Khi bắt đầu viết mấy dòng này mình đã băn khoăn khá nhiều nhiều. Nhưng thôi, đó là chuyện của thì tương lai, còn cảm xúc là ở thì hiện tại và mình phải thành thật với nó trước. Mình viết bài này dưới góc độ một con người rung cảm trước một tác phẩm nghệ thuật. Bài viết này chỉ bày tỏ tình cảm của mình và không mang bất kỳ quan điểm hay ý kiến chính trị nào.
Và tác phẩm mình muốn nói hôm nay là Việt Nam trong nỗi nhớ.
Việt Nam về trong nỗi nhớ là ca khúc được lựa chọn để kết thúc cuốn ASIA 12 với chủ đề Việt Nam Niềm Nhớ, được sáng tác bởi hai cây đại thụ trong làng nhạc Việt là Trúc Hồ và Trầm Tử Thiêng.  Qua bàn tay hòa âm, phối khí điệu nghệ của trung tâm ASIA và tiếng hát của các danh ca như: Ngọc Lan, Duy Khánh, Hoàng Oanh, Lê Phương-Uyên,.. cùng những tên tuổi trẻ lúc bấy giờ là Như Quỳnh, Lâm Thúy Vân, Mạnh Đình,.. bài hát thực sự chạm đến trái tim mình vì vẻ đẹp cố hương và sự u hoài của người ra đi. Đó là lời tự sự tha thiết và thổn thức về một miền quê hương chỉ còn nằm trong mộng ảo, là niềm nhớ nhung da diết và khôn nguôi với miền đất xưa và ước mơ được trở lại chốn cũ vào một ngày tươi đẹp hơn.
Nói về ca khúc này mình thực sự muốn viết rất nhiều nhưng thực sự không biết phải viết như thế nào. Vì cảm xúc thì nhiều nhưng ngòi bút thì bất lực. Do đó, mình sẽ chỉ chọn nói về hai điểm mà mình rung cảm sâu sắc và có thể biểu đạt được. Đó là tiếng đàn bầu, đàn nhị và phần lời.
Nói về đàn bầu (độc huyền cầm) thì người Việt có lẽ ai cũng biết đó là một nhạc cụ mang “hồn cốt” của người Việt. Do đó, tiếng đàn bầu được sử dụng ở đoạn mở đầu cũng như mỗi đoạn chuyển hồi của bài hát thực sự gợi cho mình một cảm giác rất Việt Nam, tự hồ như lời ru của các bà, các mẹ ngày xưa vậy. Đặc biệt, tiếng đàn được sử dụng ở đầu bài hát vô hình tạo cho bản thân mình một khoản buồn thật lớn trong tâm trạng như báo trước câu chuyện buồn của nhân vật “người xa xứ”. Bên cạnh đàn bầu, đàn nhị cũng được sử dụng xuyên suốt bài hát. Đàn nhị tiếng kêu khắc khoải, buồn da diết như kết một mối nối tâm trạng vô hình giữa mình và nhân vật. Hai âm thanh này không chỉ  kéo mình vào câu chuyện mà còn khiến mình đồng cảm và hòa cùng nỗi buồn với nhân vật. 
Nếu tiếng đàn tạo ra nỗi buồn thì lời hát lại càng là rõ lên nỗi buồn ấy. Với cảm nhận của mình, phần lời có thể chia ra làm bốn phần tương ứng với bốn đoạn đời người của nhân vật “người xa xứ” từ khi còn là một đứa trẻ cho đến khi đã trưởng thành và xa rời quê hương.
Hai câu hát mở đầu
Hình bóng cố hương nghìn năm, gọi ta như sóng xô bờ
Thành những bước chân mộng du, men theo lối về quê cũ
Để nghe con sông con suối với mái tranh cây đa đầu làng
Cùng trách những câu thật đau, người đi đi mãi mới về
Khiến mình như chìm đắm trong nỗi u hoài thương nhớ cố hương của nhân vật. Với “người viễn xứ” dường như chả có lúc nào người quên đi quê hương cả. Những hình ảnh về đất tổ với “con sông, con suối” “mái tranh, cây đa đầu làng”  “hàng xóm xiết bao tình thân”, “ tiếng gà eo ấp”, “bình minh sau khóm trúc”, “đàm đúm đồng dao”, “cánh diều căng gió” đã ám ảnh vào tâm trí người người. Chúng là tiếng gọi lúc nào cũng thúc giục người trở về quê xưa ngay cả trong giấc mộng nhưng thật đau xót làm sao người lại “đi đi mãi mới về”.
Ca từ thổn thức nhưng nếu không có giọng hát ám ảnh của danh ca Ngọc Lan và Duy Khánh có lẽ mình đã không ám ảnh hai câu hát này như vậy. Đặc biệt, khi chú Duy Khánh ca hai chữ “thật đau” thật sự rất đau. Đau không chỉ vì phải tha hương mà còn vì số đời của nhân vật. Có lẽ vì thế mà mà mình có chút ngậm ngùi, chua xót và cảm thông với một số hành động của các “cây hài” nào đó (về mặt tình cảm).
Theo dòng tự sự của bài hát, mình được chứng kiến hết thảy những đổi thay, biến cố, những niềm vui, nỗi buồn và tâm trạng của cuộc đời “người viễn xứ”. Nhưng dù ở điểm nào của cuộc đời, người vẫn luôn tâm niệm
Người dẫu cố quên thì quên, lòng ta nỗi nhớ vẫn đầy
Mạch nước nhớ bao đời sông, chim muốn nhớ rừng nhớ suối
Bàn chân phiêu lưu khắp lối, nhớ năm xưa trong tay mẹ hiền
Ngày trước nhớ con đường đi, giờ ta vẫn nhớ lối về
Phải rồi, có thể cố hương không còn giống với hoài niệm nhưng đó vẫn là quê hương của người. Vì vậy, dù ngày trước người có thể chỉ một lòng nhớ “con đường đi” nhưng cuối cùng vẫn mong mỏi một “lối về”, mong mỏi được một lần nữa nhìn thấy “Hình bóng cố hương nghìn năm”, được nghe tiếng gọi “như sóng xô bờ” của đất tổ vào một ngày nắng đẹp. Đó chính là ước mơ của “người viễn xứ” và cũng là đoạn kết cho bài hát.
Bài hát kết lại trong niềm ước mơ nhưng lòng mình lại nghe như có tiếng nấc đâu đây. Đúng vậy, không phải ước mơ nào cũng có thể trở thành hiện thực và không phải khao khát nào cũng có thể được thực hiện…. Đó chính là cuộc đời. "Cuộc đời là bể cả dòng sông, là con nước lớn nước ròng, mà ta là chiếc lá khô. Nước chảy rời nguồn, lá đành đi theo".