Nguồn ảnh: Tuổi Trẻ Cười
Chẳng khó để bắt gặp những bài báo, những bài đăng trên các hội nhóm quan tâm tới giáo dục, hay các quan điểm cá nhân trên mạng xã hội thể hiện sự mất kiên nhẫn, ngao ngán, thậm chí đả kích nền giáo dục Việt Nam cũng như những con người trong nền giáo dục ấy. Sự ngán ngẩm len lỏi vào từng ngóc ngách trong tất cả những mạng lưới, từ chuyên môn tới không chuyên môn, mà tôi tham gia.
Là một người thụ hưởng nền giáo dục ấy từ nhỏ và hiện tại đang làm việc trong ngành giáo dục, tôi hiểu rằng sự ngán ngẩm đó không phải vô cớ. Nền giáo dục nước ta, quả thật, còn quá nhiều những khúc mắc cần gỡ và còn quá nhiều khoảng trống để lấp đầy. Nhưng có lẽ, sẽ thật không công bằng khi chúng ta chỉ nhìn thấy những điều nền giáo dục nước ta không làm được hoặc không chịu làm, và cũng thật không công bằng khi chỉ thấy những con người xấu xí và ì trệ trong nền giáo dục ấy. Vì vậy, dù vẫn tìm thấy mình ở đâu đó trong những ngán ngẩm kia, trong bài viết này, tôi sẽ chỉ “biện hộ” cho nền giáo dục và những người làm giáo dục ở nước ta.

Nút thắt giáo dục ở đâu?

Tôi tin rằng những người giỏi nhất về tư duy thiết kế hay những chuyên gia giáo dục hàng đầu cũng chưa trả lời được câu hỏi này, vì nếu họ trả lời được rồi thì chắc chúng ta hẳn chẳng ngồi ca cẩm về nền giáo dục nước nhà nhiều đến vậy, mà lại còn toàn quay qua quay lại ca cẩm những chuyện đã ca rồi. Điều này cũng dễ hiểu thôi vì chúng ta có quá nhiều nút thắt phải tháo gỡ, nút này lại quàng sang nút kia.
Chúng ta đã có một cuộc tranh luận về đổi mới sách giáo khoa kéo dài từ hè sang thu, giờ tới mùa đông vẫn chưa kết thúc. Cách đây vài năm, nhiều người phản đối kịch liệt việc độc quyền sách giáo khoa và kêu gọi sách xã hội hoá, kêu gọi một chương trình- nhiều bộ sách. Năm nay chúng ta có điều đó, và nhiều người lại hoài nhớ về thời mà một bộ sách dùng từ thời anh sang em hết năm này qua năm khác cho khỏi tốn tiền.
Chúng ta đã so sánh rất nhiều, rằng trường học ở nước khác có cơ sở vật chất hiện đại, có nhiều phòng thí nghiệm, có phòng tập thể thao, có phòng tư vấn tâm lý học đường, có máy chiếu, có này có khác, chẳng như trường ở nước mình. Bây giờ chúng ta cũng có những thứ đó ở rất nhiều nơi. Nhưng chúng ta lại có vấn đề mới: chúng ta thấy những sự đầu tư kia lãng phí quá vì nhiều trang thiết bị, phòng ốc chẳng được dùng hiệu quả.
Chúng ta cũng có cuộc tranh cãi không hồi kết về chương trình giảng dạy. Ngay trong diễn đàn giáo dục tôi tham dự vài ngày trước, hai giáo sư đầu ngành cũng bày tỏ quan điểm trái ngược nhau. Người thì cho rằng chương trình giờ đã cắt giảm tới hết sức có thể rồi, vạc tới tận xương rồi, bao nhiêu nội dung quan trọng không thể dạy được cho học sinh chỉ vì áp lực…giảm áp lực. Người thì lại thấy chương trình học nặng nề một cách phi lý, học sinh oằn mình ra học chẳng có thời gian làm gì khác.
Về tự chủ trường học, kiểm tra đánh giá, huy động khu vực tư nhân, giáo dục đại học, phân luồng đào tạo nghề, trách nhiệm giải trình…ở lĩnh vực nào chúng ta cũng đều có những tranh luận và có những khúc mắc cần giải quyết. Những giải pháp mới lại mang đến những vấn đề mới, quẩn quanh.
Và chúng ta cũng phải giải quyết một nút thắt quan trọng nhất: vấn đề con người. Đổi mới sách giáo khoa sẽ chẳng mấy ý nghĩa nếu giáo viên không biết sử dụng chúng hiệu quả; nhiều không gian sáng tạo hơn chẳng thể đem lại thay đổi nếu người giáo viên không biết tận hưởng không gian ấy; đầu tư trang thiết bị làm sao đem lại hiệu ứng gì nếu người giáo viên vẫn dạy học theo cách cũ và chẳng biết cách sử dụng. Thế là chúng ta tổ chức tập huấn giảng dạy, lập những kế hoạch nghìn tỉ để đào tạo giáo viên, viết ra nhiều quy định về những việc họ phải làm và không được làm trong lớp học. Những điều chúng ta làm, tất nhiên, lại làm nảy sinh ra nhiều tranh cãi mới.
Tôi đã từng đọc ở đâu đó, người ta nói rằng bài toán chất lượng giáo dục của chúng ta giống như một chiếc hộp đen: chúng ta biết những gì sẽ đi vào cái hộp đó và chúng ta mong chờ những gì sẽ đi ra khỏi nó, nhưng lại hoàn toàn mù mờ và bối rối về những gì diễn ra bên trong. Và thế là đám đông ngao ngán về bộ giáo dục, về ngành giáo dục, mà quên đi rằng những người làm giáo dục đang phải giải một bài toán quá khó, đang phải mò mẫm tìm hiểu một cái hộp đen.

Tháo nút thắt thế nào?

Khi muốn giải quyết bài toán nâng cao chất lượng giáo dục, chúng ta có nhiều cách tiếp cận khác nhau, bao gồm cách tiếp cận đơn yếu tố và đa yếu tố. Tôi phải tự nhận mình không phải chuyên gia nghiên cứu chính sách, nhưng những gì tôi quan sát được cho tôi thấy trong một khoảng thời gian dài, chúng ta vẫn tranh cãi từ góc độ tiếp cận đơn yếu tố mà quên đi rằng bức tranh giáo dục nước mình rất phức tạp, đòi hỏi những thay đổi mang tính hệ thống và sự tham gia của nhiều người. Chỉ bộ giáo dục và những người làm gíao dục nhận chỉ trích vì những thay đổi trong giáo dục là không công bằng.
Ví dụ, chúng ta chỉ trích giáo viên chưa đạt chất lượng trong khi họ là trái tim của bất cứ đổi thay giáo dục nào. Chúng ta kéo họ vào những dự án nghìn tỉ đồng, yêu cầu họ tham gia học tập, nâng cao chất lượng giảng dạy. Chúng ta cũng viết thêm nhiều chính sách, quy định, yêu cầu giáo viên phải làm theo cách mới, phải nâng cao chất lượng giảng dạy. Chúng ta lên mạng xã hội chê trách, chỉ trích họ, mong đợi họ chuẩn bị cho con em mình một tương lai tốt đẹp. Điều này tốt thôi, nhưng hãy nhìn xem giáo viên của chúng ta là ai và chúng ta đang đối xử với họ thế nào.
Tôi vẫn nhớ mãi cảm giác chua chát khi nghe thầy Lê Thống Nhất nói về giáo viên ở ta, về câu nói lâu nay về ngành sư phạm: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Khi đọc về giáo dục ở Phần Lan, tôi cảm thấy thực sự ghen tị vì ở đó nghề giáo là một trong những nghề danh giá và được các bạn trẻ khao khát nhất. Người trẻ phải phấn đấu gian nan và ao ước trở thành giáo viên cũng như họ khao khát làm những nghề danh giá như luật sư, bác sĩ. Còn ở ta, tôi cho rằng nghề giáo ngày nay trở thành một trong những nghề kém hấp dẫn nhất, thường chỉ thu hút được những bạn không còn lựa chọn nghề nghiệp nào. Các trường sư phạm không còn cách nào đạt chỉ tiêu tuyển sinh nếu không hạ điểm chuẩn đầu vào xuống rất thấp, tiếp tục khiến cho hình ảnh nghề giáo càng thảm hại. Vậy thì ta mong chờ thay đổi lớn lao, kì vĩ nào từ người làm giáo dục khi ta đối xử với nghề của họ như vậy?
Người giáo viên ngày nay được đặt ở đáy tháp quyền lực. Họ chịu áp lực thực hiện những quy định ngặt nghèo của quốc gia, phân công và những chính sách thi đua của nhà trường, mong đợi của phụ huynh, sự soi xét của truyền thông, và cả những áp lực ngày càng lớn từ phụ huynh và học sinh. Họ được mong đợi làm rất nhiều điều cho cuộc đời của rất nhiều người với mức lương thua cả những người làm bảo vệ, dọn dẹp. Khi đại dịch Covid xảy ra, họ cũng cần được ‘giải cứu’ như người ta ‘giải cứu’ dưa hấu, thanh long. Dưới một bài tôi viết trên Spiderum về giáo dục, có một bạn bình luận “chúng ta đang đòi ăn ở nhà hàng gắn sao Michelin với mức giá vỉa hè”. Tôi thấy chua chát. Thực sự thì ta thử nghĩ xem, bộ giáo dục có thể một mình giải quyết chính sách giáo viên không? Có lẽ là không. Chúng ta cần nhiều “bộ” mới giải quyết được nút thắt này.
Chưa kể, chúng ta cần cả nhân dân để thay đổi. Hãy nhìn sâu hơn vào những tầng lớp của ý thức hệ và lịch sử, ta sẽ thấy cách mà nghề giáo đang được đối xử chẳng phải ngẫu nhiên. Tôi từng nghe PGS, TS. Võ Trí Hảo chia sẻ, thời bao cấp, người ta thường truyền tai nhau câu nói “con lợn nhà em ăn ít như ông thầy giáo”. Với rất nhiều người, thầy giáo là phải nghèo, không được giàu, “thầy học là phải ăn ít”. Suy nghĩ ấy có lẽ nào liên quan tới việc trong ý thức hệ và trong tâm tưởng, chúng ta vốn tôn thờ những người thực hành sống khổ hạnh, và mong đợi người giáo viên cũng cần như vậy? Vậy thì ta mong đợi gì? Ta mong tuyển chọn được những người giỏi nhất và liêm chính nhất làm một công việc nghèo nhất? Có công bằng không? Và người làm giáo dục có phải người giải quyết được định vị hình ảnh của họ trong tâm tưởng của nhân dân?
Hơn nữa, những tư tưởng Nho Giáo ăn sâu trong đầu khiến chúng ta quá quen với việc ông thầy là nhân vật trung tâm trong giáo dục con em. Bố mẹ Việt lâu nay vẫn quen “trăm sự nhờ thầy” và quên rằng việc giáo dục một đứa trẻ thành người tử tế và hiểu biết đòi hỏi phần nhiều ở cha mẹ và cả xã hội. Khi một đứa trẻ không lớn lên như bố mẹ kì vọng, họ quay sang thầy cô để tìm lý do. Họ quên rằng với tư cách là bố mẹ đứa trẻ, họ là một phần của đổi thay giáo dục.
Trong ví dụ này, tôi đang chỉ nhắc tới một nút thắt giáo dục là người giáo viên. Để giải quyết riêng nút thắt này, ta đã cần những đổi thay từ chính sách của các bộ ngành liên quan tới những người làm cha mẹ, tới tâm tưởng, ý thức hệ của nhân dân. Một mình nỗ lực đơn phương của bộ giáo dục và những người làm giáo dục sẽ chẳng đi đến đâu nếu những nhân tố khác trong hệ thống không thay đổi. Có thể dễ dàng tưởng tượng vấn đề cải cách giáo dục còn phức tạp thế nào khi chúng ta cần gỡ rất nhiều nút thắt khác. Chúng ta muốn cải cách sách giáo khoa sao? Được thôi, những bộ sách xã hội hoá là xu hướng hiện đại tất yếu thay cho sách quốc định độc quyền. Nhưng chúng ta có giáo viên đủ chất lượng để tự chủ việc sử dụng những bộ sách ấy chưa? Vậy thì đào tạo nâng cao chất lượng giáo viên, tuyển người giỏi làm giáo dục? Chúng ta lại quay lại đọc ví dụ trên từ đầu để tự có câu trả lời nhỉ?
Kết
Tôi đã có rất nhiều ý tưởng trong đầu trước khi viết bài này, nhưng khi mới chỉ viết về duy nhất một vấn đề, tôi thấy bài của mình đã trở nên dài hơn tôi mong đợi. Vậy nên, có lẽ tôi sẽ bàn tới các khía cạnh giáo dục khác trong một bài khác. Tất cả những gì tôi muốn nói ở đây là bài toán giáo dục mà chúng ta đang cho rằng những người làm giáo dục ở ta quá kém cỏi để giải quyết thực ra là một bài toán quá khó, có quá nhiều nút thắt, mà để giải nó mỗi chúng ta đều có phần.
Phó thủ tướng Võ Đức Đam từng nói, lý tưởng nhất là khi nhà hỏng, ta có thể tìm được một miếng đất mới để ở tạm rồi đập cả nhà đi xây lại. Nhưng khi mong đợi ấy là không thể thì ta đành phải ở tạm trong nhà cũ rồi kiên nhẫn sửa chữa từng phần một. Trong quá trình sửa chữa ấy, ta sẽ thấy những phần mới sửa nhiều khi chẳng ăn nhập với nhà của ta, nhiều khi kì cục, nhưng hãy kiên nhẫn đợi một ngôi nhà mới. Tôi từng nghe một người tâm huyết với giáo dục tâm sự rằng anh ấy mong từ giờ chúng ta đừng du nhập những trào lưu và xu thế của thế giới một cách chắp vá nữa mà hãy thay đổi và du nhập cả hệ thống của người ta về. Tôi cho rằng mong ước này đáng yêu, nhưng không thể thực hiện được, vì chúng ta làm gì có một mảnh đất khác để ở tạm trong lúc xây nhà.
Trong buổi phỏng vấn học bổng Fulbright, giám khảo có hỏi tôi nghĩ gì về nền giáo dục Việt Nam khi mà nó đang chịu quá nhiều chỉ trích và gây ra quá nhiều điều tiếng như vậy. Tôi đã nói rằng dù còn chưa tốt nhưng nền giáo dục đó đang thay đổi và cá nhân tôi thấy đó là những tín hiệu lạc quan. Có giám khảo gật gù, có người nhìn hoài nghi, còn tôi thì chỉ mong rằng thay vì chỉ trích, dằn vặt những người làm giáo dục, mỗi chúng ta hãy hiểu rằng ta cần kiên nhẫn chờ đợi nhà mình sửa dần, và mỗi chúng mình đều góp phần sửa nó, không phải chỉ có "ông bộ giáo dục" mới cần sửa.
******
Chúc mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam. Chúc những người thầy cô dũng cảm còn ở lại với nghề sẽ mãi dũng cảm và kiên cường như vậy.
Xin cảm ơn những chia sẻ của thầy Lê Thống Nhất và thầy Võ Trí Hảo đã tạo cảm hứng cho tôi viết bài này.

Đọc thêm: