Bài viết này ra đời dựa trên cuộc tranh luận giữa 2 bạn độc giả trong một bài viết của tôi. Bài viết đó có tựa là “các vấn đề của giáo dục qua góc nhìn 1 sinh viên”. bài viết không mang tính chỉ trích hay khẳng định quan điểm của ai đúng, của ai sai. Mong độc giả đọc bài với một cái đầu lạnh. Xin chân thành cảm ơn!
Bắt đầu từ quan điểm của một bạn, mà tôi sẽ tạm gọi là bạn A. Bạn ấy cho rằng các vấn đề của giáo dục qua góc nhìn của tôi bao gồm:
+ giáo dục công nghiệp
+ bạo lực học đường và bạo lực ngôn từ
+ giáo dục giới tính
+ phong trào thành tích vô nghĩa
+ lịch học dày đặc và quá nhiều sách giáo khoa
+ phân bố nguồn lực không đều
Tất cả những vấn đề đó không mới lạ, đó đều là những vấn đề đã tồn tại từ lâu và vào những năm 60 của thế kỉ trước, thời ấy đã có những người làm nghề giáo nhận ra các vấn đề này nhưng có chưa có giải pháp để khắc phục. Những vấn đề phát sinh trong thời đại bây giờ chỉ là lặp lại từ quá khứ. Bạn A cho rằng rằng chúng ta hãy hành động, đừng nói, vì nói không giải quyết mọi vấn đề.
Theo quan điểm của tôi, những vấn đề trên không mới, chúng tồn tại từ trước nhưng ngày càng trở nên phổ biến và nguy hiểm hơn. Nếu như thời trước một trend độc hại chỉ phát sinh trong một cụm nhỏ thì ngày nay, dưới sự trợ giúp của công nghệ thông tin, những trend này phát tán rất nhanh và len lỏi từng ngóc ngách. Cũng có những vấn đề chỉ được phát sinh kể từ khi mạng xã hội ra đời, ví dụ như peer pressure trong học đường. Vậy nên nói những vấn đề trên đã tồn tại từ lâu về trước có phần đúng, nhưng cho rằng chúng phát triển lên một nấc thang mới trong thời đại này cũng không hề sai.
A cho rằng thay vì kêu ca trên mạng xã hội, chúng ta nên gửi email về phòng đào tạo, gửi ý kiến về cho họ để họ giải quyết. Nguyên văn dẫn chứng của A như sau “Chúng nó lên confession để kêu ca, nhưng ở đó không phải là nơi chúng tôi có thể lắng nghe, vì chúng tôi không phải là người quản lý fanpage confession. Năm nào chúng tôi cũng thay đổi liên tục để phù hợp với yêu cầu của chúng nó, nhưng chúng nó có thỏa mãn đâu. Không cố gắn học hành, cứ đổ lỗi tại nhà trường. Nhưng chúng tôi phải thay đổi thường xuyên để chúng nó vui hơn, hạnh phúc hơn”.
Phản bác lại ý kiến này của A, mình xin phép đưa ra một số dẫn chứng.
Đầu tiên, cũng như mình đã từng nói trong bài viết trước, cựu chủ tích quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã từng chia sẻ rằng bọn trẻ bây giờ học nhiều quá, không có cả nghỉ hè. Không phải là không lên tiếng, thậm chí lên tiếng thẳng trong quốc hội luôn.
Theo báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, bài báo “bạo lực học đường: trách nhiệm không của riêng ai” có nhắc “ Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo được đưa ra trong một cuộc hội thảo vào năm 2019 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiêu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức thì trung bình trong một năm học, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học (bình quân 5 vụ/ngày); khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau và 11.000 học sinh thì có một em bị thôi học vì lý do này.”
Đó chỉ là 1 trong vô vàn bài báo nói về các vấn đề còn bất cập của giáo dục. Ngoài ra chúng ta còn có thể đọc nhiều bài báo khác trên cổng thông tin VTV, báo điện tử chính phủ, báo lao động, vnexpress,...
Không phải chúng ta không lên tiếng, thậm chí báo chí nói rất nhiều, không hề ít.
Theo quan sát của tôi, luận điểm của A cho rằng “học sinh, sinh viên đang thụ động và  chúng ta đổ lỗi do giáo dục không tạo điều kiện” là hơi lạc đề cũng như khá phiến diện. Vấn đề phân bố nguồn lực không đồng đều trong giáo dục là một hệ quả của xã hội trọng dụng nhân tài. Vấn đề mất cân bằng này đã từng được anh Duy Thanh Nguyen nhắc tới trong video “mặt trái của xã hội trong dụng nhân tài”. Trong video của mình, anh có lấy ví dụ rằng khi anh làm hồ sơ xin học bổng chính phủ, có rất nhiều ưu đãi cho các bạn học sinh miền núi so với học sinh ở thành phố như Hà Nội. Thế nhưng anh đặt ra câu hỏi, liệu có bao nhiêu bạn học sinh miền núi biết về học bổng chính phủ? Bao nhiêu bạn có điều kiện để theo đuổi học bổng này? Và nếu có biết, có điều kiện theo đuổi, hồ sơ của các bạn ấy cũng rất khó để bì được so với các bạn ở khu vực phát triển. Đơn giản vì điều kiện cơ sở không có, các bạn cũng không có động lực xung quanh như bạn bè cũng đang chung mục tiêu.
Nếu cho rằng không có các trung tâm học tập, thì chúng ta có thể học online qua mạng. Điều này hợp lý, nhưng chưa chính xác. Học online có rất nhiều vấn đề, hạn chế so với học offline(kinh nghiệm từ một học sinh ôn thi đại học online là chính). Điều chúng ta dễ nhận ra nhất chính là mất đi sự tương tác trực tiếp giữa người với người. Hơn nữa các bạn ở miền núi cũng cần phải dành thời gian phụ giúp gia đình. Vậy  nên vốn dĩ vấn đề phân bố nguồn lực mất cân bằng không phải là một vấn đề xuất phát từ sự thụ động của người học.
A cho rằng cái mới mà học sinh chúng ta mong muốn là cơ sở hiện đại, tân tiến. Và chúng ta muốn “sướng” thì nên vào trường tư để học, đóng tiền nhiều thì phúc lợi nhiều.
Học tập trong môi trường tốt cũng là một yếu tố cải thiện khả năng học tập, nhu cầu học trong môi trường tốt là nhu cầu tất yếu. Bởi  vì thời đại chúng ta đã quá phát triển rồi, không thể áp dụng môi trường học tập như thời kháng chiến hay thời bao cấp nữa. Nhưng đó không phải vấn đề mà tôi hay nhiều học sinh phản ứng, chúng tôi phản ứng với nhiều vấn đề khác vốn đã tồn tại từ lâu của giáo dục.
Tiếp theo là quan điểm “học sướng thì vào trường tư”. Tôi phải nói thật đây quả là một minh chứng rõ ràng cho vấn đề phân bố nguồn lực không đồng đều. Giáo dục cần phải có sự công bằng. Không phải  cùng một cấp học, mà chúng ta ưu tiên hơn cho người nhiều tiền hơn, dành nhiều nguồn lực cho họ hơn, đó là kinh doanh, giáo dục kinh doanh. Nó giống hệt với việc kiến thức trên lớp bị giấu bớt đi để dành phục vụ cho những học sinh đi học thêm. Điều đó các bạn không chấp nhận được vậy tại sao lại quá dễ dàng chấp nhận quan điểm “học sướng thì vào trường tư”.
Vốn dĩ giáo dục có rất nhiều vấn đề để mổ xẻ và phân tích. Tất cả quan điểm được đưa ra đều có xu hướng thiên về cảm xúc bản thân, vậy nên không thể coi quan điểm nào là đúng hoàn toàn, quan điểm nào là sai hoàn toàn. Vậy nên mới nói, hãy đọc với một cái đầu lạnh.
Vẫn như bài cũ, không nhận gạch đá, không mang tính chỉ trích hay khẳng định đúng sai.