Về mối tương quan giữa comic-music và những ban nhạc ảo
Nhân việc Gorillaz vừa thông báo album mới mang tên Cracker Island sẽ phát hành vào tháng 2 năm 2023, cùng một số khách mời như Tame Impala, Beck, Stevie Nicks..., hãy cùng quay ngược thời gian để tìm về "khởi nguyên" của khái niệm "ban nhạc ảo".
(2022) Cách đây 16 năm, Feel Good Inc., ca khúc hợp tác cùng nhóm hip-hop De La Soul nằm trong album thứ hai của ban nhạc ảo (virtual band) Gorillaz, Demon Days, đã chiến thắng giải Grammy lần thứ 48 (năm 2006) ở hạng mục Best Pop Collaboration with Vocals (Sự kết hợp Pop xuất sắc nhất) trong tổng số bốn hạng mục mà nhóm được đề cử.
Tuy nhiên, đó không phải là lần đầu tiên một nhóm nhạc dựa trên khuôn mẫu những nhân vật hoạt hình được Viện Thu âm Nghệ thuật và Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ vinh danh.
TỪ KHÁI NIỆM NHÓM NHẠC ẢO ĐẾN GIẢI GRAMMY...
Trong âm nhạc, một nhóm nhạc ảo (còn được gọi là nhóm nhạc hoạt hình) bao gồm những thành viên không phải là những nhạc sĩ hay nhạc sĩ có thật. Phần nhạc của những nhóm này được thu âm bởi những nhạc sĩ thực thụ và nhà sản xuất trong khi những album, clip nhạc và cả phần trình diễn live lại gắn liền với những nhân vật hoạt hình.
Thuật ngữ “nhóm nhạc ảo” trở nên phổ biến cùng với tên tuổi của ban nhạc Gorillaz, nhưng khái niệm này lại được biết đến lần đầu tiên vào năm 1958 qua ca khúc "Witch Doctor" của nhóm nhạc Alvin and the Chipmunks, khi nhà sản xuất kiêm ca-nhạc sĩ Ross Bagdasarian thu âm lại chính giọng nói của mình để tạo thành tiếng những chú sóc.
"Witch Doctor" có thể được xem là ca khúc đầu tiên của một “nhóm nhạc ảo” với hình mẫu từ ba chú sóc tinh nghịch Alvin, Simon và Theodore.
Mặc dù lời nhạc hoàn toàn vô nghĩa với những “Oo-ee, oo-ah-ah, ting-tang, walla-walla, bing-bang” nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng Witch Doctor lại trở thành một cú hit vào thời điểm đó. Bằng chứng là việc ca khúc trụ vững ở vị trí quán quân Billboard Top 100 (tiền thân của Billboard Hot 100 ngày nay) trong 3 tuần liền, đồng thời bài hát cũng đặc biệt phổ biến với đối tượng trẻ em.
Mùa thu cùng năm, Alvin and the Chipmunks đánh dấu sự xuất hiện chính thức trên thị trường âm nhạc với ca khúc thứ hai có tên The Chipmunk Song (Christmas Don’t Be Late) nằm chễm chệ bốn tuần liên tiếp ở vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100.
Ca khúc này đã mang lại cho Ross ba trong tổng số bốn đề cử Grammy vào năm 1959 cùng hai giải Grammy khác hai năm kế tiếp với ca khúc Alvin’s Harmonica và album Let’s All Sing with The Chipmunks.
Không bó gọn ở những nhân vật trong truyện tranh, những nhóm nhạc như vậy còn xuất hiện cùng những nhân vật trong các show hoạt hình.
Vào năm 1969, khi ban nhạc classic rock The Monkees từ chối trình diễn ca khúc “Sugar Sugar” trong một show truyền hình, quản lí của nhóm đã quyết định tự chơi lại ca khúc này và thành lập một nhóm nhạc ảo khác lấy tên The Archies, dựa theo tập truyện tranh ăn khách cùng thời.
Từ đó, hình thức nhóm nhạc ảo xuất hiện cùng với những show hoạt hình ăn khách đang trở nên rất phổ biến trong thập niên 60 và 70, nhưng hầu hết đều tan rã sau khi show kết thúc.
Trong hai thập niên tiếp đó, hình thức giải trí này hầu như không còn được chú ý khi có rất ít nhóm nhạc mới xuất hiện, tiêu biểu có Silicon Teens đến từ Canada, Josie and the Pussycats từ show truyền hình cùng tên và Dvar đến từ Nga.
Tuy nhiên vào đầu năm 1990, có một sự kiện đáng chú ý khi "những chú Sóc" phát hành một CD đánh dấu sự tiếp cận công nghệ tiên tiến trong việc chơi nhạc.
Đây là một dấu hiệu cho thấy loại hình nhóm nhạc ảo này sẽ “hồi sinh” trong một thời gian không xa.
Và đúng 10 năm sau, Gorillaz là cái tên đánh dấu sự trở lại của loại hình này.
"Gorillaz revolutionized pop music without actually existing."
Được thành lập bởi Damon Albarn (main vocalist của ban nhạc Britpop kỳ cựu Blur) và Jamie Hewlett (họa sĩ truyện tranh nổi tiếng với tác phẩm Tank Girl), cùng nhà sản xuất Dan the Automato của nhóm hip-hop Deltron 3030, Gorillaz nhanh chóng hớp hồn công chúng bằng hàng loạt đề cử từ các giải thưởng âm nhạc danh tiếng như BRIT Awards, MTV Video Music Awards, MTV Europe Music Awards… và trên hết là chinh phục được cái tên danh giá: Grammy.
Những thành công đó đã giúp Gorillaz thống trị trong Top 20 các bảng xếp hạng âm nhạc khắp thế giới và được ghi nhận là nhóm nhạc ảo thành công nhất trên toàn cầu.
Tiếp nối thành công của Gorillaz, những Crazy Frog, Mistula, b.o.o.n et r.o.c.k và Midnight Riders lần lượt là những cái tên được công chúng biết đến và yêu thích.
Nếu như Mistula là nhóm nhạc ảo đầu tiên của Philippines thì b.o.o.n et r.o.c.k là nhóm nhạc ảo theo thể loại nhạc Thiên Chúa (Gospel) đương đại đầu tiên.
Một cái tên cũng rất đáng nhắc tới trong thời kì này là Dethklok, mệnh danh là nhóm extreme metal ảo đầu tiên (trước đó có Midnight Riders, nhóm heavy metal ảo xuất hiện trong franchise game Left 4 Dead).
Xuất hiện cùng với series hoạt hình ăn khách Metalocalypse của Mỹ, duy chỉ có hai thành viên Brendon Small (vocals, guitar, bass, keyboard) và Gene Hoglan - trống sĩ lừng danh của thể loại death metal, nhưng album đầu tay của Dethklok đã leo lên vị trí 21 trong Top 200 của Billboard Magazine.
Đây có thể xem như một kết quả hết sức bất ngờ nếu nhận xét dưới góc độ của một fan extreme metal. Thậm chí, Dethklok có thể xem như nhóm nhạc ảo gặt hái thành công chỉ thua đàn anh Gorillaz tính từ đầu thế kỉ 21 đến nay.
...VÀ SỨC ẢNH HƯỞNG SÂU RỘNG CỦA COMIC.
Không quá bất ngờ khi Bono và The Edge, 2 trong số 4 thành viên chủ lực của nhóm rock U2 được mời sáng tác vở nhạc kịch Broadway được xem là đắt đỏ nhất từ xưa đến nay về nhân vật Spider-Man thuộc Marvel Comics, Spider-Man: Turn Off the Dark.
Bởi không ít thì nhiều, comic hay truyện tranh đã có một ảnh hưởng nhất định đối với một bộ phận các sáng tác nhạc đại chúng lẫn không thuộc đại chúng.
Đặc biệt, từ những ảnh hưởng đó, một số nhạc công/thành viên trong các nhóm nhạc nổi tiếng đã cho ra đời các tác phẩm gắn bó mật thiết với comic.
Dan Swanö, một nhạc sĩ đồng thời là nhà sản xuất nổi tiếng trong giới metal từng có một dự án âm nhạc riêng mang tên Karaboudjan do chính anh trình diễn tất cả các nhạc cụ theo thể loại avant-garde metal.
Điểm đặc biệt ở dự án này là EP mang tên Sbrodj được phát hành vào năm 2001 với ba khúc có tiêu đề lần lượt: Plane 714 to Sydney, The Black Island và The Mysterious Star gắn liền với những cuộc phiêu lưu kì thú của một nhân vật truyện tranh nổi tiếng đến từ Bỉ - Tintin.
Devin Townsend, một tên tuổi lớn khác trong làng metal từng cho ra mắt một concept album vào năm 2007 có tên Ziltoid the Omniscient. Album kể về chuyến du hành Trái Đất của Ziltoid, một nhân vật truyện tranh đến từ hành tinh Ziltoidia 9 nhằm tìm kiếm “tách cà phê ngon nhất vũ trụ (your universe's ultimate cup of coffee)”.
Devin đã tiết lộ album này có cốt truyện tương tự với album Cooked on Phonics mà anh từng thực hiện vào năm 1996 trong dự án âm nhạc mang tên Punky Brüster (punk/heavy metal). Có một điểm khá lí thú khi bìa album Cooked on Phonics có sự xuất hiện của ba chú sóc Alvin, Simon và Theodore.
Nhẹ đô hơn, lead vocalist Gerard Way của ban nhạc rock Mỹ Chemical Romance cũng là một cây sáng tác truyện tranh. Hai series The Umbrella Academy và The Apocalypse Suite là hai trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của anh.
TỔNG KẾT
Dẫu vẫn có không ít lý giải về mối quan hệ đầy “ngộ nghĩnh” giữa comic và âm nhạc, nhưng ta cũng có thể tạm thấy được một điều: trong lĩnh vực nghệ thuật, một loại hình không ít thì nhiều đều chịu ảnh hưởng từ một loại hình khác và những ảnh hưởng này đã tạo ra tác động tương hỗ trong quá trình phát triển của nghệ thuật nói chung và sự phát triển của từng loại hình nói riêng.
Trong thời đại của Internet và nhất là mạng xã hội, những thứ lạ lẫm có chăng chỉ là những gì nhỏ lẻ, chưa theo kịp và còn sót lại của một nền văn hóa.
Còn lại, có lẽ mọi thứ đều đan quyện, hòa lẫn vào nhau cùng phát triển theo những cách ít ai ngờ tới.
Hẹn gặp lại,
Duon
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất