Một buổi tối nhận ra mình đang độc thoại cả tiếng đồng hồ. Với cái đà suy nghĩ này chắc không ngủ sớm được. 
Dạo này mình rất ám ảnh về tôn giáo. Cụ thể là về Ki-tô giáo, vì hầu như mình cũng chỉ rành mảng này. Vì có lẽ đây là một hành trình kỳ lạ mà mình không thể nhớ điểm bắt đầu và không thể biết điểm kết thúc. Và trong phần lớn hành trình đó mình cũng không thể biết mình đang ở đâu, mà chỉ cảm thấy luôn luôn hiện diện một niềm thôi thúc không thể giải thích được rằng tôi phải biết, phải biết, phải hiểu. Kỳ lạ vô cùng. 
Không có mô tả ảnh.
Sách Sáng thế chương 1
Trong thời gian làm bài tập cuối cùng để tốt nghiệp mà mới chỉ kết thúc một tháng trước, mình ở trong trạng thái áp lực và tâm lý khá tồi tệ. Mặc dù qua mấy năm học đại học, trải qua vô số lần điên rồ như thế mình đã chuẩn bị cho bản thân nhiều kinh nghiệm, nhưng vì lần này là lần cuối, lúc ấy mình chỉ mong được té thật nhanh, nên vẫn rối lên như thường. Cộng thêm với việc chết dí ở công việc mình không thích làm mình suýt "fuck it I'm done". Cuối cùng nhắm mắt bỏ việc, và cứu được cái bằng tốt nghiệp trong 50 tiếng cuối cùng. 
Trong ngày cuối cùng đó mình không dám nghĩ gì cả, để nhường bandwith cho việc quan trọng nhất là kết thúc một lần và mãi mãi ngôi trường 'thân yêu'. Nhưng một việc mình đã quyết định trước khi nộp bài là đặt mua lọ mực cỡ lớn và dọn sẵn một cuốn vở A4. 
Màn hình đang chiếu The Twilight Zone bản mới. Tập 1 hay quá :">

Chép Kinh Thánh bằng cách nào?

Mình thích 'viết chữ'. Mặc dù không đủ điệu nghệ để luyện calligraphy hay thậm chí hand lettering, nhưng cũng hay chép thơ văn quote các thứ trên đời. Lớn lên thì kén chọn, và khi tần suất mình thấy ấn tượng về một thứ gì đó cũng giảm, mình chuyển sang chép các đoạn trích Kinh Thánh nhiều hơn. Có lẽ mình cảm thấy những câu văn trong đó có vẻ xa xưa, huyền bí và nó 'khác', và xứng đáng được bảo tồn theo cách nào đó. Nhưng tất nhiên là việc này không đi đến đâu, vì hầu hết thời gian mình chẳng quyết định được cần phải chép đoạn nào. 
Đó là cho đến khi nhờ Google mà mình gia nhập nhóm "Hand Write The Bible" trên Facebook. Thay vì như một số mẩu tin mình tìm được về những người dành ra chục năm, hai mươi năm hay cả đời mới hoàn tất Kinh Thánh, các thành viên của nhóm không hô hào về một kế hoạch khổng lồ như thế. Nhưng cách chép Kinh Thánh của họ cũng cẩn thận hơn kiểu bullet journal 'mỗi ngày một câu nói'. Cách làm ở đây là đầu tư ban đầu vào bút giấy mực, và đặt mục tiêu chép từng cuốn một, hay từng chương một. Có một nhóm đặt mục tiêu chép Torah, tức là năm cuốn đầu tiên của Kinh Thánh hay còn gọi là 'lề luật' của người Do Thái. (cũng nhờ một số dấu hiệu nữa mà mình đoán nhóm này có nhiều người Do Thái). Một số khác chép từ cuốn họ thích, như Thánh vịnh (Psalms, cuốn lớn nhất với hơn 150 chương). Một số khác nữa chép từ Tân ước, và cũng ở đây có một phương pháp thú vị là ghi lời của chính Jesus nói bằng bút đỏ, để phân biệt rõ những gì là Jesus nói và những gì là lời của nhân vật khác, hay lời bình. Đặc điểm chung ở cách chép này là trang viết không quá cầu kỳ nhưng có chăm chút ở tiêu đề và dàn trang, và mục đích chép là để hiểu kỹ và suy ngẫm lời trong Kinh Thánh, chứ không phải dùng để trưng bày.
Đó là một cách làm mình thấy cực kỳ phù hợp, và do đó bắt tay vào thực hiện mà không cần, hay không dám suy nghĩ. Mục tiêu của mình đơn giản: chép Kinh Thánh từ đầu đến cuối, từ sách Sáng thế tới sách Khải huyền. Qua một vài ngày vào guồng mình bắt đầu tính tới khối lượng công việc, và khá ngạc nhiên khi thời gian để hoàn thành không lâu như mình tưởng tượng, nhưng cũng khá đáng sợ (bạn đoán xem?), và nếu tính vào những khoảng tạm nghỉ do quá bận, do sự cố nào đó, hay mất hứng, thời gian thực để chép xong có thể dài hơn 2/3 dự kiến. Nói chung thì đó là một mục tiêu xa, nhưng không xa quá nếu giữ mọi thứ đơn giản và êm ru. Mong là vậy. 
Cùng lúc đó mình cũng bình tĩnh lại để nghĩ về lý do thực sự đã dẫn mình tới việc làm này, và những gì mình muốn đạt được qua dự án cá nhân 'nho nhỏ' này. 

Chỉ là một cuốn sách, phải không?

Kinh Thánh đúng hơn là một tuyển tập sách, được coi là sản phẩm của linh hứng (divine inspiration) và ghi lại mối quan hệ giữa Thượng đế và con người. Có vô số thứ để nói về Kinh Thánh, nhưng một khái niệm quan trọng giúp mình trong việc hệ thống hóa tác phẩm này là 'quy điển' (canon). Quy điển là cách để lựa chọn giữa nhiều sách được viết ra một số lượng nhất định được coi là 'chuẩn'. Hay nói cách khác, định nghĩa về Kinh Thánh trong một tôn giáo phụ thuộc vào việc quy điển của tôn giáo ấy là gì, đặc biệt với các tôn giáo có thể coi là 'chung nguồn' như Do Thái giáo, Ki-tô giáo (Công giáo Rô-ma, Chính thống Đông phương và các nhánh Tin lành). Các sách được chia làm hai nhóm chính: Cựu ước (Giao ước cũ) khoảng hơn 20 cuốn và Tân ước (Giao ước mới) khoảng gần 30 cuốn, mà trong đó Cựu ước chính là Kinh Thánh của người Do Thái. Do vậy mà quy điển của các tôn giáo này dao động từ 24 tới 50 cuốn. 
Cùng với sự khác biệt về quy điển là sự khác biệt về 'nguồn'. Có thể nói ở đây 'nguyên văn', 'gốc', 'văn bản gốc' là một khái niệm mơ hồ. Hầu hết các cuốn sách không chỉ có một tác giả, và các tác giả này đôi khi không sống cùng thời kỳ. Bản thân Kinh Thánh lại được tổng hợp và quy điển hóa qua thời gian gần một nghìn năm. 'Nguyên văn' theo nghĩa vật lý ở đây có lẽ là những cuộn giấy da đã mục rữa trong đất từ rất lâu, hay những chuyện kể đã tan vào mây gió nếu như ai đó không nhanh tay chép lại. Nhưng khảo cổ học và phê bình Kinh Thánh got you covered :D Một sự kiện chấn động những năm 1940 là việc khám phá Cuộn sách Biển Chết (Dead Sea Scrolls), gần một nghìn bản ghi có niên đại tới tận thế kỷ III trước CN, 300 năm trước Tân ước, mà 40% trong số đó là các bản thảo Kinh Thánh Do Thái. Cùng với đó các nhà phê bình Kinh Thánh cũng có trong tay hàng vạn bản thảo suốt lịch sử để nghiên cứu và xác định các lỗi ghi chép, cũng như xếp từng câu chữ vào 'nguồn' tương ứng, hay còn gọi là các truyền thống, dựa trên phương pháp phân tích văn bản. Kinh Cựu ước, một cách tổng quát nhất có thể xếp vào hai truyền thống chính: Masoretic và Septuagint (hay còn gọi là LXX). Masoretic là phiên bản tiếng Hebrew và Aramaic do các thợ chép người Do Thái thực hiện suốt lịch sử, với một tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong việc tuân thủ số chữ, số câu, và là bản được sử dụng trong cộng đồng Do Thái và Tin lành. LXX là phiên bản được dịch ra tiếng Hy Lạp từ thế kỷ III trước CN, được sử dụng trong Công giáo Rô-ma và Chính thống Đông phương. Tân ước được viết trực tiếp bằng tiếng Hy Lạp. 
Ngày nay, Kinh Thánh không chỉ được dịch ra một lần với mỗi ngôn ngữ, riêng ở Việt Nam đã có một số bản khác nhau hoàn toàn về giọng văn, và sẽ có các bản mới trong tương lai cho các đối tượng độc giả khác nhau và mục đích khác nhau. 

Đọc / chép để làm gì?

Tình hình khá là nản lòng, vì 2500 trang Harry Potter hay Trò chơi Vương quyền mình có thể ngốn dễ như bỡn, nhưng 2500 trang trọn bộ Sách Thánh là cả một khó khăn lớn. Đây không phải là cuốn sách mình có thể cầm lên và lập tức hiểu mình đang đọc cái gì. Bất kể bao nhiêu tài liệu nhập môn, sách ảnh, bản rút gọn, bản hiện đại hóa, văn học hóa cũng không thể làm cho việc tiếp nhận bản trọn bộ được trôi chảy như mình muốn. Nhưng có một lần tìm được bản có chú thích, và mình nhận ra có lẽ một tác phẩm thiêng liêng thì không thể đọc theo cách của tác phẩm văn học (Spoiler: Jesus dies at the end). Kinh Thánh có thể làm bạn tin vào Thượng Đế, nhưng nó cũng yêu cầu bạn phải tin trước đó rồi. Đó là một giả định ngầm đáng ghét. Mình vẫn có những khoảnh khắc 'thăng hoa', đó là khi đọc các sách Khải huyền (Revelation, giọng văn kinh dị nhất), Giảng viên (Ecclesiastes, một tác phẩm hoàn toàn hiện sinh), và một phần Thánh vịnh (Psalms, rất hay và đẹp chỉ tội quá dài), nhưng thế vẫn chưa đủ. 
Không có mô tả ảnh.
Sáng Giảng viên chương 4
Bên cạnh đó, đâu là mối quan hệ thực sự giữa bản văn thiêng liêng của một tôn giáo và bản thân tôn giáo đó? Đọc, phân tích, nhớ, học thuộc, đến mức nào là vừa, và nó có thực sự giúp ích cho mình không? Quan điểm của mình hiện tại là tôn giáo phải là một cách sống, trong đó việc nghiên cứu Sách Thánh là một chất xúc tác, chứ không phải mục đích cuối cùng. Băn khoăn ở chỗ ngày nay sứt đầu mẻ trán cũng từ câu chữ mà ra, mà Kinh Thánh là đối tượng dễ xơi: bất kể 'trích đoạn' nào cũng có thể lấy làm ví dụ cho sự 'vô lí' và 'mâu thuẫn' và 'tệ hại' của tác phẩm, cho dù có lẽ 90% vấn đề có thể được giải quyết bằng cách đặt vào ngữ cảnh, 9% còn lại chỉ cần truy từ gốc Do Thái/Hy Lạp. Một mặt nào đó mình cũng muốn tham gia tranh luận và 'biện giải', nhưng khi bắt đầu chép mình chỉ muốn 'sống chậm lại', vì bằng cách đó mới có thể đọc Kinh Thánh từ đầu đến cuối song song với chú thích. 
Điều bất ngờ lại đến sau khi vượt qua 15 chương đầu của sách Sáng thế. Đó là khi bất kể đêm ngày, có 30 phút không biết làm gì mình sẽ chỉ cần 3 thứ để viết: vở, vở để kê và bút. Để tối giản hết cỡ mình dùng ứng dụng điện thoại (tên là KTCGKPV, cũng là tên bản dịch mình chọn). Dù sao đó cũng là công việc đơn giản: nhìn và chép, khi thấy chú thích thì nghỉ tay để lướt. Mình nhận ra tác dụng thực sự của việc làm này: trước kia mình không thường xuyên 'nhập' vào dòng suy nghĩ về cuộc sống tôn giáo của mình, vì nó đối lập với môi trường học và làm xung quanh, thì bây giờ có thể khởi động hàng ngày, chỉ cần mở vở và bắt đầu chép là dòng suy nghĩ ập đến và cũng hiểu thêm được rất nhiều thứ. Mình bắt đầu theo dõi The Bible Project, một series phân tích Kinh Thánh theo các chủ đề lớn (trước đây mình không dám tìm hiểu theo chủ đề vì quá rộng và lan man), với cách truyền đạt khá gần gũi. Chép lại từng lời cũng giúp suy ngẫm sống đúng với những gì tác giả muốn truyền đạt. Hay nói cách khác, việc xây dựng một routine, dù nhỏ nhưng liên tục không ngừng nghỉ, trong ngắn hạn là động lực để nghiên cứu Kinh Thánh một cách có phương pháp, nhưng về lâu dài giúp cho mình không quên hướng đi và mục đích bản thân đặt ra cho cả cuộc sống. 
Viết đến đây cũng băn khoăn: Mình tin hay không tin? Không thể biết được, nhưng một ngày nào đó có lẽ mình sẽ hiểu ra. Việc bây giờ là keep calm và cứ tiếp tục công việc dở hơi này :D 

- abresolute
PS: Theo wikipedia có tổng cộng 1189 chương (bản mình chọn chép có thể khác nhưng không đáng kể). Với tốc độ mỗi ngày 1 chương mình sẽ mất 3.25 năm mới hoàn thành. Nhưng không phải ngày nào cũng ngồi vào bàn viết, nên mình dành thời gian khoảng 5 năm. 
---
Đọc thêm: Hình tượng Thiên Chúa trong điện ảnh và Giê-su Ki-tô trong điện ảnh.