Rõ ràng năm 2021 là một năm sóng gió với hầu hết người Việt, dù ít hay nhiều, dù ngắn hay dài. Chúng ta đã không may mắn khi phải trải qua một sự kiện hiếm có trong lịch sử nhân loại là đại dịch Covid-19 và không có gì đảm bảo rằng chuyện này sẽ sớm kết thúc hoặc sẽ không lặp lại trong thời gian ngắn.
Nhưng nếu nhìn về mặt tích cực, việc giãn cách xã hội và làm việc từ xa mở ra cho chúng ta cơ hội hiếm có để chúng ta có nhiều thời gian, thứ vốn rất xa xỉ khi chúng ta lớn lên, để nhìn lại về bản thân mình, về những thứ mình đã trải qua. Với bản thân mình, để chống lại sự khó chịu cũng như căng thẳng về mặt tinh thần suốt 4 tháng ở nhà, mình đã cố gắng duy trì việc đọc và học tập trực tuyến trong những lúc rảnh rỗi không làm việc của công ty.
Mình viết bài này là để chia sẻ những lời khuyên, những điều đọng lại với bản thân mình sau những gì mình đã trải qua được trong năm 2021 kì lạ này.

1. Khi đưa ra những quyết định quan trọng, bạn phải biết rõ lý do tại sao bạn làm điều đó

Chữ đầu tiên mình muốn nhấn mạnh là chữ quan trọng. Trong cuộc sống hằng ngày, có nhiều lần chúng ta có thể thoải mái chi tiêu cho những thú vui nhỏ nhặt (tùy bạn định nghĩa thế nào là nhỏ nhặt) và không bận tâm quá nhiều cho điều đó: cuối tuần đi uống Starbucks vì thích, cuối tháng lãnh lương đi bar club vì muốn được "xõa", mua một dàn loa mới để xem phim ở nhà cho sướng. Những thứ đó chúng ta không cần suy tính quá nhiều khi bỏ tiền ra để có bởi vì những suy tính chi li cho những sở thích nho nhỏ sẽ tước đi niềm vui trong cuộc sống.
Tuy nhiên những quyết định quan trọng hơn, và phần lớn chúng sẽ liên quan đến tiền bạc và sức khỏe, thì thật sự cần một sự suy nghĩ thật thấu đáo. Mặc dù điều viết ra ở đây nghe thì thật là hiển nhiên nhưng thực tế, khi phải đối diện với những quyết định, những lựa chọn khó khăn này trong cuộc đời, chúng ta thường tìm kiếm những câu trả lời có sẵn ngoài kia hơn là tự mình dành thời gian tìm hiểu. Thường những gì chúng ta tìm thấy nó đều là những lời khuyên, những quy tắc vô cùng ngẫu nhiên, đầy chất hên xui may rủi, và khi chúng ta áp dụng chúng và thất bại, chúng ta đổ lỗi tại số phận, tại người khác.
Có lẽ lợi ích lớn nhất của mấy chục năm cắp sách đi học đem lại cho mình là nhận ra được rằng điều gì là quan trọng trong cuộc sống để dành nhiều thời gian quyết định cho đúng.
Mình nhận ra được điều này khi nghe bài nói của Peter Lynch thực hiện hồi tháng 10 năm 1994. Ông là một trong những nhà đầu tư huyền thoại của nước Mỹ, đứng ngang hàng với những người tầm cỡ như Warren Buffet. Quỹ Fidelity do ông quản lý suốt 13 năm đã ghi nhận giá trị tài sản tăng từ 18 triệu USD lên 14 tỷ USD, với mức tăng trưởng trung bình hằng năm là 29%.
Trong bài phát biểu hồi tháng 10 năm 1994 ở khách sạn National Press Club, Peter Lynch đã nói như sau:
"Và điều quan trọng nhất đối với tôi khi tham gia vào thị trường chứng khoán, và với tất cả mọi người, đó là biết bạn đang nắm cái gì. Tôi rất kinh ngạc khi biết có rất nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu và họ không thể nói cho bạn biết lý do tại sao họ lại nắm giữ cổ phiếu đó. Họ không thể giải thích được dù chỉ trong một phút tại sao họ lại nắm nó. Thật ra nếu bạn ép họ, thì họ hẳn sẽ nói thế này: "Lý do tôi nắm cái cổ phiếu rác này là vì nó sẽ tăng giá". Và vậy thôi, đó là lý do duy nhất. Đó là lý do duy nhất họ mua chúng. Và nếu bạn không thể giải thích - và tôi đang nghiêm túc, nếu bạn không thể giải thích cho một đứa trẻ 10 tuổi trong vòng hai phút tại sao bạn lại giữ cổ phiếu này, tốt nhất là bạn đừng giữ nó. Và tôi nghĩ rằng 80% nhà đầu tư hiện tại đang gặp tình trạng như vậy".
Peter Lynch cũng chia sẻ rằng nếu nhà đầu tư không nắm rõ được tại sao người đó chọn cổ phiếu đó ngay từ ban đầu, người đó sẽ dễ dàng bị xoay chuyển bởi thị trường, và đưa ra những quyết định ngẫu nhiên hoặc bị chi phối bởi cảm xúc, dẫn đến bị sai lầm. Ông chia sẻ rằng khi mới vào làm ở quỹ Fidelity, ông đã đưa ra quyết định mua vào một cổ phiếu vì một lý do đơn giản, và rất ngẫu nhiên, đó là vì nó đang giảm mạnh, và ông nghĩ rằng nó không thể giảm thêm được nũa.
"Cổ phiếu của Kaiser Industries đã giảm từ 26 đô xuống còn 16 đô. Tôi nói rằng "Nó sao mà còn giảm nhiều được nữa khi đang ở mức 16 đô?". Do đó tôi nghĩ quỹ của chúng tôi đã thực hiện một lệnh giao dịch lớn nhất từ trước đến giờ trên sàn chứng khoán Hoa Kỳ khi mua vào cổ phiếu này ở mức 14 đô. Tôi cứ nói: "Nó đã giảm từ 26 đô xuống còn 16 đô, nó còn có thể giảm thêm được bao nhiêu?" Khi nó giảm về 10 USD, tôi đã gọi cho mẹ tôi và nói: "Mẹ, mẹ nhìn cổ phiếu của Kaiser Industries này. Nó sao mà còn có thể giảm nhiều hơn được nữa? Nó đã giảm từ 26 đô xuống còn 10 đô." Thế rồi nó giảm còn 6 đô. Rồi nó còn 5 đô. Rồi nó xuống 4 đô, sau đó thì xuống còn 3 đô."
Hãy nghĩ xem, nếu bạn mua đầu tư một thứ gi đó và nó mất hơn 80% giá trị trong vòng chưa đến nửa năm thì bạn sẽ cảm thấy như thế nào, bạn sẽ làm gì? Hoảng loạn và day dứt, tự trách bản thân, tâm trí tràn ngập căng thẳng? Hẳn bạn cũng sẽ như nhiều người khác, bán ngay khi cổ phiếu vừa giảm để cắt lỗ. Chàng trai trẻ Peter Lynch hẳn cũng đã trải qua những cung bậc cảm xúc như vậy, nhưng may mắn thay, đi kèm một quyết định sai lầm của anh là một sự hiểu biết thấu đáo. Ông hiểu tường tận về năng lực tài chính và cách vận hành của Kaiser Industries, ông tin rằng thị trường đang định giá sai hoàn toàn cho một cổ phiếu quá tốt và do đó ông đã giữ chúng.
Sau này ông chốt lời khi cổ phiếu của Kaiser tăng lên mức 50 đô. Ông cũng thừa nhận rằng ông đã đưa ra quyết định mua vào sớm một cách sai lầm vì nghĩ đơn giản nó không thể giảm hơn được nữa.
Bạn có thể nghe toàn bộ bài nói ở đây. Đoạn trích dẫn đầu tiên nằm ở phút thứ 11.
Khi chúng ta không hiểu thấu đáo được lý do chúng ta đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc đời mình, chúng ta dễ dàng mất kiểm soát cuộc sống của bản thân khi những gì chúng ta kỳ vọng khác xa với những gì xảy ra trên thực tế.
Mình vừa rồi có gặp và nói chuyện với một người bạn làm mảng tư vấn du học. Bạn kể về những gì bạn biết được về cuộc sống du học sinh, trong đó có chuyện về hai sinh viên trẻ đi du học ở châu Âu. Cả hai người đều quyết định đi du học ở Anh Quốc, một người đi du học vì có họ hàng xa sống ở đó, coi như là có chỗ ở, việc còn lại là kiếm ngôi trường gần nhà để học rồi dự định tốt nghiệp xong thì đi làm gần đó. Điều kiện tiên quyết để quyết định việc chọn đến Anh cũng như chọn trường là vì có họ hàng ở đó. Còn lý do để đi học? "Học ở nước ngoài có cái bằng đi làm lương cao, sống tốt hơn".
Một người khác đi du học Anh Quốc vì tìm được trường phù hợp ở đó có dạy ngành mình mong muốn, và lại được xếp hạng cao trong lĩnh vực giảng dạy. Người thứ hai tìm được trường sau khi đã dành cả năm trời tìm hiểu nhiều trường học, ngành học khác nhau không chỉ ở Anh mà còn ở Hà Lan, Đức, đọc các báo cáo về thị trường lao động ở châu Âu.
Cả hai đều tốt nghiệp khi mà Brexit xảy ra và thị trường lao động ở Anh khi đó thực sự rơi vào hỗn loạn, nhất là đối với người nước ngoài. Người thứ nhất sau thời gian dài ở không hợp với họ hàng, những người họ hàng đã bị ảnh hưởng nặng bởi Brexit cũng như những căn bệnh người già, đã phải dọn ra nơi khác ở. Với tấm bằng tốt nghiệp ở một ngôi trường nhỏ và chuyên ngành quản trị kinh doanh, bạn ấy gặp khó khăn mỗi ngày trong việc tìm việc và gia hạn visa. Giờ cậu nghĩ tốt nhất là cậu nên quay lại Việt Nam.
Cậu bạn thứ hai sau khi tốt nghiệp cũng gặp khó khăn vì Brexit, con đường kiếm việc của cậu cũng gian nan nhưng may mắn là cậu nhanh chóng học thêm kỹ năng để làm freelance và kiếm thêm tiền trong lúc chờ tìm thấy cơ hội. Cuối cùng cậu cũng tìm được việc làm trong lĩnh vực sáng tạo số của một công ty đa quốc gia đóng ở Anh, sau đó cậu cũng xin được công ty chuyển qua nơi khác ở châu Âu làm, nơi mà các chính sách nhập cư thông thoáng hơn, giúp cậu có cuộc sống dễ dàng hơn.
Những trường hợp tương tự như trên không phải là hiếm: có người chọn đi học thạc sĩ và nói với mình rằng: "Tui định học vì thấy giờ mình mới tốt nghiệp cử nhân xong, có đà rồi học thạc sĩ luôn, sau này đi làm thì khó học." hoặc "Đi học vì còn muốn học, chưa muốn đi làm". Họ đã quyết định tiêu hơn 50,000 đô la đi học vì lý do như vậy. Tất nhiên khi đưa ra một quyết định lớn có nhiều thứ thúc đẩy người đưa ra quyết định chứ không phải chỉ một nguyên nhân, nhưng lý do ở trên là một lý do lớn.
Chuyện này cũng xảy ra trong các khía cạnh liên quan đến hôn nhân hay nuôi dạy con cái. Trong chuyện hôn nhân, có những đám cưới đã xảy ra chóng vánh vì người ta cảm thấy rằng chỉ cần yêu nhau là đủ, sẽ vượt qua hết mọi khó khăn trong cuộc sống. Hoặc là có những người cưới nhau vì "hoàn cảnh", cảm thấy "có tấm chồng là ổn rồi, đỡ hơn bị ế". Những quyết định rất quan trọng với cuộc đời của họ đã được đưa ra một cách rất nhẹ nhàng.
Về chuyện giáo dục con cái, mình sẽ trích 1 đoạn trong bài viết "Tương lai miền Tây" để minh họa cho sự xem nhẹ những điều quan trọng với tương lai của thế hệ sau.
"Bằng là bạn học cấp hai của tôi. Hết lớp 9, Bằng thôi học dù thành tích đứng thứ nhì toàn trường.
Chú Sáu, ba của Bằng, lúc đó nói, nhà ruộng đất nhiều, cần gì học, ở nhà làm ruộng cũng sống khỏe re. Ở tuổi 16, Bằng không nghĩ được gì nhiều, người lớn nói sao nghe vậy. Vài năm sau, Bằng trở thành lao động trụ cột trong nhà. Một mình cậu quán xuyến hai mẫu ruộng, mỗi năm canh tác ba vụ, của ăn không thiếu. Rồi Bằng lấy vợ, sanh con, xây dựng một gia đình như bao gia đình khác ở quê tôi.
Dân miền Tây có câu "lấy táo đong lúa chớ không ai lấy táo đong chữ", nghĩa là mọi thứ phải ưu tiên cho cái ăn cái mặc, chuyện học hành có cũng được, không có cũng chẳng sao. "Đói mới chết, dốt không chết"- người quê tôi thường nói vậy. Quan điểm đó kéo dài đời này sang đời khác, nên người dân ở đây không chịu cho con học đến nơi đến chốn. Nhiều gia đình chỉ cho con học đến biết đọc biết viết, rồi nghỉ. Xứ này vốn dĩ đất ruộng mênh mông, trên cơm dưới cá, chuyện đói kém hiếm khi xảy ra. Đó cũng là nguyên nhân khiến người ta không chú trọng nhiều đến chuyện học hành, nhất là bà con ở quê.
Hôm trước, tôi đi công tác dưới miệt Gành Hào. Đang chạy xe, bỗng có người đàn ông trung niên đứng bên đường ra dấu. Tưởng anh xin quá giang, vì miệt này chuyện đi nhờ xe của người lạ cũng rất phổ biến. Nhưng anh muốn nhờ tôi đọc giùm hướng dẫn sử dụng bao thức ăn cho tôm anh mới mua. Anh nói, chủ cơ sở bán thức ăn có nói qua cách sử dụng nhưng anh không nhớ rõ, lại không biết chữ nên không đọc hướng dẫn được, sợ cho ăn sai sẽ thiệt hại vuông tôm. Tôi biết, những người như anh không hiếm ở xứ này. Nhiều nông dân miền Tây một chữ bẻ đôi không biết, không đọc nổi những dòng chữ trên bao phân, bao thức ăn thì thật xa xỉ khi nói về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hay xây dựng một nền nông nghiệp thông minh để phát triển vùng."
Về bản thân mình, mình áp dụng nguyên tắc này nhiều nhất mỗi khi nghĩ đến sự nghiệp hoặc các dự án cá nhân. Mỗi khi mình nghĩ đến việc nên ở lại hay dừng công việc hiện tại, mình đều tự hỏi hoặc nhắc đến câu hỏi này trong cuộc trò chuyện: "Tại sao từ đầu mình đã chọn vào đây, và điều đó có còn đúng không?" , "Tại sao mình lại chọn làm việc này và mình đã nghĩ kỹ về việc này chưa? Nếu trong tương lai mình phải dừng thì liệu điều gì khiến mình dừng?"
Đó là những câu hỏi không dễ chịu nhưng nó giúp mình có những khoảng thời gian dễ chịu sau khi đưa ra được quyết định.

2. Phương pháp đầu tư tốt là một phương pháp nhàm chán

Biết được điều gì quan trọng và hiểu rõ được tại sao mình chọn làm một điều gì đó giúp mình sống sót qua một năm đầy biến động lớn của thị trường.
Cũng tương tự như năm 2020, năm 2021 vừa rồi là một năm đầy cảm xúc cho những ai quyết định đầu tư vào bất kỳ loại tài sản nào: bất động sản, chứng khoán, crypto, NFT, vàng, kinh doanh online. Bản thân mình có tham gia vào thị trường một cách cẩn trọng từ năm 2020 và mạnh tay hơn trong năm 2021, và mình cũng đã trải qua một loạt những đợt "thảm sát" như các cụ sụt giảm mạnh của chứng khoán và crypto hồi tháng 5, tháng 6, những cú giật "sập sàn" của tháng 7 và gần đây nhất là đợt "đổ máu" trong đầu năm mới.
Tài khoản mình không được như chị Mai Phương Thúy, không X3 hay X5 mà chỉ đủ sống sót, dư dả một chút để có tiền lì xì cho mấy đứa cháu họ hàng.
Điều mình rút ra được sau hơn một năm sóng gió đó là: phương pháp đầu tư tốt là một phương pháp nhàm chán.
Mình đã học được điều này từ các chuyên gia đầu tư hàng đầu thế giới, ví dụ như George Soros với câu nói:
"Nếu đầu tư mà có tính giải trí, nếu bạn thấy vui, thì khả năng cao là bạn chẳng kiếm được đồng nào. Đầu tư tốt thì rất nhàm chán."
Ở mức độ vĩ mô, thói quen đầu tư của các cá nhân nhỏ lẻ kể từ năm 2020 trở lại đây đã có một sự thay đổi rất nhiều, Các chính sách giãn cách xã hội được áp dụng bởi nhiều chính phủ ở nhiều quốc gia khác nhau đã khiến hàng triệu người ở nhà, bị mất việc làm hoặc giảm thu nhập. Hậu quả là rất nhiều người, vì nhàm chán hay vì muốn kiếm thêm thu nhập, đã dấn thân tham gia vào thị trường đầy rủi ro trong khi không có đầy đủ kiến thức nền tảng.
Tham gia thị trường với tâm thế như vậy, không quá ngạc nhiên khi đa số mọi người đều coi cả thị trường là một chiếu bạc được hợp pháp hóa. Ngay cả câu nói cửa miệng chúng ta nghe hằng ngày là:
- Ê mày có chơi chứng khoán không?
Chơi. Đó là từ khóa ở đây. Từ đó được dùng rất phổ biến ở Việt Nam, và cụm từ "chơi chứng khoán" được dùng như là cùng nghĩa với cụm từ "đầu tư chứng khoán". Một đoạn hội thoại có thể diễn ra như sau:
- Ê mày có đầu tư chứng khoán không?
- Không tao không chơi mấy thứ đó.
Và điều này cũng phản ánh xu hướng "đầu tư giải trí" đang có hiện nay. Mọi người tham gia để tìm cảm giác hưng phấn, sự khoái trí khi tài khoản của mình tăng lên và khiến mình cảm thấy mình thật thông minh. Dành thời gian nhìn những con số nhảy múa điên đảo tạo ra những khoảnh khắc hồi hộp và ly kỳ không kém gì coi một trận đá banh.
Hãy đầu tư tích lũy, trích ra 10% thu nhập hằng tháng đầu tư, phân phối các khoản chi tiêu hợp lý để tiết kiệm mua nhà sau này, bla bla bla. Nghe không thể chán hơn. Thay vào đó, hãy dùng đòn bẩy 1:100 đập 10 triệu vào Bitcoin và bạn đã có thể thu về 100 triệu vào cuối tuần này. Hay là: anh em hãy nhớ canh bắt đáy FLC ở giá 10k rồi canh bán trần ở T+3 là ngon lành. Nghe hấp dẫn hơn chứ?
Với xu hướng game hóa, việc đầu tư nó không còn là đầu tư mà trở thành một game thể thao điện tử, nơi người tham gia cố gắng giải đố tìm ra được dòng tiền thông minh và đu theo nó. Ai cũng muốn tìm ra con sóng tiếp theo để đu, hoặc là phát hiện được hành vi của "cá mập" và chạy trước khi "cá mập" tới, chẳng khác gì game cá sấu lên bờ mà con nít hay chơi. Người chơi tìm kiếm thông tin không phải đến từ đọc báo cáo hay khuyến nghị đầu tư mà là từ hội nhóm Zalo, Facebook mọi người ai cũng tham gia vào hội nhóm với hi vọng biết được thông tin bí mật nào đó mà chỉ trong nhóm biết. Người ta không còn quan tâm đến những báo cáo nhàm chán của Cục Dự trữ liên bang Mỹ mà ngồi canh Tweet của Elon Musk, theo tin đồn, theo thuyết âm mưu.
Còn các ứng dụng giao dịch, nắm bắt được xu hướng này, thì càng phát triển theo hướng ứng dụng giải trí hơn là đầu tư nghiêm túc. Ví dụ như ứng dụng giao dịch Robinhood bên Mỹ đã bị chỉ trích vì tạo ra hiệu ứng rải confetti chúc mừng mỗi khi người dùng đặt lệnh, vì các chuyên gia cho rằng nó khiến người chơi có cảm giác họ đang chơi game và quên đi tính nghiêm trọng của những giao dịch họ thực hiện. Cuối cùng các nhà phát triển đã phải loại bỏ hiệu ứng này.
Không hề nói quá khi bảo rằng các ứng dụng giao dịch chứng khoán như Robinhood đang cạnh tranh không phải với ngân hàng mà là với Netflix hay Tiktok trong việc thu hút tâm trí và thời gian của người dùng. Nhưng Robinhood vẫn chưa bằng sàn giao dịch tài chính phi tập trung, thường gọi là De-Fi, vốn đang xây dựng các casino to hơn cả Las Vegas hay Macau. Ở đó, người ta mua theo những ước mơ to lớn hơn cả ước mơ của Martin Luther King.
Tất cả mọi thứ đều được phát triển để khiến người dùng bị nghiện. Một khi đã nghiện thì việc đầu tư không còn là đầu tư, khi tiền chỉ còn là con số vô hồn trên màn hình thì người ta không còn cảm thấy quá đau đớn khi bị thua lỗ, ngã ở đâu gấp đôi ở đó là chuyện bình thường. Việc một người bỏ tiền mua chứng khoán, mua crypto để cho vui, cho đỡ chán là một xu hướng ngày càng phổ biến. Việc tham gia đánh theo nhóm bây giờ giống như đi coi một buổi diễn nhạc rock vậy, tất cả đều nhún nhảy theo nhịp điệu xanh đỏ trên sàn chứng khoán, đều cùng sẻ chia một cảm xúc lâng lâng, và sẽ có một người đóng vai trò là cơ trưởng, hô mua là mua, hô bán là bán.
Chúng ta hay nói rằng những người ham làm giàu nhanh là những người tham lam, nhưng chúng ta không nhận ra rằng họ đang bị thao túng tâm lý bởi môi trường số hiện tại, khiến họ bị nghiện trò chơi này.
Bản thân mình may mắn có tìm hiểu để nhận ra rằng thị trường không phải là một cuộc thi đấu, nơi mình phải giỏi hơn người khác, tài khoản mình phải X5, X10 cho bằng "con nhà người ta". Khi mình tham gia thị trường, mình càng thấm càng hiểu được hơn thế nào là việc tập trung: tập trung vào nhu cầu của bản thân, tập trung vào mục tiêu đề ra ban đầu, tập trung vào tương lai lâu dài. Điều này tất nhiên rất là nhàm chán, nhưng bù lại nó giúp mình ngủ ngon mỗi đêm.

3. Tư duy đóng, tư duy mở

Trong năm vừa rồi một điều mình bất ngờ là một người mình quen đã bị công an tạm giam vì các tội liên quan đến an ninh mạng, cụ thể là xâm nhập trái phép và dữ liệu của một số tổ chức. Điều khiến mình bất ngờ là ở chỗ: đây là một người có học thức, hiểu rõ được đây là hành vi phạm pháp, và động cơ chính không phải là vì tiền do thu nhập của người đó rất tốt.
Người đó làm đơn giản vì người đó có thể làm và muốn làm vậy.
Mình quen người đó đã nhiều năm, mình biết bạn là một người luôn mong muốn chứng tỏ bản thân và được người khác công nhận. Bạn giỏi và bạn luôn muốn người khác phải thừa nhận điều đó. Tuy nhiên sự tài giỏi được bộc lộ sớm của bạn khiến bạn dần hình thành một tâm trí đóng, tức khi bạn đã hình thành góc nhìn về một chủ đề, bạn sẽ không sửa được góc nhìn đó, và khi bạn đọc sách tìm hiểu về chủ đề đó, bạn sẽ tận dụng tối đã thiên kiến xác nhận để giúp bạn cảm thấy bạn đúng. Khi bạn nghĩ rằng hành động tấn công trên mạng không có gì sai thì không ai có thể thay đổi được quan điểm đó.
Ví dụ trước đây trong những lần gặp nhau, qua những gì bạn chia sẻ mọi người cũng đoán rằng bạn đã có những hành vi tấn công trên mạng. Đã có một người hỏi bạn rằng liệu bạn có cảm thấy áy náy về mặt đạo đức khi làm như vậy không? Bạn đã trích dẫn rất nhiều về tâm lý học, về xã hội học, thuyết hành vi, về nhân quả, về tư bản, về khái niệm "tài sản chung", về hoạt động của tổ chức bạn nhắm đến, nói chung tất cả các kiến thức ở mọi lĩnh vực khác nhau đã được huy động để bao biện cho việc tấn công mạng lấy cắp dữ liệu của một tổ chức nào đó. Tất nhiên đi kèm với sự thông hiểu rộng lớn đó là một sự tự tin rằng sẽ chẳng ai bắt được bạn.
Tiếp xúc với bạn, và nghe tin bạn bị tạm giam, mình hiểu được rằng tại sao có nhiều người thông minh và tài ba khi còn đi học, lúc trưởng thành họ lại đưa ra những quyết định hủy hoại cuộc sống của họ. Ví dụ trong mùa dịch Covid-19, chúng ta chứng kiến những người thông minh phản đối việc tiêm vắc-xin hoặc chính sách bắt buộc đeo khẩu trang để phòng chống dịch bệnh. Những người này họ đã hình thành một niềm tin vững chắc, một quan điểm bất di bất dịch về dịch bệnh và họ sẽ chỉ nghe, chỉ tìm đọc những thứ củng cố niềm tin của họ.
Chuyện này sẽ được chứng kiến nhiều trong việc dạy dỗ nuôi dạy con trẻ ở gia đình có 3 thế hệ. Thường các xung đột sẽ bùng nổ giữa ông bà với ba mẹ trong việc nên nuôi một đứa bé như thế nào, ngay cả trong trường hợp ông bà là những người trí thức có đọc và tìm hiểu nhiều. Có nhiều cụ lớn tuổi có đọc nhiều thế nào thì cũng không thay đổi quan điểm dạy cháu, vẫn áp dụng cách giáo dục của hơn nửa thế kỷ trước mà khả năng cao là không còn phù hợp.
Trong đợt cách ly xã hội, nhiều người bạn đồng lứa của mình đã dọn về sống chung với ông bà và các xung đột quan điểm giáo dục con cháu đã nổ ra rất thường xuyên và không tìm thấy lối ra, bởi vì những người tham gia không ai muốn thay đổi quan điểm của họ.
Mình nghĩ rằng những người trẻ hiện nay đang được khuyến khích phải có tư duy phản biện, chính kiến riêng, nhưng ít được khuyến khích thay đổi các chính kiến đó nếu nó không còn phù hợp. Có nhiều người rành về các phương pháp tư duy phản biện, đọc sách về tư duy, nhưng họ dùng các kiến thức đã học để phản bác người khác và bảo vệ quan điểm của họ, hơn là dùng để mở rộng kiến thức của bản thân. Do đó mỗi cuộc tranh luận dường như là một cuộc thi thố xem ai thông minh sắc sảo, nói hay hơn ai, hơn là một trải nghiệm học hỏi.
Mình kết phần này bằng một câu nói của Charlie Munger:
"Tôi thường xuyên thấy những người vươn cao trong cuộc sống, những người không phải là thông minh nhất, thậm chí có một số không phải là chăm chỉ nhất, nhưng họ là những cỗ máy học. Họ đi ngủ mỗi tối với đầu óc thông thái hơn một chút so với lúc họ thức dậy, và mọi người biết không thói quen đó rất là hữu ích, nhất là khi bạn còn một chặng đường dài phía trước".
Những người có thể trở thành những cỗ máy học là những người có đầu óc mở, khi họ đọc hay tranh luận là để họ biết rằng họ đang sai ở đâu, họ biết ít như thế nào.

Tổng kết

Năm vừa rồi có rất nhiều thứ đọng lại với mình, nhưng mình chỉ chia sẻ ba điều ở trên. Mong những chia sẻ này có ích với mọi người và giúp mọi người có thể đưa ra quyết định đúng đắn hơn trong năm tới.
Mong năm 2022 sẽ mang đến nhiều niềm vui mới cho mọi người.
Husky.