[Cập nhật lần cuối: 04/02/2018] Vào tháng 11, tôi đã chia sẻ với bạn danh sách những trang web và blog tôi thường đọc. Từ đó đến nay, tôi cũng tích lũy cho mình được một số tài nguyên học mới, cũng như khám phá ra nhiều điều từ các website đang sử dụng. Hôm nay, tôi sẽ tiếp tục chuyến hành trình giới thiệu về chúng cho bạn.
Nếu bạn quan tâm, có thể đọc thêm các danh sách yêu thích khác của tôi:
Note: Nội dung dưới đây đã được tôi cập nhật mới. Những trang web đã được giới thiệu bạn có thể xem tại đây hoặc đọc toàn bộ phần 1 + 2 tại đây. Đây đều là trải nghiệm của tôi nên sẽ có những nguồn đọc, học phù hợp với tôi mà không phù hợp với bạn. Thế nên, hãy sử dụng với tính chất tham khảo nhé. 

1. Mind Tools

Lần trước, tôi chỉ liệt kê ra tên của trang web này chứ không chia sẻ nhiều. Nhưng lần này, tôi sẽ nói cho bạn biết lý do vì sao Mind Tools thực sự là một nơi để rèn luyện kỹ năng và học tập cực kỳ tốt.
Mind Tools, hiểu nôm na là “các công cụ rèn luyện tư duy”, là nơi mà bạn có thể học một loạt các kỹ năng hữu ích cả cho công việc lẫn cuộc sống. Chúng bao gồm kỹ năng lãnh đạo, quản lý nhóm, ra chiến lược, giải quyết vấn đề, ra quyết định, quản lý dự án, quản lý thời gian, kiểm soát căng thẳng, giao tiếp, sáng tạo, học tập và bộ kỹ năng phát triển sự nghiệp. Mỗi kỹ năng này sẽ đi kèm với rất nhiều bài học khác nhau, giúp bạn hiểu chính xác thứ cần học, bạn cần luyện cái gì và bằng cách nào để đạt được.
Chẳng hạn, với bộ kỹ năng ra quyết định, bạn sẽ học được: cách để ra quyết định, đánh giá cách ra quyết định của bạn hiện tại, các mô hình ra quyết định, làm thế nào khi có hai lựa chọn, các quyết định tài chính, cải thiện khả năng ra quyết định, ra quyết định nhóm, tác động của đạo đức và giá trị tới việc ra quyết định. 
Tôi thường xuyên ghé thăm trang web này để đọc và học một số kỹ năng như sáng tạo, học tập, và giao tiếp. Chỉ với 1USD mỗi tháng là bạn đã có thể trở thành thành viên của câu lạc bộ Mind Tool, được quyền truy cập tất cả các tài nguyên hiện có và học hỏi từ những người khác. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng Mind Tools để học tập mà không cần trả bất cứ chi phí nào cả. Rất nhiều nội dung trên website này hoàn toàn miễn phí

2. Aeon Magazine 

Ngoài The Book of Life, bạn cũng có thể ghé thăm Aeon Magazine mỗi ngày để thưởng thức những bài viết vô cùng sâu sắc về rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Tạp chí này ra đời vào năm 2012, nội dung được chia làm 3 phần chính: các bài luận (bài viết dài bàn sâu về nhiều vấn đề, được viết bởi các nhà tư duy nổi tiếng), ý kiến (các bài viết ngắn hơn, tuân theo tiêu chuẩn xuất bản của Aeon, nội dung sâu sắc) và video (chủ yếu là các video tài liệu ngắn). 
Bài viết trên Aeon Magazine bao trùm các lĩnh vực triết học, khoa học, tâm lý học, sức khỏe, xã hội học, công nghệ và văn hóa, hoàn toàn miễn phí. Mỗi bài viết đều được đầu tư công phu, cả về dẫn chứng, nghiên cứu, cách lập luận, ngôn từ, khiến cho người đọc không thể không bị thuyết phục. 
Tôi rất thích tạp chí này không chỉ bởi vì nó miễn phí mà còn bởi vì chất lượng của các bài viết. Bạn có thể bắt gặp chính mình trong nhiều tình huống được đưa ra và tìm thấy câu trả lời cho nhiều câu hỏi lớn. Chẳng hạn, tại sao âm thanh và mùi lại có thể cải thiện khả năng học tập trong khi bạn đang ngủ? Nếu công việc chi phối bạn từng khoảnh khắc thì cuộc sống sẽ còn đáng sống?  

3. Gate Notes

Có lẽ rất nhiều bạn đã biết đến website này. Đây chính là website của tỷ phú Bill Gates. Tuy nhiên, trang web này không phải là nơi đơn thuần chỉ chia sẻ kinh nghiệm sống, làm việc, thành công hay bất cứ điều gì tương tự. Vậy thì có gì trên Gate Notes?
  • Thông tin Bill Gates chia sẻ về cải tiến năng lượng, cải thiện giáo dục và các hoạt động từ thiện.
  • Tìm hiểu cuộc sống của người dân ở những vùng khác, những nơi mà ông đã đi qua, đặc biệt là các vùng đất ở châu Phi. Hiển nhiên, không có gì tuyệt vời hơn bằng bản thân chúng ta được trải nghiệm thay vì đọc những gì mà một người khác viết. Tuy nhiên, khi chưa có cơ hội để làm điều đó thì với tôi những bài chia sẻ của Bill Gates vô cùng tuyệt vời. 
  • Biết được những người khác trên thế giới đang hành động để cứu thế giới. Họ sáng tạo ra điều gì, họ làm gì và thế giới sẽ thay đổi như thế nào nhờ những phát minh của họ.
  • Sách. Bill Gates chia sẻ rất nhiều sách, tóm tắt nội dung và cũng có khi ông viết review riêng cho các cuốn ông tâm đắc. Cũng nhờ trang web này mà tôi đã tiếp cận được cuốn sách “When Breath Becomes Air”, hiện đã được xuất bản ở Việt Nam với tiêu đề “Khi hơi thở hóa thinh không”. 
Nếu bạn là người có tư tưởng cởi mở, thích tìm hiểu thế giới đó đây, thích sách… thì Gate Notes có thể sẽ rất hữu ích cho bạn. 

4. Các trang web học kỹ năng viết tiếng Anh

Luyện kỹ năng viết tiếng Anh là cái tôi phải làm hàng ngày để nâng cao kỹ năng công việc. Nhưng một phần cũng là sở thích của tôi. Chính vì vậy, tôi sử dụng khá nhiều nguồn để học. Dưới đây là một số nguồn bạn có thể tham khảo:
Trang web để luyện viết, sửa lỗi chính tả:
  • 750words: Luyện viết 750 từ mỗi ngày. Chắc bạn đã biết đến website này trong bài My Writing List của tôi.
  • Write & Improve: Đây là dịch vụ miễn phí của Cambridge, cho phép bạn luyện khả năng viết tiếng Anh và nhận feedback về lỗi spelling, từ vựng, ngữ pháp và phong cách viết. Bạn có thể lựa chọn level hiện tại (Beginner, Intermediate, Advanced), lựa chọn học viết đơn giản, viết email, viết thư, kể lại một câu chuyện hay luyện viết IELTS…
  • Hemingway Editor: Luyện viết rõ ràng và thuyết phục hơn. Website này sẽ giúp bạn cải thiện phong cách viết rất hiệu quả. Tôi sử dụng Hemingway Editor để chỉnh sửa câu cú, rút gọn câu để tăng điểm Readability (chỉ số đánh giá độ dễ đọc, dễ hiểu của bài viết), sửa lỗi dùng từ...
  • Grammarly: Công cụ phát hiện và sửa lỗi ngữ pháp miễn phí. Bạn có thể tải ứng dụng về để tích hợp với Word hoặc dùng bản trực tuyến.
  • Readable.io: Kiểm tra điểm Readability của bài viết, có đi kèm gợi ý chỉnh sửa.
Từ điển: 
  • Từ điển Cambridge, Oxford: Hai từ điển này quá nổi tiếng nên tôi sẽ không nói nhiều nữa.
  • Oxford Learner’s Dictionaries: Từ điển này vô cùng hữu ích cho những ai muốn luyện kỹ năng viết tiếng Anh. Không chỉ biết nghĩa mà nó còn cho bạn biết cách dùng từ rất cụ thể.
  • Macmillan Dictionary: Đây cũng là một từ điển rất tốt. Khá nhiều từ bạn sẽ thấy từ điển Macmillan giải thích dễ hiểu hơn so với Cambridge hay Oxford.  
  • The Free Dictionary: Tra cứu từ, từ đồng nghĩa/trái nghĩa, thành ngữ.
  • Ozdic: Tra cứu cụm từ, cách dùng từ, collocation, hữu ích cho những ai luyện thi IELTS, TOEFL…
Trang web để học các bí quyết luyện viết:
  • Grammarly Blog: Giải thích chi tiết, cụ thể, rõ ràng về cách dùng từ. Bạn sẽ bất ngờ về nhiều thứ tưởng đúng mà hóa ra lại dùng sai đấy.
  • TheWritePractice: Luyện viết để trở thành một writer xuất sắc.
  • Copyblogger, Smart Blogger: Luyện viết để trở thành một copy writer, đặc biệt là cách triển khai ý tưởng thành bài viết.
  • Now Novel: Luyện viết cuốn sách đầu tiên.
Nếu muốn đọc tiếp những website khác tôi đã chia sẻ, bạn có thể xem toàn bộ tại đây: My Reading List