Một chút suy nghĩ.

Tôi nghĩ đại thể chúng ta đều là những người đang phân tích phim theo cách này hay cách khác. Có người đặt tính hàn lâm lên và có người dựa trên các mặt cảm nhận bản năng để đánh giá. Chung quy, đấy là nhu cầu của người xem phim: Nói ra suy nghĩ, tranh biện và đúc kết những giá trị từ phim.
Điện ảnh là nghệ thuật được thêm vào sau cùng, nó thừa hưởng tất cả vẻ đẹp của các môn nghệ thuật thuần gốc khác. Phim chính là trình diễn của tất cả âm nhạc, hội họa, văn học,… nó đích thực là một phép màu. Đánh giá/ phân tích phim vì thế không gón gọn ở một phạm trù nào, mà nó là định nghĩa của cả một tổng thể, với nhiều góc độ cấu thành. Người phân tích phim vì thế cũng tương tự như một nhà phê bình văn học, hay thẩm định âm nhạc, cần có vốn kiến thức về vài yếu tố nghệ thuật để nhận xét khách quan. Mức độ nông sâu của “phân tích” nằm ở chính vốn kiến thức này.

Cho đến thực tế của việc phân tích phim.

Nhưng có phải quá quan trọng việc tiếp nạp những kiến thức đa ngành kia cho một bài phân tích?
Theo mình cái cần thu nạp vào không quan trọng bằng cái bạn có sẵn. Cũng phải tự hỏi rằng bạn có nhu cầu nạp thêm những nền tảng ngoài điện ảnh không? Mọi thứ ta làm đều nên xuất phát từ mong muốn có thực, nghĩa là chẳng có can hệ gì giữa việc bạn đọc sách nhiều với việc bạn phân tích phim giỏi. Dẫu 2 cái nếu có tương trợ sẽ làm kết quả tốt hơn, nhưng đọc sách chỉ để cố bới ra các lý thuyết cần và đủ cho việc “đọc” phim thì rất phí phạm, và không cần thiết.
Nói cho đúng thì bạn nên làm đúng những gì bạn đang giỏi. Hãy học thêm, đọc thêm, tìm hiểu sâu thêm về những vấn đề liên quan,… nhớ rằng, chỉ khi BẠN THỰC SỰ MUỐN.
Cũng như xem phim, hãy để việc đọc phim nhẹ nhàng như một trò chơi. Đừng cố lôi ra ngôn ngữ đao to búa lớn, hàn lâm, nặng nề. Nó chỉ khiến bạn khó khăn hơn trong việc tiếp cận người đọc. Cá nhân mình nghĩ, việc các nhà phân tích/ phê bình phim cần làm là vừa chỉ ra những điểm hay/ dở của bộ phim, vừa tạo nên niềm hứng thú xem và giải phẫu điện ảnh cho người yêu phim.

Những phẩm chất cần có.

Dù sao, khi đã bắt đầu viết về điện ảnh, bạn cần có được những phẩm chất nhất định. Ý tôi không phải là điều gì cao siêu, mà là:

Tình yêu đối với điện ảnh.

Đường nhiên rồi. Đây là tiên quyết cho tất cả những phẩm chất về sau. Dù bạn có viết giỏi cỡ nào nhưng bạn không xuất phát từ tình yêu với môn nghệ thuật thứ 7 này, thì con chữ của bạn không có chiều sâu. Tại sao? Tình yêu được thể hiện qua cách bạn tìm tòi, nghiên cứu, quan tâm kỹ về một vấn đề nào đấy. Giống hai người yêu nhau thôi, nếu yêu người ta, bạn sẽ dành thời gian, dù có bận đến mấy, để cùng nhau kết nối, tâm sự. Thì đó, không ai là bận cả, chỉ là cái điều mà bạn đang theo đuổi có thật quan trọng để bạn bỏ tâm sức ra mà làm nó không.

Thoải mái, không ngại chia sẻ.

Nhiều khi chính mình cũng thấy, mình lười biếng chia sẻ về điện ảnh. Vì một phần mình cảm thấy bản thân còn thua kém nhiều người, một phần mình nghĩ nói ra cũng chẳng ai nghe. Thế nhưng sau rồi khi tham gia vào các group, nhóm trên facebook, mình thấy cộng đồng rất đa dạng, gu của mỗi người mỗi khác. Hóa ra cái mình thích cũng có rất nhiều người giống mình, và mình không còn cảm thấy đơn độc. Thì thay vì nghĩ rằng đợi đến khi có kiến thức uyên thâm mới chia sẻ, thì mình đặt tâm thế ngang hàng để nói với bạn như một người đồng hành, chung đam mê điện ảnh.

Công bằng và có chính kiến.

Viết lách về mọi mảng nhìn chung đều đòi hỏi quan điểm mạnh của người viết. Cho người đọc thấy bạn là người viết có chính kiến và người nhận xét công tâm cho bộ phim, xét trên những yếu tố tự thân của phim chứ không trên cảm xúc cá nhân nhất thời của bạn về một cảnh quay đẹp, hay sự tham gia của một diễn viên bạn ngưỡng mộ. Kể có Brad Pitt hay Mart Damon cũng chẳng thể cứu rỗi bộ phim nếu nó thực sự tệ, hãy công bằng hạ nó xuống. Người xem cũng sẽ có những phân câp khác nhau, họ không mù quáng đọc bài phân tích và quyết định không xem bộ phim ngay. Nên có thể yên tâm về việc điều bạn viết có ảnh hưởng gì đó đến doanh thu hay sức ảnh hưởng của bộ phim không. Tự bộ phim khi ra đời nó đã có số phận rồi, không cây bút nào có thể thay đổi tấm vóc ( tầm cao hay tầm thường?) của nó được.

Viết để thỏa mãn bản thân trước tiên.

Có câu “Để kiếm tiền tốt nhất là đừng nghĩ đến tiền”. Hay đúng hơn là đừng chú ý quá nhiều đến cái bề mặt, như chiến dịch marketing khủng, hình ảnh thương hiệu đẹp mặt bóng bẩy,… Đó không phải định hướng của một cộng đồng về phim. Một cộng đồng bàn luận nghệ thuật nói chung đều mong hướng về sự đào sâu vào chất cá nhân, truyền đạt điều chân thực. Đương nhiên việc chạy chiến dịch marketing và PR cho thương hiệu là một cách tốt, nhưng không phải là mục đích chính. Xây dựng một nền móng tốt, hay đúng hơn là viết vì những điều bản thân mình muốn trước khi nghĩ đến những hiệu quả truyền thông có thể có. Khi viết thật chia sẻ thật thì rồi ta sẽ xây dựng được cộng đồng thật, với sự gắn bó lâu dài, thực chất. Có thể mất thời gian hơn, nhưng đến khi đạt được thì ta hạnh phúc hơn nhiều những cộng đồng lớn nhưng không gắn kết.
Vậy đấy, đó là những gì mình nghĩ về việc viết- nói- phân tích phim. Với riêng mình, đây là một trong những cách mà mình đang và sẽ tiếp tục để trả nợ cho điện ảnh- một món nợ lớn vì đã dạy mình nhiều bài học lớn không chỉ bằng câu chuyện phim mà còn bằng cuộc đời và những cống hiến sau màn ảnh. Mình không phải một tay lão luyện về phê bình, cũng không phải người viết chuyên nghiệp, mình chỉ là một người yêu phim bình thường thế thôi. Việc mình đang làm, thay vì gọi là phân tích phim, xứng đáng hơn với từ “cảm nhận”. Và mình hạnh phúc vì những chia sẻ nho nhỏ này có thể tới với người đồng điệu.
Tình yêu với điện ảnh của mình á? Giống như thế này này:
Và đó là câu chuyện của MÃI MÃI…