Phiên bản mini của tượng "The Thinker", tác phẩm của Auguste Rodin
Phiên bản mini của tượng "The Thinker", tác phẩm của Auguste Rodin
Được đào tạo về khoa học và tâm lý học từ năm 15 tuổi theo chương trình của Anh, việc tư duy phản biện đến với mình một cách khá tự nhiên. Tới khi về Việt Nam đi dạy, mình mới thấy, việc "dạy" tư duy phản biện cho sinh viên Việt Nam không hề dễ. Có ba khó khăn lớn nhất mình gặp phải:
Thứ nhất, các em đã quá quen với việc tư duy nhị nguyên chỉ đúng hoặc sai, chỉ đen hoặc trắng. Một là tôi sai, hai là bạn sai. Rất khó để hạ cái tôi xuống và thử nhìn thế giới từ quan điểm của người còn lại.
Thứ hai đó là lối tư duy cố định, ngại thay đổi. Một khi các em đã quyết định tin vào điều gì, rất khó để thuyết phục rằng các em cần liên tục đặt câu hỏi để cập nhật tri thức của mình khi cần thiết.
Thứ ba đó là sự lười biếng, chỉ thích những thứ dễ dàng, dễ học, dễ hiểu, dễ nuốt. Và một khi đã đọc được một giải thích nôm na sơ sài về "tư duy phản biện" ở đâu đó, rất khó để thuyết phục các em rằng những gì các em biết là chưa đủ. Chừng ấy mới chỉ là ếch ngồi đáy giếng mà thôi. Chúng ta lại quay về vấn đề với lối tư duy cố định và ngại thay đổi.
Sau đây là một chia sẻ khá thú vị về việc dạy "tư duy phản biện" với ví dụ cụ thể trong việc dạy và học ngôn ngữ từ một người anh, người thầy mình cực hâm mộ, chủ nhân của lớp dạy viết "Write now", anh Long D Hoang (mình cũng chưa bao giờ hỏi tên thật luôn):
Hôm trước trên lớp Write Now, lớp mình có một cuộc tranh luận nho nhỏ về chuyện "machine learning" nên được dịch là "học máy" hay "máy học". Thực ra thì, dịch là "học máy" hay "máy học" cũng không quan trọng lắm, vì tiếng Việt chưa hề có khái niệm tương đương với "machine learning".
Trong tình huống này, việc câu nệ trật tự "máy" + "học" hay "học" + "máy" đã là điều không cần thiết. Vốn dĩ, hai chữ "máy" và "học", bất kể ghép với nhau như thế nào, cũng không có cách nào khiến người nghe hay người đọc hiểu được đầy đủ và chính xác ý nghĩa mà chúng đại diện, khi mà khái niệm "machine learning" còn chưa "thấm" đủ sâu vào văn hóa của người Việt. Tức là, với những người chưa biết machine learning là gì, trật tự của hai chữ kia không mang nhiều ý nghĩa lắm, và "máy học" hay "học máy" cũng khó hiểu như nhau. Người đọc sẽ quan tâm hơn đến câu hỏi: Đằng sau hai chữ này ẩn tàng khái niệm nào?, bởi vì "cái áo không làm nên thầy tu." Vấn đề chỉ là cuối cùng đa số người Việt chọn dùng từ nào để đại diện cho khái niệm "machine learning" mà thôi. Khi đa số mọi người chọn "máy học", thì "máy học" là đúng. Còn nếu đa số mọi người chọn "học máy", thì "học máy" lại là đúng. Đôi khi chúng ta chọn cả hai: thế thì "Cả hai con đều đúng. Orion cũng là Chocopie mà Chocopie cũng là Orion."
Nhưng trên lớp thì mọi chuyện không xuôi như vậy :)) Mọi người đều sẽ có lý do riêng để chọn "máy học" hoặc "học máy", và không thể chấp nhận được sự thật rằng chúng ta không cần phải tranh cãi về những chuyện như vậy, rằng "học máy" hay "máy học" đều được.
Thế là mình đã phải nêu một ví dụ. Các bạn có biết rằng từ "cứu cánh" vốn hoàn toàn không mang nghĩa "sự cứu vớt", "cứu tinh" hay "cứu vãn" không? Thực ra, "cứu cánh" vốn là một từ Hán-Việt, có nghĩa là "mục đích cuối cùng", "mục tiêu tối thượng", hay cái giá trị sống quan trọng nhất chi phối hành vi, niềm tin và cách nghĩ của một đời người. Ví dụ, người ta có thể nói rằng "cứu cánh của cuộc đời ta là quyền lực", và câu này có nghĩa là "mục tiêu tối thượng của cuộc đời ta là quyền lực. Mọi suy nghĩ, niềm tin và hành vi của ta đều lấy mục tiêu quyền lực làm chỗ dựa." Nhưng hiện tại, rất nhiều người đã dùng từ "cứu cánh" với nghĩa như "cứu tinh" hay "cứu giúp" trong trường hợp hiểm nghèo. Hiển nhiên, cách dùng từ như vậy là "sai", và nó hoàn toàn dựa trên cảm tính và thiên kiến phi lý của người dùng từ. Nhưng bây giờ bắt các bạn thay đổi cách dùng từ "cứu cánh" này, các bạn có chịu không? Và các bạn đã nhận ra chưa: thực chất bất cứ sự gán ghép ý nghĩa nào cũng đều mang tính chủ quan mà thôi. Cái "đúng" là cái đã thấm vào văn hóa đại chúng bất chấp mọi lý lẽ có tính logic và khách quan, chứ không phải cái mà một hai người nào đó sắc sảo cho là đúng xong áp đặt cho đại chúng. Ngôn ngữ vận hành theo quy luật đó, chứ không phải theo ý chí của riêng một ai cả.
Phải hiểu được điều này, các bạn mới nhận ra rằng cái mà chúng ta cho là "kiến thức" hay "hiện thực khách quan" thực ra mới mong manh và chủ quan làm sao. Và cái dở nhất của những người học tư duy phản biện chính là việc cho rằng tồn tại một chân lý logic triệt để, tuyệt đối dựa trên bằng chứng, tuyệt đối đúng, tuyệt đối lý tính. Tinh thần quan trọng nhất của tư duy phản biện là tinh thần luôn luôn sẵn lòng cải thiện cách suy nghĩ của mình. Đó là tinh thần "động", tức là sẵn sàng gạt bỏ quan niệm cũ và suy nghĩ cũ khi đột nhiên khám phá được những quan niệm và suy nghĩ hợp lý hơn. Hiểu được điều đó mới thực sự là hiểu được tinh thần và nguyên tắc trừu tượng của "critical thinking". Còn việc đặt ra 1-2 câu hỏi cho chính mình chỉ là những kỹ thuật cụ thể thôi, chứ không hoàn toàn là "critical thinking".
---
Chuyện này gợi cho mình nhớ đến việc mọi người cho rằng tồn tại những trí giả nào đó có khả năng diễn đạt những khái niệm "khó hiểu" một cách đơn giản và dễ hiểu.
Thực ra, đây là một ảo tưởng. Không tồn tại một trí giả nào có khả năng diễn đạt những khái niệm phức tạp một cách đơn giản và dễ hiểu với tất cả mọi người, không phân biệt nền tảng kiến thức.
Trước hết, chúng ta phải công nhận với nhau một lý thuyết, hay thậm chí có thể coi là quy luật, rằng việc hiểu được kiến thức nào cũng đòi hỏi việc thuần thục những kiến thức ở bậc thấp hơn. Ví dụ, học sinh nào muốn hiểu được kiến thức toán của lớp 4 đều phải thuần thục kiến thức toán của lớp 3. Việc bắt học sinh lớp 1 học kiến thức Toán của lớp 4 là chuyện hoàn toàn vô lý. Nếu bắt được trẻ con lớp 1 học kiến thức Toán của lớp 4, thì sao chúng ta không bắt trẻ lớp 1 học luôn toán cao cấp nhỉ? Chúng ta chỉ cần một giáo viên có đủ năng lực giảng dạy thôi mà?
Khi công nhận quy luật trên rồi, chúng ta sẽ thấy rằng, bất kể khái niệm "khó hiểu" hay "dễ hiểu", người ta sẽ không thể giải thích nó sao cho dễ hiểu với người chưa có đủ nền tảng kiến thức. "Khó hiểu" hay "dễ hiểu" chỉ là tương đối, và cảm giác ấy thực chất tương ứng với khoảng cách giữa kiến thức mà chúng ta đang có với kiến thức cần thiết để hiểu một khái niệm. Nếu kiến thức chúng ta đang có gần với kiến thức cần thiết để hiểu khái niệm, chúng ta thấy khái niệm đó dễ hiểu, và ngược lại. Ví dụ, như việc cùng là kiến thức toán lớp 4, nhưng học sinh đã học hết lớp 3 sẽ thấy kiến thức đó dễ hiểu, còn trẻ lớp 1 sẽ thấy kiến thức đó khó hiểu. Tất cả đều do "khoảng cách kiến thức".
"Nhưng tôi vẫn không đồng ý. Tôi vẫn thấy có những người có biết giải thích thứ khó hiểu một cách dễ hiểu."
Vấn đề là: bạn có chắc rằng cái bạn hiểu thực sự là cái khái niệm cần được giải thích không? Bạn có chắc rằng những gì bạn hiểu đã chứa đựng đầy đủ và chính xác những kiến thức cần được hiểu? Khi hiểu biết của chính bạn về khái niệm đó bị giới hạn bởi chính lăng kính chủ quan, hiểu biết chủ quan của bạn, làm sao bạn biết rằng khái niệm đó thực ra mênh mông hơn bạn tưởng rất nhiều? Lỡ như thứ ấy vốn cũng dễ hiểu và bạn chỉ đang ảo tưởng rằng nó khó hiểu thì sao?
Ví dụ, bạn nghe một người thầy nào đó giải thích với bạn rằng: "Tư duy phản biện thực ra không có gì ghê gớm hay phức tạp. Nó chỉ đơn giản là năng lực biết đặt câu hỏi cho chính mình ở mọi tình huống." Bạn yên trí rằng "Ồ, hóa ra tư duy phản biện cũng đơn giản như vậy, chẳng có gì ghê gớm".
Cho đến một ngày bạn có kiến thức tốt hơn, và nghe được một định nghĩa khác về tư duy phản biện: "Tư duy phản biện là hình thức tư duy mà ở đó người tư duy cải thiện chất lượng tư duy của mình bằng cách kiểm soát những cấu trúc cố hữu trong hoạt động tư duy, và áp đặt những tiêu chuẩn trí tuệ lên chúng một cách điêu luyện."
Đâu mới là định nghĩa đúng?
Không có định nghĩa nào sai ở đây cả, nhưng định nghĩa thứ hai bao quát hơn, đầy đủ hơn, và chính xác hơn. Nói đơn giản: nó trừu tượng hơn. Nhưng tại sao định nghĩa ban đầu lại được chấp nhận? Có vô vàn khả năng. Có thể người thầy của bạn hiểu rất đầy đủ về tư duy phản biện, nhưng trước sức ép của việc buộc phải giải thích để bạn cảm thấy "dễ hiểu", người thầy ấy đã buộc phải chọn lấy một khía cạnh đủ cụ thể của "tư duy phản biện", gần với kiến thức nền mà bạn đang có lúc đó, để giải thích cho bạn, và chấp nhận rằng bạn hiểu như vậy về tư duy phản biện là tạm chấp nhận được ở thời điểm đó. Cũng có thể người thầy ấy không thực sự hiểu về tư duy phản biện, và chỉ có được một định nghĩa đơn sơ như vậy để giảng cho bạn. Hoặc cũng có thể người thầy ấy đã cố gắng đưa ra một định nghĩa đầy đủ và lấy cả ví dụ, nhưng hạn chế về kiến thức của bạn ở thời điểm đó khiến cho bạn chỉ có thể ghi nhớ và hiểu được một phần nhỏ như vậy.
Bất kể chuyện gì đã xảy ra, có một sự thật không thể chối cãi là: bạn đã hiểu không đầy đủ về "tư duy phản biện" trong trường hợp đó, và nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là hạn chế về kiến thức của bạn hoặc của người thầy.
Cho nên, một người thầy tốt hay một trí giả thực sự hiểu vấn đề không phải là người biết giải thích những thứ khó hiểu thành dễ hiểu đâu. Những người vừa hiểu đúng vừa có năng lực giảng dạy sẽ hiểu rằng chỉ có một con đường đúng đắn thôi, đó là xây rất nhiều bậc thang có độ cao vừa phải để học trò của mình dần chiếm lĩnh được những kiến thức ở bậc ngày càng cao, và cuối cùng vươn được tới cái gọi là "tháp ngà tri thức". Tất cả những chiêu trò kiểu như xây thang máy, đi máy bay trực thăng, hay nhảy dù để vươn tới đỉnh tháp thực chất đều chỉ là những trò vớ vẩn mà những người có hiểu biết đơn sơ hoặc không đủ lương tâm nghề nghiệp bày vẽ ra để câu khách, chứ không có giá trị thực sự.
Tất nhiên, thực tế rất phũ phàng, và không phải lúc nào người dạy cũng có thể làm đúng với lương tâm của mình, nhất là khi cộng đồng người học và người tiêu dùng chưa thực sự hiểu những quy luật không thể phá vỡ của việc học. Nếu có thể, các giáo viên tiếng Anh sẽ muốn mở những khóa học kéo dài 3-5 năm cho những người mới bắt đầu, thay vì 3-5 tháng. Nếu có thể, mình cũng muốn một xây dựng một khóa học Write Now kéo dài 2-3 năm chứ không phải 3 tháng. Nhưng mình chưa đủ năng lực để được mọi người tin tưởng, mọi người cũng chưa đủ sẵn sàng và thấu hiểu để có thể bỏ ra nhiều thời gian, công sức và tiền bạc như vậy. Cho nên chúng ta chỉ có thể dừng lại ở cái mà chúng ta cho là tối ưu, tức là tốt nhất trong điều kiện hiện tại.
Nhưng đừng quên rằng cái tối ưu trong hiện tại chưa chắc đã vĩnh viễn đúng trong tương lai. Cũng như định nghĩa của bạn về "tư duy phản biện" ấy. Nó hoàn toàn có thể là một khái niệm trừu tượng và đầy đủ hơn trong tương lai.
Là người học, mình hy vọng rằng bạn sẽ đừng tự giới hạn mình bằng những định nghĩa mà bạn đang cho là đúng. Luôn sẵn sàng để thay đổi cho dù việc phá bỏ niềm tin của mình dù việc đó không hề dễ chịu.
Là người làm giáo dục hay người làm giáo dục, mình mong rằng, dù có đang dừng lại ở bất kỳ phương thức nào chúng ta cho là tối ưu nhất trong thời điểm hiện tại, đừng quên đi mục tiêu tối thượng bạn muốn hướng tới. Chỉ như vậy, sản phẩm giáo dục của bạn mới có thể được cải thiện theo thời gian và bản thân bạn cũng không vì thoả hiệp với thị trường mà đánh mất mình.