Về nguồn gốc tôn giáo: Câu chuyện về đạo học phương Đông (P1)
Trước hết tôi không có ý định nào trong việc nói tôn giáo nào đúng, cái nào sai, tôi sẽ cố gắng viết một cách trung lập nhất có thể và sẽ cố gắng không xúc phạm đến bất kỳ một tôn giáo cụ thể nào.
Cách đây vài hôm tôi có vô tình đọc và phản biện một bài viết về tôn giáo trong những ngày vô thức lướt qua lướt lại trong mục quan điểm tranh luận, tuy rằng bài viết đó đã bị tác giả xoá đi nhưng từ bài viết lại khiến tôi có hứng thú trong việc đi tìm hiểu về nguồn gốc của tôn giáo. Và cũng từ đó tôi nhận ra trong thực tế không có bài viết nào thỏa mãn bản thân tôi hoàn toàn về ý nghĩa của việc hình thành tôn giáo, bởi vậy dưới con mắt một kẻ tầm đạo tôi xin góp vào vô vàn những cuộc thảo luận về tôn giáo này một vài Kilobyte lý giải cá nhân.

Một cái ảnh thêm để chống trôi
Trước hết tôi không có ý định nào trong việc nói tôn giáo nào đúng, cái nào sai, tôi sẽ cố gắng viết một cách trung lập nhất có thể và sẽ cố gắng không xúc phạm đến bất kỳ một tôn giáo cụ thể nào. Thứ hai bởi tôi là một Phật tử cho nên trong những luận điểm của mình vẫn còn phảng phất trong đó một chút thiên kiến nên tôi xin mời bạn cứ thoải mái chửi rủa, phản biện vào phần bình luận nhưng việc phản biện tôi xin mượn 2 chữ "Tuỳ duyên" làm câu trả lời nếu không thấy tôi trả lời (haha). Thứ 3 do kiến giải cá nhân nên tôi tạm chia Tôn giáo ra thành 4 hệ thống riêng rẽ: Đạo học phương Đông, Thần học phương Tây, Đa thần giáo tự nhiên và cuối cùng và đầy tranh cãi là Vô thần giáo. Để mở đầu cho chuỗi ngày hứng gạch xây nhà tôi đi từ nhà mình nơi tôi hiểu rõ hơn cả là Đạo học Phương đông.
Để mở đầu cho bài viết về Đạo học phương đông kẻ tầm đạo này xin mượn lời của cha đẻ Lý thuyết bất định, nhà Vật lý học Werner Heisenberg:
Đóng góp lớn nhất trong ngành Vật lý lý thuyết của Nhật Bản sau cuộc chiến tranh thế giới vừa qua, có lẽ là dấu hiệu của một mối liên hệ nhất định giữa các tư tưởng phương Đông và nội dung triết học của Vật Lý lượng tử — Werner Heisenberg (https://quotepark.com/quotes/2034209-werner-heisenberg-the-great-scientific-contribution-in-theoretical-p/)
Phương Đông cổ xưa và huyền bí, một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại. Đến tận bây giờ khi nói về văn minh phương Đông các nhà khoa học, lịch sử học, khảo cổ học... đều nói về khu vực Từ phía đông bắc lục địa đen châu Phi cho đến toàn bộ vùng đất châu Á, nó kéo dài từ những Kim tự tháp ở Ai Cập đến tận đất nước mặt trời mọc Nhật Bản về phía đông, đấy là về mặt địa lý và lịch sử, khi nhìn nhận về đạo học của phương Đông người viết sẽ tạm sắp xếp nền văn minh Ai Cập cổ với Đa thần giáo vào mục số 3 của phân loại của mình và nền văn minh Lưỡng Hà với Hồi giáo và Do Thái giáo vào mục 2. Sau sự giản lược những tôn giáo vừa rồi kẻ tầm đạo lại gói gọn Đạo học của phương Đông gắn liền với 2 nền văn minh lớn nhất nơi này: Văn minh Hoa Hạ với đại diện của Nho giáo và Đạo giáo và Ấn Độ đại diện là Phật giáo, và có lẽ sẽ có tranh cãi đó là Ấn Độ giáo (Đạo Bà La Môn, đạo Hindu) và ti tỉ những tôn giáo phát sinh từ cái nôi này.
1. Về hai chữ "ĐẠO HỌC"
Tại sao gọi các tôn giáo trên với cái tên mỹ miều "Đạo học phương đông"? Để trả lời câu hỏi bên trên ta cần nhìn lại lý do vì sao con người lại chọn theo một tôn giáo. Theo sự quan sát của người viết thì ngoại trừ lý do về mặt di truyền (cha mẹ theo tôn giáo nào, con cái theo tôn giáo đó) thì có 3 nguyên nhân chính khiến con người ta chọn một tôn giáo để theo:
+Vì sự sợ hãi, khổ đau trong hiện tại và mưu cầu tương lai tốt đẹp khiến con người ta cần tìm một chỗ dựa vào để bảo vệ thân-tâm
+Vì mưu cầu đời sống cao thượng, trong sạch và đạo đức
+Vì khát khao muốn được tìm hiểu về bản thể của vạn vật và của vũ trụ
Để trả lời cho nguyên nhân thứ 3, khác với các tôn giáo thuộc Thần học hay Đa Thần giáo, các tôn giáo phương Đông từ chối tiếp nhận một đấng tạo hóa, một người mà có thể chi phối mọi hình thái, sự vật, sự kiện trong vũ trụ, thay vào đó là một nguyên lý bất định, là sự thật duy nhất được ẩn chứa sau những ngôn ngữ, là điều mà ngôn ngữ không thể nào diễn tả mà chỉ tạm được đặt tên, đó là Brahman của Ấn giáo, là Đạo của người Trung Hoa và là Chân như của Phật giáo (Ở đây người viết xin dùng cụm từ "Bản thể của sự thật" thay cho những khái niệm bên trên) .
"Diệu pháp không thể diễn tả được. Bản thể chân thật của vũ trụ dùng ngôn ngữ không thể cắt nghĩa mà hiểu được, chỉ có thể dựa vào thực chứng mà thôi." Đức Phật
Bởi vì tính Vô ngôn khi nói về bản thể của sự thật của các tôn giáo phương Đông mà những con người tầm đạo ở nơi này không đóng vai trò như một người phát ngôn của thần, không là người được thần cưng chiều như các tôn giáo Thần quyền khác. Mà ở phương Đông này những người tầm đạo bao gồm trong đó là những vị thần, là những con người hay là vạn loại chúng sinh, những kẻ đi trên con đường của sự tỉnh thức, rèn giũa thân-tâm để hòa mình vào sự thật, tự đặt bản thân mình trong sự tỉnh thức về cả 2 mặt thân-tâm để đạt được một trạng thái gọi là "Giác ngộ". Chính vì công cuộc tìm đường đến giác ngộ đó đã đưa các tôn giáo của Phương Đông vượt khỏi sự chi phối của thần linh, triệt tiêu cái thần quyền mà các tôn giáo của Phương đông được gọi là Đạo học.
2. Lịch sử nền Đạo học Phương Đông
Ngày nay ta dễ dàng tìm hiểu về lịch các tôn giáo hình thành nên nền tư tưởng Đạo học của phương Đông. Tuy nhiên để các tôn giáo này trở thành một hệ thống tư tưởng, định hình nên sự phát triển của một nền Đạo học phương Đông đó là một hành trình đi tìm, hòa quyện, phản biện và củng cố lẫn nhau trong suốt chiều dài lịch sử. Từ thực tế lịch sử ta có thể thấy sự vắng mặt của những cuộc thánh chiến, những cuộc chiến tranh nhân danh tôn giáo trong 4 ngàn năm lịch sử của phương Đông, mặc dù vẫn còn những cuộc tranh luận, xung đột nhỏ lẻ trong lịch sử thế nhưng các tôn giáo ở phương Đông nói chung vẫn sống với nhau khá là hòa hợp, và một điểm đặc biệt là tu sĩ của tôn giáo này vẫn có quyền được tìm hiểu kinh điển giáo lý của tôn giáo kia, và trong lịch sử không thiếu người hiểu thông 2 hoặc 3 tôn giáo. Để đạt được sự hòa hợp đó là một sự cố gắng không ngừng nghỉ của giới trí thức phương Đông, và nền tảng giáo lý của các tôn giáo nơi đây, mà điểm chung nhất là tính hướng thiện và việc loại bỏ vai trò của đấng sáng thế ra khỏi giáo lý của các tôn giáo nơi này. Cũng bởi vì có sự phát triển vừa hòa hợp vừa cạnh tranh giữa các tôn giáo phương Đông nên đã hình thành nên một kết cấu xã hội mang tính ổn định nơi đây. Tuy nhiên cũng chính bởi sự ảnh hưởng quá mức của đạo học phương Đông hay nói đúng hơn là sự lạm dụng và sai lệch của giới cầm quyền đã đẩy hầu hết phương Đông vào hoàn cảnh phải trở thành thuộc địa của các nước phương Tây. Nhưng cũng chính vì vậy mà nền đạo học phương Đông đã có cơ hội bắt đầu những cuộc cải cách, cách tân và sàng lọc nội bộ trong các tôn giáo mà qua đó củng cố vững chắc những giá trị nền tảng cho sự phát triển của kinh tế-chính trị-xã hội của các nước phương Đông mà tiêu biểu là tinh thần yêu nước, thương người, tiết kiệm mà các tôn giáo này luôn răn dạy.
Tới đây mình xin tạm kết phần 1, ở phần 2 mình sẽ tiếp tục viết về nền đạo học phương Đông và những tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến nền đạo học nơi này.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này