Vài dòng dành cho Mắt biếc
Mắt Biếc có lẽ là cái tên được nhắc đến nhiều trong tuần qua sau một bàn thả thính với bản OST làm khán giả nao lòng. Là tác phẩm được...
Mắt Biếc có lẽ là cái tên được nhắc đến nhiều trong tuần qua sau một bàn thả thính với bản OST làm khán giả nao lòng. Là tác phẩm được nhiều người yêu thích, cũng từng đọc một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, mình quyết định đọc với một kỳ vọng không hề nhẹ, kết thúc tác phẩm, một cảm nhận của bản thân đó là "tức anh ách".
Các bạn có thể dễ dàng tìm được những bình luận tốt, thậm chí đây còn là tác phẩm đi theo thanh xuân của cả một thế hệ, nhưng với riêng cá nhân mình, có lẽ đã có sự cách biệt thế hệ so với tác phẩm (mình sinh sau tác phẩm 5 năm và sau 29 năm xuất bản mới tiếp cận tác phẩm), Mắt biếc chưa đủ.
Về cốt truyện, tác phẩm có nội dung đơn giản với dung lượng tương đối ngắn so với một tiểu thuyết. Câu chuyện có khởi đầu rất NNA, với tuổi thơ của một cậu nhóc ở làng quê rất Việt Nam. Nhưng Mắt biếc không có cao trào, có lẽ đỉnh điểm là Hà Lan có con và Dũng thì đi kết hôn với người khác, nhưng cái cách câu chuyện đưa ra nó giống như là một việc chắc chắn sẽ đến, không có gì bất ngờ mà ai cũng có thể đoán, nó vốn dĩ phải diễn như thế.
Các nhân vật trong chuyện tương đối mờ nhạt, đều được giới thiệu và nhìn nhận qua con mắt của Nhạn, nhân vật chính. Ngoài Ngạn, Hà Lan, các nhân vật khác đều có thể bắt gặp trong cuộc sống, giản dị và thân thuộc với người đọc. Nữ chính, Hà Lan, ngoài đặc điểm "mắt biếc" có lẽ cũng không còn ấn tượng gì, chỉ là một cô gái như cả ngàn cô gái khác mà Ngạn có thể gặp, chỉ khác biệt là đó là người mà Ngạn yêu.
Ngạn, nhân vật chính, người kể chuyện, con người mà bao người thương tiếc và nể phục tình yêu chung thủy của anh. Nhưng với mình, nhân vật Ngạn ít màu sắc. Anh của năm 16 vẫn hành động như anh thời học vỡ lòng, anh chẳng chủ động trong tình cảm, anh không có đấu tranh, với anh chỉ là tiếc nuối, Ngạn cho rằng ngày ấy có nói ra cũng không giải quyết được gì. Như vậy cả đời anh chỉ là người đứng sau, vậy anh còn mong chờ điều gì khác, chờ Hà Lan quan tâm đến cảm xúc của anh, hay thương hại anh, hay tìm đến anh khi cô ấy buồn. Đến cuối cùng thì cô ấy cũng chẳng bao giờ tìm đến anh, vì khi cô ấy có những ngày đen tối nhất anh cũng chẳng dám đứng bên cạnh cô, vẫn chỉ ở xa nói những điều xã giao.
Đó là lý do mình không thích Ngạn, cũng là lý do mình cho rằng đây là khác biệt thế hệ. Có lẽ ở thế hệ trước mọi người tôn thờ một tình yêu cao thượng không đòi hỏi, một lòng một dạ. Thế hệ mình đã quen với mô tuýp nhân vật có hoài bão, có cá tính, có sự ích kỷ cá nhân, một nhân vật đời hơn.
Hà Lan với mình không có đọng lại nhiều, nhưng đó là cô gái thực tế, chấp nhận những thứ đã xảy ra và luôn tiếp tục, không bị sai lầm tuổi trẻ mà chấm dứt cuộc đời.
Trà Long chắc chắn là nhân vật được mọi người ưa thích, xinh đẹp giống mẹ, nhưng giỏi giang, biết điều hơn. Mình cũng kỳ vọng Trà Long sẽ đến với Ngạn, nhưng Ngạn là người quá tốt, anh chỉ yêu mình Hà Lan, cũng không thể để con bé thay thế mẹ nó trong lòng anh.
"Trai tốt thì không có quà" như một định lý đã được khẳng định.
Mắt biếc là một câu chuyện buồn, nhưng nó giống như việc tác giả chỉ đơn giản nói là nó là một câu chuyện buồn, chứ không đem đến cho mình cái buồn từ nội tâm nhân vật như cách Rừng Na Uy đem lại, hay sự day dứt, tiếc nuối của La la land. Phải chăng chỉ là buồn cho cuộc đời của đôi nhân vật chính, và thương hại cho Ngạn
Điểm sáng của chuyện, theo cá nhân, thì vẫn là khung cảnh làng quê với cách viết đặc trưng của NNA. Đây cũng là điều mà mình kỳ vọng vào bộ chuyển thể sắp tới, khi đọc Mắt biếc trong đầu mình đã hiện lên những khung hình góc rộng tuyệt đẹp về làng quê Việt Nam. Thế nên chuyển thể Mắt biếc của Victor Vũ chắc sẽ là một tác phẩm mạnh về mặt hình ảnh, và những bản OST đi vào lòng người.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất