30/4 năm nay, lần đầu tiên tôi tận hưởng bầu không khí ở mảnh đất chứng kiến sự kiện lịch sử 47 năm về trước.
Dinh Độc Lập
Dinh Độc Lập
Là một người con miền Bắc, tôi đã học lịch sử theo góc nhìn kiểu chính thống miền Bắc trong nhiều năm.
Đó là góc nhìn của người chiến thắng trong cuộc chiến.
Trong mấy năm qua, tôi cũng đã bổ sung kiến thức lịch sử theo các góc nhìn đa chiều hơn từ Internet trước khi dành tổng cộng 17 giờ để xem hết series phim tài liệu The Vietnam War của đài PBS (Mỹ) phát sóng năm 2017.
Bộ phim tuy đã cố gắng khách quan nhất có thể, nhưng vẫn là góc nhìn của người Mỹ, tập trung vào câu chuyện của nước Mỹ.
Góc nhìn của người thua cuộc từ bộ phim cũng giúp tôi có cái nhìn rộng hơn về cuộc chiến này.
Tuy nhiên, ở đây tôi không muốn nói về quan điểm chính trị, mà muốn nói về 4 bài học dành cho chúng ta ngày nay, đúc rút ra từ cuộc chiến cách đây nửa thế kỷ:

1. Không có bạn bè nào là vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù nào là mãi mãi

Chỉ có lợi ích là vĩnh cửu.
Chúng ta luôn làm những việc mà mình thấy có lợi. Có thể là: lợi ích cho cá nhân, lợi ích cho gia đình, lợi ích cho tập thể, lợi ích cho quốc gia, hoặc lợi ích cho nhân loại.
Chúng ta thấy rõ bộ mặt thật của người khác khi đối diện với xung đột lợi ích. Khá nhiều người đội lốt lợi ích, miệng thì nói rằng mình làm việc này vì lợi ích quốc gia nhưng chủ yếu chỉ mưu lợi cá nhân.
Nếu muốn sống chân thật, không nên né tránh xung đột lợi ích.
Có hai cách giải quyết xung đột lợi ích: vũ lực hoặc đàm phán.
Nếu dùng vũ lực thì không hẳn ai mạnh hơn người đó thắng, mà quan trọng là ai bền bỉ hơn. Người có lợi ích chính đáng hơn thì thường bền bỉ hơn.
Nếu dùng đàm phán thì quan trọng là thấu hiểu và nhượng bộ. Mỗi bên nhường nhau một chút, dù không đạt được lợi ích tối đa thì cũng tránh được tổn thất nghiêm trọng.

2. Đời không có trắng đen rõ ràng, chỉ có các sắc thái của màu xám

Bởi vì mọi người đều hành xử để đạt được lợi ích cho mình, nên họ có thể là người xấu trong mắt người này và người tốt trong mắt người khác.
Người xấu nào cũng có tương lai. Còn người tốt nào cũng có quá khứ.
Đến chính những người lính hai bên chiến tuyến bây giờ còn có thể tay bắt mặt mừng khi gặp nhau nữa cơ mà.
Nhìn đời màu xám là một cách nhìn đời vị tha.
Nhìn thấy các sắc thái của màu xám là một người có tư duy phản biện.
Thực hành việc này bằng cách khi đọc tin tức thì không vội vã nhận định ai là kẻ xấu, ai là người tốt.

3. Học cách buông bỏ, nói không, bỏ bớt lựa chọn để hạnh phúc hơn

Hồi đó, người lính bên nào có niềm tin vững vàng hơn, có lý do ra trận xứng đáng hơn thì người đó hạnh phúc hơn và bình tĩnh sống hơn, không phải có súng ống xịn hơn, đồ ăn ngon hơn, hay nhiều bia rượu, ma tuý, và tạp chí Playboy hơn.
Họ có thể chết ở tuổi 20 nhưng chưa chắc họ đã không hạnh phúc với 20 năm cuộc đời ấy.
Hạnh phúc thường nằm ở những thứ giản đơn không mất tiền mua.
Nhiều người ngày nay đã chết trong lòng từ năm 20 tuổi, chỉ là họ đang chờ đến năm 70 để được chôn.
Bởi vì họ không tìm ra lẽ sống.
Đó là vấn đề của thời bình. Có những câu hỏi mà người thời chiến không bao giờ đặt ra.
Tự do là khi chúng ta có nhiều lựa chọn và được quyền thoải mái chọn lựa.
Nhưng không gì bất hạnh hơn việc cứ do dự đứng giữa ngã ba đường, hoặc đưa ra một lựa chọn rồi lại tiếc nuối lựa chọn khác.
Thà cứ chọn một con đường và kiên định đi theo nó, coi đó là lẽ sống, bất kể con đường đó dẫn tới đâu, ít ra còn hạnh phúc hơn.

4. Thích nghi là kỹ năng quan trọng nhất cần trui rèn

Thời khó sống tạo ra kẻ mạnh.
Kẻ mạnh tạo ra thời dễ sống.
Thời dễ sống tạo ra kẻ yếu.
Kẻ yếu tạo ra thời khó sống.
Lịch sử luôn có các vòng lặp như vậy.
Biến động thời thế luôn là nguy cơ của người này và cơ hội của người khác. Không phải kẻ mạnh mà người thức thời hơn, thích nghi tốt hơn sẽ tồn tại lâu hơn.
Thích nghi là bản năng của con người rồi, chỉ cần có lý do đủ lớn thì chúng ta có thể lôi cái bản năng đó lên.
Những đứa trẻ thời hậu chiến (PBS)
Những đứa trẻ thời hậu chiến (PBS)