Hi, dạo này bạn như thế nào?
Hôm nay là tròn 1 tháng kể từ ngày cuối cùng của mình ở công ty cũ. 
Tưởng chừng cuộc sống sau khi nghỉ việc chỉ có “healing” và làm những điều mình muốn, nhưng “healing” mà không có tiền thì cũng chẳng thể “yên ổn” được. 
Mình may mắn nhận được 1 công việc freelance, part-time trong những tuần cuối làm việc tại công ty cũ. Và bây giờ mình đã làm được hơn 1 tháng ở công ty mới. 
May mắn là (trộm vía), mình vẫn sắp xếp thời gian làm việc và deal với khối lượng công việc cũng ổn áp, cho nên vẫn có thể vừa “healing” mà vẫn có chút tiền trang trải cuộc sống.
Chợt nhận ra cách làm việc của bản thân ở thời điểm hiện tại được đúc kết nhiều từ những trải nghiệm đi làm trước đó. Mình cảm thấy biết ơn vô cùng.
Và đó là động lực để mình viết tiếp bài viết này.
Với những điều mình sắp chia sẻ đây, mình tin rằng nếu bạn áp dụng đúng cách, đúng thời điểm thì bạn có thể làm tốt vai trò của mình, đóng góp nhiều giá trị cho tổ chức của mình hơn hơn và cân bằng hơn trong cuộc sống.

Mình của trước đây

Em bé "Anxiety" trong Inside Out 2. Thích ẻm vì ẻm cầu tiến quá nên thành ra cầu toàn. Và ẻm cũng giống mình ^^
Em bé "Anxiety" trong Inside Out 2. Thích ẻm vì ẻm cầu tiến quá nên thành ra cầu toàn. Và ẻm cũng giống mình ^^
Thời mới đi làm, mình “nhiệt huyết” lắm.
1️⃣Đối với mình lúc ấy, cố gắng hoàn thành càng nhiều công việc trong ngày để kịp tiến độ dự án thì càng tốt. 
Mình làm việc ngoài giờ làm việc, có hôm ngồi làm từ sáng tới tối, chưa biết hiệu quả công việc thế nào, cứ “cống hiến” trước đã. Mình làm việc thế này trong một thời gian dài và sau đó mong muốn được “healing” của mình nhiều hơn bao giờ hết.
2️⃣Mình làm những việc mình cho là “tốt cho tổ chức”. Tuy nhiên đó có phải là những thứ lãnh đạo của tổ chức cần hay không?
3️⃣Mình thiếu đo lường công việc.
Một là không đo lường kết quả công việc của mình. Hai là không đo lường hiệu suất làm việc của mình. Điều này dẫn đến việc về sau mình bị “lạc lối”, không thể chứng minh được kết quả công việc của mình, nhưng vẫn thường xuyên OT vào các buổi tối trong tuần và vào ngày Thứ 7, Chủ nhật.
Mặc dù ở thời điểm hiện tại, mình vẫn đang cải thiện cách làm việc của bản thân, nhưng mình tin cách làm việc của mình đã cải thiện rất nhiều so với 3 năm trước - khi mình mới tốt nghiệp và đi làm.
Và dưới đây là những bài học khi đi làm mà mình nghĩ khi nghe tới, ai cũng sẽ "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", nhưng chỉ khi trải nghiệm qua rồi, mình mới hiểu, thấm và làm nó đúng cách hơn.

Bài học #1: Cần nắm rõ mục tiêu của tổ chức và của Sếp để những gì bạn làm thật sự mang lại giá trị

Lý do trước đây mình nghỉ công việc đầu tiên là vì mình bị “low performance”, mặc dù thời gian và công sức mình làm không phải ít.
Sau khi nhận được feedback từ Sếp cũng như sau này nhìn lại, mình nhận ra làm việc nhiều không phải lúc nào cũng tốt và được đánh giá cao.
Bởi có lẽ, khi đó những việc mình làm không đóng góp trực tiếp vào định hướng và kết quả của tổ chức, mình không đo lường kết quả đạt được của chính mình. Cho nên mới dẫn đến việc những gì mình làm không mang lại giá trị cho tổ chức.
Bài học rút ra là: khi mới vào một tổ chức, điều mình cần nắm được đầu tiên chính là định hướng và kết quả mà tổ chức muốn đạt được trong năm. Sau đó hãy align mọi thứ mình làm với định hướng đó và kết quả mà tổ chức muốn đạt được.

Bài học #2: Thực hiện đúng vai trò team mình trong tổ chức và vai trò của mình trong team và trong tổ chức

Lại là một thứ “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Thế mình hỏi bạn nhé, khi mới vào công ty, có người “nhờ” bạn làm hộ họ một công việc vì họ bảo họ nhiều việc lắm và việc này thì quan trọng với công ty, bạn có làm không?
Câu hỏi này mình không biết câu trả lời đúng. 
Tuy nhiên, câu trả lời của mình ở thời điểm hiện tại là nó sẽ phụ thuộc vào chuyện công việc đó có đóng góp cho mục tiêu, kết quả của team mình / của mình ở tổ chức hay không. 

Vậy thì thực hiện đúng vai trò của mình là làm gì?

1. Đầu tiên là làm tốt nhiệm vụ mình được giao trước đã.
2. Nếu tốt hơn, hãy làm một người “chuyên gia” trong lĩnh vực, mảng bạn đang làm. 
Sẽ có những lúc người khác cần sự hỗ trợ, tư vấn của một người có hiểu biết về công việc, mảng, lĩnh vực bạn đang làm.
Chẳng hạn như khi bạn được làm trong 1 dự án chạy lần đầu tiên, team không có ai có chuyên môn đó hết và chỉ có bạn là người có nhiều kiến thức, kinh nghiệm nhất trong mảng đó.
Hay chỉ đơn giản là bạn được giao 1 công việc, nhưng với góc nhìn của người làm ở vai trò đó, bạn thấy cách làm đó chưa phù hợp, bạn muốn đề xuất một giải pháp tốt hơn. 
Khi đó, hãy đứng ở góc độ là “chuyên gia” ở vai trò của bạn. Như vậy, việc bạn làm, việc đề xuất một ý tưởng của bạn,...sẽ đóng góp được nhiều giá trị hơn cho team và cho tổ chức.
3. Cuối cùng là có thể tự định hướng, lên kế hoạch, xác định công việc mình cần làm để thực hiện tốt nhất vai trò của team mình trong tổ chức
Ở hiện tại, với mình, level này là đỉnh nhất, mà mình không chỉ cần trau dồi thêm kiến thức, mà còn cả kĩ năng pitching ý tưởng để làm được.
Điều này sẽ khó thực hiện được khi tổ chức của bạn làm chưa có case studies, practices từng làm trước đó để bạn có thể biết mình cần làm gì và tin vào những gì mình làm là phù hợp cho tổ chức. 
Chính vì vậy, không phải cứ ai giao việc gì cũng làm là tốt. 
Tuy nhiên, với mình thì thực hiện được việc này cũng không phải dễ cho những bạn mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm.
Mình khuyên là bạn có thể dành sự “nhiệt huyết” đó với những công việc của Line Manager (người Sếp trực tiếp) của mình giao. (Nhưng đôi lúc cũng phải lý trí một chút, để biết những việc của Sếp giao ấy có phải là công việc đóng góp vào mục tiêu công việc, vị trí bạn được nhận vào làm ở công ty hay không)

Bài học #3: Khi nào nên nói “Không” và cách nói “Không” 

Nguồn ảnh: Pinterest
Nguồn ảnh: Pinterest
Có nên cống hiến hết mình cho công ty không? 
Thời gian trước đây, mình từng ủng hộ cho những quan điểm theo hướng "Work-Life Integration", "đi làm như không đi làm",...một phần để biện minh cho việc "nghiện công việc" của mình.
Dần dà mình nhận ra không lẽ cuộc đời mình chỉ có công việc thôi sao?
Mình vẫn còn có gia đình, sở thích cá nhân và các mối quan hệ khác,... - Những thứ mà khả năng lớn công việc không thể cover hết cho mình.
Và có lẽ đây là lý do sâu xa cho việc nói “Không” của mình trong công việc.
Sẽ có những thời điểm ưu tiên của mình dành cho công việc.
Cũng sẽ có những thời điểm, mình chọn làm “việc nhẹ” hơn, để tập trung vào những thứ khác (phát triển bản thân, “healing” sau khi nghỉ việc fulltime,...).
Đó là sự ưu tiên và lựa chọn của mình.

Work Log [1] - Phương pháp / Công cụ đang giúp mình biết khi nào nên nói “Không”

Mục tiêu hiện tại của mình vẫn là nghỉ ngơi một thời gian sau khi nghỉ việc, phát triển bản thân và vẫn phải trang trải cho cuộc sống và hỗ trợ gia đình. 
Vậy cho nên để hoàn thành công việc hiện tại, mình chọn Work Log để ghi lại:
+ Những công việc mình cần làm/đã làm trong tuần / tháng;
+ Thời gian dự trù để làm từng task;
+ Thời gian mình đã làm từng task trong thực tế.
Từ đó, mình sẽ:
+ Xác định được việc cần ưu tiên làm trước (khi có 1 list task cần làm);
+ Biết trong ngày / tuần, dự kiến mình sẽ làm xong những việc nào;
+ Nắm được trong ngày làm bao nhiêu là đủ;
+ Dự trù thời gian làm task trong tuần khi có task mới, từ đó xác định được deadline của task đó vào khi nào;
Về lâu dài, mình vẫn muốn sử dụng phương pháp này để tự track công việc và đo lường hiệu suất làm việc.
Các bài viết liên quan về Work Log và template Work Log mình sẽ đính ở cuối bài này cho bạn nào quan tâm nhé!

Các tips nói “Không” như “một hoa hậu”

Khi đã hiểu được vì sao chỉ nên làm những việc đóng góp trực tiếp cho mục tiêu và vai trò của team trong tổ chức, cũng như cách để biết kiểm soát “nguồn lực” của mình, thì mình tin bạn sẽ biết cách để không nhận thêm việc không thuộc trách nhiệm của mình.
Đây là một số tips của mình khi được giao thêm task, làm “task của team khác”:
+ Mình nói: “Khi nào em làm xong việc ABC của em trong hôm nay (mà vẫn còn thời gian) thì em làm cho chị được không?”
+ Hoặc từ chối luôn: “Dạ, em còn việc A,B,C này của team cần làm nhưng chưa xong, nên chắc em không giúp anh/chị lần này được ạ :( ”
+ Cách cuối cùng là nói với Sếp. Từ đó, Sếp sẽ tư vấn thêm hoặc tìm cách giúp mình.

Bài học #4: Một góc nhìn mới về “đúng giờ”

Nguồn ảnh: Pinterest
Nguồn ảnh: Pinterest

1. Về việc “đúng giờ”

Mình đọc được 1 điều này rất hay. 
"The key of “being on time” is not actually being on time. The key of being on time is letting people know if you’re not gonna be on time" - The Mochary Method [2]
Tạm dịch: “Đúng giờ không có nghĩa là phải thực hiện vào đúng vào thời điểm đó. Mấu chốt của đúng giờ là hãy cho mọi người biết khi bạn không thể đúng giờ”.
Bởi vì khi mình trễ 1, 2 hay bao nhiêu phút, thì người đang chờ mình không thể làm được gì khác trong thời gian đó. Thay vào đó, nếu mình báo trước, họ có thể sắp xếp làm việc khác.

2. Về việc chuyên nghiệp

Mình cần tôn trọng thời gian của đồng nghiệp (nếu mình cũng muốn họ như thế với mình) để phối hợp với nhau tốt hơn.
Chẳng hạn ở công việc hiện tại, mình nói với mọi người mình sẽ trả lời tin nhắn, xử lý công việc, meeting với mọi người vào buổi sáng trong tuần.
Nếu họ chưa quen điều đó thì hãy tạo thói quen cho họ.
Mình làm đúng như vậy. Buổi sáng mình sẽ có mặt và trả lời tin nhắn khi họ cần. Khung giờ khác, mình sẽ hạn chế trả lời tin nhắn.
“Thà luôn luôn chuyên nghiệp trên công việc, còn hơn làm việc dựa trên mối quan hệ rồi sau này muốn cải thiện / thay đổi gì cũng khó”.
Mình nghĩ những bài học bên trên không mới, nhưng những góc nhìn mới này của mình đã làm mới tư duy và cách nhìn của mình về nó trong quá trình làm việc.
Mong chúng ta vẫn sẽ tìm được và luôn cảm thấy hạnh phúc với công việc mình đã chọn.
Ngoài ra, mình muốn gửi lời chân thành cảm ơn đến bạn Admin của page Gen Z làm quản lý vì đã chia sẻ template quản lý công việc của bạn đến cộng đồng Tâm Sự Con Sen.
Và cảm ơn “người bạn tiền nhiệm” của vị trí công việc của mình hiện tại đã truyền lại những kinh nghiệm làm việc để giúp mình làm tốt công việc của mình như hôm nay.
Các link liên quan trong bài viết:
[1.1] Bài viết “Log work và những chuyện liên quan” - thelittlecoder.com
[1.2] Bài viết “Free Work Log Template [2023]” - Asana (tựa đề không liên quan lắm, nhưng họ có giải thích và hướng dẫn về Log Work trong bài này)
[1.3.2] Template quản lý công việc của tác giả bài viết này: XEM TẠI ĐÂY
[1.4] Work Log Template mình đã điều chỉnh cho phù hợp với công việc hiện tại và đang sử dụng: XEM TẠI ĐÂY
[2] Bài viết ”On Time and Present” - The Mochary Method
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay