Thích Minh Tuệ - Không phải nhà sư, không phải Phật sống, chỉ là một người tu học
"Hành trình của con là muốn bộ hành trọn đời. Mục đích không nhằm truyền tải điều gì, bởi mọi điều trong Phật pháp đã có Đức Phật Thích...
"Hành trình của con là muốn bộ hành trọn đời. Mục đích không nhằm truyền tải điều gì, bởi mọi điều trong Phật pháp đã có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rồi. Con chỉ muốn thực hành những lời dạy của đức Phật, nhằm giúp hoàn thiện bản thân. Lúc đi bộ con luôn ước nguyện cho mọi người khi nào cũng được hạnh phúc, sống vui vẻ với gia đình".
Đây là lời chia sẻ của Thích Minh Tuệ về hành trình khất thực dọc theo chiều dài đất nước của mình. Chuyến hành trình này của Thích Minh Tuệ đã gây “bão” trên mạng xã hội, với hàng nghìn ý kiến tranh cãi, và hàng trăm người lũ lượt đi theo, quay phim, chụp hình thầy.
Một mặt, có những người cho rằng phép tu của Thích Minh Huệ là không đúng, thậm chí còn làm “bôi nhọ”, “xấu mặt” Phật tử. Những ý kiến này viện dẫn về trang phục, bình bát, phép tu, hay “tính chính danh” của thầy. Mặt khác, cũng không ít người ca ngợi Thích Minh Tuệ như một Phật sống, thánh nhân, vượt lên trên những chuẩn mực tu tập “thông thường”.
Giữa những tranh cãi này, chúng ta nên hiểu về “hiện tượng Thích Minh Tuệ” như thế nào? Điều gì khiến thầy thu hút sự quan tâm của công chúng đến vậy? Vì sao hàng ngàn người tôn thầy làm thánh sống, dù thầy đã khẳng định mình “chỉ là một người tu học” đơn thuần? Hay định nghĩa tu sĩ và Phật giáo trong lòng công chúng, khi đối chiếu với thực hành của Thích Minh Tuệ, đã sớm không còn như trước nữa?
Trong trường hợp này, có phải đã có một cách hiểu, một góc nhìn mới về Phật pháp và thực hành đạo Phật? Cùng mình hiểu nhé!
Thích Minh Tuệ là ai?
Thích Minh Tuệ, tên thật là Lê Anh Tú, sinh năm 1981, quê ở Hà Tĩnh. Theo lời kể của gia đình thì sau khi học xong phổ thông, theo nghiệp bố, thầy đi bộ đội chừng 3 năm, sau đó theo học Trường Trung cấp lâm nghiệp Tây Nguyên (Gia Lai). Ra trường, thầy làm đo đạc cho một công ty tư nhân ở Đắk Lắk, đồng thời bắt đầu đọc các sách về Phật pháp, thực hành ăn chay, tu tại gia.
Đến năm 2015, Thích Minh Tuệ xin bố mẹ cho xuất gia. Chia sẻ với VnExpress, thầy cho biết trước đây mình từng có thời gian ngắn tu tập tại một ngôi chùa và được đặt pháp danh là Thích Minh Tuệ. "Minh có nghĩa là sáng, tuệ là trí tuệ, ý nghĩa cái tên là con đường soi sáng. Sau này khi cảm thấy không còn duyên ở chùa, con ra ngoài và vẫn giữ pháp danh này", thầy giải thích.
Từ năm 2017, Thích Minh Tuệ chọn tu theo phương thức hạnh đầu đà, khất thực và đi bộ tới nhiều tỉnh thành. Cụ thể hơn về tu hạnh này xin được giải thích ở trong phần “Hiểu thế nào về hiện tượng Thích Minh Tuệ?” phía bên dưới.
Thích Minh Tuệ có được gọi là nhà sư không?
Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã ra văn bản khẳng định rằng Thích Minh Tuệ “không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam” và đề nghị “không ngộ nhận ông Lê Anh Tú là nhà sư”. Bản thân Thích Minh Tuệ cũng chia sẻ rằng "cảm thấy chưa xứng đáng làm tu sĩ bởi đạo đức của mình chưa đạt đến cảnh giới đó"
Như vậy, từ phía GHPGVN, 2 lý do chính được đưa ra là vì Thích Minh Tuệ:
1. Không tu tập theo ngôi chùa nào
2. Không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa nào
Nhưng thực tế là Thích Minh Tuệ đã từng tu tập tại một ngôi chùa trong một thời gian ngắn, pháp danh Thích Minh Tuệ cũng từ đây mà ra. Nên viện vào hai lý do này để phản đối danh xưng “nhà sư” của thầy thì thật là khiên cưỡng.
Còn nếu xét ở thời điểm hiện tại, đúng là Thích Minh Tuệ không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tu viện nào. Nhưng có cần phải trực thuộc một tăng đoàn để được công nhận là nhà sư không?
Trong sách Kinh Tương ưng bộ II, (tập IV) có viết: “Tu sĩ Phật giáo là người từ bỏ nếp sống thế tục, còn gọi là người xuất gia, khép mình trong nếp sống đạo đức và hành trì theo pháp môn đã được Đức Phật thuyết định.”
Vậy tu sĩ sẽ cần đáp ứng được yếu tố về (1) xuất gia và (2) hành trì theo pháp môn đã được Đức Phật thuyết định.
Đầu tiên về xuất gia, theo cuốn Sơ Đẳng Phật Học Giáo Khoa Thư, xuất gia có ba nghĩa: (1) xuất thế tục gia (ra khỏi nhà thế tục - tức tình yêu, các mối quan hệ); (2) xuất phiền não gia (ra khỏi nhà phiền não tham-sân-si); và (3) xuất gia tam giới gia (ra khỏi nhà tam giới: Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới). [1]
Trong bài viết “Phi tăng phi tục” trong tư tưởng của Thân Loan (Shinran) ở Nhật Bản, đăng tải trên Tạp Chí Nghiên Cứu Phật Học – Cơ quan Ngôn luận GHPGVN có giải thích rõ bốn hạng xuất gia như sau:
“- Thân lìa tâm chẳng lìa: Thân đã chọn xuất gia nhưng tâm trí vẫn còn đắm mình trong cuộc sống thế tục. Dù họ ở trong tăng đoàn, tâm hồn vẫn mơ mộng và ái mộ cuộc sống vật chất.
- Tâm lìa thân chẳng lìa: Ở đây thân xác vẫn ở trong cuộc sống gia đình nhưng tâm hồn đã chấp nhận và thực hành đời sống xuất gia. Họ không mê mải cuộc sống cám dỗ trần tục mặc dù sống trong môi trường hỷ nộ ái ố.
- Thân và tâm đều lìa: Cả thân và tâm tách khỏi cuộc sống thế tục. Người này đã xuất gia cả về vật chất và tinh thần, không bị lôi cuốn bởi những danh vọng hay những cám dỗ vật chất.
- Thân và tâm đều không lìa: Ở hạng cuối, cả thân và tâm đều bị rơi vào cuộc sống thế tục. Mặc dù có gia đình, họ vẫn mãi mê vào nhiều khía cạnh của cuộc sống vật chất mà không ý thức hoặc nỗ lực để xuất gia.” [2]
Vậy thì căn cứ theo ba định nghĩa ở trên và bốn hạng xuất gia này, ta có thể thấy Thích Minh Tuệ là người “thân và tâm đều lìa”; tức đã là người xuất gia.
Tiếp đến, ý thứ hai về định nghĩa tu sĩ, là “người hành trì theo pháp môn đã được Đức Phật thuyết định”. Pháp môn ở đây chỉ các giáo lý Phật pháp. Câu hỏi đặt ra là các giáo lý này có cần phải tu tập trong tăng đoàn như lý do mà GHPGVN đưa ra hay không?
Trong bài viết “Họ Thích có từ khi nào, ý nghĩa?” tác giả Pháp Vương Tử, đăng trên Tạp Chí Nghiên Cứu Phật Học – Cơ quan Ngôn luận GHPGVN đã có đoạn chia sẻ như sau “Rồi đến cả mô hình Tăng đoàn (mà sau này gọi là Giáo hội) Đức Phật cũng không cho phép có một tổ chức chặt chẽ nữa là – vì cho rằng “Hiểu biết càng sâu thì niềm tin Tôn giáo càng vững, còn Tổ chức của Giáo hội có chặt chẽ hay lỏng lẻo cũng không thành vấn đề. Lại nữa,...vấn đề định danh định nghĩa Tôn giáo, đạo Phật cũng không mấy quan tâm, thậm chí còn khước từ vì cho rằng: Mọi định nghĩa khách quan là đặt giới hạn cho sự thăng hoa của nguồn sống Đạo”.
Ý tưởng ở đây của đạo Phật là mỗi người cần tự học đạo, tự thấu hiểu giáo pháp để tìm ra con đường cho riêng mình, chứ không đặt nặng vấn đề Tăng Đoàn, Giáo Hội. [3]
Vậy hiểu theo cả nghĩa (1) và (2) thì chẳng có lý gì để không công nhận Thích Minh Tuệ là nhà sư!?
Tất nhiên, bản thân thầy có thể không thừa nhận điều này, nhưng không ai có quyền cấm đoán người dân không được gọi Thích Minh Tuệ là thầy hay sư, dựa trên niềm tin về phẩm hạnh mà họ dành cho thầy.
Hiểu thế nào về hiện tượng Thích Minh Tuệ?
Đến nay, Thích Minh Tuệ đã 3 lần đi dọc chiều dài đất nước, nhưng đến lần thứ 4 này thì thầy mới thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, với hàng trăm người đi theo. Trong đoàn đi theo đó có tín đồ phật tử, cũng có những người hiếu kỳ, những nhóm TikToker, YouTuber quay clip, livestream đăng tải trên các trang mạng xã hội. Những nền tảng online này đã tạo nên “hiện tượng Thích Minh Tuệ”, thu hút sự quan tâm của công chúng.
Theo người viết, có hai yếu tố chính khiến Thích Minh Tuệ trở thành một hiện tượng.
1. Phép tu khác biệt
Lý do rõ ràng nhất là vì phép tu Thích Minh Tuệ thực hành - Hạnh đầu đà. Thầy chia sẻ rằng những năm qua, mình chỉ nghe lời giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tập học tu hạnh đầu đà. Tu hạnh này có 13 pháp khổ hạnh, mà theo hòa thượng Thích Chân Tính thì có thể tóm tắt trong 3 ý như sau:
Thứ nhất về việc mặc: người tu hạnh đầu đà chỉ mặc ba y, không nhận thêm y thứ tư. Vải lượm ở nghĩa địa, ngoài đường, đống rác đem về chắp vá khâu lại thành y để mặc, gọi là y phấn tảo. Không nhận y do thí chủ may sẵn cúng dường.
Thứ hai về việc ăn: người tu hạnh đầu đà chỉ ăn thức ăn trong bình bát, ăn bằng cách đi khất thực, khi khất thực phải đi tuần tự từng nhà, không phân biệt nhà giàu nhà nghèo, không phân biệt thực phẩm ngon dở, ăn ngày một bữa, ngồi ăn chỉ một lần, khi đã đứng lên rồi thì không ngồi xuống ăn lại. Không cất chứa hoặc để dành thức ăn qua ngày hôm sau.
Thứ ba về việc ở: người tu hạnh đầu đà ở gốc cây, ở rừng, ở nghĩa địa, ở giữa trời, ở chỗ nào cũng được miễn là an toàn, an ninh, đặc biệt chỉ ngồi không nằm khi ngủ cũng trong tư thế ngồi. [4]
Đi theo phương thức tu hạnh đầu đà, Thích Minh Tuệ đã đi bộ tới nhiều tỉnh thành từ năm 2017. Thời gian đầu, đôi lúc thầy di chuyển bằng xe khách. Năm 2020 đến nay, thầy luôn bộ hành tuyệt đối, chỉ đôi lúc di chuyển bằng đường thủy thì phải dùng thuyền hoặc đò qua sông.
Vì quyết tâm theo khổ hạnh đầu đà nên quá trình đi bộ thầy luôn tự nhặt các tấm vải vứt ở bên đường hoặc trong thùng rác rồi may lại làm quần áo mặc, ai đó cố tình vứt cho thì thầy sẽ không nhận. Mỗi ngày thầy chỉ ăn một bữa. Khi đi trên đường, nếu gặp người có tâm, có duyên gửi cơm chay hoặc nước thì chỉ dùng vừa đủ. Qua các con sông, suối thầy dừng lại tắm rửa. Buổi tối, thầy thường nghỉ ngơi bên đường, chỉ ngủ ngồi chứ không nằm xuống. Những lúc muốn đi vệ sinh thì thầy ghé vào các cây xăng.
Pháp tu này không hiếm gặp trong cộng đồng Phật giáo thế giới, nhưng tại Việt Nam, phép tu Hạnh Đầu Đà gần như trái ngược hoàn toàn với những gì mà người dân tiếp nhận về lớp tu sĩ như: cúng dường, xây chùa, lối sống xa hoa của một bộ phận tăng ni, việc nhiều tăng ni xưng “thầy” và gọi những người lớn tuổi hơn là “con”,... Vì vậy, đối chiều từ trường hợp của Thích Minh Tuệ, những tranh luận trái chiều đã nổ ra về thực hành Phật giáo như thế nào mới đúng bản chất? Như thế nào mới thật sự thể hiện được tinh thần Phật Pháp? [5]
2. Động thái từ cơ quan chức năng xoay quanh danh xưng “nhà sư” của Thích Minh Tuệ
Nếu chỉ dừng lại ở việc thảo luận trên mạng xã hội thì có lẽ hiện tượng về Thích Minh Tuệ cũng không phổ biến như hiện tại. Điều khiến sự việc này đi xa hơn là những động thái từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ.
Cả hai cơ quan này đều đưa ra thông điệp rằng “Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo”, “không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.
Tiếp đó, GHPGVN và Ban Tôn giáo Chính phủ đưa ra cảnh cáo về :
- Những phát ngôn, thông tin truyền thông có nội dung xuyên tạc, thiếu chính xác, thiếu khách quan liên quan đến Phật giáo
- Tình trạng tập trung đông người đi theo Thích Minh Tuệ, gây cản trở và ảnh hưởng an toàn giao thông.
Vậy có thể hiểu rằng mục đích của cả hai lời tuyên bố này đều hướng đến những động thái của người dân; chứ không phải bản chất việc thực hành tu tập của thầy Minh Tuệ, vì các văn bản đưa ra vẫn khẳng định tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. [6]
Dù vậy, việc đưa ra phát ngôn tách Thích Minh Tuệ ra khỏi định nghĩa nhà sư (hay chính là Phật giáo nói chung), vô hình chung khiến cuộc thảo luận trở nên căng thẳng hơn, khiến cho công chúng đặt câu hỏi sâu hơn về:
Cách tu của Thích Minh Tuệ đúng hay sai?
Những ý kiến phản đối
Đầu tiên, không thiếu những ý kiến cho rằng cách tu của Thích Minh Tuệ là sai lệch, không đáng học hỏi theo. Các ý kiến này tập trung vào những quan điểm chính sau:
1. Việc dùng bình bát bằng ruột nồi cơm điện là không đúng pháp.
Một ý kiến chỉ trích xoay quanh việc bình bát là một Pháp khí Phật Giáo, vật dụng gắn liền với đời sống Phật Giáo, nên không thể tùy tiện thay bằng ruột nồi cơm điện. Như vậy là “bôi bác, làm xấu” Phật giáo.
Về vấn đề này, cư sĩ Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến đã nêu ý kiến phản đối, đăng trên Thư viện Hoa Sen, như sau:
“Kinh điển ghi nhận việc một vị tăng chỉ sở hữu duy nhất một bình bát (nhất bát) dùng để đi khất thực, nhưng chưa thấy ở đâu đưa ra quy chuẩn về bình bát phải làm bằng chất liệu gì hay như thế nào. Từ điển Phật Quang, bản Hán ngữ, trong một mục từ “nhất bát” là “Phật giáo tu hành giả sinh hoạt chi giản phác” (tức là biểu thị đời sống đơn giản mộc mạc của người tu hành trong Phật giáo.) Dựa theo đây mà nói thì cái bình bát bằng ruột nồi cơm điện của thầy Minh Tuệ không có gì trái luật, mà ngược lại còn rất đơn giản mộc mạc.” [7]
2. Việc một tăng sĩ đi lang thang không trụ xứ là không đúng pháp.
Quay lại lịch sử của Phật giáo, sau khi giác ngộ, Đức Phật đã cùng đệ tử đi giáo hóa khắp nơi, sống bằng cách đi khất thực từ nhà này đến nhà khác. Điều này chứng tỏ rằng tăng sĩ không cần phải ở nguyên một vị trí mà có thể dịch chuyển để khất thực, giảng dạy và truyền bá Phật Pháp. [8]
Trong cuốn sách “Nàrada: Đức Phật và Phật Pháp”, Đức Phật còn nói với các sa môn đệ tử của mình là “Hãy ra đi, các Tỳ-khưu, đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người, đem hạnh phúc lại cho nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và nhơn loại. Mỗi người hãy đi một ngả…” [9]
Vậy hành trình của Thích Minh Tuệ không sai về việc không trụ xứ, cũng không sai về việc khất thực - thầy chỉ nhận vừa đủ ăn, không nhận gì khác ngoài thức ăn, chỉ ăn ngày một bữa,... Như vậy, thực hành tu của Thích Minh Tuệ không có gì sai với giáo pháp của Đức Phật cả.
3. Cách tu của Thích Minh Tuệ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh tu sĩ Phật giáo
Lập luận này được dựa trên những tranh cãi hiện tại về việc tu như thế nào là đúng chánh pháp. Nếu trường hợp của Thích Minh Tuệ là đúng thì lẽ nào hàng chục ngàn tăng ni đang ở trong các chùa, tịnh xá, tu viện,... đang không tu theo chánh pháp? Nếu nghĩ như vậy thì có làm tiêu cực hình ảnh tăng trong công chúng hay không? Đây cũng là lý do được viện dẫn cho phát ngôn của GHPGVN được đề cập ở trên.
Đầu tiên việc phép tu của Thích Minh Tuệ là đúng (như đã chứng minh ở trên) không đồng nghĩa với việc phép tu của những tăng ni Phật tử khác là sai. Quá trình phát triển của Phật giáo đã sản sinh ra nhiều tông phái, cách tu tập khác nhau.
Thứ hai, việc hình ảnh tăng ni có bị suy giảm, ảnh hưởng tiêu cực hay không cũng không hề liên quan đến Thích Minh Tuệ, bởi 2 lý do sau:
(1) Thực hành của Thích Minh Tuệ đã diễn ra nhiều năm và không hề có thuyết giảng. Tức là, thầy không hề có tác động trực tiếp đến quan điểm của công chúng. Vì vậy, nếu hành động của thầy khiến công chúng suy giảm niềm tin đối với một số tăng ni thì cần xem lại chính hành vi của các vị tăng ni đó. Những người này đã làm gì để khiến các Phật tử mất niềm tin?
(2) Nếu vấn đề ở đây không nằm ở các vị tăng ni trên, mà là vì nhận thức của công chúng sai lệch (hiểu không đúng về chánh pháp); thì câu hỏi lại quay trở về những thuyết giảng mà công chúng đã nhận được trong những năm qua đã khiến họ nhận thức không đúng đắn. Điều này, một lần nữa, cũng không liên quan đến Thích Minh Tuệ.
Những ý kiến ủng hộ
Đã có rất nhiều ý kiến khen ngợi, ca tụng Thích Minh Tuệ, thể hiện qua việc hàng ngàn người đổ ra đường, chờ đón hay đi cùng thầy. Tuy nhiên, việc khen ngợi quá mức cũng có thể tạo nên những thông tin sai lệch làm cản trở con đường tu tập của thầy, cụ thể như:
1. Cho rằng thầy Minh Tuệ tu hạnh đầu đà là tu theo chánh pháp, chỉ có phép tu này mới mau giải thoát
Về ý kiến này, cư sĩ Thiện Quả Đào Văn Bình chia sẻ trên Thư viện Hoa sen rằng sư Minh Tuệ tu đúng chính pháp nhưng đó không phải là pháp tu duy nhất. Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật dạy ngài Tu Bồ Đề rằng, “Pháp của Như Lai không hề có thấp cao” tức tu pháp nào cũng được, tùy theo căn cơ và tu đến nơi đến chốn.
Theo đó, tu theo hạnh Đầu Đà không tiếp xúc với đời, tuy khổ hạnh nhưng không phiền não. Còn khi đã nhập thế thì “gần bùn” cho nên dễ “hôi tanh mùi bùn”, dễ sa ngã. Vì vậy, những nhà sư thu nhận đệ tử, trụ lại tại các ngôi chùa, tu viện mà vẫn giữ được tâm thanh tịnh thì cũng cần được xem là những người tu hành chân chính.
Bên cạnh đó, cư sĩ cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc thành lập giáo hội và các cộng đồng Phật tử vững mạnh. Những sinh hoạt này giúp Phật giáo phát triển và tổ chức được những sự kiện Vu Lan Báo Hiếu, các lễ Hằng Thuận, cầu an cho gia đình, các đại lễ cầu Quốc Thái Dân An cho quốc gia,... Nói cách khác, việc thành lập tăng đoàn giúp phổ biến Phật giáo đến đông đảo người dân.
Vậy nên cách tu tập có thể khác nhau, nhưng không thể nói được người tu hành nào là xuất chúng hay cấp bậc cao hơn người khác được. [10]
2. Bày tỏ sự tôn kính thái quá với Thích Minh Tuệ
Việc bày tỏ thái độ tôn kính với một người không có gì sai trái, nhưng cách bày tỏ như thế nào cũng là điều cần nhiều cân nhắc. Thích Minh Tuệ đã độc hành nhiều năm qua, nhưng giờ đây mỗi ngày đều phải đi giữa dòng người đông nghịt, không còn một chỗ nghỉ ngơi. Đây chắc chắn không phải là điều Thích Minh Tuệ mong muốn.
Thực tế, trong một video được người dân quay lại, thầy Minh Tuệ đã nói như sau:
“Con không cần ai đi hộ pháp hết…Mọi người về làm công việc của mình…Hạnh đầu đà tu học là hữu duyên, tự mình đi khất thực, tự mình lo lấy, không cần ai cả…Mình ở nhà làm điều thiện, giữ giới, theo lời Phật dạy, như thế là mình đã hành lễ rồi…Người tu cũng có công việc của họ, cần có thời gian họ tu hành.”
Tạm kết
Những sự việc xoay quanh Thích Minh Tuệ đã gợi dẫn cho ta một góc nhìn mới về Phật pháp và thực hành đạo Phật. Không cần những ngôn từ bóng bẩy, không cần lời kinh hay cầu nguyện, Thích Minh Tuệ chỉ cho ta rằng thực hành đạo Phật diễn ra trong mỗi hành động, mỗi suy nghĩ, mỗi bước đi,... Dù ta có ở đâu, như thế nào, nếu hướng theo lời Phật dạy, thì “ở đâu cũng là chùa” vậy.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất