VÔ THỨC (Bùi Lưu Phi Khanh biên soạn)
I. Lược sử thuật ngữ 1. Lược sử thuật ngữ vô thức trước phân tâm học Trong thời cổ đại ở các nền văn minh Hi Lạp, La Mã ở phương...
I. Lược sử thuật ngữ
1. Lược sử thuật ngữ vô thức trước phân tâm học
Trong thời cổ đại ở các nền văn minh Hi Lạp, La Mã ở phương Tây hay Babylon, Trung Quốc, Ấn Độ ở phương Đông do chưa có sự ra đời của tâm lí học nên khái niệm hay thuật ngữ vô thức theo nghĩa như hiện nay là không có. Qua thời Trung Cổ (451-1453), thời Phục Hưng từ thế kỉ XV đến XVI, hay thời Khai sáng ở châu âu thế kỉ XVIII, cũng không có thuật ngữ vô thức theo nghĩa tâm lí học.
Chỉ vào đầu thế kỉ XIX, trong các tác phẩm của một số nhà triết học người Đức như V. Harmant, Von Carus... thuật ngữ này mới được nói đến nhưng dưới một góc độ triết học dùng để chỉ cái tổng thể chi phối đời sống con người mang tính siêu nghiệm nhưng chính cách định nghĩa này của các nhà triết học mà khái niệm vô thức mất đi tính cụ thể của nó và khái niệm vô thức vẫn chưa ra khỏi phạm vi định nghĩa trừu tượng của triết học.
Nhưng kể từ khi bắt đầu tách ra và xuất hiện vào đầu và giữa thế kỉ XIX, vốn manh nha từ các thế kỉ XVII và XVIII, tâm lí học bắt đầu phát triển mạnh với sự xuất hiện của một số nhà tâm lí học như James Mill (1773-1836), Jeremy Bentham (1748-1832), để rồi tiến tới một tâm lí học thực nghiệm với Ernst Heinrich Weber (1795-1878), Gustave Theodor Fechner (1801-1887) và nổi bật nhất là Wilhelm Wundt (1832-1930), người được coi là cha đẻ của tâm lí học thực nghiệm với phòng thí nghiệm tâm lí học đầu tiên được xác lập ở Đức. Tuy nhiên vô thức vẫn chưa được nêu ra như một thuật ngữ với những nội hàm cụ thể cho đến lúc ra đời phân tâm học của Sigmund Freud.
2. Lược sử thuật ngữ vô thức từ khi xuất hiện phân tâm học
Sigmund Freud (1856-1939), người Áo gốc Do Thái, một thiên tài tâm lí, khởi đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một bác sĩ sinh lí thần kinh nhưng đã nhanh chóng chuyển sang nghiên cứu tâm lí học khi không lí giải được các căn bệnh tâm thần mà phổ biến nhất thời bấy giờ là hysteria. Freud cộng tác với một bác sĩ tâm thần khác là Joseph Breuer nhằm tìm hiểu và chữa trị hysteria và các bệnh tâm thần khác. Chính Freud sau này cũng thừa nhận rằng phân tâm học của mình là thành quả của sự cộng tác với Breuer khi mà Breuer đã dùng phương pháp carthasis hay còn gọi là phương pháp thanh lọc để chữa trị một trường hợp hysteria nổi tiếng với tên Anna O.
Bằng thôi miên và carthasis, Breuer đã khiến Freud phải cảm phục kĩ thuật này và sau này dù từ bỏ thôi miên như một liệu pháp chưa trị để chuyển sang các kĩ thuật phân tâm học mà chính Sigmund Freud phát minh, cả hai cùng chung xuất bản cuốn sách Những nghiên cứu về hysteria (1895) trong đó lần đầu tiên Freud đã đề cập đến khái niệm vô thức và hình thành nên phân tâm học từ năm 1896.
Trong suốt thế kỉ XX và đầu XXI, khái niệm vô thức do Freud đề xuất đã được đánh giá là một cuộc cách mạng lớn trong tâm lí học nói riêng và khoa học nói chung, bởi vì giống như Copernic khám phá ra Trái đất không phải là trung tâm của vũ trụ, Darwin tìm ra con người không phải tạo vật của Chúa, thì Freud phát hiện ra con người không phải sinh vật làm chủ được chính mình. Nói như nhiều nhà tâm lí học khác sau này về Freud thì với vô thức và phân tâm học, lần đầu tiên người ta biết tới ngoài con người chính trị, con người kinh tế, còn có cả con người tâm lí.
II. Khái niệm và nội dung
1. Khái niệm: Nếu như các nhà triết học, xã hội học, tâm lí học trước thời Freud có xu hướng phân chia tâm lí con người thành vô thức, tiềm thức, và ý thức thì Freud lại chọn một cách phân chia khác, hay còn gọi là tiếp cận địa hình, là vô thức - tiền ý thức - ý thức. Sự khác biệt nằm ở tiền ý thức (pre-conscious) và tiềm thức (sub-conscious). Tiềm thức thường được coi là một quá trình tinh thần không thuộc ý thức nhưng có thể dễ dàng được ý thức. Nhưng tiền ý thức thì ngược lại, đó là một quá trình không thuộc vô thức nhưng cũng không thuộc về ý thức, đó là một khâu trung gian trong quá trình chuyển biến từ vô thức thành ý thức.
Về bản chất, theo quan điểm của Freud, vô thức là tất cả những nội dung bị loại khỏi ý thức bởi quá trình mà ông gọi là sự dồn nén (repression). Đó có thể coi như là các kí ức đang bị kìm giữ tích cực ngoài ý thức và chỉ trở thành ý thức với rất nhiều cố gắng của chủ thể. Khác với tiền ý thức (pre-conscious) dễ dàng được ý thức hoá như việc chủ thể có thể dễ dàng nhớ số tên bạn bè, tuổi tác, công việc, số điện thoại… vô thức hoàn toàn không dễ dàng xuất hiện ở ý thức như vậy. Nó chỉ được ý thức hoá qua một quá trình phân tích lâu dài với những kĩ thuật phân tâm phức tạp như phân tích giấc mơ (dream interpertaion) hay chuyển dịch (transference) mà Freud đề xuất.
Nguồn gốc của sự dồn nén, theo Freud là bắt nguồn từ sự xung đột của hai khuynh hướng đối lập nhau, mà ông gọi là khuynh hướng đi gây rối và khuynh hướng bị gây rối. Khuynh hướng đi gây rối chính là khuynh hướng chưa được thoả mãn và mang bản chất tự nhiên và khuynh hướng bị gây rối, nói chung, đó là khuynh hướng thích ứng với những đòi hỏi của xã hội. Và vì đòi hỏi của những chuẩn mực xã hội như phẩm giá, quy phạm... mà sự thắng thế của khuynh hướng thứ hai đã đưa tới sự dồn nén.
Tuy nhiên, Freud cũng cho rằng không phải lúc nào khuynh hướng thứ hai cũng chiến thắng khuynh hướng thứ nhất, mà ngược lại, khuynh hướng thứ nhất cũng có lúc chiến thắng khuynh hướng thứ hai và đó chính là cơ sở của “những hành vi sai lạc” như đọc nhầm, viết nhầm, nhớ nhầm... hay “những triệu chứng” như liệt chân tay, mất cảm giác, mất trí nhớ, mất giác quan... như trong bệnh hysteria, hay những hành vi vô nghĩa khác như cứ phải sờ, đếm đến một số nào đó, hoặc lặp đi lặp lại một từ nào đó trong bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng bức (obsessive-compulsive disorder). Như vậy, theo quan niệm của Freud vô thức là sản phẩm của sự dồn nén.
2. Vô thức và giấc mơ: Theo Freud, giấc mơ chính là một sản phẩm tiêu biểu nhất của vô thức, hay như ông gọi, giấc mơ chính là “con đường hoàng kim” để tìm hiểu vô thức. Sau Những nghiên cứu về hysteria được xuất bản 1895 và mang lại cái nhìn mới, nhấn mạnh căn nguyên tâm lí vô thức của bệnh tâm thần, vào năm 1900, Freud cho xuất bản cuốn sách Lí giải các giấc mơ, trong đó ông đã trình bày một cách cặn kẽ bản chất vô thức của giấc mơ.
Theo quan niệm của ông, giấc mơ không là gì ngoài sự trá hình một ham muốn, thường là tính dục, mà khi thức cá nhân không thể thực hiện được. Giấc mơ với tư cách một cơ chế bảo vệ nhằm giúp một người tránh khỏi sự xung đột đó mà vẫn đạt được sự thoả mãn mong muốn. Freud cũng đã giới thiệu kĩ thuật phân tích giấc mơ của mình khi cho rằng chúng ta trước hết phải phân biệt những ý tưởng mơ tiềm ẩn và nội dung biểu hiện của giấc mơ rồi sau đó mới tiến hành nghiên cứu và diễn giải giấc mơ.
“Chúng ta sẽ gọi là nội dung rõ ràng của giấc mơ những điều người ta kể cho ta nghe về giấc mơ, và gọi là ý tưởng tiềm tàng trong giấc mơ những điều người ta dấu không nói đến hay ẩn náu trong giấc mơ, những ý tưởng mà chúng ta muốn tìm hiểu khi phân tích những ý tưởng gặp trong đó” (1)
Điểm quan trọng nhất là ở đây, sự hình thành giấc mơ theo một cơ chế hay đúng hơn là một quá trình năm bước: sự cô đặc (condension), sự dịch chuyển (displacement), kịch hoá (dramatisation), tượng trưng hoá (symbolism), và chế biến lần thứ hai (second eleboration) theo Freud là một quá trình vô thức nhằm tránh sự kiểm duyệt của cái tôi ý thức:
“... Sự biến dạng trong giấc mơ chỉ là kết quả của sự kiểm duyệt mà cái tôi của chúng ta làm đối với những khuynh hướng hay ham muốn thường xuất hiện ban đêm trong giấc ngủ” (2)
“ý thức kiểm duyệt giấc mơ và kết quả của sự kiểm duyệt đó là một sự dung hoà gây ra giấc mơ rõ ràng” (3)
Cái mà ý thức kiểm duyệt chính là những ham muốn bị cấm kị mang bản chất vô thức. Freud đã viết như sau:
“Những ham muốn hiện ra trong giấc mơ, làm cho giấc ngủ không yên, chúng ta không hề biết trước nhưng chỉ biết sau khi đã giải thích giấc mơ. Vậy, chúng ta có thể tạm gọi chúng là cái vô thức theo nghĩa thông thường của từ này… (4)
Freud cho rằng tất cả các ham muốn vô thức này chính là các ham muốn tính dục mà người nằm mơ không thể thực hiện trong khi thức:
“... trong các phạm vi khác những liên quan tượng trưng này không hoàn toàn thuộc về tình dục, trong khi giấc mơ thì lại hoàn toàn thuộc về tình dục” (5)
Ông cũng cho rằng trong giấc mơ có sự thoái lùi về những năm tháng trẻ con trong đời sống của một người với những ham muốn tính dục bị cấm kị từ thuở nhỏ, đặc biệt là mặc cảm Oedipus.
3. Mặc cảm Oedipus: Vô thức chính là nguyên nhân của mặc cảm Oedipus, một khái niệm mà ngày nay đã nổi tiếng khắp cả thế giới. Mặc cảm Oedipus ở trẻ con, theo quan niệm của Freud là cơ sở của sự phát triển cá nhân sau này và như sau này ông còn chỉ ra đó là nguồn gốc của mọi sáng tạo văn hoá của con người trong các tác phẩm về sau như Vật tổ và cấm kị (1914).
Xét về nguồn gốc thì cụm từ “Mặc cảm Oedipus” được Freud rút ra từ câu chuyện thần thoại Oedipus làm vua của nhà viết kịch Sophocle của Hi Lạp cổ đại, trong câu chuyện đó thì vua thành Thebes đã giết cha và lấy mẹ mình và sau đó vì quá xấu hổ đã chọc mù mắt mình và bỏ đi. Bản chất của mặc cảm Oedipus, theo quan niệm của Freud chính là việc đứa trẻ vào giai đoạn dương vật (phallus stage) của sự phát triển tâm sinh dục (khoảng 6 tuổi) đã có ý muốn quan hệ tính dục với người cha hoặc mẹ khác giới và ước muốn giết người cha hay người mẹ cùng giới. ông đã viết như sau:
“Nguyên do vẫn nằm trong sự cạnh tranh về đời sống tình dục. Ngay từ khi còn rất nhỏ, đối với người mẹ đứa bé đã có một lòng yêu đặc biệt: cho rằng mẹ là của riêng mình và người cha thường bị coi như một người cạnh tranh, luôn luôn xâm phạm đến của riêng nó, đối với trẻ em gái cũng thế, coi mẹ như là người cạnh tranh tình yêu của nó đối với người cha” (6)
Tuy nhiên, về nguồn gốc của mặc cảm Oedipus, Freud đã không đưa ra một quan điểm có tính thực nghiệm nào ngoài việc khẳng định nó qua những nghiên cứu và quan sát sâu sắc của mình về trẻ em trong giai đoạn ấu thơ, giai đoạn tính dục trẻ con từ 1-6 tuổi đó. Chính vì thiếu tính thực nghiệm nên không chỉ thời đó mà đến tận bây giờ, “mặc cảm Oedipus” vẫn còn là một chủ đề tranh luận dai dẳng và vô tận của các nhà tâm lí học không thuộc trường phái phân tâm học cũng như các nhà khoa học xã hội khác.
4. Vô thức và cấu trúc tâm lí con người
Trên cơ sở khái niệm vô thức, Freud bắt đầu xây dựng bộ khung cho cấu trúc tâm lí con người. Theo Freud thì tâm lí con người xét về mặt cấu trúc gồm có
4.1. Cái ấy (Id): Tất cả những gì mà chúng ta mang theo khi ra đời, tất cả những gì được quy định về mặt cấu tạo và vì vậy đó là những xung lực phát ra từ tổ chức thể chất và tìm thấy ở cái ấy phương thức biểu hiện tâm thần đầu tiên, dưới những hình thức mà con người chưa biết được. Có thể coi cái ấy là cấu trúc tâm thần thấp nhất và tối tăm nhất mà con người chưa tìm hiểu được một cách cặn kẽ như cái tôi và cái siêu tôi.
Nguyên tắc căn bản của cái ấy là là việc đòi hỏi sự thoả mãn ngay theo nguyên tắc khoái cảm. Năng lượng của cái ấy được đầu tư hoặc vào hoạt động trên một đối tượng có thể thoả mãn một bản năng hoặc vào những hình ảnh của một đối tượng có thể cung cấp một phần nào sự thoả mãn. Năng lượng của cái ấy động tới mức nó có thể dễ dàng giải toả hoặc chuyển dịch từ đối tượng này sang đối tượng khác, hoặc từ hình ảnh này sang hình ảnh khác.
4.2. Cái tôi (Ego): Trong quá trình phát triển của cá thể, do sự va chạm liên tục với thế giới bên ngoài một phần của cái ấy trải qua một sự biến đổi mạnh mẽ nhằm thích nghi với thế giới bên ngoài cũng như cái ấy mà Freud gọi là cái tôi (Ego). Xét về mặt cấu trúc sinh lí thì do thiết lập được những tri giác giác quan và hoạt động cơ bắp nên cái tôi kiểm soát được những vận động theo ý mình.
Với thế giới bên ngoài, cái tôi thực hiện nhiệm vụ của mình thông qua cách nhận biết các kích thích và tuỳ theo tính chất của kích thích là mạnh hay nhẹ mà cái tôi sẽ trốn tránh hay thích nghi và cuối cùng làm biến đổi thế giới bên ngoài thông qua các hoạt động sao cho có lợi nhất cho nó. Trong quan hệ bên trong với cái ấy, cái tôi có nhiệm vụ chống lại những đòi hỏi xung lực mà cái ấy luôn tìm cách đòi hỏi và quyết định những đòi hỏi nào được thoả mãn, những đòi hỏi nào sẽ bị trì hoãn đến một thời điểm thích hợp và những đòi hỏi nào cần phải bị xoá bỏ.
Nếu như cái ấy thuộc về cái mà Freud gọi là quá trình nguyên phát (primary process) thì cái tôi thuộc về quá trình thứ phát (secondary process). Quá trình nguyên phát chính là quá trình hoàn toàn vô thức, còn quá trình thứ phát là quá trình có ý thức, có tính lí trí, được tổ chức, thống nhất và lôgíc hơn quá trình nguyên phát.
Hoạt động của cái tôi gắn liền với các cơ chế phòng vệ (defense mechanism) như phóng chiếu, phủ nhận, dồn nén, thoái lùi, cố định v.v... nhằm đảm bảo sự hài hoà với cái ấy, cái siêu tôi và môi trường bên ngoài.
4.3. Cái siêu tôi (Superego): Theo Freud, vì cá nhân sống trong cộng đồng nên buộc phải dồn nén nhiều xung năng mà cái ấy muốn thực hiện và cái tôi ngăn cản. Đặc biệt trong thời kì thơ ấu, vì cá nhân sống phụ thuộc vào cha mẹ nên từ cái tôi một phần khác của cấu trúc tâm lí của đứa trẻ được hình thành, đó là cái siêu tôi. Cái siêu tôi như một thứ “lương tâm” mà trẻ học được khi giải quyết xong mặc cảm Oedipus và phát triển sự đồng nhất với bố mẹ nó. Cái siêu tôi gồm hai phần: ý thức và cái tôi lý tưởng. Nhìn chung ý thức là tiêu cực và cái tôi lí tưởng là tích cực.
Cũng theo Freud, cái siêu tôi đối lập với cả hai, cái ấy và cái tôi. Nguyên tắc hoạt động của nó là khen thưởng, trừng phạt và yêu cầu. Nó huỷ bỏ nguyên tắc khoái cảm của cái ấy lẫn nguyên tắc thực tế của cái tôi. Và không chỉ kiểm soát hành vi, cái siêu tôi còn kiểm soát cả suy nghĩ của cái tôi vì đối với nó, tư duy cũng xấu như hành động. Đối với trường hợp của cái ấy, cái siêu tôi không phân biệt những gì chủ quan mà cái ấy muốn với thực tế khách quan.
Bộ máy tâm thần như vậy theo cách nhìn của Freud, gắn chặt chẽ với vô thức. Cả cái ấy và cái siêu tôi đều có một điểm chung, đó là nằm ngoài tầm kiểm soát của cái tôi và xét về bản chất thì cái ấy mang tính di truyền còn cái siêu tôi thể hiện vai trò của người khác. Và cái tôi xét cho cùng cũng chỉ là sản phẩm lâu dài của sự đấu tranh để chế ngự cái ấy vô thức và chịu sự chi phối của cái siêu tôi.
5. Vô thức và văn hoá
Giống như các học giả khác khi đề xuất các khái niệm hay thuật ngữ, Freud không chỉ áp dụng vô thức trong nghiên cứu tâm lí và chữa trị y học mà ông còn áp dụng nó trong nghiên cứu các hiện tượng văn hoá xã hội. Có thể nói không sai rằng, Freud đã nâng thuật ngữ vô thức của mình lên hàng hệ thống trong học thuyết phân tâm của mình để giải thích những vấn đề văn hoá xã hội qua lăng kính phân tâm học, tạo thành một “siêu tâm lí học” (metapsychology) như một số người thường gọi phân tâm học.
Một điển hình tiêu biểu của việc này chính là việc Freud áp dụng vô thức vào nghiên cứu nguồn gốc tôn giáo được trình bày trong cuốn sách xuất sắc Vật tổ và cấm kị xuất bản năm 1913. Trong cuốn sách này, với bốn phần Nỗi cấm chỉ loạn luân, Cấm kị và tính hai mặt cảm thức, Tín ngưỡng hồn linh, ma thuật và tính toàn năng của tư tưởng, và cuối cùng là Sự trở lại ấu thơ của tục tô tem, Freud đã chỉ rõ nguồn gốc của tôn giáo và văn hoá bắt nguồn từ mặc cảm Oedipus một cách sáng rõ trên cơ sở những tác phẩm nhân học, dân tộc học của thời đó. Trong đoạn kết của cuốn sách, ông đã viết như sau về tầm quan trọng của mặc cảm Oedipus trong việc hình thành nên totem giáo và xã hội con người:
“Do đó, tôi có thể chấm dứt và tóm tắt việc tìm hiểu nhanh chóng này bằng cách nói rằng trong mặc cảm Oedipus, người ta thấy những khởi đầu đồng thời của tôn giáo, đạo đức, xã hội và nghệ thuật, và như vậy là hoàn toàn phù hợp với những dữ kiện của phân tâm học... (7)
Sau này, khi nghiên cứu kĩ hơn về tôn giáo, Freud đã viết tiếp hai cuốn sách nhỏ Tương lai của một ảo tưởng (1927) và Sự bất ổn của nền văn minh chúng ta (1930) trong đó ông vừa cho rằng Thượng đế là một ảo tưởng mà loài người tạo ra để yên tâm với sự bất lực của mình khi không được bố mẹ che chở nữa và con người cần phải xoá bỏ nhưng đồng thời lại cho rằng con người chưa sẵn sàng cho điều này.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Freud từ bỏ quan niệm về mặc cảm Oedipus mà bản chất là những xung đột vô thức là nguồn gốc của sự phát triển tôn giáo, đạo đức cũng như những hình thái khác của văn hoá và xã hội con người. Nói chung, sự thay đổi quan niệm như vậy chỉ phản ánh một điều về sự linh hoạt của Freud, đặc biệt là trong giai đoạn cuối đời, khi ông duyệt xét lại tất cả những gì mà mình đã nghiên cứu và viết ra để bổ sung cho hoàn thiện hơn.
III. Tranh luận về vô thức
Cũng giống như những thuật ngữ khác, vô thức là một đối tượng của sự tranh luận lâu dài trong các nhà tâm lí học từ khi nó ra đời đến nay. Trong thời Freud còn sống, vô thức và gắn với nó là tính dục trẻ con bị nhìn nhận với con mắt bài bác mà chính Freud đã viết sau này trong tự truyện của mình với một giọng cay đắng. Các nhà khoa học ban đầu khó chấp nhận thuật ngữ mới mẻ này, điều này cũng tương tự với nhiều khái niệm và thuật ngữ khác.
Những người đầu tiên từ chối bản chất tính dục mà Freud gắn cho vô thức lại chính là những cộng sự thân thiết của ông. Alfred Adler (1870-1937) đã phê phán quan điểm của Freud về vô thức là sản phẩm của dồn nén khi cho rằng Freud là rơi vào vòng luẩn quẩn khi cho rằng vô thức bắt nguồn từ dồn nén, dồn nén bắt nguồn từ xung đột giữa ý thức cá nhân và chuẩn mực văn hoá, và văn hoá lại bắt nguồn từ dồn nén. Hơn nữa, Adler cũng đề xuất động cơ quyền lực (power drive) như là yếu tố thúc đẩy cá nhân phát triển và là căn nguyên của các bệnh tâm lí.
Tuy nhiên sự phê phán mạnh mẽ thuật ngữ vô thức của Freud lại xuất phát từ Jung, người được Freud chọn làm Chủ tịch Hội Phân tâm học quốc tế do Freud sáng lập năm 1908. Jung cho rằng, quan niệm của Freud về vô thức chỉ mang tính cá nhân là một sai lầm và thiếu sót lớn. Theo quan niệm của Jung, bên cạnh bản chất cá nhân của vô thức, thì bản chất tập thể của vô thức cần phải được nêu lên với tất cả tầm quan trọng của nó. Ông cho rằng ngoài khái niệm “vô thức” mà Freud nêu ra mà ông gọi là “vô thức cá nhân”, còn có một lớp vô thức khác, làm cơ sở cho sự phát triển sau này của ý thức con người, đó là vô thức tập thể. Jung chống lại quan điểm của Freud về mối quan hệ giữa ý thức và vô thức khi cho rằng vô thức là một nhân tố bền vững với những động thái của nó mà ý thức “không phải chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm” như quan niệm của Freud mà chỉ là “một hòn đảo trong đại dương” của vô thức tập thể. Sự khác biệt lớn nhất trong phê phán của Jung về vô thức của Freud là về nguồn gốc của nó. Jung đã viết như sau năm 1935:
“Freud, chẳng hạn, không coi ý thức bắt nguồn từ dữ liệu do giác quan mang lại mà coi vô thức xuất phát từ ý thức... Tôi sẽ nêu lên một quan điểm ngược lại: Tôi sẽ nói rằng những gì xuất phát đầu tiên về bản chất là vô thức và thực ra ý thức bắt nguồn từ một trạng thái vô thức. Trong thời thơ ấu, chúng ta hoàn toàn nằm trong sự vô thức; những chức năng quan trọng nhất có bản chất bản năng, và ý thức không gì hơn là một sản phẩm của vô thức” (8)
Jung cũng cho rằng, vô thức không phải là phát hiện của Freud khi viết:
“Từ vô thức không phải là phát hiện của Freud. Nó đã được biết đến từ lâu trong triết học Đức bởi Kant và Leibniz và những người khác, và mỗi người trong họ lại đưa ra định nghĩa của mình về thuật ngữ đó. Tôi hoàn toàn nhận thức rõ rằng có nhiều khái niệm khác nhau về vô thức và những gì tôi đang cố gắng thực hiện là nói rằng Tôi nghĩ về nó... ” (9)
Jung cũng cho rằng vô thức của Freud thiếu tính động thái “… Freud nhìn những quá trình tâm thần một cách tĩnh tại trong khi tôi nói về những động thái và quan hệ. Đối với tôi mọi thứ là tương đối. Không có gì hoàn toàn vô thức; nó chỉ không xuất hiện trong ý thức của chúng ta dưới một ánh sáng nào đó…” (10)
Ở Việt Nam, học thuyết phân tâm học và thuật ngữ vô thức của Freud được du nhập muộn hơn, khoảng những năm 1930 của thế kỉ trước. Trong tiểu thuyết Số đỏ (1937), nhà văn Vũ Trọng Phụng có đề cập đến vô thức và tính dục trong học thuyết Freud. Sau một thời gian dài không được đề cập đến chính thức, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, một người nghiên cứu lâu năm về phân tâm học, và có một cuốn sách về chủ đề này Tâm lí trẻ em hiểu theo phân tâm học, trong Lời nói đầu cho cuốn Freud đã thực sự nói gì bên cạnh sự khẳng định những thành quả của Freud, đã nhận xét có tính phê phán về vô thức:
“Học thuyết Freud cơ bản dựa trên khái niệm vô thức. Điều này chứng tỏ không chỉ trong những trường hợp bệnh lí mà trong cả rất nhiều lĩnh vực tâm lí bình thường, kể cả những hành vi cao cấp như sáng tác nghệ thuật. Freud phân biệt hữu thức và vô thức, tiềm thức. Những gì trong tiềm thức nếu tập trung chú ý có thể biến thành hữu thức, còn khó làm như vậy với những điều vô thức, vì ở đây hình như có sức mạnh ngăn cản, trấn áp cảm nghĩ không chuyển sang hữu thức được. Điều này không rõ ràng, phân biệt giữa tiềm thức và vô thức khó mà xác định, giả thuyết về một sức mạnh, một cái lực trấn áp không có cơ sở.
Theo Freud, mọi hoạt động tâm trí đều bắt đầu trong vô thức và tuỳ theo tương quan lực lượng giữa những lực thôi thúc và ngăn cản mà xuất hiện. Kiểu suy luận cộng trừ như vậy khó mà chấp nhận, nhất là khi nói đến những hiện tượng vô thức, Freud dùng hình tượng những cảm nghĩ vô thức rảo quanh ngoài cửa, tìm cách lọt vào vòng hữu thức. Nhưng người gác cửa chỉ chỉ cho lọt vào những gì không có vẻ nguy hại...” (11)
Tuy nhiên điều quan trọng là bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thừa nhận vô thức của Freud gắn chặt với sinh học:
“Vô thức được quan niệm như một bộ phận có vị trí trong không gian. Kể ra cũng có thể coi nó tương ứng với quan điểm sinh lí về thống hợp của các chức năng thần kinh từ tuỷ sống đến đồi thị và hữu thức là hoạt động của vỏ não. Quan điểm của phân tâm học cho rằng có thể, với những biện pháp nhất định, tạo ra những mối liên hệ trực tiếp giữa hoạt động của vỏ não và của vùng dưới vỏ. Đó là một giả thuyết lí giải được hiện tượng vô thức trở thành hữu thức, có thể chấp nhận nhưng cần được chứng nghiệm.” (12)
Nhìn chung trên thế giới ngày nay, những quan điểm đối lập trong việc nhìn nhận vô thức của Freud như của Alfred Adler, Carl Jung, hay ở Việt Nam là bác sĩ Nguyễn Khắc Viện chỉ là tiếng nói ít ỏi vì thuật ngữ này về cơ bản đã được thừa nhận bởi hầu hết các nhà tâm lí học, sinh lí học, y học và các nhà khoa học xã hội khác.
Khác với thuật ngữ vô thức tập thể của Carl Jung với sự mơ hồ và khó kiểm chứng và ít được thừa nhận bởi các nhà khoa học, thuật ngữ vô thức của Freud gắn bó chặt chẽ với y học lâm sàng hơn và vì vậy dễ được chấp nhận hơn. Ngay cả Carl Jung, người phê phán Freud đã đưa ra một thuật ngữ vô thức quá hạn hẹp cũng không hề phủ nhận thuật ngữ này mà chỉ gọi nó là vô thức cá nhân để phân biệt với vô thức tập thể của ông.
Và kể từ khi Freud nêu ra thuật ngữ này vào cuối thế kỉ XIX cho đến bây giờ, xu hướng chung của khoa học trên thế giới ngày nay không còn là tranh luận về bản chất thuật ngữ này nữa mà là tính có thể áp dụng của vô thức trong y học cũng như nghiên cứu văn hoá và xã hội.
Chú thích: 1. Phạm Minh Lăng, S.Freud và tâm phân học, Nxb Văn hoá Thông tin và Trung tâm Văn hoá và Ngôn ngữ Đông Tây, 2000, tr.96. 2. Phạm Minh Lăng, S.Freud và tâm phân học, Nxb Văn hoá Thông tin và Trung tâm Văn hoá và Ngôn ngữ Đông Tây, 2000, tr.112. 3. Phạm Minh Lăng, S.Freud và tâm phân học, Nxb Văn hoá Thông tin và Trung tâm Văn hoá và Ngôn ngữ Đông Tây, 2000, tr.113 4. Phạm Minh Lăng, S.Freud và tâm phân học, Nxb Văn hoá Thông tin và Trung tâm Văn hoá và Ngôn ngữ Đông Tây, 2000, tr.114 5. Phạm Minh Lăng, S.Freud và tâm phân học, Nxb Văn hoá Thông tin và Trung tâm Văn hoá và Ngôn ngữ Đông Tây, 2000, tr.117 6. Phạm Minh Lăng, S.Freud và tâm phân học, Nxb Văn hoá Thông tin và Trung tâm Văn hoá và Ngôn ngữ Đông Tây, 2000, tr.126 7. David Stafford-Clark, Freud đã thực sự nói gì, Nxb Thế giới, 1998, tr.241-242. 8. C.G. Jung, Analytical Psychology: Its Theory and Practice, Vintage Books, 1968, tr.8. 9. C.G. Jung, Analytical Psychology: Its Theory and Practice, Vintage Books, 1968, tr.69-69. 10. C.G. Jung, Analytical Psychology: Its Theory and Practice, Vintage Books, 1968, tr.69. 11. David Stafford-Clark, Freud đã thực sự nói gì, Nxb Thế giới, 1998, tr.21. 12. David Stafford-Clark, Freud đã thực sự nói gì, Nxb Thế giới, 1998, tr.21.
Đọc thêm:
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất