1. Khởi đầu con đường tâm linh hay trong những nhịp thiền đầu tiên, ta thường nhận được nhiều món quà bất ngờ. Có nhiều điều kì diệu sẽ xảy đến, ta bỗng thấy cuộc sống ngập tràn nhiệm màu, những dấu hiệu hiển hiện khắp nơi. Tuy nhiên, sự nhiệm màu đấy thường chỉ kéo dài 2 3 tuần đến một tháng. Ta sẽ bỗng hụt hẫng khi phải quay lại nhịp quay nhàm chán của cuộc sống. Ấy là lúc hành trình tâm linh với những bài học lặp đi lặp lại bắt đầu.
2. Ta học về thiền, về Đạo, về tâm linh không phải để thấy mình khác với thế giới, để thấy mình cao hơn người khác, để nhìn “chúng sinh” như một mớ hỗn độn. Ta học để thấu cảm, để bao dung hơn với mọi người, bao dung với chính mình. Hiểu rằng thế giới vốn yên bình và đang đi đúng nhịp của nó. Không có gì sai trái, đời không phải là bể khổ.
3. Càng tìm kiếm một phương pháp, một câu trả lời cuối cùng, một điểm đến, một khả năng thần thông, ta càng bế tắc. Ngay cả khi thiền, khi quán hơi thở của chính mình: tâm ta sẽ hỗn loạn khi ta mong cầu một câu trả lời nào đó. “Hãy giúp tôi quên đi phiền muộn” “Làm sao để tôi không còn những lo toan về vật chất” “Làm sao làm sao, như thế nào…”. Ta hãy thiền với tâm không mưu cầu, với lòng đầy bao dung và với niềm tin rằng mọi sự đang đi đúng con đường của nó.
4. Ngồi xuống thiền, ta mới thấy có bao nhiêu là tiếng nói tranh nhau cất lên trong đầu mình. Hãy tưởng tượng mạch thiền cũng giống như dòng suối chảy vậy. Lí tưởng là ta trôi theo dòng suối đó. Nhưng có khi mạch thiền của ta rẽ hướng sang một lối nào đó khác, phân tâm vì: cơ thể, lí trí, cảm xúc, dục vọng, v.v. Điều đó là chuyện hiển nhiên. Đơn giản, ta chỉ cần rẽ lối nhận thức, và đưa mình về với dòng chảy chính kia: đừng phán xét những dòng rẽ lối, đừng trách móc chúng, chúng chỉ cũng đang làm nhiệm vụ của chính mình mà thôi.
5. Làm sao ta có thể yêu thương bên trong mình, khi mà ta luôn bảo nó rằng nó đầy vết thương, nó chưa hoàn hảo, nó chỉ là đau khổ, nó chỉ là mâu thuẫn. Bên trong ta là một hình thể không sắc thái, những sự tiêu cực kia vốn chỉ là suy luận từ bản ngã của ta mà thôi.
6. Có người ăn chay, có người đi tu, có người lánh trần thế đi xuất gia, có người vẫn bộn bề với công việc kinh doanh, v.v. Người nào cũng có con đường Đạo của mình. Và “mọi con đường đều dẫn đến thành Rome”.
7. Rõ ràng rằng có một cuộc thức tỉnh tập thể đang diễn ra. Quanh ta bao nhiêu người, với bao nhiêu cách tìm về tâm linh, khao khát tỉnh thức. Dĩ nhiên có những người cực đoan, có những người hời hợt, có những cuộc cãi vã (Ví dụ: tiêm hay không tiêm vắc xin, ăn chay hay không ăn chay, thiền cách nào mới đúng, v.v.). Nhưng sự thay đổi nào cũng cần nhiều sắc thái như vậy. Chỉ cần nhìn cuộc biến chuyển ấy thôi ta cũng thấy trân trọng và linh thiêng biết nhường nào.
8. Người thầy thông thái nhất của ta không phải một vị guru nào đó, không phải một quyển sách, không phải chân ngã hay những người chỉ dẫn tâm linh. Người thầy thông thái nhất là tiếng nói từ bên trong của chính ta, nếu có một cuộc tìm kiếm nào đó, thì chính là cuộc tìm kiếm người thầy ấy, và luôn biết cách để tham vấn, để trò chuyện cùng người thầy đó.
Mời bạn đọc bài viết tại website của tôi tại: tuu-nguyen.com/2021/10/12/vai-dong-ngan-ve-thien-tam-linh-va-tinh-thuc/
Trân trọng và biết ơn.