Bài viết này là một sự tưởng tượng của riêng tôi từ những tình tiết thực của cuộc đời một người nhạc sĩ mà tôi cho là rất dũng khí sống cuộc đời theo cách của mình. 
Đại dập mạnh những phím dương cầm như thể bản độc tấu còn chưa đến hồi kết. Tôi chẳng biết anh ta đàn cái quái gì, chỉ nghe được một đoạn có vẻ tựa như Serenade của Schubert. Dưới mấy cái chao đèn vốn dĩ đã mờ nhạt ở 46 An Dương, người chơi nhạc ấy còn vận lên mình những mũ mão và áo gió rặc mỗi một màu đen, khiến anh ta hợp với đàn dương cầm thành một mảng tối thật u uẩn và cô độc. Trong một khoảnh khắc, tôi tưởng như cái khối đen độc u uẩn ấy là một cái tóm tắt vĩnh hằng cho cuộc đời của Đại, cuộc đời của một nhạc sĩ lập dị.
Tôi gặp Đại lần đầu vào mùa hè năm 2016, lúc anh còn là sinh viên khoa sáng tác của nhạc viện Hà Nội. Lần đó tôi đi thăm một người bạn ở một chung cư cũ. Lúc đi ngang qua một hành lang tối, tôi nghe âm ỉ trong không gian những tiếng xập xình. Tình cờ một người mở cửa ra, tiếng nhạc và ánh đèn đỏ đơn sắc thoát ra ngoài. Gào thét và dữ dội. Trong cái khoảnh khắc hé mắt nhìn qua khung cửa, nhìn vào một thế giới của người khác, tôi thấy một gã trọc miệng ngậm điếu thuốc còn tay thì đang quét tay dứt khoác trên cái keyboard điện tử. Thật lạ lùng, hình ảnh ấy làm tôi nhớ mãi đến tận sau này. Tôi hay bảo Đại, “này ông biết cái hình ảnh đầu tiên của ông trong mắt tôi nó rất có chất “cảnh”, rất có tính điện ảnh không? Phải chi lúc đó quay lại được thì đã là một thước phim tài liệu quý giá về đời sống của một gã nhạc sĩ điên!”.  Về sau tôi biết hóa ra khu tập thể này chỉ toàn dân chơi nhạc nên đã quá quen với việc này, bọn họ còn có những quy ước chung về giờ giấc chơi nhạc các kiểu. Những người ở đây về sau có người nổi tiếng, những người khác thì bặt vô âm tính. Có lẽ danh vọng, ở một lẽ nào đó, cũng chỉ như tờ vé số.
Ở khu nhà này ai cũng biết Đại, nhưng cũng như không hề biết về Đại. Anh ta lúc nào cũng vận đồ đen lụp xụp, kín tiếng, đi về như cái bóng, nên ai cũng chẳng biết rõ anh ta, chỉ biết anh ta lập dị. Ấy thế mà nhạc anh ta viết có đủ cái ồn ào lẫn tỉ tê của một tâm hồn phức tạp. Nhưng những sáng tác của anh không được nhiều người biết tới.
Năm 2020, Đại bắt đầu mở công ty giải trí của riêng mình và lần mò đâu ra những nhạc công rất dữ dằn cả hai miền Nam Bắc. Từ một nhạc sĩ không tên tuổi, Đại bỗng dưng trở thành một bầu show có tiếng. Thậm chí cả nữ ca sĩ nổi nhất hiện nay là Lã Thư cũng đồng ý ngay lập tức khi có lời mời diễn của Đại. Album Niết bàn của Đại, với sự hợp tác cùng giọng ca trẻ triển vọng Niêm đã gây tiếng vang trong công chúng và giành được nhiều giải thưởng âm nhạc trong nước vì sự cách tân mới mẻ trong cách thể hiện cùng những âm hưởng tôn giáo nhân sinh trong nội dung sáng tác. Chỉ trong vòng một năm, Đại trở thành một trong những tên tuổi đi tiên phong khai phá những thể nghiệm mới trong âm nhạc.
Bẵng đi một thời gian, vì quá bận rộn, tôi không hay tin của Đại nữa, chỉ biết anh có vị trí của mình trong giới. Cho đến mùa thu năm 2023, Đại cùng với Lâm Thanh và Miên hợp tác trong một album có tên Tầm Gai. Ngay sau ngày ra mắt, xuất hiện trên mặt báo những tít bài như tiếng sấm ngang tai “Tầm Gai: âm nhạc hay sự điên loạn?”, “Thể nghiệm mới trong Tầm Gai gây tranh cãi”, “Nhạc sĩ Ka Minh: ‘Đại đã quá quắt lắm rồi’”... Chỉ trong một tuần, làn sóng phản đối từ phía những tín đồ âm nhạc trước đây của Đại dâng lên như một cơn lũ, quét sạch các hợp đồng biểu diễn của Đại.
Anh ta có lường trước được vụ này không ư? Tôi chỉ biết là anh ta điên thật rồi. Trong cái đêm hôm đó, anh ta còn chẳng bận tâm báo giới nghĩ gì, chỉ ngồi chơi nhạc và đốt thuốc rồi khi hỏi tới, anh ta, bằng cái giọng khàn đục đặc trưng của mình, chỉ chậm rãi bảo “Cứ để mọi thứ diễn ra đi!”. Trời ạ, trong cái cơn khủng hoảng ấy, mà anh ta lại có thể bình tĩnh như vậy.
Những ngày sau đó, những ca sĩ hàng đầu bắt đầu bỏ anh, giới phê bình chỉ trích anh, báo chí bới móc anh, và số người hâm mộ anh vơi đi quá nửa. Xem ra thần danh vọng đã bắt đầu chán anh ta rồi.
Giữa những khó khăn ấy, tôi có đến thăm Đại. Anh ta như đang say thuốc, sắc mặt thì rệu rã mà mắt thì cứ quắc lên “Tớ nghĩ là đã đến lúc mình phải làm cái gì đó thôi cậu ạ. Tớ phải làm một album mới. Một album nói lên tiếng nói của một nghệ sĩ chân chính”. Tôi mừng húm và cổ vũ anh ta cố lên.
Nào ngờ 3 tháng sau, Đại trở lại với một album có tên Bùn đất do anh ta tự sáng tác và tự hát, với những bài hát mà trong lời hát có cả giao hợp, tinh trùng hay ca-ve... Thậm chí anh ta còn không thèm đăng kí giấy phép hay kiểm duyệt. Tôi đã dành hẳn một đêm để nghe đi nghe lại và phân tích âm nhạc của Đại. Trời ạ, lúc này tôi đã hiểu rồi. Tự bao giờ anh ta đã đi quá sâu vào cái đời sống nội tâm của mình mà lại chưa đủ gần với những người xung quanh. Nghe album này tôi thấy một sự u uất, thù hằn... liễm kết vào một tâm hồn cô độc, bế tắc. Thù hằn với những thứ dơ bẩn, biếng nhác, giả tạo mà thế giới quanh anh ta đang thể hiện... Và anh ta tự huyễn hoặc mình thành một loại nạn nhân của thế giới đó. Tôi tự hỏi, điều gì đã xảy ra với Đại để anh ta phải đi đến nỗi bi thương cực đoan này? Và sao anh lại cứ đào sâu vào nó như thế? Tôi không biết rằng anh ta đã đi xa đến thế này trong những tư tưởng nghệ thuật của mình.
Lại một lần nữa Đại gây phẫn nộ trong công chúng âm nhạc. Một vài tờ báo cho anh cơ hội giải bày. Và anh ta nói gì? “Phản cảm với ai? Dung tục với ai? Nếu ai có cảm giác Bùn đất là dung tục thì họ chưa bóc qua được cái tầng câu chữ để bước vào thế giới phong phú của cuộc sống.” Về chuyện kiểm duyệt, anh bảo: “Đó là hiện trạng đời sống văn hóa Việt Nam. Chắc chắn họ sẽ không bao giờ duyệt. Chẳng cãi nhau với họ làm gì, chẳng giải quyết được gì cả! Điều đó đã xảy ra với Tầm Gai rồi, cũng nhiều lần rồi. Bùn Đất là sản phẩm mang tính cá nhân, người nghệ sĩ chỉ mong muốn chia sẻ.”
“Tự do trong nghệ thuật nó nằm ngay trong con người nghệ sĩ. Đối với Bùn Đất, tôi chịu trách nhiệm về nội dung. Thật ra mọi thứ đâu phải chỉ là vấn đề tiền bạc. Tôi cũng không phát hành nó để xây dựng thương hiệu. Đây là chia sẻ rất tự nhiên của tôi. Giống như cái thai đến ngày thì phải đẻ, đứa trẻ đến lúc biết nói thì phải nói thôi!”
Điều gì tới rồi cũng tới, Đại trở thành một kẻ lạc loài giữa cộng đồng. Chẳng ai còn hiểu anh ta nữa. Và mỗi lần nhắc đến anh, người ta không ngần ngại dùng những lời lẽ cay nghiệt độc địa nhất để nói về anh.
Giờ đây, thi thoảng tôi vẫn gặp Đại ở một quán cafe nơi anh đến đàn để kiếm sống. Những bản nhạc anh chơi và cả tác ph0ng của anh, chúng toát ra một vẻ cô độc đến khó hiểu. Mỗi khi ngồi một mình tôi vẫn thử nghe lại các sáng tác của anh trung Bùn Đất, và tôi hiểu rằng có những người nghệ sĩ đẩy chính mình đến chỗ cực đoan để được thanh thản trong tâm hồn, chí ít là họ tin là họ thanh thản. Với những người như thế này, sản phẩm của họ không còn là một phương tiện kiếm cơm nữa, mà là một sự giải thoát.
2.11.16  
TUÂN