Về tầm quan trọng của việc cải thiện phát âm
Về tầm quan trọng của việc cải thiện phát âm (từ những câu chuyện thực tế)
Tiếng Việt là ngôn ngữ thứ nhất của mình, tức tiếng mẹ đẻ, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2, còn tiếng Nhật là ngôn ngữ thứ 3, ý là theo thứ tự mình bắt đầu học thứ tiếng ấy.
Hiểu rõ giới hạn của bản thân, nhưng đừng bỏ cuộc. Nếu phát âm được 90%, tuy chưa hoàn hảo, nhưng vẫn tốt hơn 50%
Sau nhiều năm chật vật để đạt nấc cao nhất trong các chứng chỉ ngôn ngữ, mình chợt nhận ra một sự thật khá đau lòng. Dù ngữ pháp của mình có chuẩn, vốn từ có phong phú, nghe hiểu có tốt bao nhiêu nhưng khi phát âm của mình khiến người ta có một cảm giác hơi là lạ, hơi sai sai ở đâu đó (tiếng Nhật gọi là 違和感 (iwakan)), nghe là biết người nước ngoài, thậm chí nghe là biết accent của người Việt thì vẫn có rất nhiều bất lợi.
Viết đến đây có thể nhiều bạn sẽ nghĩ, chỉ cần người ta hiểu là được, đâu cần phải cố gắng hoàn hảo quá làm gì. Mình vừa đồng ý vừa không đồng ý. Mình đồng ý rằng, ngôn ngữ chỉ là công cụ, chỉ cần hai bên hiểu nhau là được. Tuy nhiên mình không đồng ý với việc dừng cố gắng khi bạn vẫn có tiềm năng cải thiện để tốt hơn, đặc biệt là với những lỗi sai mà nếu bạn để ý, bạn hoàn toàn có thể sửa được.
Gần đây, lúc tìm tòi các video về cách phát âm trên mạng, mình tìm được một video của thầy Dan. Tuy nhiên điều mình muốn đề cập lại là một thông điệp thầy gửi gắm trong video: "Hiểu rõ giới hạn của bản thân, nhưng đừng bỏ cuộc... Mình đã chấp nhận rằng mình có thể ở Việt Nam mãi và không bao giờ phân biệt được những dạng âm như "cháo" và "cháu", "hai" và "hay" hoàn toàn đúng. Một số âm tiếng Anh như /θ/ hoặc /dʒ/ thì có lẽ các bạn sẽ không bao giờ phát âm như người bản ngữ. Nhưng các bạn vẫn nên cố gắng. Nếu phát âm được 90%, tuy chưa hoàn hảo, nhưng vẫn tốt hơn 50%. Các bạn hãy chấp nhận giới hạn của bản thân nhé, đừng tự chê bản thân mình, việc đó chẳng giúp gì đâu."
Ví dụ, với mình lỗi sai mình vừa sửa gần đây trong tiếng Anh là âm /θ/ mà trước giờ mình vẫn phát âm y chang âm /th/ trong tiếng Việt. Vấn đề là mình chưa bao giờ cố gắng sửa vì không biết bản thân bị sai (mình tự nhận tai mình phân biệt sự khác nhau của các âm không tốt lắm). Âm /dʒ/ ở cuối từ, ví dụ như từ /judge/ hay /large/ thì mình vẫn đang chật vật, vì app Elsa mãi không nhận ra phát âm của mình. Tuy nhiên, mình tin việc nhận ra điểm yếu của mình ở đâu và tìm cách khắc phục là một nửa con đường đến với ánh sáng rồi.
Quay lại với câu chuyện của bản thân về việc phát âm không chuẩn. Dù mình đã có N1 và làm ở công ty Nhật được hơn 2 năm, lúc mình đi vào hỏi nhân viên nhà ga hoặc cảnh sát về đường đi hoặc cách đi tàu, nhiều người đã trả lời lại mình bằng tiếng Anh. Mình biết rằng họ có ý tốt, cũng có thể họ nhận ra mình là người nước ngoài từ ngoại hình, nhưng một phần là do phát âm của mình khiến họ cảm thấy tiếng Nhật của mình chưa đủ tốt để họ giải thích lại cho mình bằng tiếng Nhật, vì nhiều người bạn của mình chưa bao giờ bị hỏi lại bằng tiếng Anh cả.
Câu chuyện thứ 2, lúc mình đi học lái ở Nhật. Vì muốn trải nghiệm nhiều cách dạy khác nhau nên mình không chỉ định thầy. Và vào đúng một hôm, mình gặp một ông thầy khá khó tính. Mình chào hỏi thầy "Hôm nay là buổi học lái ngoài đường đầu tiên, cháu sẽ ngồi lái hay thầy ngồi lái". Tuy nhiên, mình phát âm chữ buổi học đầu tiên bị nhầm, thay vì 初路上(hatsu rojou: lần lái ngoài đường đầu tiên) thì mình nói thành はつかい路上 (hatsukai - hatsu là đầu tiên, ghép với kai là lần đầu, một từ không tồn tại, do mình tự bịa ra =))), thầy cho là mình không biết tiếng Nhật. Sau đó, lúc định thuyết minh về cách kiểm tra định kỳ cho xe trước khi xuất phát, thầy tóm gọn một câu "Thôi thầy chỉ qua qua vậy thôi, nói nhiều cháu cũng không hiểu." Xong rồi thầy đưa mình vào xe, mở sách ra, bảo mình đọc to nội dung sách rồi hỏi "Có hiểu không?". Cả buổi ấy "Có hiểu không?" - "Có ạ" là nội dung giao tiếp chủ đạo trong của mình với thầy. Tạm gác lại vấn đề phân biệt với người nước ngoài (không phải không có ở Nhật) và tính cách của thầy, mình nghĩ nếu mình phát âm chuẩn hơn thì đã tạo được một ấn tượng ban đầu tốt hơn, và thầy sẵn sàng chỉ ra lỗi sai, sửa các thói quen không tốt lúc lái xe của mình hơn, thay vì im lặng và hỏi "Có hiểu không?".
Câu chuyện thứ 3 là ở chỗ làm. Mình làm ở công ty Nhật, nói chung các bác Nhật cũng quen làm với người nước ngoài nên không bận tâm accent Việt Nam trong tiếng Nhật của mình. Tuy nhiên, vì vai trò của mình là ở vị trí người giao tiếp trung gian của team Việt Nam và team Nhật, việc mình truyền đạt vấn đề mà để khách phải hỏi lại một vài lần (kiểu các bác đơ mất vài giây, suy nghĩ một lúc rồi nếu không hiểu thì mới hỏi lại) là rất mất thời gian cho hai bên, và nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến sự tự tin của bản thân. Với lại, mình nghĩ rằng nếu làm việc lâu dài, khoảng nửa năm trở lên mà người ta không thấy được sự cải thiện trong phát âm của mình, chứng tỏ mình đã ngừng cố gắng học hỏi thêm về ngôn ngữ này.
Người Nhật vốn lịch sự, họ rất ít khi chỉ ra lỗi sai của người khác nếu nó không quá gây khó chịu. Thực tế là ở đây gần 2 năm và mình chưa bị sửa bao giờ dù phát âm sai tùm lum, họ rất kiên nhẫn trong việc cố gắng hiểu mình đang nói gì. May mắn thay, mình gặp được một chị Việt Nam ở công
Vậy nên, mình nghĩ cố gắng thêm để có một phát âm tốt bên cạnh một nền từ vựng, ngữ pháp, nghe hiểu tốt thì vẫn tốt hơn.
Đây là một vài suy ngẫm của mình về việc học phát âm.
Hôm nay mình dự tính viết về sự khác nhau trong phát âm tiếng Việt, tiếng Anh trong tiếng Nhật nhưng lại hơi sa đà vào tầm quan trọng của phát âm (mình cho việc thay đổi mindset này là quan trọng trên hết nên viết hơi dài) nên mình sẽ viết tiếp trong một bài khác.
Happy learning
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất