Văn chương, báo chí có cần ánh hồng soi sáng? Ảnh: Bìa báo Tết đạt giải thưởng năm 2016. Đồ hoạ: LK.
Văn chương, báo chí có cần ánh hồng soi sáng? Ảnh: Bìa báo Tết đạt giải thưởng năm 2016. Đồ hoạ: LK.
Tôi lần đầu biết đến Nguyễn Ngọc Tư qua tập truyện Cánh đồng bất tận. Mà có lẽ hầu hết người Việt Nam đều biết đến Nguyễn Ngọc Tư qua Cánh đồng bất tận.
Khi ấy tôi 14 tuổi, vẫn hay đeo khăn quàng đi học, tối về hát nhạc đỏ giải sầu trước khi giải bài tập toán. Giờ ngủ hay đọc thêm vài quyển truyện tranh Danh nhân Thế giới khá phổ biến tại thời điểm đó, ngoài ra thì Thần thoại Hy Lạp hoặc Lịch sử Thế giới (gồm các quyền Cổ Đại, Trung Đại và Hiện Đại) đều là những quyển sách tôi ưa thích.
Tôi không nghĩ rằng mình bị tẩy não hay bị thui chột năng lực suy nghĩ gì cả, lại càng không phải “bò đỏ, bò đen”. Trái lại, tôi thấy mình đọc khá nhiều, kiến thức khá rộng so với bạn bè cùng trang lứa; cũng biết chút ít về Cách mạng Pháp; cũng mê mẩn những lời vàng ngọc trong Tuyên ngôn Độc lập; cũng thần tượng Tối cao Pháp viện và những lời vàng ngọc trong Hiến pháp Hoa Kỳ.
Nhưng tôi ghét Cánh đồng bất tận.
Tôi còn nhớ là thời điểm đó là mình đọc phần lớn tác phẩm của Tư nhờ vào các mục văn nghệ trên tờ Tuổi Trẻ hay Thanh Niên.
Sự bế tắc của miệt ruộng.
Những đứa trẻ mất phương hướng.
Những con người phải tự sát vì mất vài con vịt.
Cưỡng hiếp.
Chết chóc.
Sự bất lực lên đến cùng cực.
Những điều không chỉ quá xa lạ với đứa trẻ được bồi dưỡng trong một môi trường “chuyên chọn”, mà còn là quá phi lý về thực tế, quá sai trái về định hướng.
Nếu viết lách mà không cho bạn đọc thấy một “ánh hồng” nào về tương lai, về sự sống, về niềm tin và khả năng chiến thắng của lòng quả cảm… chúng ta viết để làm gì? – Tôi của 14 tuổi tự nghĩ.
Nhưng “em” ạ, em đã biết gì về cuộc đời ngoài những vỏ bọc ngọt ngào của thị dân? Em có biết khao khát đổi đời đã khiến bao nhiêu người Việt Nam phải biệt xứ và bỏ mạng trên đất khách, và ngay cả trên đất nước mình?
Và quan trọng nhất, sao văn chương – báo chí thì cứ phải “ánh hồng”?
***
Tôi của năm 14 tuổi không hẳn là quá sai khi nghĩ rằng viết lách hướng đến chân – thiện – mỹ, cái đẹp và niềm tin vào con người.
Báo chí lẫn các loại viết lách văn chương ngày nay sống nhờ vào thói cuồng duy cảm (sensationalism) và các tin giật gân. Giáo sư tâm lý học Đại học Harvard, Steven Pinker, thừa nhận rằng dù thế giới có đang đi đến ngày tận thế hay không, bản chất tự nhiên của báo chí, kết hợp với cái bản thể lạ lùng của ý thức loài người, sẽ khiến chúng ta luôn nghĩ rằng chúng ta đang tận hưởng những ngày cuối cùng của sự sống trên trái đất.
Có lý do rất khách quan cho sự kỳ lạ này.
Những điều xấu, hành vi tiêu cực có thể xảy ra rất nhanh; nhưng sự tốt đẹp không chỉ được xây dựng trong vài ngày. Cho đến lúc chúng thành hình, những thông điệp, những sự kiện tích cực đã không còn đồng bộ với dòng đời của tin tức. Nhà nghiên cứu John Galtung chỉ ra rằng, nếu một tờ báo chỉ có thể xuất bản 50 năm một lần, chắc chắn rằng nó sẽ không đưa đến độc giả nửa thế kỷ của tin đồn, bê bối chính trị hay những tiêu đề giật gân có vòng đời sống chỉ vài giờ.
Đáng tiếc là báo chí thì phải ra tin tức hằng ngày, và cho đến nay thì đã phải ra hằng giờ, thậm chí mỗi phút. Vậy nên những tin tức xấu, những thảm họa, những sai lầm tiêu cực sẽ còn tìm được đường của chúng đến những bản tin nhật báo của hàng tỉ bạn đọc trên thế giới.
Một số nhóm nghiên cứu không thỏa mãn với sự mặc định này.
Họ cho rằng quá trình tiêu cực hóa của báo chí không chỉ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan, mà còn bởi cấu tạo nhận thức tâm lý của con người. Trong một nghiên cứu của hai nhà khoa học Marc Trussler và Stuart Soroka để tìm ra lời giải cho vấn đề trên, họ phát hiện các mẫu nghiên cứu có xu hướng phản ứng và tương tác nhanh hơn khi thấy các từ khóa như “chiến tranh”, “bom”, và “ung thư”; so với các từ ngữ vui tươi và thông dụng hơn rất nhiều như “baby”, “nụ cười” và “vui vẻ”. Họ gọi hiện tượng này là tư kiến tiêu cực (negative bias). Những tin tức tuyệt vọng nhất lại là những tin tức được đọc nhiều nhất. Những phóng sự đau thương nhất dễ giành giải thưởng nhất.
Còn hệ lụy của chúng thì được liệt kê đến vô vàn.
Những người theo dõi tin tức tiêu cực thường xuyên hoàn toàn có thể trở nên lạc lõng và mất kết nối với thực tế.
Họ lo lắng về tội phạm và tình hình trật tự trị an khi mà tỉ lệ phạm tội nói chung đều giảm. Họ bắt đầu nhận thức sai về rủi ro, lo lắng quá mức, tâm trạng và thể trạng luôn kém. Họ học thói quen bất lực trước thời cuộc. Họ dần trở nên thù địch với mọi người xung quanh, nhạy cảm hơn, dễ xung đột hơn.
Cá biệt, họ có thể tránh né hoàn toàn tin tức; từ đó thậm chí lệ thuộc tư duy vào thuyết Thiên mệnh (Fatalism). “Tại sao tôi phải đi bầu? Nó sẽ giúp ích được gì?”, hay “Tôi có thể quyên góp tiền từ thiện đấy, nhưng sẽ lại có một đứa trẻ khác chết đói vào tuần tới, có gì khác nhau sao?”. Tác động của việc tiêu thụ quá nhiều tin tức tiêu cực xấu đến mức chúng dẫn dắt người ta đặt ra những câu hỏi như thế. Cây bút Jacques Attali trên tờ Nikkei Asia cũng nhìn nhận rằng, tin xấu sẽ giúp báo chí bán chạy, nhưng tin tốt mới là thứ có thể cứu được nền dân chủ.
***
Nhưng đó có phải là toàn bộ câu chuyện? Liệu những số liệu, nghiên cứu và quan điểm nói trên có giúp chúng ta khẳng định rằng viết lách bằng “năng lượng tích cực” thì cuộc đời tự dưng soi sáng?
Tin tức, văn chương tích cực là một chuyện. Tin tức, văn chương bị kiểm soát, bị thay đổi để ủng hộ một thông điệp sai lầm lại là chuyện hoàn toàn khác. Khi nói về tác động của tin xấu, Jacques Attali cũng trước tiên thừa nhận rằng tin xấu là đặc sản của các nền dân chủ, bởi vì những chế độ độc tài sẽ không cho phép báo chí đăng gì thì đăng.
Kiểm soát, kiểm duyệt, định hướng bắt buộc giúp sàng lọc tin xấu và các thể loại tin xấu, nhưng rõ ràng chúng không còn nằm trong hệ quy chiếu mà chúng ta đang thảo luận ở trên. Tin xấu, chỉ trích và sự xung đột các quan điểm viết lách, trong hoàn cảnh này, lại là tiêu chuẩn để nhận biết chúng ta có đang sống trong một nền dân chủ thực thụ hay không.
Ở hệ quy chiếu của kiểm duyệt và kiểm soát, tin tiêu cực lại càng cần thiết.
Giáo sư Stuart Soroka, Đại học Michigan, cho rằng về mặt tiến hóa học, có những ưu điểm vượt trội dành cho các cá thể ưu tiên đọc hiểu các tin tức xấu.
“Chúng ta đang sống trong một thời đại quá dồi dào thông tin” – bà nói – “do đó, việc chọn lọc những thông tin dù tiêu cực, nhưng mang tính cảnh báo, sẽ giúp con người điều chỉnh hành vi hoặc tham gia vào những hoạt động cần thiết để bảo đảm rằng những sự kiện tiêu cực đó sẽ không xảy ra đối với mình”.
Một nghiên cứu khác được đăng tải trên tạp chí khoa học Information Economics and Policy lại cho thấy công chúng chủ động yêu cầu tin xấu, vì tin xấu có lợi hơn rất nhiều so với tin tốt. Nhóm tác giả khẳng định rằng nếu bỏ theo dõi các thông tin mang tính tiêu cực – cảnh báo thì chúng ta sẽ mất nhiều hơn so với những gì nhận được nếu chỉ chăm chăm tìm kiếm “năng lượng tích cực”.
Những cách tiếp cận này rõ ràng phù hợp hơn với môi trường thông tin của Việt Nam, khi mà bạn đọc bị kéo khỏi những thông tin tiêu cực nhưng quan trọng về tham nhũng, về phản biện chính sách, về lạm quyền và vi phạm nhân quyền. Thực tế này đẩy họ vào việc phải hấp thu những thông tin tiêu cực vô bổ, thậm chí mang tính giải trí như drama của giới showbiz, cướp, hiếp, giết… Ngược lại, những thông tin tốt, những “ánh hồng” trong báo chí hay văn chương lại chỉ điểm tô cho sự thống trị của một nhóm nhỏ trong xã hội.
Cách tiêu thụ thông tin như thế độc hại không kém gì việc chỉ tiếp nhận và lựa chọn những thông tin chính trị tiêu cực ở phương Tây. Tin xấu, ở một xã hội như của chúng ta, thì cũng nên được gọi là tin tốt là vậy.
***
Những lời kêu gọi tìm kiếm thông tin hay xây dựng những dự án thông tin “tích cực” ngày càng phổ biến, cứ như thể toàn bộ hệ thống tuyên giáo Việt Nam không phải là một bộ máy sản xuất năng lượng tích cực chạy không mệt mỏi suốt hàng thập kỷ qua.
Việc viết lách trong bối cảnh hiện nay có cần mang sứ mệnh soi sáng, xây dựng niềm tin cho người dân vững bước vào tương lai? Tôi chưa từng nghĩ như vậy khi đọc Tắt đèn, sao tôi phải nghĩ như vậy khi đọc sách báo ngày nay?