Chuyến xe khách dừng lại tại Mỹ Đình, lố nhố những người. Dăm ba ông xe ôm chạy tới mời chào hỏi han, thân thiết hơn cả lũ bạn cấp ba năm nào. Người ta đi qua lại, chỉ cố tránh không va vào nhau, hay gây gổ to tiếng. Với đại đa số sinh viên tỉnh ,tính cách Hà Nội bắt đầu một cách ồn ã như thế.


Một cậu sinh viên 18 tuổi năm nào đã từng rơm rớm nước mắt khi chào tạm biệt gia đình khăn gói lên Hà Nội học đại học. Trong hình dung của nhiều người trẻ lúc đấy, đời sống nơi Thủ Đô là một cái gì đó quá bon chen, xô bồ khiến bản thân phải tránh xa. Người ta cứ ghét Hà Nội, cứ nhớ quê nhà. Rồi dần, những kẻ khéo léo lại nhận ra một kẽ hở: Đây là nơi để vùng vẫy, để làm được một cái gì đấy vẻ vang cho tuổi trẻ: sự nghiệp, tiền tài, những cơ hội khởi nghiệp, những cái nắm tay tình tứ trên những con đường thơm mùi hoa sữa rơi và đặc biệt, nơi đây sẵn sàng cho họ sửa sai, cho họ cơ hội làm lại bất cứ khi nào mắc sai lầm. Hà Nội đón những kẻ ở lại, với những lời cằn nhằn về một vùng đất chẳng thể yêu, nhưng vẫn không thể rời .

Những năm tháng sinh viên, ai cũng sẽ tìm thấy một quán trà đá quen. Một cái ghế dài, vài cái ghế nhựa, thậm chí vài cục gạch như chơi đồ hàng, dăm ba cái hộp nhựa đựng kẹo lạc, kẹo dồi, một cái hộp kính đựng thuốc lá, vài chai nước ngọt và đương nhiên, trà đá. Quá nhiều nỗi niềm của đa dạng những loại người sống ở phố thị được phơi bày ra ở đây. Đủ loại hỉ nộ ái ố họ dốc ruột ra kể, mệt quá lại làm cốc trà đá, lạnh quá thì làm cốc trà ấm. Cứ mùa này qua mùa kia, chuyện chẳng bao giờ kết thúc.




Năm 27 tuổi, họ tìm thấy tại Hà Nội gia đình nhỏ. Họ tìm kiếm một ngôi nhà nhỏ, nơi nhiều đèn đường. Họ bật một ánh đèn đêm và trở thành một đốm sáng trong thành phố tất bật.




Nhiều năm về trước, khi bất cứ ai trả lời tôi rằng họ là người Hà Nội, tôi đều cố gắng hỏi xem xuất thân của họ có phải người Hà Nội gốc hay không hay là những người lên đây lập nghiệp. Và tôi tìm thấy bản thân mình bật cười khi những người lên đây lập nghiệp lại nhận Hà Nội như ngôi nhà của mình vậy.

Một sáng sớm đẹp trời, tiếng tiếp viên trên máy bay văng vẳng: “Máy bay chuẩn bị đáp xuống Sân Bay Nội Bài sau ít phút nữa.”, lòng tôi có chút gì đó bồi hồi, như một đứa trẻ được trở về nhà vậy, dù đây có đôi khi chỉ là một bến đỗ sự nghiệp. Hà Nội thì vẫn cứ thô kệch và ầm ĩ, người ta vẫn cứ nói những lời oán than. Và rồi ngừời ta vẫn cứ ở lại Hà Nội.