Vài dòng về chính mình
....Nhưng sức nước mạnh hay sức nước yếu, mặt nước đầy hay mặt nước vơi thì sẽ có một dòng luôn chảy mãi... Tôi đã đong buổi chiều...
....Nhưng sức nước mạnh hay sức nước yếu, mặt nước đầy hay mặt nước vơi thì sẽ có một dòng luôn chảy mãi...
Tôi đã đong buổi chiều bằng những phút lảng vảng và hoàng hôn.
Một buổi chiều ngẫu hững, tôi quyết định úp trang sách lại và quyết định sẽ chạy xe đến quán ăn vặt quen thuộc, làm một chén trứng đút lò 5000 và quay về. Cô bạn thân duy nhất hoặc cũng có thể là cô bạn duy nhất còn ở thị trấn này đã lên xe quay về Sài Gòn, nên tôi đi một mình. Thật ra thì đó chỉ là một cái cớ. Lý do đúng hơn là vì tôi cần gặp nàng suy tư mà cô ấy là một cô gái mới lớn, thích mộng mơ nhưng hay ngại ngùng, chỉ dám tâm sự cùng bạn khi bạn lẻ bóng đơn côi.
Tôi còn lại 2 buổi chiều trước khi về lại thành phố. Kể từ khi tôi bắt đầu quãng đời sinh viên tại Sài Gòn, chỉ có duy nhất một chuyến xe đưa tôi chạy thẳng đến đó trong háo hức. Đó lần đầu tôi lên chuyến xe giường nằm đến nơi cách nhà mình hơn 300 cây số, bật khóc vì bóng mẹ đứng tiễn khi xe lăn bánh nhưng vẫn không ngăn được hồ hởi vì giấc mơ đang bắt đầu. Từ sau đó, không còn một chuyến xe háo hức nào nữa. Về lại nơi mà người ta gọi là vùng đất của những giấc mơ, hai thứ duy nhất trong lòng tôi là nỗi sợ và những nỗ lực để mình đừng sợ nữa.
Đoạn tiếp theo đoạn trên, tôi e mình sắp tuôn tràn với một vài những, gọi là gì nhỉ, một số tác nhân làm cho không khí Sài Gòn trở nên khó thở với tôi. Thực sự rất khó thở. Nhiều khi chỗ tôi ở làm tôi khó thở. Đi học về đi ăn một mình, đi làm một mình khiến tôi khó thở. Thầy dạy tôi với những điều thầy nói tôi không thích nghe, câu chữ chặn ngang cổ họng, tôi khó thở. Mỗi lần nuôi mình trong chữ lại trở thành thứ gì đó từa tựa giống loài yếu đuối và nhu nhược, tôi khó thở. Nhiều lúc nhìn lại những gì mình đang làm cũng thấy thật khó thở nữa. Một con đường đang được cố gắng khai mở bằng từng dấu chân, thế nên chẳng biết đích đến, thế nên nhiều khi những cố gắng chợt bật khóc nức nở, thế nên những lênh đênh nhiều khi nổi lềnh bềnh, thế nên nhiều khi lòng hỗn hển. Vì những tiếng khóc bị xé rách thành mảng vụng, vì những lênh đênh trôi ào ạt, chất thành đống. Chúng lững thững chặng ngang cổ họng, chặng ngang mọi hứng khởi, hào hứng, thậm chí đôi khi chặng ngang cả những nhịp sống bình thường như bữa ăn, giấc ngủ.
Nhiều khi có lẽ nhìn tôi rất bình thường, mọi thứ đều bình thường, nhưng thật ra tôi đang khổ sở vì sự bình thường ấy.
Trước đây có một rừng keo đối diện nhà tôi, có một hàng keo dài chạy song song cùng con đường trước nhà, tôi thích ngắm những chiếc lá lấp lánh yên ắng trong nắng cũng nhiều như thích nghe những điệu nhảy đầy hoạt bát của chúng với gió. Gió sẽ ca những bài ca xào xạc. Tôi đã từng nghĩ đó là ngôn ngữ của chúng. Chúng hát về những bí mật to lớn của vũ trụ hoặc một vài bí mật nhỏ nhoi của lòng mình. Một hôm, à không đúng hơn là mấy hôm liền, tôi đã nghĩ nếu bây giờ còn hàng keo ấy, có lẽ chúng sẽ đang cố hát những bài ca cho ba mẹ tôi nghe, những bài ca về cô con gái bướng bỉnh của họ đang thật thất bại với điều nó từng bất chấp vòi vỉnh.
Phải, tôi thường xuyên bị cứng họng khi gặp câu hỏi 6 tháng qua tôi làm được gì ở nơi mà tôi bất chấp sự ngăn cản của ba mẹ để đặt chân đến. Tôi cũng thường xuyên sợ hãi khi cảm nhận được một đống dấu chấm hỏi lẫn chấm than sắp móc vào cổ họng hoặc nện thẳng vào thái dương khi ánh mắt người đối diện chực chờ một câu hỏi : “Sao rồi, đã làm được những gì cho điều mầy nói mầy đam mê?” Dù câu đó được hỏi bằng sự quan tâm, lo lắng hay được vô tình đánh rơi bởi một sự tò mò, thậm chí là được ném thẳng vào mặt tôi kèm theo một điệu bộ cợt nhã, tôi vẫn rất sợ phải đưa ra câu trả lời. Tôi nợ chính mình câu trả lời ấy. Hôm thầy gặp tôi, thầy hỏi: “Thích ngành đó chưa con?” . Về đến nhà, tôi vẫn bần thần chưa nghĩ ra câu trả lời cho câu hỏi ấy. Nhớ lại 6 tháng trước, trước khi đặt chân đến “thành phố của những giấc mơ”, tôi có ghé thăm nhà thầy, chia sẻ với thầy về cái gì đó rạo rực tim gan, cái gì đó thôi thúc chân tay, về những tiếng lòng, những dấu hiệu, về thanh xuân, tuổi trẻ và đam mê. Vậy mà hôm ấy gặp lại, vậy mà sau 6 tháng tôi bươn bã ngoài Sài Gòn, thầy lại hỏi tôi câu đó. Có phải thầy nhận ra cái “thích” của 6 tháng trước không hẳn là thích, có phải thầy nhận ra cô bé 18 tuổi ngày nào ngồi trước mặt thầy nói mãi về những đam mê, hoài bão thực ra đang cố dệt cho mình một vỏ bọc che phủ sự bốc đồng bên trong. Có phải thầy nhìn trước những tháng ngày của một lí tưởng sụp đổ, của một mê dại vỡ tan, của một ngọn lửa lụi tàn.
Và có phải thầy biết, giờ đây cô bé sắp đi hết tuổi 18 của mình ngồi trước mặt thầy, một lần nữa lại đang dệt vỏ bọc, dệt bình thản để che đi những chơi vơi, dệt vững vàng để che đi những nhếch nhác…Đó là thầy nghĩ, thầy nhìn thấy, thầy nhận ra, còn cô bé kia đến tận bây giờ chưa từng, chưa từng công nhận điều đó.
***
Chiều hôm nay, lúc đi ăn trứng đút lò, tôi ngồi đối diện một bàn gồm 7,8 cô cậu nhóc cấp hai và một anh lớn. Vô tình lắng nghe cuộc nói chuyện họ, tôi biết được người anh kia là sinh viên đại học. Tôi đã nghe được những cụm từ như “tự do, muốn làm gì làm làm”, “sướng nhất là đời sinh viên”, “ sống lầy lội, sống bầy đàn” ,“ăn ngủ chơi và chơi ăn ngủ”. Tiếng cười ríu rít của những đứa trẻ, những ánh mắt tò mò, trầm trồ xuýt xoa. Người anh lớn cười đầy sảng khoái. Tôi di di chiếc muỗng trong chiếc bát nhỏ của mình. Buổi chiều không lượn lờ nữa, đã rớt xuống vắt ngang hàng rào…
Những mảnh ánh vàng nhạt màu nhưng vẫn ấm áp của nắng phơi im lìm trên tường. Trước khi hoàng hôn nhuộm bầu trời, nắng thật mịn, dịu dàng, trầm ngâm. Tôi thích ngắm hoàng hôn trên con đường trước nhà. Đây là khu tái định cư nên con đường này hầu như chỉ có xe ba tôi, xe em tôi, xe mẹ tôi chạy ngang qua. Đó là con đường tôi yêu nhất trong đời mình. Tôi yêu tiếng xe lạch cạch của ba mỗi lần đi làm về, con Kiki chạy theo mừng, đuôi vẫy tưng bừng. Tôi nhớ tiếng vù vù của xe đạp điện khi em tôi đi học về. Những buổi sáng có mẹ đi chợ về khi tôi đang ngồi ngoài hiên đánh răng. Những buổi chiều có cô gái đã qua mùa trăng rằm chạy giỡn như một đứa trẻ cùng con Kiki hỗn hễn theo sau. Khi còn ở, nơi ấy là bình yên. Khi xa rồi nơi ấy là nỗi nhớ.
Ở một nơi thật xa gia đình, bắt đầu cuộc sống mà về ở bên ba mẹ được gọi bằng hai tiếng xa xăm là“về thăm”, khi nỗi nhớ đã nhẹ dần chỉ còn như mùi hương thảng hoặc trong tim, tôi bắt đầu quen dần những tháng ngày sinh viên nhưng cũng chưa hề trải qua bóng dáng những cụm từ mà anh sinh viên chiều hôm đó đã nói. Tôi chưa bao giờ “ăn chơi ngủ và ăn ngủ chơi”. Tôi không bao giở lởn quởn nằm lướt face, xem video linh tinh qua ngày. Tôi không la cà hội nhóm hết ngày này qua ngày khác. Những kế hoạch cá nhân luôn khiến phần bên trong tôi chuyển động. Tôi có cuốn sổ theo dõi cách tôi sử dụng quỹ thời gian mỗi ngày. Tôi tự chấm điểm cho mình mỗi ngày. Tôi tự hứa ngày mai sẽ làm tốt hơn mỗi đêm. Tôi đã rất cố gắng mà.Cứ gọi những điều mình muốn làm, những mục tiêu lý tưởng gì đấy như những bản nhạc. Tôi biết mình lạc tông ở điều mình từng chọn, nhưng tôi đâu có thả mình trôi theo sông. Tôi vẫn có những bản nhạc mới mà tôi dồn sức vào, bền bỉ từng ngày nặn nốt nhạc. Bản nhạc ban đầu tôi để dở dang đâu có nghĩa tôi để đời mình dở dang cơ chứ. Vả lại dở dang đâu phải là từ đồng nghĩa với kết thúc, đúng không?
Tôi không muốn che giấu, tôi biết có những mối dây rối và có những phần dây giãn trong ý chí mình. Người ta nói một con người không còn nhuệ khí rốt cuột sẽ về đâu? Với tôi câu ấy đúng, nhưng chẳng phải tôi không còn nhuệ khí, chỉ là nó không còn ở dạng những rạo rực, tôi nghĩ hai chữ thích hợp cho nó lúc này là “tích lũy”. Tôi tích lũy mọi thứ, kiến thức, vốn sống, ngôn từ, tích lũy cả lòng quả cảm, sự kiên trì,… và niềm rạo rực. Tôi sẽ xây lại những rạo rực cho mình.
Hoàng hôn lên, những khoảng trời đỏ ửng ấm áp. Tôi lang thang về. Tôi thích con đường bê tông này, thích những ngôi nhà có sân rộng này, thích những đứa bé mỗi chiều tụ tập, đứa nhỏ chùi mũi theo đứa lớn rong chơi cùng những ánh nắng tắt dần. Thích những bà mẹ quát mắng những đứa con. Thích như em trai tôi, đi học xong thấy ba coi ti vi, mẹ đứng quét nhà. Tôi nhớ những buổi trưa trốn giấc ngủ, lẽo đẽo đi tìm hoa dại, tôi nhớ những buổi chiều lấm lem la cà hết trò này tới trò khác. Và rồi cứ hoàng hôn tan, sẽ về nhà. Như tôi đạp xe về nhà lúc này. Có ba coi ti vi, có mẹ đứng quét nhà. Không có tôi bải hoãi, hoang mang, chênh vênh, canh cánh. Cũng không có tôi tràn đầy năng lượng tích cực, định hướng tích cực, nói cười vui vẻ tích cực. Chỉ có một tôi vô tư, vô lo, cười lớn, khóc lớn.
Tôi hiểu chẳng thể nào để mãi là một đứa trẻ. Thật ấu trĩ và tiêu cực khi buông hiện tại rồi khóc nấc tiếc thời còn là con trẻ. Nhưng tôi nào có buông hiện tại của mình. Chỉ là chợt tôi muốn coi ti vi cùng ba, muốn nghe mẹ mắng con gái con lứa không biết quét nhà, muốn vùi mình trong những bình an và yên ấm hơn là ngồi đây càng viết càng cảm thấy lòng mình chợt phơ phất như bụi bay.
Nhưng dù thế nào, có thể cái kết chưa rõ ràng nhưng cũng phải đảm bảo rằng hành trình bay bổng của những hạt bui kia là một hành trình có ý nghĩa. Ngày mà tôi đặt chân lên thành phố này, xem nó như mảnh đất hứa của chính mình, chắc chưa bao giờ tôi nghĩ rằng bản thân mình sẽ có lúc trở nên chùng chình, hoang say thế này, chắc chưa bao giờ cô bé đầy máu lửa ngày đó lại nghĩ về những cơn nước mà thi thoảng ùa về làm tâm trí tôi giờ đây ướt nhẹp rũ rượi. Phải, ngày ấy em là ngọn lửa rạo rực, còn giờ đây tôi là một dòng suối, một dòng chảy với nhiều sắc thái, có những lúc róc rách vui tai, có những lúc cuộn xoáy mãnh liệt, cũng có những khi lừ đừ và lững thững. Nhưng tôi luôn chảy, tôi luôn đưa mình về phía trước, tôi không tù đọng tại một vị trí, tôi băng qua mọi miền trải nghiệm, mọi khung cảm xúc của những mảnh đời tôi gặp và của cả chính bản thân mình. Có thể tôi may mắn chảy qua những miền cây trái sum suê, khí trời mát rượi, dòng chảy tôi êm đềm, nhẹ nhàng. Mà cũng có thể tôi sẽ phải để mình bất chấp vài điều chảy ngang qua những vùng đất khô hạn, lòng suối sẽ cạn dần, bải hoãi và xơ xác sẽ nằm la liệt khắp nơi. Nhưng sức nước mạnh hay sức nước yếu, mặt nước đầy hay mặt nước vơi thì sẽ có một dòng luôn chảy mãi.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất