TELEGRAM – TỪ BIỂU TƯỢNG TỰ DO ĐẾN LÀN SÓNG CẤM CẢN
Sáng hôm ấy, mình bật điện thoại như thường lệ. Tách cà phê còn nóng, một tay gõ vào biểu tượng máy bay giấy màu xanh quen thuộc trên...
Sáng hôm ấy, mình bật điện thoại như thường lệ. Tách cà phê còn nóng, một tay gõ vào biểu tượng máy bay giấy màu xanh quen thuộc trên màn hình. Tin nhắn gửi cho nhóm bạn lại không gửi được. Rồi tiếp đến là nhóm làm việc. Rồi cả mấy kênh thông báo, tất cả im lặng đến lạ.
“Ơ, mạng lag à?”, mình đã tưởng như vậy. Nhưng Facebook, Youtube vẫn chạy bình thường. Chỉ có Telegram là nằm im như đang bị mất kết nối.
Hẳn rồi, mình không phải người duy nhất. Hàng triệu người Việt cùng lúc nhận ra: Telegram đang có biến. Và chỉ vài phút sau, mình đã biết được tin chính thức, Việt Nam đang tiến hành các bước để chặn hoạt động của Telegram trên lãnh thổ quốc gia.
Một ứng dụng từng được yêu thích rộng rãi, bỗng nhiên trở thành “vấn đề an ninh”? Điều gì đã xảy ra? Vì sao một nền tảng nhắn tin lại trở thành tâm điểm của những cuộc tranh luận toàn cầu? Và Telegram – biểu tượng của tự do trên không gian số – liệu có đang đi vào vùng xám giữa lý tưởng và thực tế?
Hành trình của chiếc máy bay giấy ấy hóa ra nhiều khúc quanh hơn ta tưởng. Và câu chuyện này không chỉ là về một ứng dụng. Mà là về cuộc đụng độ giữa quyền riêng tư, tự do ngôn luận, và an ninh mạng trong kỷ nguyên số.
1. Telegram là gì?
Telegram được tạo ra vào năm 2013 bởi hai anh em người Nga – Pavel Durov và Nikolai Durov. Một người là lập trình viên thiên tài, người còn lại là một nhà tư tưởng ưa nổi loạn. Trước khi làm Telegram, họ đã xây dựng VKontakte – mạng xã hội lớn nhất nước Nga, nhưng rồi cả hai rời khỏi quê hương sau khi từ chối bàn giao dữ liệu người dùng cho chính quyền.
Mang theo lý tưởng tôn sùng sự “tự do”, họ đặt nền móng cho một ứng dụng nhắn tin nhanh, bảo mật, và đặc biệt là không chịu khuất phục trước bất kỳ chính phủ nào.
Và rồi Telegram ra đời.
Khác với những ứng dụng nhắn tin truyền thống khác, Telegram không chỉ dừng lại ở việc kết nối các cá nhân qua con chữ hay hình ảnh. Nó là cả một hệ sinh thái mở: – Nơi bạn có thể gửi tệp nặng tới 2 GB, lưu trữ cả kho tài liệu như một drive di động. – Nơi bạn có thể tạo nhóm lên tới 200.000 thành viên, hoặc mở kênh phát sóng tin tức cho hàng triệu người theo dõi. – Nơi tồn tại hàng vạn bot, cho phép bạn tùy biến để hỗ trợ các hoạt động từ đặt vé máy bay đến giao dịch tiền điện tử. – Và cũng là nơi bạn có thể nói chuyện bí mật tuyệt đối, nhờ tính năng Secret Chat với mã hóa đầu cuối.
Để mà so sánh, đế chế của Telegram giống như một "mạng xã hội ngầm", nơi thông tin di chuyển nhanh, không bị kiểm duyệt, và không để lại dấu vết nếu người dùng muốn.
Chính vì thế, người ta yêu nó. Từ các nhà đầu tư crypto, dân IT, đến sinh viên săn học bổng, hay các cộng đồng học tập lan tỏa khắp Telegram. Nhưng cũng chính vì thế, những kẻ xấu cũng bắt đầu tìm đường đến.
Hình dung khi bạn xây một thành phố tự do, không có cảnh sát, không camera, không rào chắn – người tài giỏi đến ở. Nhưng kẻ buôn lậu, lừa đảo, và cực đoan dĩ nhiên cũng không thể khước từ cơ hội này.
Telegram lớn dần lên trong vùng giao thoa đó: giữa ánh sáng của tự do, và bóng tối của vô luật.
Ngoài lề một chút.Bài viết này nằm trong chuỗi bài viết từ group Xóa Mù Crypto do MoveSpiders kết hợp cùng Aptos Foundation xây dựng. Nếu bạn quan tâm đến những cập nhật mới nhất về công nghệ blockchain, các chuyển biến trong thế giới Web3, hay đơn giản chỉ muốn hiểu rõ hơn về thị trường tiền mã hóa, từ những khái niệm cơ bản đến những phân tích chuyên sâu, bạn có thể tham gia group theo link bọn mình để ở phần mô tả & bình luận ở clip này.
2. Hành trình từ căn phòng ký túc xá đến cột mốc một tỷ người dùng
Không ra đời tại Thung lũng Silicon, cũng không được hậu thuẫn bởi những quỹ đầu tư hàng trăm triệu USD, kì lạ thay, Telegram lại sinh ra từ một hành trình trốn chạy.
Năm 2013, Pavel Durov, nhà sáng lập mạng xã hội VKontakte (VK) – được mệnh danh là “Facebook của Nga” – từ chối cung cấp dữ liệu người dùng và đóng cửa các nhóm đối lập theo yêu cầu từ chính quyền Nga. Căng thẳng leo thang, và chỉ vài tháng sau, Durov rời khỏi Nga, nhường lại VK cho những người chịu sự kiểm soát của nhà nước.
Rời đi cùng Durov là em trai anh, Nikolai Durov, một lập trình viên và nhà toán học xuất chúng, người đã từng đoạt huy chương vàng nhiều năm liền tại Olympic Tin học quốc tế và tốt nghiệp tiến sĩ khi còn rất trẻ. Hai anh em bắt đầu một dự án mới: xây dựng một nền tảng nhắn tin miễn nhiễm với kiểm duyệt, bảo vệ quyền riêng tư bằng mọi giá, không vì lợi nhuận, không hợp tác với chính phủ - bất kỳ chính phủ nào. Đó là khởi điểm của Telegram.
Telegram ra mắt lần đầu vào tháng 8 năm 2013 trên iOS, và không lâu sau đó trên Android. Dù chưa phải là nền tảng duy nhất mã hóa tin nhắn, Telegram tạo dấu ấn nhờ Secret Chat – cuộc trò chuyện bí mật sử dụng mã hóa đầu cuối (end-to-end) và có thể tự động hủy tin nhắn theo thời gian. Ngoài ra, khả năng đồng bộ đa thiết bị, gửi file lớn, không quảng cáo, và đặc biệt là không yêu cầu người dùng khai thông tin cá nhân, đã nhanh chóng khiến ứng dụng này nổi bật giữa thời điểm người dùng ngày càng mất niềm tin vào các Big Tech như Facebook hay Google.
Năm 2014, Telegram cán mốc 50 triệu người dùng. Đến năm 2016, con số này đã vượt 100 triệu, và nền tảng xử lý hơn 15 tỷ tin nhắn mỗi ngày. Không có ngân sách quảng cáo lớn, không trả tiền cho các KOLs hay influencer, Telegram phát triển bằng chính giá trị cốt lõi của mình – người dùng truyền tai nhau rằng đây là một ứng dụng “sạch”, bảo mật, và tự do.
Tuy nhiên, tự do luôn mang theo cái giá phải trả.
Ngay từ những năm đầu, Telegram đã bị nhiều chính phủ cảnh báo là nơi trú ẩn của các tổ chức cực đoan. Năm 2015, Telegram buộc phải gỡ bỏ hàng chục kênh tuyên truyền của tổ chức khủng bố IS, sau khi bị cáo buộc là nền tảng chính mà nhóm này sử dụng để phát tán tài liệu, tuyển mộ thành viên và điều phối hành động.
Căng thẳng tiếp tục leo thang:
Năm 2017, Indonesia chặn Telegram (đặc biệt là bản web) sau khi phát hiện nhiều kênh công khai liên quan đến khủng bố bằng tiếng Bahasa Indonesia.
Năm 2018, Nga chính thức ra lệnh cấm Telegram vì công ty từ chối bàn giao khóa giải mã tin nhắn cho Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB).
Cùng năm, Iran theo sau với lý do Telegram được sử dụng để tổ chức biểu tình và truyền bá nội dung trái pháp luật.
Tuy nhiên, ở tất cả những nơi ấy, Telegram không hề biến mất. Người dùng vẫn tiếp tục sử dụng Tele bằng VPN. Các nhà hoạt động tiếp tục sử dụng ứng dụng như một phương tiện duy nhất để né tránh kiểm duyệt. Ngay cả tại Nga, nơi Telegram bị chặn về mặt kỹ thuật, các cơ quan chính phủ vẫn dùng Telegram để thông báo cho người dân, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch Covid-19 hoành hành tại quốc gia này.
Nhưng phải đến năm 2021, Telegram mới thực sự bước vào ánh đèn sân khấu toàn cầu.
Đầu năm đó, WhatsApp, ứng dụng nhắn tin hàng đầu thế giới, vướng vào một vụ bê bối dữ liệu, khi công bố thay đổi chính sách quyền riêng tư và chia sẻ dữ liệu với công ty mẹ Facebook. Hàng chục triệu người lo ngại, và chỉ trong vòng 72 giờ, Telegram đã có thêm hơn 25 triệu người dùng mới, một con số chưa từng có tiền lệ trong ngành ứng dụng nhắn tin. Tính trong tháng 1/2021, hơn 100 triệu người dùng mới đến với nền tảng. Lượt tải xuống Telegram đạt đỉnh gần 95 triệu lượt trong tháng đó.
Từ một ứng dụng được xem là “ngách” chỉ trong cộng đồng công nghệ, Telegram chính thức trở thành một nền tảng đại chúng toàn cầu.
Các năm sau đó chứng kiến sự mở rộng không ngừng:
Năm 2022, Telegram đạt 700 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và lần đầu tiên ra mắt gói Telegram Premium, mang lại các tính năng mở rộng như gửi tệp 4GB, sticker độc quyền, tốc độ tải nhanh hơn.
Năm 2023, Telegram tích hợp thêm nhiều tính năng mới như Stories (câu chuyện tự xóa), Mini Apps (ứng dụng bên thứ ba tích hợp trong Telegram), và ví tiền mã hóa Toncoin.
Giữa năm 2024, Telegram tiến sát mốc 950 triệu người dùng – vượt qua cả WeChat trên toàn cầu, chỉ đứng sau WhatsApp và Messenger.
Theo đà phát triển, để đáp ứng lượng người dùng khổng lồ, Telegram không còn là một ứng dụng nhắn tin đơn thuần. Nó đã dần chuyển mình để trở thành một “siêu ứng dụng” đa chức năng: vừa là nơi nhắn tin, vừa là mạng xã hội, nền tảng phát tin tức, công cụ giáo dục, thậm chí là ví điện tử và cổng tích hợp game blockchain. Tất cả chỉ trong vòng hơn một thập kỷ.
Nhưng cũng chính lúc này, khi Telegram tiệm cận một tỷ người dùng và bắt đầu thu được lợi nhuận từ các dịch vụ thương mại, mâu thuẫn giữa lý tưởng của Durov và thực tế bắt đầu bộc lộ rõ hơn bao giờ hết.
Telegram được hàng trăm triệu người yêu mến vì tính bảo mật và không kiểm duyệt. Nhưng chính vì vậy, nó cũng trở thành “miền đất hứa” của tội phạm mạng, thông tin cực đoan, và lừa đảo xuyên quốc gia.
Từ Nga, Iran, Pháp đến Brazil – và giờ là Việt Nam – các chính phủ bắt đầu yêu cầu Telegram bắt tay hợp tác. Bằng không, cuộc tình này phải đoạn tuyệt từ đây. Vì sao điều này lại xảy ra? Và liệu đây có phải là sự kiện đơn lẻ, hay là dấu hiệu cho một xu thế đang hình thành trên toàn thế giới?
3. Hai mặt của một đồng xu
Sự thành công của Telegram không đến từ quảng cáo, cũng không nhờ chiến dịch tiếp thị rầm rộ. Nó đến từ niềm tin – hoặc ít nhất là cảm giác – rằng đây là một trong những không gian cuối cùng trên Internet nơi con người có thể giao tiếp mà không bị theo dõi, chia sẻ mà không bị kiểm duyệt, và ẩn danh nếu muốn ẩn danh. Thế nhưng, chính sự tự do ấy lại là thứ khiến Telegram luôn đứng giữa hai lằn ranh: một biểu tượng của tự do trên không gian số, và một nền tảng dung túng cho những rủi ro pháp lý và đạo đức.
Trong mắt hàng trăm triệu người dùng trên khắp thế giới, Telegram là một nền tảng truyền thông mạnh mẽ, không chỉ để nhắn tin, mà còn để tìm kiếm “sự thật” trong bối cảnh những mạng xã hội khác đang bị bóp nghẹt bởi sự kiểm duyệt.
Năm 2020, giữa làn sóng biểu tình tại Belarus phản đối cuộc bầu cử bị cáo buộc gian lận, khi toàn bộ báo chí độc lập bị dập tắt, mạng xã hội bị chặn và Internet bị bóp băng thông, hàng triệu người dân Belarus đã tìm đến Telegram như phao cứu sinh thông tin. Một kênh duy nhất mang tên Nexta, điều hành bởi một nhóm nhà báo lưu vong, đã trở thành trung tâm chỉ huy của phong trào phản kháng – nơi cập nhật địa điểm biểu tình, cảnh báo các cuộc trấn áp và kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý đến tình hình trong nước. Kênh thông báo này đạt hơn 2 triệu người theo dõi chỉ trong vài tuần, dù chính quyền cố gắng chặn truy cập mọi nơi.
Tại Hồng Kông, giai đoạn 2019–2020, Telegram trở thành công cụ chủ lực của nhóm người biểu tình trong nỗ lực bảo vệ quyền tự do trước luật dẫn độ gây tranh cãi. Nhờ tính năng cho phép lập các nhóm lớn, mã hóa thông tin, và khả năng chia sẻ tức thời, Telegram cho phép hàng chục ngàn người dân phối hợp phản ứng, tránh bị bắt, và lan truyền hình ảnh về các cuộc trấn áp.
Trong cuộc xung đột vũ trang Nga – Ukraine, Telegram trở thành kênh truyền thông chính thức của cả hai bên xung đột. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cập nhật tình hình chiến sự hàng ngày qua Telegram. Các lực lượng tình báo, truyền thông, và cả dân thường đều sử dụng nền tảng này để truyền tải thông tin gần như tức thì.
Ở Việt Nam, Telegram không mang nặng yếu tố chính trị như ở những điểm nóng kể trên, nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng đối với các cộng đồng chuyên biệt. Trong giới công nghệ, đầu tư tiền mã hóa, lập trình, khởi nghiệp, hay thậm chí các ở doanh nghiệp – Telegram được ưa chuộng vì những lý do đơn giản: nhẹ, nhanh, không quảng cáo, không làm phiền, có thể tạo nhóm lớn hoặc điều hành kênh phát nội dung. Các nhóm cộng đồng trên Telegram thường hoạt động linh hoạt hơn Facebook, với khả năng ẩn danh cao hơn và ít bị hạn chế hiển thị hơn.
Chính sự linh hoạt ấy đã khiến Telegram được gọi bằng cái tên trìu mến: “miền tự do trên Internet”.
Tuy nhiên, không có không gian tự do nào là tuyệt đối. Khi mọi thứ không bị kiểm soát, điều tốt và điều xấu đều có cơ hội phát triển như nhau.
Cùng với danh hiệu “pháo đài của quyền riêng tư”, Telegram cũng đang ngày càng bị gắn với cụm từ “thiên đường tội phạm mạng”. Và điều này không phải là không có lý do.
Không giống như WhatsApp (thuộc Meta) hay iMessage (của Apple), Telegram không bật chế độ mã hóa đầu cuối mặc định, nhưng lại cho phép người dùng tạo tài khoản không cần danh tính thật, không xác minh SIM, và có thể tự hủy toàn bộ dữ liệu chỉ với một nút bấm. Với khả năng tạo nhóm lên tới 200.000 người, tạo bot tự động và kênh công khai không giới hạn, Telegram trở thành một nền tảng lý tưởng – không chỉ cho các cộng đồng lành mạnh, mà cả những thế lực hoạt động phi pháp.
Từ năm 2015, các tổ chức khủng bố như ISIS đã sử dụng Telegram để tuyển mộ, phát tán tài liệu huấn luyện và tuyên truyền cực đoan. Năm 2016, Telegram buộc phải xóa hơn 78 kênh liên quan đến ISIS sau áp lực từ cộng đồng quốc tế. Nhưng đó chỉ là phần nổi.
Tại Pháp, vào năm 2024, lực lượng chức năng phát hiện hàng loạt nhóm Telegram rao bán ma túy, vũ khí và nội dung ấu dâm. Sự việc nghiêm trọng đến mức Pavel Durov – nhà sáng lập Telegram – bị triệu tập điều tra và tạm giữ bốn ngày tại Paris.Sau đó, vào ngày 28 tháng 8, ông bị truy tố với 12 tội danh, bao gồm: đồng phạm trong việc phát tán nội dung ấu dâm, buôn bán ma túy, rửa tiền và từ chối hợp tác với cơ quan điều tra. Ông được tại ngoại với điều kiện nộp tiền bảo lãnh 5 triệu euro, bị cấm rời khỏi Pháp và phải trình diện cảnh sát hai lần mỗi tuần. Đây là tiền lệ chưa từng có trong lịch sử các nền tảng truyền thông lớn: một CEO bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì nội dung trên nền tảng mình tạo ra.
Tại Brazil, Vào ngày 26 tháng 4 năm 2023, một thẩm phán liên bang tại bang Espírito Santo đã ra lệnh tạm thời đình chỉ hoạt động của ứng dụng nhắn tin Telegram trên toàn quốc, do nền tảng này không cung cấp đầy đủ thông tin mà Cảnh sát Liên bang yêu cầu về các nhóm cực đoan và phát xít mới sử dụng nền tảng này để kích động bạo lực trong trường học.
Tại Ấn Độ, một trong những thị trường đông dân nhất thế giới, Telegram là nền tảng được nhiều tổ chức tội phạm mạng chọn làm trung tâm hoạt động. Từ việc phát tán bản quyền lậu đến các vụ lừa đảo xuyên quốc gia, Telegram được cho là quá khó để kiểm soát vì dữ liệu thường không để lại dấu vết.
Và đất nước tiếp theo đưa Telegram lên bảng đếm số, đó chính là Việt Nam!
4. Drama tại Việt Nam – Chuyện gì đang xảy ra?
Ngày 23 tháng 5 năm 2025, hình ảnh một văn bản được ban hành bởi Cục Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam gửi đến các nhà mạng lớn trong nước, được lan truyền trên mạng xã hội. Nội dung của văn bản yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông thực hiện biện pháp ngăn chặn truy cập vào Telegram, với hạn chót báo cáo kết quả là ngày 2 tháng 6 năm 2025.
Đây không còn là một tin đồn. Vào tối khuya ngày 25/5 vừa qua, dù chưa đến hạn chót, nhưng Telegram đã chính thức chặn truy cập toàn diện.
Quyết định này không đến từ sự bồng bột, mà là kết quả của một quá trình điều tra và đánh giá dài hơi, chủ yếu do Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) – Bộ Công an tiến hành.
Theo thống kê được công bố, tại thời điểm đầu năm 2025, Telegram có khoảng 9.600 kênh và nhóm đang hoạt động tại Việt Nam. Trong số đó, cơ quan chức năng cho biết có tới 68% chứa nội dung “xấu độc”, vi phạm pháp luật hoặc tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.
Không dừng lại ở mức đánh giá nội dung, các đơn vị chức năng đã chỉ rõ các hành vi vi phạm cụ thể:
Các hội nhóm tuyên truyền chống phá Nhà nước, chia sẻ nội dung kích động, xuyên tạc sự thật, tổ chức hoạt động chính trị trái phép.
Hoạt động lừa đảo tài chính trên quy mô lớn, thông qua các mô hình “đầu tư siêu lợi nhuận”, đa cấp trá hình, giao dịch tiền mã hóa lừa đảo với thiệt hại ước tính hơn 1.000 tỷ đồng và hơn 13.000 nạn nhân.
Rao bán trái phép dữ liệu cá nhân: bao gồm thông tin căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ thường trú, thông tin tài khoản ngân hàng, với quy mô lên đến 23 triệu người Việt – tương đương gần toàn bộ dân số trong độ tuổi lao động.
Ngoài ra còn có các hoạt động chia sẻ nội dung độc hại về ma túy, ấu dâm, vũ khí, công cụ phạm tội.
Điểm mấu chốt khiến vụ việc trở nên nghiêm trọng, theo Bộ Công an, là ở chỗ: Telegram từ chối hợp tác.
Trong nhiều vụ việc, nhà chức trách đã gửi yêu cầu pháp lý đề nghị Telegram cung cấp dữ liệu người dùng phục vụ điều tra. Tuy nhiên, tất cả đều không nhận được phản hồi. Telegram cũng không có văn phòng đại diện, người đại diện pháp lý, hoặc bất kỳ đầu mối liên hệ chính thức nào tại Việt Nam – vi phạm quy định mới ban hành tại Nghị định 147/2024/NĐ-CP, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới có hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký, kê khai, và tuân thủ nghĩa vụ phối hợp xử lý nội dung vi phạm.
Điều này khiến Telegram rơi vào thế đối đầu trực tiếp với hệ thống pháp luật trong nước. Trong khi các nền tảng lớn như Facebook, TikTok, YouTube từng xảy ra tranh cãi nhưng vẫn duy trì hoạt động nhờ có đại diện hợp tác xử lý nội dung, thì Telegram lại đóng kín mọi kênh tiếp xúc chính thức.
Không chỉ “không tuân thủ”, Telegram còn trở thành môi trường lý tưởng cho các hành vi vi phạm gia tăng, bởi những tính năng mà trước đây chính họ từng quảng bá: nhắn tin ẩn danh, mã hóa, không lưu trữ lâu dài, có thể tự hủy, và không xác minh người dùng.
Từ phía của Telegram. Sau khi thông tin được lan truyền trên truyền thông, ngày 23/5/2025, một người phát ngôn của Telegram đã lên tiếng với báo chí quốc tế, cho biết công ty “rất ngạc nhiên” trước việc bị yêu cầu chặn hoạt động tại Việt Nam. Phía Telegram cho rằng họ đã “phản hồi đúng hạn các yêu cầu pháp lý trước đây” và đang xem xét các thủ tục đăng ký dịch vụ theo quy định mới.
Tuy nhiên, thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông lại cho thấy điều ngược lại: Telegram không nộp thông tin đăng ký dịch vụ, không cung cấp đầu mối liên hệ, không phản hồi các văn bản chính thức trước đó, và phớt lờ các yêu cầu xử lý nội dung vi phạm, ngay cả khi được gửi kèm bằng chứng và yêu cầu cụ thể.
Lần này, trước sức ép của công luận và rủi ro bị chặn, Telegram đã gửi thông báo sẽ “xem xét nghiêm túc và phối hợp”. Nhưng đến thời điểm cuối tháng 5, chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy nền tảng đã thực sự thay đổi cách vận hành tại thị trường Việt Nam.
Động thái mạnh tay từ phía chính quyền Việt Nam nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Một bộ phận dư luận cho rằng việc siết chặt quản lý Telegram là cần thiết, trong bối cảnh lừa đảo, rò rỉ dữ liệu, và nội dung phản cảm đang lan rộng. Không ít người từng là nạn nhân trong các nhóm “kêu gọi đầu tư” qua Telegram đã chia sẻ trải nghiệm bị mất tiền, không thể truy vết thủ phạm.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người đặt câu hỏi: Chặn một ứng dụng liệu có giải quyết được gốc rễ vấn đề? Hay chỉ khiến người dùng chuyển sang các nền tảng khác, thậm chí đẩy hoạt động phạm tội xuống tầng sâu hơn – nơi mà khả năng giám sát còn khó hơn nữa?
Giới chuyên gia công nghệ cũng cảnh báo về một kịch bản quen thuộc: “chặn rồi thì VPN lại lên ngôi.” Bởi phần lớn người dùng Telegram tại Việt Nam đều là những người trẻ, có hiểu biết công nghệ, và có thể dễ dàng vượt rào bằng proxy hoặc các ứng dụng hỗ trợ.
Về phía quốc tế, các tổ chức quan sát tự do Internet có quan điểm không đồng nhất. Một số đánh giá rằng Việt Nam đang đi theo xu hướng chung của nhiều quốc gia trong việc yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp quốc gia, giống như cách Liên minh Châu Âu đang thực thi Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA - Digital Services Act).
5. Tương lai nào cho Telegram?
Sau hơn một thập kỷ tồn tại, Telegram đã đi một chặng đường dài: từ một ứng dụng nhắn tin của hai anh em lập trình viên sống lưu vong, trở thành nền tảng giao tiếp của gần một tỷ người trên khắp thế giới. Nhưng càng lớn mạnh, Telegram càng đứng trước những câu hỏi khó: làm thế nào để duy trì lý tưởng ban đầu trong một thế giới ngày càng đòi hỏi tính minh bạch, trách nhiệm và hợp tác pháp lý?
Những gì đang xảy ra tại Việt Nam – cũng như trước đó tại Nga, Iran, Brazil hay Pháp – không còn là những sự cố cá biệt. Đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Telegram đang bước vào một giai đoạn mới: giai đoạn mà như mọi nền tảng toàn cầu, Tele buộc phải lựa chọn giữa mở rộng hợp tác pháp lý với chính phủ các nước, hoặc chấp nhận bị loại khỏi các thị trường tiềm năng.
Hai con đường trước mắt
Con đường thứ nhất: Telegram có thể lựa chọn “thỏa hiệp chiến lược”. Điều này không đồng nghĩa với việc từ bỏ hoàn toàn triết lý bảo vệ quyền riêng tư, mà là thiết lập một cơ chế phản hồi tối thiểu, tương tự như cách họ đã làm với Indonesia – nơi Telegram nhanh chóng xóa các kênh bị gắn mác khủng bố và cử đội ngũ làm việc trực tiếp với chính phủ để được gỡ bỏ lệnh cấm chỉ sau một tuần.
Đây là con đường nhiều nền tảng lớn đã chọn – kể cả những công ty từng khởi đầu với tuyên ngôn “chống kiểm duyệt”. Google, Facebook, Twitter, TikTok… đều từng vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ chính phủ nhiều nước, nhưng dần thiết lập các cơ chế “vừa đủ tuân thủ” để duy trì hoạt động toàn cầu.
Nếu Telegram chọn đi theo hướng này, họ sẽ cần:
Thiết lập bộ phận pháp lý và đại diện khu vực, đặc biệt ở các quốc gia có nền pháp luật riêng biệt như Việt Nam, Ấn Độ, Brazil hoặc các nước châu Âu.
Chấp nhận xóa hoặc hạn chế một số nội dung vi phạm luật địa phương, dù vẫn giữ nguyên phần lớn nền tảng công nghệ mã hóa.
Giao tiếp minh bạch hơn với các chính phủ và truyền thông, để tránh bị hiểu nhầm là “phớt lờ luật pháp” như trường hợp ở Việt Nam gần đây.
Con đường này giúp Telegram tiếp tục tồn tại ở các thị trường lớn, mở rộng tính năng như ví điện tử, mini-apps, hoặc tích hợp blockchain – nhưng cũng đồng nghĩa với việc phải chấp nhận vai trò “một phần hệ thống”, thay vì là kẻ ngoài cuộc.
Con đường thứ hai: Telegram có thể giữ vững lập trường hiện tại – “không hợp tác với chính phủ nào”, không đại diện pháp lý, không điều chỉnh theo luật từng quốc gia. Triết lý này từng giúp Telegram trở thành biểu tượng của sự chống lại kiểm duyệt, thu hút hàng triệu người dùng đang tìm kiếm không gian tự do trên mạng.
Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy cái giá phải trả cho lựa chọn này ngày càng lớn:
Bị chặn hoặc hạn chế truy cập ở nhiều quốc gia, kéo theo mất người dùng, doanh thu và cơ hội kinh doanh.
Đối mặt với án phạt tài chính và pháp lý, như vụ việc CEO Pavel Durov bị triệu tập và tạm giữ tại Pháp năm 2024 vì không hợp tác điều tra nhóm tội phạm mạng.
Không thể triển khai các tính năng tài chính (như ví Toncoin) tại các thị trường trọng điểm, vì vi phạm quy định chống rửa tiền, xác minh danh tính và bảo vệ người tiêu dùng.
Telegram hiện đang vận hành mô hình tài chính hỗn hợp: dựa vào đóng góp cá nhân của Pavel Durov, kêu gọi vốn cộng đồng, và gần đây là dịch vụ Telegram Premium. Tuy nhiên, để duy trì và mở rộng một hạ tầng phục vụ hàng tỷ người dùng toàn cầu, nền tảng này sẽ cần một mô hình kinh doanh bền vững hơn – điều không thể tách rời khỏi việc tuân thủ pháp lý tại các quốc gia chủ chốt.
Nhưng xét trong vài năm gần đây, Telegram đã âm thầm chuyển dịch từ một ứng dụng “đóng” sang một nền tảng công nghệ đa năng, với tham vọng trở thành siêu ứng dụng Web3 đầu tiên.
Họ đã:
Ra mắt ví Toncoin, tích hợp blockchain TON (The Open Network) – ban đầu do Telegram sáng lập, sau đó đã chuyển giao cho cộng đồng tự do phát triển.
Cho phép phát triển Mini Apps – các ứng dụng bên thứ ba có thể hoạt động ngay trong giao diện Telegram, tương tự như mô hình của WeChat tại Trung Quốc.
Triển khai các công cụ kiếm tiền cho nhà sáng tạo nội dung, tạo hệ sinh thái mới cho cộng đồng kinh doanh online, giáo dục, sáng tạo.
Với định hướng này, Telegram đang tiến gần đến mô hình mạng xã hội – nền tảng thương mại – ứng dụng tài chính tích hợp. Nhưng để phát triển mô hình đó một cách chính danh và lâu dài, Telegram buộc phải xây dựng niềm tin không chỉ với người dùng, mà còn với các hệ thống pháp luật quốc gia.
Một Telegram hoàn toàn tự do và bất khả kiểm soát có thể tiếp tục tồn tại trong một thị trường ngách. Nhưng nếu muốn trở thành nền tảng phổ quát cho hàng tỷ người – từ học sinh, nhà báo, doanh nghiệp đến chính phủ – thì Telegram sẽ phải chọn một vị trí trong hệ sinh thái quyền lực kỹ thuật số toàn cầu.
6. Kết lại - Chiếc máy bay giấy sẽ bay về đâu?
Telegram vốn được xây dựng từ một niềm tin đơn giản: con người có quyền được giao tiếp mà không bị giám sát. Niềm tin ấy đã đưa hai anh em lập trình viên người Nga vượt biên giới, đi ngược dòng chính trị, và viết nên câu chuyện vừa thú vị, lại có phần kỳ lạ bậc nhất của thế giới Internet hiện đại. Có một ứng dụng nào không có quảng cáo, không khai thác dữ liệu, không dễ dàng thỏa hiệp với chính phủ, để rồi trở thành nơi gửi gắm niềm tin của hàng trăm triệu người.
Nhưng lý tưởng, dù đẹp đến đâu, cũng không thể tránh khỏi sự va chạm với thực tế khắc nghiệt. Khi một ứng dụng trở thành hạ tầng giao tiếp cho gần một tỷ người – bao gồm cả nhà hoạt động nhân quyền và tội phạm mạng – thì câu hỏi không còn là bạn tin vào điều gì, mà là bạn chịu trách nhiệm như thế nào.
Tự do thông tin không thể đứng ngoài luật pháp. Nhưng luật pháp cũng không thể làm ngơ trước nhu cầu ngày càng cấp thiết về quyền riêng tư trong một thế giới bị số hóa đến tận cùng. Telegram, trong tất cả những tranh cãi, cấm đoán và ca ngợi, đang trở thành biểu tượng của thời đại xung đột giữa công nghệ và thể chế.
Câu chuyện tại Việt Nam – với những con số đáng báo động về lừa đảo, rò rỉ dữ liệu, và nội dung độc hại – là lời nhắc nhở rằng một nền tảng tốt không thể là nơi trú ẩn an toàn cho cái ác. Nhưng hành động mạnh tay với một nền tảng cũng phải đi kèm với năng lực quản trị minh bạch, giải pháp công nghệ bền vững, và đối thoại cởi mở – nếu không, mọi nỗ lực sẽ chỉ là trò chơi đuổi bắt trong thế giới số ngày càng phức tạp.
Và cuối cùng, người dùng – chúng ta – cũng không thể đứng ngoài. Giữa tự do và hỗn loạn, giữa kiểm soát và bảo vệ, mỗi cá nhân đều có vai trò trong việc định hình không gian mạng mà họ tham gia. Một ứng dụng không thể làm thay toàn bộ lựa chọn đạo đức cho người dùng. Nhưng nó có thể, và phải, chịu trách nhiệm về kiến trúc mà nó xây dựng ra.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất