Viết cho em – người không còn thấy hạnh phúc trong cuộc đời này,
Những dòng này mình định viết cho em khi đang ngồi trên chuyến xe về quê, tạm rời khỏi cái ồn ã và xô bồ của Hà Nội. Chuyến xe khởi hành từ sáng sớm, khi mặt trời còn chưa lên khỏi đỉnh đầu, khi đường phố vẫn vắng người đi, khi tiếng còi xe vẫn chưa át mất tiếng chim ríu rít trên cành. Chuyến xe của ngày mới - một ngày mà những người còn sống phải tiếp tục đi học, đi làm; một ngày mà em đã không đón đợi được nữa.
Vì có lẽ em không thấy cuộc đời này hạnh phúc nữa nhỉ?
Mình chỉ hơn em 2 tuổi. Mình hiểu phần nào suy nghĩ và cảm xúc của em, những đứa trẻ cấp hai, cấp ba tính khí thất thường.
Người ta – cụ thể hơn là người lớn, những người ở một thế hệ khác, những người bố, người mẹ, người cô, những người chẳng phải chuyên gia tâm lý - thường không hiểu vì sao chúng ta, mình và em, luôn có những nỗi buồn thường trực. Bởi vì làm gì có cái gì để buồn? Mình và em đều có một cuộc sống đầy đủ, sung túc về vật chất, chẳng phải lo nghĩ mấy về “miếng ăn manh áo”, chẳng phải vất vả mưu sinh, cực nhọc kiếm tiền. Người ta gọi mình và em là những đứa trẻ “sướng từ trong trứng”, “sướng mà không biết đường hưởng”, còn bày đặt buồn, còn bày vẻ trầm cảm, hay yêu cầu sự quan tâm vì những vấn đề tâm lý tự bày vẽ ra. Chúng ta chẳng cần ra ruộng cấy cầy, cắt cỏ chăn trâu; chúng ta có cơm ăn áo mặc, có điều kiện để đi học, học văn hóa, học đàn hát; chúng ta có điện thoại, máy tính, mạng xã hội để giải trí, vui chơi. Vậy rốt cuộc, chúng ta buồn cái gì?
Thực ra đôi khi mình cũng không biết.
Nhiều khi nỗi buồn đến với mình không hề có lý do như một vị khách gõ cửa mà chẳng có một lời chào. Những nỗi buồn vô cớ ấy có lẽ xuất phát từ rất nhiều nỗi buồn “có cớ” trước đó, không được chúng ta lắng nghe và giải quyết, hoặc không tìm thấy cách giải quyết, để rồi chất chồng qua ngày tháng, khiến tâm trạng chúng ta có những phút giây trùng xuống vì mệt mỏi và buồn phiền nói chung. Trùng xuống mãi rồi đến lúc chạm đáy, hay đến khi nỗi buồn chiếm phần lớn cuộc sống hàng ngày, và niềm vui như những khoảnh khắc le lói rồi vụt tắt hẳn. Một cuộc sống quá lâu không còn thấy bóng dáng hạnh phúc đôi khi đồng nghĩa với không còn đáng-để-tiếp-tục nữa.
Những nỗi buồn “có cớ”. Đó là áp lực vô hình nặng quá sức mang vác của một đứa trẻ 16 tuổi, chưa kịp học sống thế nào để hạnh phúc đã phải tìm cách học để sống như một người hoàn hảo, một đứa con ngoan của gia đình, một học sinh giỏi của nhà trường, một người được động viên rằng “con người ai cũng có lúc mắc lỗi” nhưng khi thành tích học tập không đúng mong đợi thì thứ nhận lại là lời quở trách, tiếng thở dài và ánh mắt lạnh lùng của người nó yêu thương. Đó có thể là nỗi buồn tự ta tạo ra, khi “lỡ” là một cá nhân không có ước mơ trong thời đại ai cũng kêu gọi “hãy theo đuổi đam mê của bạn”, một cá thể tự ti, rụt rè, hướng nội trong cộng đồng năng động và xuất sắc. Đó cũng có thể là những phút giây cô đơn không tìm được người để lắng nghe và chia sẻ, những vỡ vụn đầu đời và khó khăn mệt mỏi trong những mối quan hệ, chuyện công việc, học tập không có ai bước đến để vỗ về và an ủi. Sống trong một xã hội dù công nghệ phát triển, các ứng dụng nhắn tin, gọi điện nở rộ, nhưng có đôi khi có những lời chẳng phải biết nhắn cho ai giữa danh mục đầy những dấu chấm xanh nhưng không thân thuộc đấy, có những đêm buồn bật khóc một mình chẳng thể gọi cho ai trong những gương mặt chúng ta vẫn bấm like ảnh đại diện hằng ngày ấy. Story đăng không có lời hồi đáp. Rồi người dùng cũng chẳng buồn đăng nữa.
Hồi bằng tuổi em, hai năm trước, khi đang sử dụng một ứng dụng trò chuyện ẩn danh qua mạng (bởi cảm thấy cô đơn, cô đơn là trạng thái tất yếu của con người), mình có nói với người ở đầu bên kia rẳng: “Em cảm thấy cuộc sống đủ rồi.” Trước khi hoàn thiện bài viết này, mình có lướt qua một số quan niệm về hạnh phúc và có đọc được những câu nói như “Hạnh phúc là biết đủ”, “Hạnh phúc là biết buông bỏ”, đại loại vậy. Nhưng hai năm trước, khi mình nhận định rằng cuộc sống mình đã “đủ”, liệu mình có thấy hạnh phúc không? Mình thấy cuộc đời đã đủ và mình không có lý do gì để sống tiếp nữa.
Đôi khi mình vẫn hay nghĩ, nếu một mai mình biến mất, điều gì sẽ khiến mình tiếc nuối. Người ta hay bảo: “Hãy sống như ngày hôm nay là ngày cuối cùng bạn được sống” để khích lệ mỗi người sống hết mình và thực hiện những điều mình muốn. Nhưng hai năm trước, khi mình nói mình thấy cuộc sống đã đủ, mình chẳng thấy tiếc nuối điều gì nữa. Dù mình đã thử cân nhắc giữa nhiều điều: gia đình, bạn bè, những bộ phim chưa xem, những bài hát chưa nghe, những cuốn sách chưa đọc, những món ngon chưa thử, những đất nước chưa đến, idol chưa gặp, những người chưa yêu,… Nhưng mình vẫn thấy cuộc đời mình đủ, và rằng nếu một mai mình biến mất, mình chẳng tiếc nuối gì nữa. Không phải mình đã sống một cuộc đời trọn vẹn, mà nỗi buồn đã khiến cảm xúc mình chai sạn và im lặng, chẳng cất tiếng đòi hỏi điều gì nữa, và chẳng điều gì đủ sức làm trái tim mình đập nhịp.
Cũng giống như em. Trong bức thư em để lại, em cũng đã cân nhắc trước khi tạm biệt cuộc đời em không còn thấy đáng để tiếp tục như mình: những người bạn, những con game bỏ dở, những bài nhạc chưa nghe. Và em đã chọn bỏ lại những điều mà em lưu luyến ấy. Để kết thúc. Tất cả.
Vậy làm thế nào để mình vượt qua mọi xúc cảm mình đã từng ấy? Làm thế nào để mình tìm được hạnh phúc và lý do để tôi tiếp tục cuộc sống của mình? Mình chẳng có bài học nào em ạ. Mình chỉ tiếp tục mọi thứ như nó vẫn thế, dù nó chán nản và buồn phiền đến đâu. Và mình chờ đợi. Chờ đợi một ngày có thể mọi thứ sẽ khá hơn chẳng hạn. Chờ đợi đến khi mình có đủ khả năng để tìm ra nguyên cớ của những nỗi buồn và bắt tay vào giải quyết nó. Chờ đợi một người có thể đến an ủi mình và tìm cho mình những lý do đáng để mình tiếp tục cuộc sống. Và mình chờ đợi.
Chờ đợi một ngày nắng lên, sau những tháng ngày ủ dột và tăm tối. Đôi khi sự can đảm được thúc đẩy từ những thứ rất nhỏ bé em ạ. Cái buổi sáng mình ngồi trên chuyến xe về nhà, mình nhìn thấy mặt trời tròn vạnh sau những tòa nhà cao tầng - những tòa nhà khiến em và mình, và nhiều người khác thấy ngột ngạt và chán ghét vô cùng ấy, đôi khi ẩn sau nó là những ánh mặt trời. Mình thấy triền cỏ ven con đường vành đai xanh ngát và lấp lánh ánh mai trong phút dừng xe bên vệ đường. Mình nghe thấy những câu chào, những lời hỏi thăm rất bé giữa người với người lẫn trong tiếng còi xe. Và mình rơi nước mắt, vì nghĩ đến em, nghĩ đến người ngày hôm qua đã tạm biệt cuộc đời mà hôm nay mình được ngắm nhìn.
Mình nhận ra hạnh phúc trong thời đại nay không phải do cá nhân mỗi người quyết định, hoặc thời đại nào cũng vậy. Hạnh phúc của ngày nay tưởng chừng dễ nắm bắt hơn, nhưng cũng chẳng phải vậy. Hạnh phúc có thể do nhành cây ngọn cỏ ven đường đem đến, có thể do hành động, lời nói của người khác đem lại. Hạnh phúc còn đến từ sự thấu hiểu. Hiểu rằng những đứa trẻ như em chưa từng là người lớn, hiểu để tôn trọng và bình thường hóa nỗi buồn và sự bất hạnh của thời hiện đại. Và hiểu để yêu thương.
Có những người can đảm để sống, nhưng em cũng đã can đảm để lựa chọn cái kết cho cuộc đời em không còn tìm thấy hạnh phúc nữa. Làm thế nào để sống hạnh phúc? Mình không biết cuộc đời khác của em có hạnh phúc như lời của cư dân mạng chúc em hay không, nhưng hy vọng em có thể thử chọn cách chờ đợi thêm một chút, và hy vọng ở cuộc đời đó của em em sẽ nhận được nhiều niềm hạnh phúc từ người xung quanh.
“Sống là một thứ bổn phận trời dúi vào tay, cầm thì khổ mà không cầm thì áy náy.” (Nguyễn Ngọc Tư).