Trong “Thế giới kết thúc dịu dàng đến thế”, khi màu xanh mang dấu hiệu của hồi kết đã phủ kín nhiều nơi, Yoshizawa và người bạn đồng hành Mizuki trên cuộc hành trình của mình, đã vào tá túc trong ngôi nhà của hai vợ chồng già sống bình lặng và khép kín cả đời trong một ngôi làng nhỏ. Mizuki đã hỏi ông lão:
- Ông này, ông có hạnh phúc không?
- Hạnh phúc ấy à?
- Thì cuộc đời sắp đến đoạn kết, chẳng phải người ta hay suy ngẫm cái nọ cái kia sao? Giả dụ như có một cuộc đời khác, biết đâu mình lại hạnh phúc hơn chẳng hạn.
- Tôi thấy ngạc nhiên lắm. Tôi chưa từng nghĩ đến mấy chuyện đó cho đến khi nghe cậu hỏi vậy.
- Thế thì tuyệt thật. Chứng tỏ ông đã sống cực kỳ viên mãn đấy.
- Giờ cậu nói tôi mới thấy, có lẽ là vậy thật. Tôi chỉ dồn hết tâm sức để sống từng ngày nên chẳng nghĩ đến bao giờ, nhưng quả đúng thế.   
Ảnh: Aaron Campbell

Ở cái thời này, người ta quan tâm đến điều gì? 

Đi làm lương mấy củ, có chỗ đứng không, có cứng chỗ đứng đó không, nhà mấy tầng, xe mấy chỗ, bồ/chồng/vợ ngon không, con mấy đứa...  - Những thứ từng ngự trị ở top #1 trending giờ đây bị xem là bình thường, là vật chất phù phiếm. Chúng đang phải lui dần về sau nhường chỗ cho một nhân tố đang được ưu ái khác.
Hạnh phúc.
Năm 2019, ý mình là ở hiện tại này, người ta quan tâm và theo đuổi hạnh phúc.
Nói năng dấm dớ thật, năm nào, thời nào mà người ta chẳng mưu cầu hạnh phúc?
Thì mình nào có được sống ở những cái thời khác đâu mà dám phán bừa? Mình chỉ nói về một khoanh thời gian nhỏ nhoi là cái thời của mình, nơi hạnh phúc đang được xem là một trend, một thứ gì đó thời thượng, hơn những thứ khác, là thước đo, là cứu cánh.
Khi những nhu cầu thiết yếu đã đầy đủ hơn (những thời kì trước) thì người ta bắt đầu mơ về những điều cao xa hơn, với tần suất nhiều hơn.
Cơm gạo, tiền bạc, nhà xe, lương bổng, chức tước, quan hệ. Những thứ đó ấy à, giờ lỗi thời rồi.
Ở cái thời này, bạn phải hạnh phúc cơ.
Và câu chuyện lại bắt đầu đổ về hướng mệt mỏi.

Áp lực phải hạnh phúc

Nói vui thế thôi, mình vẫn nghĩ việc lấy hạnh phúc làm trọng tâm cuộc sống là một sự chuyển hướng tốt.
Nhưng không biết vì sao, nó lại vô tình tạo thêm một áp lực cho con người – áp lực phải hạnh phúc.
Đã bao giờ, trong một ngày đặc biệt nào đó như sinh nhật chẳng hạn, bạn muốn mình phải thật hạnh phúc chưa?
Rồi bạn bắt đầu loay hoay không biết phải làm gì để ngày hôm đó trở nên thật ý nghĩa, thật hạnh phúc. Party với bạn bè, về nhà với gia đình, hay chỉ dành thời gian cho riêng bản thân để làm những thứ (có vẻ) thi vị như nhâm nhi café hay đọc sách? Riêng việc phải lựa chọn nên làm gì thôi cũng đã khiến trán bạn lấm tấm mồ hôi.
Rồi thì ngày hôm đó cũng trôi qua, bạn lại tự vấn, thế cuối cùng mình đã thấy hạnh phúc chưa nhỉ?
Chả biết nữa…
Dù làm gì thì bạn vẫn thấy như có gì đó chưa trọn vẹn.
Giống như chưa hoàn thành KPI vậy.
Rồi lại dằn vặt bản thân, vì một cảm giác rất mông lung mơ hồ.

Đã bao giờ, bạn tủi thân, thấy đời mình chả được mấy ngày hạnh phúc? Trong phần lớn thời gian chúng ta còn phải lặn ngụp với cái sự học, sự làm và những mối quan hệ chất chồng lên nhau.
Thì giờ đâu mà hạnh phúc?
Đúng rồi, chúng ta không có thời gian để hạnh phúc.
Vậy thì trong to-do-list mỗi ngày, bên cạnh ăn uống sinh hoạt, làm con ngoan nhân viên giỏi, hầu hạ người yêu, cung phụng chó mèo các thứ, bây giờ nên dành 1 mục cho việc hạnh phúc nữa nhỉ?
Rồi chúng mình sẽ làm gì trong cái mục đó?
Cứ thử đi. Bạn cố gắng thu xếp hoàn thành mọi việc trong ngày, để chừa ra khoảng 1-2 tiếng gì đấy. Rồi, giờ hạnh phúc đi.
Sao, làm không được à, không thấy hạnh phúc à? Phải ráng đi, phải hoàn thành đi chứ ơ kìa.
Rồi có khi bạn sẽ từ chối một lời mời nào đó, với lý do, “hôm nay deadline cái task hạnh phúc của mình, mình phải đi chạy cho kịp”.
Từ bao giờ hạnh phúc bỗng trở thành một gánh nặng như thế?
Đời này đã bao nhiêu thứ áp lực rồi, giờ lại còn áp lực phải hạnh phúc?

Vì sao tụi mình khổ vì… hạnh phúc?

Mình đang nói cái giống gì nghe phi lý vậy? Nhưng cứ đọc tiếp đã nào.

Thứ nhất, vì tụi mình chẳng biết nó là cái gì cả. 

Giống như bắt mình phải giải một bài tập mà không cho đề bài vậy.
Hạnh phúc là gì là câu hỏi vô vọng nhất từng được thốt ra.
Truyền thuyết nói rằng hạnh phúc là một nắm đất Thượng Đế ban cho con người, bảo con người hãy tự đi mà nặn lấy chứ Thượng Đế cũng chẳng biết nó trông như thế nào.
Hạnh phúc không có hình dạng, không nhìn ngắm được, cầm nắm được, thậm chí đôi khi còn không cảm nhận được. Hạnh phúc là một biến số, nó thay đổi theo từng thời đại, từng cá thể, từng thời điểm, từng tâm trạng.
Hạnh phúc ở người này không giống ở người kia.
Hạnh phúc ở hôm qua không giống ở hôm nay.
Bạn cố thu xếp công việc để dành ra một vài tiếng rỗi rãi trong ngày và gọi đó là những giờ đồng hồ hạnh phúc. Tức là đối với bạn, hạnh phúc đồng nghĩa với khoảng-thời-gian-dành-cho-bản-thân. Trong cái thời buổi bận rộn này thì nhiều người trong tụi mình cũng nghĩ như vậy nhỉ.
Hạnh phúc có thể là khoảng thời gian dành cho bản thân, cũng có thể không. Nó còn có thể là khoảng thời gian ở bên gia đình, bên những người bạn yêu quý, khoảng thời gian cống hiến cho công việc hay tiêu tốn cho đam mê. Nó có thể là rất nhiều thứ.
Mà bạn chỉ có thể chọn thực hiện một hay một số trong những thứ đó thôi, và có thể chọn nhầm, nên lúc nào cũng cảm thấy chưa viên mãn, chưa tròn đầy, chưa chạm được tới cái ngưỡng gọi là hạnh phúc.
Thà như nó là một thứ gì cụ thể như tiền tài, địa vị thì còn dễ. Đằng này…
Đuổi theo một thứ mơ hồ như thế mệt mỏi biết là bao nhiêu.

Thứ 2, vì tụi mình nghĩ về nó nhiều quá

Vì tụi mình mê nó quá.
Hồi đó mẹ dạy, mình càng yêu ai nhiều thì càng cho người ta cơ hội làm khổ mình nhiều. Giờ cũng vậy, mình càng muốn có được hạnh phúc thì nó lại càng được dịp làm khổ mình.
Như đã nói, ở cái thời này người ta có điều kiện để mà suy tư, nghĩ ngợi về hạnh phúc nhiều hơn.
Mà khi đã xem nó như thứ gì lớn lao quá, quý hóa quá, thì khi không đạt được, người ta lại càng thấy mình bất hạnh, thấy mình thất bại, thấy mình tuyệt vọng.
Thấy mình khổ.
Thà như nó là một thứ gì thường thường như tiền tài, địa vị thì người ta chẳng bận lòng nhiều. Đằng này…
Có những thứ càng muốn, lại càng không với tới được.
Ảnh: Kelsey Eng

Thả lỏng đi, tụi mình có nhất thiết phải hạnh phúc không? 

Làm sao để thôi… khổ vì hạnh phúc? Với lối suy nghĩ đầy ngây thơ, mình mạo muội đưa ra giải pháp là: Đừng nghĩ nhiều đến nó nữa.
Bạn càng ngừng lại, hoài nghi về hạnh phúc của mình nhiều lần, thì chứng tỏ bạn càng không hạnh phúc.
Người hạnh phúc là người không cần bận tâm về hạnh phúc.
Bạn có nhớ ông lão trong câu chuyện đầu tiên không?
Ông lão sống mấy chục năm dưới một mái tranh tồi tàn, cùng một người vợ tính tình kỳ quặc chỉ nói chuyện với chim chóc sâu bọ, chưa bao giờ màng tới hạnh phúc, chưa bao giờ mong mình có một cuộc đời khác tốt đẹp hơn.
Ông vẫn đang sống tốt cuộc đời mình.
Cứ thả lỏng thôi, và sống tốt đời mình.
Đừng cố phải hạnh phúc, đừng gồng mình để hạnh phúc, đừng dằn vặt vì chưa thấy mình được hạnh phúc.
Đôi khi không cảm nhận được hạnh phúc không có nghĩa là bạn không hạnh phúc. Nó có phải là thứ gì dễ chạm dễ sờ đâu, có phải như ly trà sữa hokkaido trân châu trắng uống vào thấy bụng no miệng ngọt ngào đâu? Nhưng có thể nó vẫn đang ở đó, trong tay bạn, trong tâm hồn bạn.
Nếu không cảm nhận được nó thì cũng chẳng cần phải cố. Quên cái thứ trừu tượng ấy đi và hướng sự quan tâm về những điều khác rõ ràng hơn. Những điều bạn thích, những điều làm bạn vui, những điều bạn thấy có ý nghĩa, và những điều bạn không thích, không thấy vui nhưng vẫn phải làm để sống và sống tốt.
Còn nếu có khi nào bạn may mắn chạm được vào hạnh phúc, khi tâm trí và trái tim bạn reo lên “bingo, chính nó đây rồi”, khi hạnh phúc của bạn bước ra khỏi cái màn sương mịt mùng, hiện ra trước mắt rõ ràng rành mạch, thì việc của bạn, còn phải hỏi à, là gìn giữ và trân trọng nó.
Không cần biết có hạnh phúc không, mình cứ sống cho tốt đời mình cái đã.