Người ta thường gắn hai chữ "một mình" với tính từ "cô đơn". Đối với tôi, một mình không có nghĩa là cô đơn, nhưng cô đơn sẽ là tập con của một mình.
10 tuổi, ngủ một mình là bình thường theo lẽ tự nhiên. 10 tuổi, chơi một mình sẽ được gắn với chứng tự kỉ. 30 tuổi, ngủ một mình có thể dẫn đến cô đơn. Nhưng làm việc một mình như thói quen không thể bỏ.

Người ta hỏi tôi "đi du lịch một mình như vậy có cô đơn không?" Trả lời không thì là đang nói dối. Còn cóchưa chắc đã là lời đáp trọn vẹn. Đôi lúc, một câu hỏi không thể cứ chấp nhận chắc nịch một trong hai phương án ''có'' hoặc ''không''. Cuộc sống phức tạp hơn ta tưởng. Cùng một bài toán, giải vòng vo cũng ra đáp số, có người giải ngắn gọn mà vẫn giành trọn điểm 10. Cô đơn lại là thứ thuộc về cảm xúc, không thể cân đo đong đếm bằng những con số hay thang điểm.
Có người ngộ nhận cô đơn đồng nghĩa với cô độc, đơn côi. Nhưng mỗi từ sẽ một sắc thái riêng, bản thân người viết như tôi cũng khó lòng giải nghĩa. Cô đơn là sự trống trải, đơn độc, là cảm xúc tận sâu thẳm bên trong trái tim con người mà họ có thể che dấu dễ dàng bởi một nụ cười hay sự hoạt bát, năng động thường ngày. Cô đơn ấy cấu xé, dày vò tinh thần khiến bạn mất năng lượng, khiến bạn lãnh đạm, vô cảm và buồn bã, chán nản. Cô đơn quá thì đi tìm cách giải thoát cô đơn. Và cô đơn quá cũng có thể dẫn đến trầm cảm, nỗi tuyệt vọng về cuộc sống đến muốn chết đi hay mất kiểm soát vào những hành động mình đang làm, bi quan về cuộc sống.
Tôi gặp nhiều người và cảm giác được sự cô đơn tỏa ra từ chính ánh mắt và hình dáng của họ. Họ có thể là gã lái xe ôm truyền thống mỏi mòn đợi khách, bà cụ bán vé số bước qua ngõ này đến đường kia nài nỉ người ta mua từng tờ. Cái khổ hóa cô đơn. Sự nghèo khó cũng hóa cô độc. Cô đơn thuộc về cảm xúc nhưng chính vật chất quyết định ý thức con người. Nay tôi đã hiểu ra những gì triết học dạy, đó là khi tôi áp dụng nó vào thực tế.
Ngồi ở vị trí không ai ngồi được phải chịu những cảm giác không ai chịu được. Thế nên, càng leo cao, càng cô đơn, vì lúc ấy, trách nhiệm đã khác, cấp bậc đã khác, sự bình thường không còn nữa thì phải chịu những cảm xúc khác thường. Mục tiêu cao cũng gây cô đơn. Chọn con đường khác bạn bè cũng cô đơn. Xã hội này là một tập thể cô đơn, dù ít dù nhiều, ai ai cũng từng trải. Người cô đơn ghét sự thương hại, và lắm lúc họ lầm tưởng sự quan tâm của người khác là hành động thương hại họ, họ chối bỏ không nhận giúp đỡ. Đôi khi, người ta cũng tự mang mình vào trạng thái cô đơn, vì một lý do chính đáng hoặc không vì một lý do quan trọng nào.

Tôi gặp anh S. vào một buổi trưa tại Leng Keng 13, anh bảo rằng, những người viết và ăn nằm cùng ngành sáng tạo luôn luôn nhạy cảm, trong tiếng Anh gọi là moody. Dù trí tưởng tượng của họ có tuyệt vời và xuất chúng đến đâu, nó cũng phải dựa trên những trải nghiệm có thật, dựa trên nền sự thật nào đó. Robot chắc không thể viết về cô đơn, nhưng tôi có thể viết về cô đơn và câu văn có thể được đồng cảm bởi nhiều người.
Môi trường cũng khiến con người dễ cô đơn. Ngày đi làm, tăng động đến mức đồng nghiệp chào thua, vậy mà tối về, đứng tắm dưới vòi hoa sen sao cảm thấy cuộc đời mình trống trải và cô đơn đến phát sợ. Người ta không nhận ra rằng cảm xúc của họ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi mức độ ánh sáng, tiếng ồn, cảnh vật, con người và màu sắc xung quanh. Muốn thoát khỏi cô đơn mà cứ ngồi lỳ trong phòng tối hoài thì có khi nghĩ đến tự tử không đùa.
Con người ta bắt đầu đi tìm cách thoát khỏi cô đơn. Hút một điếu thuốc nhỉ? Tôi ghét thuốc lắm, nhưng khi tôi thấy nhân vật mình yêu thích cũng hút thuốc và anh hút rất nhiều điếu để có thể trả lời câu hỏi của tôi, tôi bắt đầu hiểu ra vì sao người ta hút thuốc. Không phải để có cảm giác phê phê, để trông ngầu hơn, không phải để kích thích tính sáng tạo, mà là vì người ta muốn giải tỏa căng thẳng và kích thích cảm xúc bằng thứ gì đó, và những chất có trong thuốc lá sẽ là lời giải cho bài toán cảm xúc của họ. Nay tôi nói chuyện với chị D., người hơn 10 năm làm việc trực tiếp với các nghệ sĩ, chị cũng hút thuốc, mỗi ngày một gói, để giải tỏa căng thẳng và áp lực. Và không những thế, điếu thuốc họ cầm trên tay bỗng trở thành một người bạn, thứ duy nhất có thể tâm sự với cảm xúc cô đơn và căng thẳng của họ. Hút thuốc không ngừng được cô đơn, vì cô đơn là căn bệnh chập chờn, không phải là cơn đau bụng thông thường, uống thuốc thì khỏi, không phải cảm lạnh có thể ngăn ngừa. Cô đơn xuất hiện mọi lúc mọi nơi, như một bóng ma chập chờn ngoài cửa và gõ bất cứ lúc nào như đứa trẻ nghịch ngợm. Cô đơn quá cũng dẫn đến quyết định sai lầm. Đàn ông cô đơn quá có thể tìm đến những cô gái họ không yêu, và vì có thể không gần cạnh được cô gái họ yêu, họ qua lại với người khác như một cách giải tỏa sự cô đơn và trống trải của mình.
Có người nào sống trên đời mà có thể mất đi được sự tương tác đâu. Sự tương tác giữa người với người là tập con của sự tương tác nói chung. Khi cô đơn, cảm xúc của họ đang tự tương tác bên trong, họ nghĩ đủ thứ, họ nghĩ vẩn vơ, và chính vì thế, cảm xúc của họ bùng nổ như núi lửa có lúc phải phun trào. Họ tìm một cái cây để nói, họ trò chuyện với người máy, họ xem búp bê là người, họ trò chuyện cho đỡ cô đơn.
Có những người được vây quanh bởi rất nhiều người mà vẫn cảm thấy cô đơn. Cô đơn vì không ai hiểu mình, vì không ai chơi, vì không biết cách chia sẻ cảm xúc, vì kém xinh nên tự ti, vì kém cỏi nên hạn chế tiếp xúc, vì hoàn cảnh gia đình, vì tầng lớp thấp,... vì đủ mọi thứ. Đôi lúc tự nhủ sao cuộc sống này khó khăn quá? Càng đi, càng thấy nó không dễ dàng chút nào? Tại sao người ta có thể cười suốt ngày được, cuộc sống của anh kia có vẻ nhàn hạ và hạnh phúc quá? Khi buồn, người ta nghĩ rằng cả thế giới đang hạnh phúc. Khi cô đơn, người ta chả thèm bận tâm đến thế giới ngoài kia tồn tại trong trạng thái nào. Mỗi ngày, chúng ta bật thật nhiều chế độ khác nhau: sáng dậy, chế độ vui vẻ; trưa về, chế độ đói meo; chiều tàn, chế độ mệt lử; tối đến, chế độ cô đơn. Cô đơn vì họ cảm giác không được ai quan tâm. Cô đơn vì thế giới này ngỡ chừng có vẻ hạnh phúc chỉ trừ mình họ. Nhưng cô đơn phải chăng là cảm xúc xuất phát từ sự ích kỷ của bạn? Đôi khi bạn có nghĩ rằng mình cô đơn để nhận được sự quan tâm của người khác hay chăng?