Vì sao dòng phim Fast and Furious sẽ không quay về với đua xe đường phố
T rải qua 8 phần phim, series Fast and Furious đã từ những bộ phim lấy chủ đề đua xe đường phố trở thành những bộ phim hành động...
Trải qua 8 phần phim, series Fast and Furious đã từ những bộ phim lấy chủ đề đua xe đường phố trở thành những bộ phim hành động không thua kém gì các phim siêu anh hùng. Liệu có cơ hội nào cho Fast and Furious trở về với cội nguồn đua xe đường phố?
Series phim Fast and Furious có khởi đầu khá khiêm tốn, phần phim đầu tiên lấy cảm hứng từ bộ phim Point Break của Keanu Reeve. Cả hai phim có những điểm rất tương đồng với nhau như: Một tay cảnh sát trẻ tuổi thâm nhập vào băng nhóm tội phạm có sở thích thể thao mạo hiểm (Point Break lấy tâm điểm lướt sóng còn Fast and Furious chọn đua xe). Nhân vật chính sau đó trở nên thân thiết với lãnh đạo của băng đảng hơn. Phi vụ cuối cùng thất bại và sau đó, vì sự tôn trọng lẫn nhau nhân vật chính đã để tên cầm đầu của băng đảng trốn thoát và bỏ nghề cảnh sát.
Với một bộ phim có cái kết đóng như thế, thật khó mà tin rằng The Fast and The Furious lại được làm tiếp phần hai. Lí do của điều này chính là vì The Fast and The Furious đã khiến cho trào lưu tuner (độ xe) và JDM (xe nhập từ Nhật Bản) một lần nữa hot với người Mỹ. Sau khi The Fast and The Furious ra mắt, những chiếc xe thể thao nổi tiếng của làng xe độ như Mazda RX7, Toyota Supra MKIV và hàng hiếm Nissan GTR đời 32, 33 và 34 tăng giá vùn vụt. Các công ty độ xe và bán các sản phẩm độ như bodykit, tăng áp và siêu nạp mọc lên như nấm sau cơn mưa. Thậm chí đến cả hãng xe cơ bắp lâu đời của Mỹ là Dodge đã phải tung ra chiếc xe Dodge Neon SRT-4 để canh tranh với những chiếc xe độ của Nhật
Vào năm 2003, phần 2 của dòng phim mang tên 2 Fast 2 Furious (gọi tắt là Fast 2) đã ra mắt khán giả. Ở phần phim này, vốn đầu tư đã được tăng lên gấp đôi (vốn của phần 1 là 38 triệu USD, phần hai là 76 triệu). Không chỉ nhận được sự đầu tư lớn của studio, bộ phim cũng đã được Mitsubishi tài trợ cho hai chiếc xe đóng “vai chính” là Mitsubishi Lancer EVO VII và Mitsubishi Eclipse Spyder GTS.
Nhờ vào sự đầu tư lớn, những mẫu xe xuất hiện trong phim đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên doanh thu của phim đã không thành công như phần trước. Dù có vốn đầu tư cao hơn hẳn phần 1, doanh thu chỉ vượt qua phần 1 hơn 30 triệu USD ( phần 2 thu về 237 triệu USD, so với phần 1206 triệu USD). Một trong những lí do khiến cho Fast 2 không thành công như mong đợi chính là vì diễn viên Vin Diesel đã chọn không làm phần 2. Tình bạn giữa Dominic Toretto và Brian O’Connor chính là một trong những điều khiến The Fast and The Furious đặc biệt.
Tuy nhiên có lẽ Universal Studio vẫn chưa nhận ra điều này và cho rằng Fast 2 vẫn còn cần thêm xe. Vì thế vào năm 2006, The Fast and The Furious: Tokyo Drift đã được ra mắt. Với chi phí đầu tư còn cao hơn cả phần 2 (85 triệu USD) và lấy bối cảnh tại “thiên đường xe độ” và cái nôi của nghệ thuật Drift – Nhật Bản. Đây là phần phim được sự đón nhận rất tốt từ những khán giả yêu xe. Tiếc thay đây cũng là phần phim có doanh thu thấp nhất, với con số 157 triệu USD, Universal Studio đã có thể khẳng định rằng khán giả mê xe dù rất nhiều nhưng con số đó không bằng những khán giả thích xem những cảnh hành động hoành tráng và tình bạn giữa Dom và Brian.
3 năm trôi qua kể từ lúc Tokyo Drift được phát hành, phần 4 của dòng phim với tựa đề Fast and Furious đã được ra rạp. Đây là phần phim bắt đầu cho sự thay đổi hướng đi của dòng phim. So với những phần trước, các cảnh độ xe và đua xe đã không còn là tâm điểm. Thay vào đó, những phân cảnh hành động tốc độ cao và mối quan hệ của Brian và Dom đã trở thành điểm nhấn của phim. Với những thay đổi này Fast and Furious đã trở thành phần phim thành công nhất bấy giờ với mức doanh thu gấp 4 lần số tiền đầu tư (đầu tư 85 triệu USD và doanh thu 363 triệu).
Bắt đầu từ phần 4 trở đi, series Fast and Furious đã trở thành một trong những dòng phim có doanh thu khủng nhất Universal Studio. Số vốn cho mỗi phần tăng dần và doanh thu của những phần phim đó đều gấp 4, gấp 5 hay thậm chí là gấp 6 lần số tiền đầu tư. Với công thức kiếm tiền ổn định như thế, Universal Studio thật sự không có lí do gì để quay lại với đua xe đường phố.
Nhưng doanh thu của dòng phim Fast and Furious không phải là lí do duy nhất khiến dòng phim không thể trở về với bản gốc. Cốt truyện cũng là một yếu tố rất quan trọng.
Trong phần 1, 2 và 4, Brian O’Connor là cảnh sát chìm và thâm nhập vào các đường dây tội phạm liên quan đến đua xe khắp nước Mỹ. Brian không thể mãi làm cảnh sát chìm tham gia các cuộc đua ngầm vì giới tội phạm ở Mỹ sẽ sớm biết danh phận của anh.
Hơn nữa sau phần 5, băng nhóm Fast and Furious đã trở thành triệu phú/tội phạm bị truy nã. Và sau phần 6, băng nhóm đã trở thành đặc vụ của chính phủ. Việc độ xe và đua xe để kiếm sống không còn là cần thiết nữa khi thành viên của băng nhóm dư tiền mua các siêu xe như Lexus LFA, Ferrari FXX và Koenigsegg CCXR.
Và yếu tố cuối cùng, đó là những cuộc đua chỉ thực sự thú vị khi đó là cuộc đối đầu của những chiếc xe khác nhau. Với Fast and Furious thời kì đầu, những chiếc xe cũng chính là những nhân vật của phim. Dominic Toretto chính là chiếc xe cơ bắp Dodge Charger được độ lên 900 mã lực. Sự mạnh mẽ của Dominic Torreto đã được lột tả qua hình ảnh chiếc xe cơ bắp màu đen do bố anh để lại.
Song song với Dominic Torretto thì chiếc Toyota Supra MK IV chính là Brian. Toyota Supra không phải là một chiếc xe quá mạnh với con số 320 mã lực nhưng động cơ 2JZ-GTE của chiếc xe này đã được Toyota thiết kế để chỉ cần độ đúng cách, chiếc Supra sẽ trở thành một con quái vật với hơn 800 mã lực. Brian cũng như vậy, anh là một sĩ quan cảnh sát ở đầu phim với kĩ năng đua xe rất non kém, nhưng từng bước dấn thân vào giới tội phạm ngầm của Brian xảy ra song song với sự hình thành của chiếc Supra. Và khi chiếc Supra được độ hoàn chỉnh, Brian và đua xe đường phố đã dính liền với nhau.
Và thậm chí cả Sean Boswell, nhân vật chính của phần 3 cũng đã được lột tả bằng lựa chọn xe của anh. Mở đầu phim với chiếc xe cơ bắp cũ kĩ Chevrolet Monte Carlo, người xem có thể hiểu rằng Sean là chàng thanh niên đại diện cho miền Nam nước Mỹ, và chưa từng biết đến khái niệm Drift là gì. Nhưng khi đến Nhật, Sean đã được học Drift với Han bằng chiếc Mitsubishi EVO IX. Chiếc EVO IX như đại diện cho sự hòa nhập vào văn hóa Nhật của Sean. Và cuối cùng, khi Sean phải đối đầu với DK, Sean đã sử dụng chiếc Mustang đời 1967 gắn động cơ Nhật Bản RB26DETT. Chiếc xe này đại diện cho Sean lúc cuối phim – một tay đua người Mỹ với những kĩ năng đổ đèo của người Nhật.
Trong phần 1, 2 và 3, những chiếc xe đều đại diện cho các nhân vật nhưng rất tiếc điều đó đã không còn nữa sau phần 4. Lí do cho điều này chính là thị trường xe Nhật đã không còn nhiều chiếc xe thể thao hấp dẫn như xưa. Thay vào đó là những chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu bảo vệ môi trường với vẻ ngoài không quá thể thao.
Một lí do khác chính là vì dòng phim Fast and Furious cũng đã trở thành dòng phim dùng để quảng cáo xe với hai nhà tài trợ chính là Dodge và Subaru. Nếu cần xe thể thao của Nhật, dòng phim chỉ cần lấy Subaru WRX và BRZ. Còn nếu cần xe cơ bắp Mỹ, Dodge sẵn sàng cung cấp những chiếc xe mạnh mẽ đã được độ sẵn từ nhà máy. Không những thế, phần 7 của phim đã có một phân cảnh chỉ dùng để quảng cáo siêu xe của Dubai là Lykan Hypersport. Sự thiếu đa dạng trong những chiếc xe sẽ khiến cho các cuộc đua nhàm chán.
Suy cho cùng, dù Fast and Furious đã không còn tâm điểm là đua xe, người mê xe vẫn còn có thể tận hưởng những mẫu xe mới được xuất hiện trên phim cùng với những cảnh hành động gây cấn trên những chiếc xe đắt tiền đó. Đôi khi đây vẫn là điều tốt hơn việc dòng phim dành cho người mê xe kết thúc.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất