Sự kiện “băng vệ sinh không được xem là hàng thiết yếu” gần đây đã thu hút vô cùng nhiều ý kiến từ dư luận, và hầu hết là ý kiến phản đối, cho rằng chính sách đang có nhiều bất cập, người thi hành cứng nhắc,... đủ loại các giải thích trên đời.
Hiếm khi nào mình thấy dư luận đồng lòng theo hướng tích cực đến vậy trong một vấn đề liên quan đến quyền lợi phụ nữ (a.k.a nữ quyền). Ít ra mình chưa thấy ý kiến nào kiểu “Cả nước đang oằn mình chống dịch, có mỗi chuyện cái băng vệ sinh cũng kêu gào”
Nhưng chúng ta có lẽ sẽ không ngạc nhiên đến thế (hoặc không cả ngạc nhiên) nếu như biết rằng, nhu cầu của phụ nữ đối với băng vệ sinh - cũng như các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sinh sản khác - là một phần của quyền sinh dục (reproductive rights). Và quyền sinh dục của phụ nữ tuy là một quyền lợi cơ bản, nhưng vốn bị xem nhẹ từ lâu.

1. Tại sao quyền sinh dục lại là quyền cơ bản?

Trước khi giải thích vì sao quyền sinh dục lại là quyền cơ bản, có lẽ ta cần hiểu quyền sinh dục là gì.
Quyền sinh dục, là quyền được tiếp cận HỢP PHÁP các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Theo định nghĩa của WHO, sức khỏe sinh sản (reproductive health) là trạng thái khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và hòa hợp xã hội về tất cả các phương diện liên quan đến hệ thống sinh sản trong suốt các giai đoạn của cuộc đời, chứ không chỉ lúc ốm đau bệnh tật.
Từ đó, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (reproductive health care services) đối với phụ nữ bao gồm:
Các biện pháp bảo vệ sức khỏe giúp phụ nữ hiểu về cơ thể họ, giáo dục giới tính cơ bản (tình dục an toàn, chăm sóc sức khỏe sinh lý giới tính như kinh nguyệt,...), kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc tiền sản, sinh nở an toàn, chăm sóc hậu sản, các dịch vụ phòng tránh thai, dịch vụ bỏ thai an toàn, sự can thiệp y học an toàn đối với các vấn đề liên quan đến hệ thống sinh dục,...
Và định nghĩa lại một lần nữa, quyền sinh dục, là quyền được tiếp cận HỢP PHÁP các dịch vụ này.
Định nghĩa đã xong, tiếp theo là câu hỏi: “Vì sao quyền sinh dục lại là quyền cơ bản?”
Quyền sinh dục là cơ bản vì đó là một quyền lợi gắn chặt với thân thể của người phụ nữ. Mà thân thể là thứ tài sản đầu tiên và cuối cùng mà một người có, bạn còn điều gì cơ bản hơn thế nữa? Bạn mất quyền kiểm soát đối với cơ thể mình cũng có nghĩa là bạn mất quyền làm chủ cả cuộc đời mình. Cũng như bell hooks nói, “nếu phụ nữ không có quyền lựa chọn điều gì xảy ra với cơ thể mình thì cũng chính là đánh mất quyền lợi ở tất cả lĩnh vực khác trong cuộc đời”.
Mà thân thể phụ nữ, không nghi ngờ gì, lại là thứ đã luôn bị kiểm soát suốt cả một lịch sử lâu dài của xã hội loài người. Và đến tận bây giờ, người ta vẫn còn tranh cãi xem liệu có nên để cho phụ nữ có được quyền tự chủ đối với cơ thể của chính họ (bodily autonomy) hay không. Nhưng vấn đề này có lẽ sẽ được nói đến ở một bài khác.

2. Quyền sinh sản của phụ nữ bị xem nhẹ như thế nào?

Sự việc băng vệ sinh dễ dàng dấy lên phản đối từ dư luận vì băng vệ sinh là một vật dụng thiết thân, gắn liền với một hoạt động sinh lý không thể né tránh của phụ nữ là kinh nguyệt. Đây cũng là bằng chứng đanh thép để phản bác lại tất cả những ý kiến rằng “bình đẳng giới đã đạt được rồi”, “nữ quyền bây giờ đang làm quá”,...Vậy, cho phép mình được thắc mắc, nếu bình đẳng giới đã đạt được rồi, tại sao một vật phẩm cơ bản của phụ nữ như băng vệ sinh lại không được xem là vật phẩm thiết yếu?
Chúng ta có thể phê bình lực lượng hành pháp đang quá cứng nhắc, đúng, mình đồng ý điều đó. Nhưng sâu xa hơn cả, điều này thể hiện rằng, quyền lợi của phụ nữ, dù là cơ bản, vẫn còn đang bị lơ là. Có một bình luận mình đọc được, “cái gì người ta không dùng sẽ thấy không cần thiết”. Mình không đồng tình với bình luận này lắm, nhưng “người ta” ở đây là những ai, và tại sao họ không xem xét đó là một điều cần thiết, mình nghĩ là bạn có thể tự trả lời được.
Còn về ý kiến trên, bạn không dùng là một chuyện, nhưng vì bạn không dùng mà cho rằng đó là "không cần thiết" và ra chính sách áp dụng cho toàn bộ xã hội nhưng không cân nhắc đến những hoàn cảnh, những nhu cầu "không cần thiết" đó thì lại là một chuyện khác.
Băng vệ sinh là một chuyện dễ dàng thấy, chúng ta còn những chuyện khác cũng liên quan đến quyền sinh dục nhưng vẫn còn bị cười cợt và nhận nhiều ý kiến trái chiều khi nhắc đến.
Cách đây không lâu, có một clip được chia sẻ rộng rãi trên Facebook. Clip quay một người phụ nữ bị chặn lại và bị hỏi tại sao lại ra đường trong thời điểm này. Người phụ nữ này trình ra hộp bao cao su, và được đáp lại rằng “những cái này không phải là thực phẩm hay vật dụng thiết yếu để mình ra đường lúc này nghen chị”.
Có nhiều người thấy rằng clip này thật hài hước, cũng có người nói “cả nước đang căng mình chống dịch mà tụi này vẫn còn đi lung tung mua mấy thứ linh tinh” rồi một ngàn câu chê trách dân trí.
Mình tạm đoán, chuyện bao cao su bị cười cợt vì nó liên quan đến chủ đề tình dục - một chủ đề luôn bị coi là nhạy cảm trong xã hội chúng ta, người ta thường có xu hướng né tránh nói về nó, hoặc cười xòa gạt đi khi nhắc đến nó chứ ít khi nghiêm túc bàn luận về nó.
Nhưng hoạt động tình dục không nên là điều chủ yếu khi chúng ta nghĩ về bao cao su, mà nên nghĩ về nó như là thứ giúp phòng tránh những bệnh tình dục nguy hiểm và khó chữa, những ca mang thai ngoài ý muốn - những điều quan trọng có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời của một người phụ nữ, hoặc có thể, của cả đàn ông. Đối với mình, đây không phải là một điều gì đáng để cười, và mình cũng khó hiểu tại sao nó lại không được xem là vật phẩm thiết yếu.
Người phụ nữ trong clip là một người phụ nữ ít nhất thuộc tầng lớp trung lưu, có đủ khả năng kinh tế để tiếp cận những biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh dục, để chuẩn bị cho mình những biện pháp tránh thai cơ bản. Còn những người phụ nữ khác, những người lao động tự do, những người phụ nữ dân tộc thiểu số, những người phụ nữ thua thiệt về mặt vật chất, những người phụ nữ lao động trong những ngành nghề không được thừa nhận,... quyền sinh dục của họ được thực hiện như thế nào? Và lần nữa, mình cho rằng đây là một câu hỏi cần được nghiêm túc quan tâm chứ không phải là cười cợt.

3. Kết luận

Có những khía cạnh bất bình đẳng giới trong đời sống hàng ngày nhưng vẫn thường bị xem nhẹ hoặc bị cho là hiển nhiên, bài viết này không đủ để bóc tách hết những điều đó. Nhưng ít nhất, nó chứng tỏ được một điều, nữ quyền không có thời gian để “đàn áp đàn ông” và “làm quá lên”, đơn giản vì nó còn rất nhiều vấn đề cơ bản cần phải lo.
Bạn có thể dễ dàng tìm thấy mình và các bài viết mới nhất của mình tại đây: https://www.facebook.com/anaonrecording