“Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” là câu nói đã quá đỗi quen thuộc với tất cả chúng ta, dù có lẽ giờ chẳng còn mấy ai thực sự nghĩ đến chuyện mồng ba về tết thầy nữa. Thôi thì, nhân nay ngày mồng ba, mình muốn viết một chút về cái nghề giờ đã chẳng còn bụi phấn bay bay nhưng (mình tin) vẫn rất đáng để mất giọng lao tâm này!!!
Tình cờ hôm 29/1 rồi mình có tham gia một event nho nhỏ qua Zoom, chủ đề là về ngành y. Trong buổi hôm ấy có cô bạn (có lẽ còn hơn tuổi mình) mà vẫn đang học đại học y ở Pháp. Cô chia sẻ mọi người mới biết: trước cô đã học xong đại học y ở Việt Nam, rồi bỏ ngang sang Pháp đi làm được 6 7 năm gì rồi, nhưng giờ lại quay lại học y. Lý do là vì cô nghĩ mãi, để cuối cùng quyết định rằng khó có nghề nào mà một người có thể nhìn thấy ngay ý nghĩa công việc của mình như ngành y. Sau khi nghĩ được thông suốt như thế, dù có vất vả, cô vẫn quyết định chọn lại và đi tiếp con đường này.
Lời chia sẻ ấy làm mình vấn vương mãi, rồi quay ra tự hỏi đã có lúc nào mình nhận thấy được ý nghĩa của nghề "gõ đầu trẻ" mà mình vẫn đang cố gắng theo đuổi này hay chưa? Vì mình mới đi dạy được vài năm nên thực ra chả khó để gợi lại, và may mắn là có một kỷ niệm khá đẹp muốn chia sẻ với các Nhện.
Mình nhớ như in cái hôm nhận được tin nhắn của cậu học trò: "Em được first class (kiểu tương tự bằng giỏi ở VN) rồi thầy ơi. Em cám ơn thầy! Em sẽ theo học tiếp lên Master, và sẽ cố gắng để theo được con đường toán kinh tế này". Cậu học trò ấy là người rất chậm, hơi nhút nhát, mỗi lần đến lớp là thu mình vào một góc. Nhưng mình cứ thỉnh thoảng lại đảo qua chỗ cậu, hoặc đứng ngay đấy giảng bài cho cả lớp, hoặc hỏi trực tiếp cậu xem cậu có câu hỏi hay vướng mắc gì không. Chỉ học mình có đúng 1 kỳ, mà thế nào đến lúc làm bài luận cuối khoá cậu lại lò rò đến văn phòng của mình, rồi gõ cửa (khi cửa đang mở), rồi bẽn lẽn hỏi mình xem mình có giúp hướng dẫn cậu được không. Mình đồng ý, và thế là hai thầy trò đồng hành với nhau trong gần 2 tháng ấy, để cuối cùng cậu có cái kết quả như vậy (sau này từ đồng nghiệp của mình - người hướng dẫn được chỉ định cho cậu và chấm bài cậu - mình mới biết điểm bài luận của cậu cao gần nhất cả khoá năm ấy).
Mình nhớ cái lúc nhận được tin nhắn của cậu, mình đã bần thần mất một lúc lâu. Vì mình nghĩ, đó có lẽ chính là cái đích cuối cùng mà mình mong muốn đạt được trong nghề: dạy hết chương trình hay không không quan trọng, mà làm sao để mấy đứa học trò hiểu rằng chúng có khả năng tiếp thu kiến thức, và hiểu rằng khi chúng có thể tự tin vào bản thân, vào khả năng tiếp thu ấy, chúng sẽ có thể bay rất cao, rất xa trong thế giới này. 
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Thực ra, mình hiểu chứ, ở thời đại công nghệ này, rất dễ để có thể tìm được trên mạng những bài giảng cực hay, cực cuốn hút, hoàn toàn free mà lại muốn bật lên học lúc nào cũng được. Có lẽ điều đó lại vô tình đặt thêm áp lực lên vai những người thầy, người cô mới vào nghề. Vì chưa kể để đạt đến sự uyên thâm như mấy người thầy với bài giảng được lan rộng như thế là điều có lẽ không tưởng, mà ngay cả kinh nghiệm dạy cũng cần thời gian tích lũy, để có được cho mình một bộ kỹ năng để có thể làm chủ lớp học và điều tiết bài giảng sao cho hợp lý.
Nhưng mình tin, điểm quan trọng nhất, vẫn chính là sự chân thành và tận tâm mà thôi.
Vì, nếu mình không nhầm, vẫn có cái gì đó mà học trò sẽ cảm nhận được khi ở trong cùng một lớp học/giảng đường với một người thầy người cô tận tâm, và thực lòng mong muốn đem kiến thức đến cho học trò.
Vậy nên, hãy cứ luôn vững bước, và giữ lấy sự nhiệt huyết, tận tâm của mình nhé, những người thầy, người cô trẻ của Động mình :)
Và tặng bạn 1 đoạn trong Freedom Writers, mà bất cứ lúc nào mệt mỏi quá, hay có chút chênh vênh với nghề, mình cũng đều bật lại xem.
Mrs Gruwell, my crazy English teacher from last year, is the only person that made me think of hope …
A Dreamer