông Đà, tôi mới thực sự chú ý đến ông. Cách ông liên tưởng, nối kết những cảm giác trong kinh nghiệm thực sự làm tôi kinh ngạc:
Chao ôi, trông con sông vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng.
Thông thường, chúng ta sẽ dễ dãi gọi tên cảm giác bằng một cách diễn đạt đã thành thông tục, “vui như trẩy hội” hoặc “vui như tết”. Nhưng đó lại là những cách nói rất sáo, vì không có cái vui nào giống cái vui nào. Cái vui của Nguyễn Tuân, sau thời gian dài đi đường rừng bít bùng cây cỏ, đang thèm chỗ thoáng mà lại được thấy con sông, được ông ví với những cái vui khác mà ông đã từng có: Không sáo mà vẫn đúng làm sao!
Chính những câu văn trong Người lái đò sông Đà đã đẩy tôi vào một hành trình đọc Nguyễn Tuân dài dằng dặc, mà cả khi viết những dòng này, tôi vẫn chỉ thấy hành trình đọc trước mắt mình là một đường chân trời xa thẳm.
Nguyễn Tuân đã bênh vực cho cái thú xê dịch của tôi những năm đầu Đại học, thời mà chữ “phượt” chừng như chỉ lác đác trên một số diễn đàn.
Chữ dùng của Nguyễn Tuân đã ám vào tôi tới mức, tôi dùng lại chúng trong các bài viết của mình, như “phóng túng hình hài” (trong Chiếc lư đồng mắt cua), “liễm kết cái u uẩn” (trong Chùa đàn) hay “rượu đỏ như máu Chúa” (trong Nhà Nguyễn).
Cứ qua mỗi một chặng của hành trình đọc Nguyễn Tuân, tôi lại nhìn ra một điều khác về con người ấy. Như trong những ngày này, nghĩ về Nguyễn Tuân, tôi thấy ông giống như cánh cửa thần kỳ của Doraemon. Chỉ cần vặn tay nắm và mở ra, tôi sẽ bước ngay vào không gian văn nghệ Việt Nam thế kỷ XX.
Vì sao tôi lại nói như vậy?
Bởi vì dựng lại hành trạng của Nguyễn Tuân - điều rất cần thiết để thực sự hiểu ông - là gặp được biết bao nhiêu khuôn mặt văn nghệ, nhiều không thua kém gì hồi ký của Tạ Tỵ.
Trong cái chuyến vượt biên đầu tiên, Nguyễn Tuân đã đi cùng Lương Đức Thiệp. Chính đó là lý do khiến ông bị câu lưu và chịu quản thúc một thời gian ở Thanh Hóa. Thời gian này, Vũ Bằng và Nguyễn Doãn Vượng đã vào Thanh để mời ông làm phóng viên cho Trung Bắc Tân Văn (mà Nguyễn Văn Vĩnh đã sang cho Nguyễn Văn Luận). Và ông bắt đầu quen Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
Khi sức sáng tác của ông ngày càng mạnh mẽ, với các bài viết xuất hiện ngày càng nhiều, trên Đông Tây, An Nam tạp chí, Tiểu thuyết thứ bảy…, mối quan hệ trong văn giới của ông cũng ngày càng mở rộng. 
Ngoài viết lách, ông còn diễn kịch và đóng phim nữa. Ông đóng cho các vớ Kim tiền của Vi Huyền Đắc, Ngã ba của Đoàn Phú Tứ. Và trong những ngày tháng cuối cùng của năm Đinh Sửu 1937, chuyển sang năm Mậu Dần 1938, ông đang cùng đoàn làm phim Cánh đồng ma của Đàm Quang Thiện thăm thú đất Hong Kong. Trải nghiệm này đã được ông ghi lại trong Một chuyến đi.
Những năm gần về tuổi 30, như rất nhiều những văn nghệ sĩ khác ở Hà Nội thời bấy giờ, ông cũng hay nằm bên bàn đèn và điếu đóm. Tất tần tật những gì trải qua được ông ghi lại trong Ngọn đèn dầu lạcTàn đèn dầu lạc. Còn Chiếc lư đồng mắt cua là gì? Theo tôi, nó không chỉ là câu chuyện của trụy lạc, mà nó rộng hơn, bao hàm cả những ấn tượng của Nguyễn Tuân về cả thời niên thiếu.
Năm 1939, ông bắt đầu đăng những truyện như Bữa rượu đầu lâu hay Những chiếc ấm đất lên Tao Đàn, những truyện mà một năm sau được nhà xuất bản Tân Dân tập hợp lại in thành Vang bóng một thời. Chính đây là tác phẩm đã tạo dựng cho ông một địa vị vững vàng trong văn giới. Đến cả tờ Ngày nay của Tự Lực văn đoàn cũng viết một bài khen (nên biết rằng, Tự Lực văn đoàn hiếm khi phục ai ngoài văn đoàn). Vũ Ngọc Phan thì phải viết trong Nhà văn hiện đại (một cuốn mà Nguyễn Tuân phê là “chẳng có trouvaille gì, gọi là cái catalogue St étienne littéraire”) phải nói đến như “một văn phẩm gần tới sự toàn thiện, toàn mỹ”.
Chỗ này cần có một cái mở ngoặc. Vũ Ngọc Phan giải thích lý do ông gọi là “gần tới” mà chưa “tới” là, có những chỗ viết mang tính gượng ép, như tả cảnh pháp trường mà “trời chiều có một vẽ dữ dội. Mặt đất lại sáng hơn nền trời”. Theo ông, như vậy là chưa được. Nhưng Nguyễn Tuân quan niệm khác, Nguyễn Tuân cho rằng: “Tác phẩm văn học mà không tạo ra được cái atmosphère thì không có giá trị gì. Cái atmosphère nó làm cho cùng một hiện tượng, cùng một sự việc mà thành màu sắc xanh đỏ tím vàng khác nhau. Cái chi tiết nước sông Hồng dâng cao trong bài Hà Nội giải tù Mỹ qua phố Hà Nội là cái chi tiết tạo không khí như thế. 
Sau này, người ta hay bảo Nguyễn Tuân hèn và “tồn tại được là vì biết sợ”. Nhưng theo tôi, tất cả những người nói câu đó đều không bao giờ hiểu được Nguyễn Tuân của giai đoạn 1940-1945. Muốn thấy được câu chuyện này, phải lý giải được, vì sao Nguyễn Tuân bị câu lưu lần thứ hai và phải đi tù? Vũ Bằng thì nói Nguyễn Tuân làm tạp chí Văn hóa với Phùng Bảo Thạch, còn Tô Hoài thì nói Nguyễn Tuân không hề làm chính trị những năm này, đi căn là chỉ là vì chứa chấp Phùng ở Am sông Tô, tức nhà của Nguyễn Tuân ở Hà Nội.
Hành trạng của Nguyễn Tuân giai đoạn này cực kỳ khó xác định, chủ yếu vì thiếu vắng tư liệu - một điều đủ nói lên sự phức tạp sâu xa bên trong của một thời kỳ lịch sử.
Muốn hiểu về Nguyễn Tuân lúc này, phải đọc kỹ Nguyễn. Tập Nguyễn vốn được xuất bản năm 1945, nhưng tác phẩm quan trọng nhất của nó, Nhà Nguyễn, lại được viết năm 1940. Và ở đó, chúng ta nhất thiết phải lưu ý đến đoạn này:
Nàng lấy những móng tay nhọn hoắt - đỏ như lá móng một ngày tết Đoan Ngọ - cậy những tảng nến đổ xuống mặt bàn, hình thù cổ quái như những cây thạch nhũ rủ buông dưới vòm đá động. Những cục sáp phí hoang quằn quại đau khổ dưới bàn tay đẹp của một người đàn bà căn cơ. Sao cái bàn tay ngón tháp bút ấy lại là một cái bàn tay của tiết kiệm?

Người ta có kể lại rằng ngày xưa, triều vua LỘ Y XVI, trong cung nội sáp thắp xa xỉ như cháy rừng, chưa hết cây này đã nối thêm cây khác. Trông thấy mà tiếc của giời, có những người cung nữ hèn mọn đã hót những mẩu bạch lạp ấy đem bán trộm ra ngoài trăm họ. Những cái của mót rơi vãi ấy, một đêm dự yến, đã đem lại hàng ngàn hàng triệu phật lăng cho bọn cung nhân, đủ thành một cái gia tài để dưỡng cái tuổi già khi Thánh Thượng thải hồi, cho họ trở về với cuộc đời bách tính. Cuộc Cách Mệnh nổi lên; những người đẹp tàn xuân và căn cơ ấy, bị cuộn theo luồng gió loạn ly, không kịp hưởng chỗ công của chắt chiu nọ. Hỡi ôi!

Người ta còn kể chuyện thêm về những người hủi, bị xã hội lành mạnh bắt biệt trí ra một khu hoang tịch mà sống nốt cái sống thừa mỗi ngày tứ chi mỗi thêm tê liệt, thịt co dần lại, xương mòn ngắn đi. Rồi có những người đàn bà quá lứa và nhỡ nhàng trong duyên phận, bỗng động lòng trắc ẩn, tình nguyện đem một cái xuân già vào hẳn giữa cái nhân loại tật bệnh căn khổ ấy, nâng khăn sửa túi đồng lần cho những tổ trùng Hansen và lúc được tự hoại hoàn toàn, còn lấy làm tự kiêu rằng sự hy sinh ấy mới đáng gọi là một cử chỉ từ thiện không cần mong đến sự đền đáp.

EM ơi, sao EM chẳng được là những bậc thiếu phụ nguyện làm một nội tướng chung và khuất nhục của cả đám hủi ấy mà EM lại chỉ là một người cung nhân ngồi hót những giọt nước mắt bạch lạp khô cứng của một đêm truy hoan bằng hối tiếc và vị kỷ?
Chúng ta chẳng là gì cả. EM và tôi là không đáng kể, sống trên những ước lệ không đáng kể của một thứ luân lý đầy những thành kiến của di truyền. Bao giờ (...) EM ơi! Cái Buổi Chiều Lớn của Tính Tình?
Đấy là dấu hiệu của một sự lựa chọn đang manh nha. Lựa chọn giữa cái gì với cái gì?
Nếu theo dõi tiếp những trước tác của ông sau đó, nhất là Chùa đàn, có thể nhận ra ngay đó là lựa chọn giữa hoặc là lột xác, hoặc là
chết.
Đúng vậy, tôi đồng tình với quan điểm của Phan Ngọc, tôi tin rằng rất có thể nếu không lột xác, Nguyễn Tuân sẽ chết.
Điều này cũng có nghĩa là, toàn bộ những gì người ta nói về Nguyễn Tuân theo cách ông bị ngoại lực thúc ép, dồn bước chỉ toàn là những lời của những người không hiểu gì về ông cả.
Cần phải hiểu sự lột xác ở ông, trước hết, phải là một sự tự thỏa hiệp. Ở Chùa đàn, nó được biểu lộ ra thành hủy diệt để tái sinh. Cái mong muốn này không hề hiếm ở những người nghệ sĩ (Thanh Tâm Tuyền chẳng phải đã từng mang cảm thức tương tự trong Phục sinh) và càng đúng với những người nghệ sĩ mang cuộc đời của mình ra để làm một cuộc thí nghiệm cho nghệ thuật. 
Chính những đầu óc mang nặng ý hướng tính đã dẫn người ta đến một cách đọc Chùa đàn rất phi văn chương (Hà Thủy Nguyên là một ca điển hình). Họ còn dẫn cả lời bình (được cho là) của Khái Hưng để chê bai việc thêm vào hai phần Dựng  Mưỡu cuối.
Họ không bao giờ chịu hiểu rằng, lựa chọn thêm vào ấy, trước hết, phải xuất phát từ chính Nguyễn Tuân, chứ không ai có thể kề dao vào cổ uy hiếp ông phải thêm vào. Chính Nguyễn Tuân, như lời của Thê Húc Phạm Văn Hạnh nói, đã lựa chọn “đóng cái khung thời đại vào trong bức tranh thiên cổ” đó.
Trước lựa chọn đó, Nguyễn Tuân đã đi đến quyết định nào? 
Nguyễn Tuân đã chọn lột xác, hay tự hủy diệt để tái sinh, và trong cái lựa chọn đó có bao gồm việc ở lại, ở lại để "nhận đường", để "phụng sự", để nhìn thấy Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, để đi Tây Bắc, để nhìn sông Đà,...
Một trong những điều làm nên tầm vóc lớn lao của Nguyễn Tuân là, trong sự chuyển biến của văn chương ông, chúng ta đọc được câu chuyện của thế kỷ XX, từ lụi tàn của Nho phong, những mông lung của tiền chiến đến tin yêu của kháng chiến và ... 
Nguyễn Tuân là con người của thế kỷ.
Và có lẽ chính đó cũng là lý do mà Tô Hoài đã lựa chọn ông như một sợi dây nối kết để kể lại thế kỷ theo cách của mình trong Cát bụi chân ai.
Trịnh Nhật Tuân