Viết cho em - 94 - Hiểu chuyện và biết điều
Đây là chủ đề do một người bạn gửi cho anh qua Facebook: Anh nghĩ gì về “hiểu chuyện” và “biết điều”? Về cơ bản thì hai khái niệm...
Đây là chủ đề do một người bạn gửi cho anh qua Facebook: Anh nghĩ gì về “hiểu chuyện” và “biết điều”?
Về cơ bản thì hai khái niệm này gần như tương đương nhau và có thể được dùng để chỉ cùng một ý, biểu thị một người biết cách ứng xử phù hợp với những quy chuẩn xã hội và hợp lí trong nhiều khía cạnh khác, được lòng người khác. “Hiểu chuyện” thường được dùng theo nghĩa “biết điều”, khác nhau là ở mức độ nhấn mạnh: “biết điều” thì mạnh hơn và thường dùng theo nghĩa tiêu cực, “hiểu chuyện” thì dùng để khen.
Về mặt chữ nghĩa thì hai cụm này cũng tương đương nhau. Tuy nhiên, người ta cũng có câu cạnh khóe: “Gì cũng biết chỉ có biết điều là không”. Có những người rõ ràng biết tình huống này nên ứng xử thế nào là tốt nhất, nhưng lại không làm như vậy mà hành động vì lợi ích của bản thân, gia đình họ, hoặc để thỏa mãn tính tình hay ý thích của chính họ mà thôi. Trường hợp này là người đó “hiểu chuyện” nhưng không hề “biết điều”.
Mặt khác, cũng có những trường hợp mà ứng xử của một người bị đánh giá là “không biết điều” do người đó chưa “hiểu chuyện”. “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng” là câu nói của người xưa khuyên những người trẻ cần phải học hỏi những quy tắc ứng xử đối với người trên, kẻ dưới, trong gia đình, với người ngoài và trong nhiều trường hợp khác nhau để có hành động hợp lí nhất. Gia đình nào có con cái ứng xử đúng chuẩn mực nhất thì gọi là gia đình có “gia giáo” (có dạy), ngược lại thì họ chửi là “mất dạy”.
Ở đây có thể nói qua một chút về sự khác biệt giữa “tự nhiên, ngây thơ” với “vô duyên”. Có nhiều khi thì biểu hiện của các đặc tính này là giống nhau, nhưng khi thể hiện trong ứng xử thì nhiều thường là không biết quy tắc ứng xử hoặc không để ý đến cảm xúc của người khác (ngây thơ), hoặc chỉ để ý đến cảm nhận của chính mình (tự nhiên) sẽ trở thành vô duyên: nói những lời không nên nói, thể hiện hành động một cách quá lố, khác thường ở những nơi không thích hợp, gây sốc hay tổn thương cho người khác bằng lời nói (thường là nhận xét) của mình do vô ý.. Những điều này mang lại kết quả không tốt trong giao tiếp nhưng do vô tình là chính, nên người thể hiện ra chúng bị gọi là “không hiểu chuyện” hoặc “vô duyên” chứ chưa đến nỗi “không biết điều”.
“Không biết điều” là một nhận định tiêu cực, dùng để chỉ một người rõ ràng biết điều gì là hợp lí nhưng lại hành xử theo hướng không hợp lí vì lợi ích hoặc sở thích của bản thân họ.
Có lần anh trả lời một câu hỏi: “Phụ nữ đẹp nhất khi nào?”. Anh nói rằng: “Phụ nữ đẹp nhất là khi họ biết điều”. Có người có thể giận hay khó chịu khi nghe câu trả lời đó vì nghĩ rằng như vậy là nói bình thường phụ nữ không biết điều chăng? Đâu phải, anh chỉ nói rằng phụ nữ, trừ những trường hợp rất đặc biệt, thì không hơn nhau ở nhan sắc, và cũng không cần so sánh với người khác về nhan sắc mà điều quan trọng là việc họ có “biết điều” hay không. Phần thi gây cười nhất trong các cuộc thi hoa hậu chẳng phải phần ứng xử đó sao.
Muốn trở nên “biết điều” cũng không khó, trước nhất là hiểu rõ mọi hành vi của bản thân mình khi tương tác với người khác, rồi từ đó kiểm soát được chính mình. Điều này tránh những nhận xét “không hiểu chuyện” hay “vô duyên” có thể có do mình không để ý, không kiểm soát hành vi của bản thân gây ra. Sau đó là học hỏi, quan sát, chú ý xem trong tình huống này thì ứng xử như thế nào là phù hợp nhất theo tiêu chuẩn của xã hội và tính cách của bản thân mình, dần dần hình thành nên một lối sống của người “hiểu chuyện”.
Cũng có những trường hợp mà khái niệm “biết điều” được hiểu theo những nghĩa xấu: khi mình không chấp nhận đóng một khoản tiền “bôi trơn” vô lí nào đó mà mọi người đều đóng, họ sẽ nói mình không biết điều; hoặc khi mình không tham gia cùng hội nói xấu người khác, họ cũng nói mình không biết điều; hoặc khi mình can thiệp, trợ giúp cho những người bị cả đám ức hiếp, đám đó cũng nói mình không biết điều… những khoản “biết điều” như vậy thì không cần cũng được.
“Biết điều” không phải lúc nào cũng làm vừa lòng người khác, càng không phải làm vừa lòng tất cả mọi người.
Biết điều là biết điều gì đúng, điều gì sai, điều gì hợp lí hoặc không rồi từ đó có sự lựa chọn một cách chủ động nhất, phù hợp nhất của chính mình trên cơ sở quan tâm đến cảm nhận của người khác.
Muốn trở nên “biết điều” thì trước nhất phải “biết mình”. Đây là một điều vô cùng quan trọng, làm cơ sở cho rất nhiều những điều khác trong cuộc sống. Em hãy quan sát chính mình mọi lúc, mọi nơi, xem mình nghĩ gì, làm gì, tại sao mình lại làm như vậy, tại sao mình có cảm giác này… để hiểu rõ bản thân, làm chủ bản thân rồi từ đó quyết định xem mình muốn “biết điều” với người nào, theo cách nào.
Mong em sẽ gặp nhiều người “biết điều” trong cuộc sống và là một trong số đó.
24.12.2019
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất