Bài viết đề cập tới các đặc điểm của văn hoá tham gia, một xu hướng văn hoá và truyền thông mới bắt nguồn từ sự ra đời của Internet và thực sự nở rộ từ phát triển của mạng xã hội. Bài viết cũng phân tích tác động của văn hoá tham gia tới hoạt động truyền thông và văn hoá đại chúng từ một số khía cạnh cụ thể: hoạt động báo chí, hành vi giao tiếp xã hội của từng cá nhân, doanh nghiệp tự thân và văn hoá thanh thiếu niên hiện nay. Cuối cùng, từ những thực tế trên, bài viết đề xuất một cách nhìn nhận mới về đào tạo truyền thông cho đại chúng trong thời đại số.
Đọc thêm

1. Mạng xã hội và văn hoá tham gia trên mạng xã hội

Bắt đầu từ cuối thập niên 1990s, các trang mạng xã hội như Blogger (1999), Wikipedia (2001), Myspace (2003), Facebook (2004), Youtube (2005), Twitter (2006), … đã liên tục được phát triển và sử dụng trên toàn cầu. Ở Việt Nam, Facebook và Youtube là hai mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay. Tính đến tháng 9/2013, Việt Nam có 22 triệu tài khoản Facebook, chiếm 71% tổng số người dùng internet với mức tăng trưởng 164% chỉ sau một năm (Social Bakers 2013). Còn Youtube sau khi được sát nhập với Google cũng đã đạt tốc độ tăng trưởng mạnh.
Được xây dựng trên nền tảng kĩ thuật và tư tưởng của công nghệ web 2.0,[1] mạng xã hội là một ứng dụng internet cho phép người dùng khởi tạo trang cá nhân và trao đổi thông tin của mình cũng như quản lý các kết nối bạn bè và theo dõi tiểu sử của họ (Kaplan và Haenlein 2010: 60; Boyd và Ellison 2007: 211). Đúng như tên gọi, hai đặc điểm quan trọng nhất của các phương tiện truyền thông mới này là tính xã hội (social) và giao tiếp kết nối (network). Các cá nhân kết giao với nhau không phải chỉ thông qua không gian thật nữa mà bắt đầu thiết lập những mối quan hệ online trên nhiều không gian mạng xã hội khác nhau.
Mỗi người sở hữu từ một đến nhiều nhân dạng online và kết nối tạo thành một mạng lưới với nhiều mắt xích. Họ có thể liên kết với nhau qua trạng thái kết bạn, qua số lượng bạn bè chung, qua sở thích cá nhân, hay qua những địa điểm chung mà họ từng đến, … Trong cuốn The Culture of Connectivity, tác giả José van Dijck đã nhấn mạnh sự chuyển đổi vai trò của không gian online này từ mạng xã hội thành một xã hội thực có tính mạng lưới (2013: 5). Mạng xã hội bắt nguồn từ một cuộc cách mạng về công nghệ nhưng lại tiếp biến, phát triển với yếu tố con người và thực sự trở thành một/nhiều xã hội tồn tại song song và tương quan với xã hội truyền thống.
Một đặc điểm vô cùng quan trọng nữa của các phương tiện truyền thông xã hội là tính tham gia. Không giống như những trang web được xuất bản với nội dung có sẵn, các trang web này được thiết kế giống một khung cơ bản và để cho mỗi người đăng ký sử dụng tự điền nội dung của mình vào (Dijck 2013: 7). Trên các trang facebook cá nhân, nội dung ấy bao gồm thông tin cá nhân cơ bản, những sự kiện đời sống diễn ra hàng ngày hay bất cứ dữ liệu gì mà người dùng muốn chia sẻ dưới nhân dạng online của mình. Còn trên các Facebook page, hay các trang chia sẻ hình ảnh, video như Youtube, Instagram, Flickr,… sự chia sẻ này không chỉ dừng lại ở phạm vi chia sẻ đời sống cá nhân. Trên Flickr hay Instagram ta có thể dễ dàng tìm thấy những bộ ảnh chụp bán chuyên/chuyên nghiệp.  Trên Youtube người dùng tải lên các video tự quay, tự biên tập, thậm chí những phim ngắn tự sản xuất. Bằng việc tham gia vào quá trình “tạo nội dung” cho các mạng xã hội như vậy, vai trò của nhóm công chúng truyền thống bắt đầu thay đổi. Người dùng không chỉ đơn giản là người tiêu thụ thông tin và các sản phẩm văn hoá nữa, mà người dùng còn là nhà sản xuất, đài truyền hình, phóng viên, biên tập viên, thậm chí là tổng biên tập. Thực tế này đã được Henry Jenkins nhắc đến từ năm 1992 với tên gọi: Văn hoá tham gia - participatory culture.
Văn hoá tham gia (VHTG) là một xu hướng mới được hình thành cùng với sự phát triển của công nghệ kĩ thuật số web 2.0 và liên kết chặt chẽ với thực hành truyền thông trên không gian mạng xã hội (Dijck 2013: 4). Trong xu hướng ấy, tất cả các cá nhân với những phương tiện cần thiết đều có thể đóng vai trò vừa là người sản xuất vừa là người tiêu thụ (Jenkins 2006). Ví dụ, với máy tính cá nhân nối mạng, một người có thể thiết lập tài khoản trên trang chia sẻ video Youtube và tải lên đó những video do chính mình quay và biên tập. Cùng một lúc, anh ta vừa tiêu thụ không gian Youtube, vừa sản xuất và phân phối video của chính mình, lại vừa làm khán giả của những video do những người dùng khác tải lên. Bởi tất cả các không gian này đều miễn phí, cách thức sử dụng lại đơn giản nên chúng nhanh chóng thu hút được một lượng người dùng đáng kể. Theo Henry Jenkins (2009: 7), VHTG có năm đặc điểm:
1. Tạo điều kiện cho các biểu đạt nghệ thuật và thực hành dân sự
2. Hỗ trợ cho việc sáng tạo và chia sẻ các sản phẩm đó với người khác
3. Hình thức học tập gián tiếp thông qua chia sẻ của những người có kinh nghiệm
4. Nơi mà các thành viên tin rằng đóng góp của mình là có ý nghĩa
5. Nơi các thành viên có cảm giác kết nối xã hội với người khác
Nói một cách ngắn gọn, VHTG là một chuỗi hành vi được thực hiện trên internet mà trong đó một người có thể vừa khởi tạo thông điệp, vừa tự mình truyền thông cho nó và cùng lúc đó vẫn không ngừng kết giao thêm những mối quan hệ xã hội mới.
Picture
Picture
Đọc thêm

2. Văn hoá tham gia với hoạt động truyền thông và văn hoá đại chúng

Như đã đề cập tới ở trên, sự xuất hiện của web 2.0 kéo theo VHTG đã làm thay đổi mối quan hệ truyền thông đại chúng truyền thống. Trước đây, truyền thông có mô hình như thể một người nói với hàng triệu người. Còn trong bối cảnh hiện nay, hàng triệu khán giả kia đều có cơ hội trở thành nhà sản xuất (Burgess và Green 2009; Chau 2011). Chính yếu tố này đã dẫn đến sự thay đổi  trong hoạt động báo chí truyền thông nói riêng và trong ngành công nghiệp văn hoá nói chung.
- Thứ nhất, về hoạt động báo chí, có nhiều ý kiến cho rằng mạng xã hội với lợi thế về không gian, thời gian và nguồn nhân lực tự nguyện - người dùng đang dần áp đảo tin tức báo chí về độ nhanh nhạy và đa dạng. Trong cuốn Miễn phí - Tương lai của mức giá cách mạng, Chris Anderson cũng đã đưa ra một nhận định về vấn đề này: “Cung về nội dung đã tăng trưởng gấp hàng triệu lần, nhưng cầu thì không: chúng ta vẫn có hai mắt, hai tai và hai mươi bốn giờ một ngày. Tất nhiên, không phải mọi nội dung đều được tạo ra như nhau, các trang facebook không thể so với báo New York Times… Điểm khác biệt là số trang facebook nhiều hơn số trang của tờ Times và chúng không được tạo ra với ý định thu tiền người đọc” (Anderson 2009: 206). Trong trường hợp này, dường như “đám đông” lại đang chứng tỏ được “trí tuệ” và sự sáng suốt của mình (Surowiecki 2007). Nếu như cá nhân nhà báo hay cả một toà báo chỉ có thể tiếp cận một số nguồn tin nhất định và đưa tin một cách hạn chế thì trên mạng xã hội, ta có thể tìm thấy vô số bài viết bình luận về cùng vấn đề đó. Trên thực tế, một số sự kiện gần đây như Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, bạo động ở Bình Dương đều được chính công chúng có mặt ở hiện trường đăng tải trước nhất trên mạng xã hội. Trong một buổi nói chuyện về đề tài Truyền thông xã hội: Tai ương hay may mắn cho ngành báo chí? ở Viện Goethe Hà Nội, vấn đề này đã được đưa ra thảo luận và nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, tất cả các nhà báo tham gia thảo luận đều thừa nhận rằng, không gian mạng xã hội với sự tham gia của công chúng vào vai trò truyền tin là một cơ hội quan trọng đối với hoạt động báo chí hiện nay. Thông tin từ những người dùng được cho là những thông tin khởi đầu quan trọng để các nhà báo tiếp tục thao tác nghiệp vụ để kịp thời đưa thông tin kiểm chứng tới công chúng. Một mặt, sự tham gia đóng góp tin tức của công chúng đem lại lợi ích cho nhà báo, mặt khác nó cũng tạo ra áp lực lớn hơn cho những người hoạt động báo chí. Mới đây, tờ New York Times thậm chí còn sản xuất một bản báo cáo dài 97 trang gồm những đề xuất đổi mới để phù hợp với thời đại truyền thông số và truyền thông xã hội hiện nay như: tương tác với độc giả để tạo ra nội dung mới, sử dụng từ khoá tag triệt để, phóng viên phải tải lên Twitter năm tin liên quan đến bài viết mà họ nộp, … (Benton 2014).
- Thứ hai, ở khía cạnh giao tiếp cá nhân, có thể nói VHTG trên mạng xã hội đã góp phần giúp chúng ta đạt được những nhu cầu cao cấp nhất trong cuộc sống. Theo tháp nhu cầu của Maslow, con người sau khi đủ ăn, đủ mặc và được an toàn rồi thì bắt đầu có nhu cầu giao lưu tình cảm, được quý trọng và cuối cùng là muốn được sáng tạo, tự do thể hiện bản thân. Một số người e dè, nhút nhát trong không gian thực dường như lại dễ dàng chia sẻ hơn trên mạng xã hội cùng với những phím chức năng như add friend - kết bạn, share - chia sẻ, like - thích, … (Rosenwald 2011) và nhận được sự quý trọng của mọi người nhờ tham gia vào những cộng đồng mà mình thực sự hiểu biết. Không chỉ thế, tác động lớn nhất của VHTG trên mạng xã hội đối với chuỗi nhu cầu này là nó kích thích sự sáng tạo, thể hiện bản thân gần như không giới hạn. Đây là điều đã được hai tác giả Jean Burgess và Joshua Green đề cập đến dưới tiêu đề Chính trị văn hoá - Cultural Politics trong cuốn Youtube: Video trực tuyến và Văn hoá tham gia. Phân tích mạng xã hội chia sẻ video trực tuyến Youtube, hai tác giả nhấn mạnh rằng đây là một không gian khuyến khích tất cả mọi người bình thường tham gia vào hoạt động văn hoá. Dù anh mang quốc tịch nào, thuộc nhóm sắc tộc văn hoá ra sao, thì anh vẫn được đối xử công bằng và được mang sản phẩm văn hoá của mình ra giới thiệu với công chúng cả thế giới (2009: 75). Youtube mang đến một không gian văn hoá bình đẳng và tương đối đại chúng[2], xoá nhoà các ranh giới mang tính quyền lực thông thường.
- Thứ ba, trong nhiều trường hợp, nhu cầu biểu đạt và sáng tạo nói trên không những được thoả mãn còn được khuyến khích bằng yếu tố vật chất. Khi ấy, các chủ tài khoản mạng xã hội bắt đầu có thêm một vai trò mới: doanh nghiệp tự thân[3]. Trong một vài năm trở lại đây, mạng xã hội và VHTG đã góp phần mở rộng thêm quan niệm về ‘doanh nghiệp’. Trong không gian web 2.0 này, bất kỳ ai cũng có thể trở thành một doanh nghiệp tự thân. Một ví dụ điển hình và thú vị cho hình thức mới mẻ này là các vloggers trên Youtube.
Vloggers là tên gọi viết tắt của video blogger, những người ghi lại nhật kí trên mạng bằng hình ảnh động. Vlogger sử dụng đời sống riêng tư, quan điểm cá nhân của mình để sản xuất ra các video mang tính giải trí và tải miễn phí lên không gian Youtube. Các sản phẩm đó được đưa ra tiêu thụ với mức giá miễn phí cho người xem. Video càng hấp dẫn thì số người click xem và ấn nút ‘yêu thích’ càng nhiều. Khi vlogger đạt được một số lượng người xem và theo dõi nhất định, họ sẽ được kí một thoả thuận hợp tác với Youtube. Theo đó, Youtube bắt đầu đưa các quảng cáo vào video của họ và trả tiền cho chủ nhân kênh video dựa trên lượng người xem. Trong một số trường hợp, với những vloggers làm nội dung có tính giáo dục, hoặc nâng cao ý thức xã hội, … ta còn có thể nhìn nhận họ như những doanh nghiệp xã hội.
- Thứ tư, bởi phần lớn nhóm công chúng sử dụng mạng xã hội và tham gia vào đóng góp nội dung là thanh thiếu niên, việc nghiên cứu hành vi và nội dung của các sản phẩm văn hoá - truyền thông này không thể tách rời văn hoá thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay bởi chúng tồn tại song song và tác động qua lại lẫn nhau. Cùng một lúc trong môi trường VNTG của mạng xã hội, thanh thiếu niên vừa là người làm nội dung vừa là người kết nối xã hội (Chau 2011: 65). Họ phát triển, tương tác, học hỏi và cả chỉ trích, phản biện nhau trên đó. Trong bối cảnh Việt Nam, mặc dù thanh thiếu niên được nhìn nhận như là ‘tương lai’ của đất nước, tiếng nói của nhóm công dân này không thực sự được coi trọng. Trong bài viết Thanh niên học sinh, sinh viên với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước do NXB Chính trị Quốc gia ấn hành, tác giả viết:
Thanh niên nói chung là một bộ phận của xã hội không có tư tưởng riêng. Bởi thế, giai cấp công nhân và Đảng tiên phong phải xiết chặt, động viên, giáo dục và thức tỉnh nhằm giúp họ tìm ra được chân lý cách mạng và cố gắng phấn đấu vì chân lý ấy. (Nguyen 1997: 6, trích theo Nguyen 2005: 5)
Trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội, nhóm thanh thiếu niên đều được cho là đối tượng cần được giáo dục. Tuy nhiên, cách giáo dục rập khuôn, nhiều lý thuyết ít thực hành, đôi khi mang tính định kiến từ kinh nghiệm của những người đi trước (World Bank Report) đã khiến cho tính sáng tạo của thanh thiếu niên Việt Nam không được bộc lộ.
Trong bối cảnh ấy, mạng xã hội ra đời cho phép người dùng tham gia vào cùng sản xuất nội dung đã trở thành một lựa chọn lý tưởng cho người Việt trẻ. Trên không gian này, họ được tự do sáng tạo và nêu lên ý kiến cá nhân. Không chỉ nỗ lực giải quyết các vấn đề cá nhân, nhóm công dân này còn bày tỏ những mối quan tâm với những sự kiện văn hoá, xã hội và chính trị. Ví dụ, các vloggers Việt Nam ngoài những nội dung phơi sáng đời tư cá nhân và/hoặc giải trí thì còn sản xuất một số lượng lớn các video bày tỏ quan điểm nghiêm túc về các vấn đề như: Giáo dục ở Việt Nam, Giáo dục giới tính, Phản ứng của giới trẻ với các sự kiện truyền thông, … Ở một chừng mực nào đó, chính những hoạt động của nhóm thanh thiếu niên này là một thể hiện rõ ràng của quyền và nghĩa vụ người công dân. Trước thực tế này, có một số ý kiến quan ngại cho rằng tự do thái quá sẽ khiến các sản phẩm văn hoá kém chất lượng, các quan điểm ‘lệch lạc’ được phổ biến. Tuy nhiên, tính xã hội tương tác của các phương tiện truyền thông mới cùng với các nút like, unlike, dislike, report[4] sẽ là cách kiểm duyệt dân chủ nhất bởi nó chứa đựng trong đó sức mạnh của tập thể và trí tuệ của đa số (Surowiecki 2007).
Đọc thêm

3. Kết luận

Bài viết đã thảo luận về đặc điểm của VHTG trên mạng xã hội trong kỉ nguyên số và một số tác động của nó tới hoạt động truyền thông cũng như văn hoá đại chúng. Mạng xã hội, VHTG và các tác động của nó là những hiện tượng tất yếu của cả thế giới sau sự bùng nổ của internet và công nghệ web 2.0. Tầm ảnh hưởng toàn cầu của các xu hướng này sẽ còn tiếp biến, lan rộng và hình thành nên những luồng văn hoá, các yếu tố văn hoá - xã hội và chính trị mới. Trong tương lai, rất có thể các khái niệm về cái tôi, nhân thân, công dân, nhà nước, xung đột, … sẽ không còn như cách chúng ta hiểu trong hiện tại (Smitcht và Cohen 2014). Trước tình hình đó, Henry Jenkins đã luôn đề cập đến tầm quan trọng của công tác đào tạo, cung cấp cho người dân nói chung và giới trẻ nói riêng những công cụ để ứng xử trong các môi trường truyền thông đại chúng mới một cách văn minh và tỉnh táo nhất (2009). Ở Việt Nam hiện nay, sau rất nhiều cuộc khủng hoảng thông tin và truyền thông, chúng ta đã bắt đầu chú ý tới tầm quan trọng của việc giáo dục truyền thông cho đại chúng. Không phải chỉ riêng sinh viên ngành báo chí và truyền thông mới cần hiểu về nó. Mà với VHTG và mạng xã hội, bất kỳ ai cũng cần được trang bị kiến thức để sống sót trong bể thông tin và chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm.
---
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.     Chris Anderson, 2009. Miễn phí: Tương lai của một mức giá cách mạng, Phan Triều Anh dịch. NXB Trẻ.
2.     Joshua Benton, 2014. The leaked New York Times innovation report is one of the key document of this media age, Nieman Journalism Lab. http://www.niemanlab.org/2014/05/the-leaked-new-york-times-innovation-report-is-one-of-the-key-documents-of-this-media-age/
3.     Jean Burgess and Joshure Green, 2009. Youtube: Digital Media and Society Series. Cambridge: Polity
4.     Clement Chau, 2010. Youtube as a participatory culture. New Media and Technology: Youth as Content Creators.
5.     Aaron Delwiche and Jennifer Jacobs Henderson, 2012. The Participatory Cultures Handbook. USA: Routledge
6.     José van Dijck, 2013. The Culture of Connectivity: A Critical History of Social Media. Oxford: Oxford University Press
7.     Jan van Dijk, 2012. The Network Society. London: Sage
8.     Henry Jenkins, 1992. Textual Poachers: Television Fans & Participatory Culture. Studies in culture and communication. NY: Routledge
9.     Henry Jenkins et al., 2009. Confronting the Challenges of Participatory Culture: Media Education for the 21st century. USA: MIT
10.  Nguyen Phuong An, 2005. Youth and the State in Contemporary Socialist Vietnam. Centre for East and South-East Asian Studies, Lund University.
11.  Michael S. Rosenwald, 2011. Can Facebook help overcome shyness?, Washington Post, 12.02.2011. http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2011/02/12/AR2011021203069.html 
12.  James Surowiecki (2007). Trí tuệ đám đông, Nguyễn Thị Yến dịch. NXB Tri thức
---
Ghi chú:
[1] web 2.0 là một xu hướng trong thiết kế và phát triển web mà mục đích là nhắm tới những thuận tiện trong việc chia sẻ, hợp tác và sáng tạo giữa các người dùng.
[2] Bởi internet vẫn chưa được phủ sóng toàn cầu và không phải ai cũng được tiếp cận với máy tính, tính đại chúng của các phương tiện truyền thông xã hội này chỉ mang tính tương đối.
[3] self-entrepreneurship
[4] Các nút để người xem thể hiện thái độ đối với nội dung được tải lên, lần lượt là thích, bỏ thích, không thích, báo cáo vi phạm.
---
Bùi Trà My (2015). Văn hoá tham gia trên mạng xã hội với hoạt động truyền thông và văn hoá đại chúng, in trong sách Báo chí Truyền thông: Lý luận và Thực tiễn. 

Đọc thêm: