Về tình yêu: Yêu thương và quên lãng
Là khi ta biết yêu, biết đã phải lòng... là khi thấy những khoảnh khắc rất đỗi bình dị, đôi lúc là ngốc nghếch của người đó, nhưng...
"Yêu đòi hỏi ở ta rất nhiều dũng cảm và rất ít kỳ vọng" (Hiệu sách nhỏ ở Paris | Nina George)
1. Là khi biết yêu...
Là khi ta biết yêu, biết đã phải lòng... là khi thấy những khoảnh khắc rất đỗi bình dị, đôi lúc là ngốc nghếch của người đó, nhưng cũng thấy ấm lòng, chữ thương cuộn trào trong lồng ngực, trái tim rạo rực, trái tim như chú chim nhỏ líu lo trong ánh nắng ban mai của mùa xuân.
Tình yêu là gì? Là không phô trương, là chẳng cần gồng mình thể hiện, chỉ là mình như vốn thế.
Mọi hành động đều có lý do nhưng có lẽ tình yêu là ngoại lệ. Yêu thì có ghét, có giận, có hờn nhưng khi đủ bao dung, đủ thấu hiểu lẫn nhau, ghét mấy rồi cũng thành thương.
2. Người ta, mình ơi: Kiểu tình yêu của người già
Mình thích cách thể hiện tình yêu người già: đơn giản, quan tâm chân thành, lại chậm rãi, tri kỉ, tình cảm, vừa tự do vừa trách nhiệm, gắn kết dựa trên sự thấu hiểu và tôn trọng, không phải ràng buộc, và có lẽ cũng là trân trọng lẫn nhau.
Như là cách ông bà gọi nhau là người ta, mình ơi, chẳng ngại thể hiện tình cảm khi đã ngoài 80.
Như là cách bố mẹ thủ thỉ nói chuyện mỗi đêm, cho dù cả ngày ở cùng nhau tưởng như chẳng còn chuyện gì để nói. Những câu chuyện mà người trẻ đôi khi nghĩ là nhạt nhẽo như chuyện ông hàng xóm, chuyện con chó/mèo, chuyện ngày mai làm gì… nhưng lại thể hiện sự quan tâm, lắng nghe, là sự chia sẻ.
Như cách phút trước mẹ giận bố lắm nhưng phút sau lại trò chuyện như chưa có chuyện gì. Hay cách bố sẵn sàng làm mọi việc trong nhà chỉ cần mẹ nhờ. Bố thay đổi những thói quen khiến mẹ khó chịu, hay mẹ chấp nhận một vài tính xấu của bố.
Có lẽ 2 người phải thương nhau nhiều lắm hay phải trải qua nhiều hỉ, nộ, ái, ố cùng nhau thì mới có thể bền bỉ mà tình cảm với nhau vậy.
Mình thích kiểu tình yêu của ông, bà bố mẹ vì sẽ mang lại cảm giác san sẻ, an toàn, vững chãi rằng: Mọi thứ có thể thay đổi nhưng tình thương thì không.
3. Tình yêu: Giọng nói, ánh mắt và quên lãng
Ánh mắt...
"Uống lầm một ánh mắt
Cơn say theo nửa đời
Đôi khi quờ tay lạnh
Tình treo trên ghế ngồi" (Thục Linh)
Đến mãi sau này, và lâu hơn nữa, điều mà tâm trí cứ mãi ghi nhớ là ánh mắt của ai đó dành cho ta, để nhắc nhở rằng đã từng có khoảng thời gian như thế.
Ánh mắt trìu mến, thương thương, khi nghi ngờ, thờ ơ, khi ngọt ngào mềm nhũn, ánh nhìn dưới đèn điện phố xá, dưới cơn mưa giọt nước nhớp mi, ánh nhìn mà không biết sau này đó là lần cuối được thấy…
Có người còn đó, có người không. Có người còn cơ hội gặp mặt, có người không. Không còn ánh mắt ấy.
Ánh mắt trao đi rồi quên lãng, mặc ai đó cố gắng chôn vùi. Nhưng ích kỷ, vẫn luôn khao khát được nhìn thấy những ánh mắt ấy lần nữa, như chiêm ngưỡng, như tận hưởng…
Là kiểu ánh mắt "You are the apple of my eye" bạn sẽ chẳng bao giờ quên được, bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy ở một ai khác ở hiện tại. Chỉ có duy nhất người đó, mang lại những cảm xúc đó cho bạn - vừa chân thực, vừa mơ hồ.
...đã lâu không nghe giọng người ấy
Đã lâu không gặp, đã lâu không trò chuyện, đã lâu lắm không nghe thấy giọng nói ấy nữa, 99.99% là chẳng bao giờ nữa.
Tự hỏi, còn nhớ giọng nói đó không, nếu vô tình nghe thấy ở đâu đó, liệu có nhận ra? Trong giấc mơ, giọng nói quen thuộc, quá đỗi ấm áp, ngọt ngào và ta vô hình trong khung cảnh đó.
Tỉnh dậy, trong vài giây lạc nhịp, vẫn phải thành thật với chính mình rằng, i miss your voice.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất