Lại là câu chuyện xưa như thời gian, chọn ngành và chọn nghề luôn là một đề bài khó mà xã hội đặt ra cho các bạn trẻ khi chúng được cho là đã đến tuổi quyết định sự nghiệp cho tương lai mình. Câu chuyện thường bắt đầu với những cảm xúc hào hứng, đầy hy vọng của những “tấm chiếu mới” khi nghe tin đỗ đạt. Nhưng rồi thế giới trong mơ tưởng cứ thế dần vụn vỡ để lại kết quả là lời thở than cay đắng “biết thế đã chọn ngành khác”. 
Bỏ qua trường hợp bạn trẻ đã sớm biết mình muốn gì và xác định tốt định hướng cho tương lai, đối với những bạn học sinh còn đang mơ hồ trong việc chọn ngành nghề, theo tôi, có thể chia ra làm hai trường hợp chịu ảnh hưởng: dưới tác động trực tiếp và dưới tác động gián tiếp. 
Tác động trực tiếp là khi quyết định ngành nghề của bạn bị gia đình hay những cộng đồng xung quanh như bạn bè, thầy cô, truyền thông định hướng hay thậm chí là bắt ép. Tác động gián tiếp có phần nguy hiểm hơn vì nó là ảnh hưởng về mặt ý chí do cộng đồng, xã hội tác động một cách vô thức tới những quyết định của học sinh. Điều này có thể phân biệt qua hai ví dụ rõ ràng như sau: bạn trẻ chịu tác động trực tiếp sẽ nói “Tôi chọn học ngành này vì bố mẹ tôi bảo vậy”; còn bạn trẻ có ý chí chịu tác động gián tiếp sẽ nói: “Tôi chọn ngành học này vì ngành này kiếm ra nhiều tiền và có thể mang lại địa vị cho tôi”. 
Mặc dù khác nhau về hình thức ảnh hưởng, song đây đều là những sự can thiệp mà theo tôi, sẽ làm các bạn trẻ càng lúc càng đi xa với mong cầu thực sự của bản thân, là tiền đề để dẫn đến tình trạng lạc lõng, mất định hướng (thường xảy ra trong những năm học đại học hay sau khi tốt nghiệp), hay tình trạng chán học, bỏ học và tệ nhất, chính là sự hình thành của một con người, một cộng đồng chỉ tồn tại chứ không hề sống. Tồn tại theo chí hướng của người khác, và chỉ để thỏa mãn ánh nhìn từ xã hội. Người trẻ không có bất kỳ mục đích sống hay mưu cầu nào đến từ ý chí tự nhiên của bản thân và tất yếu cũng sẽ không tạo ra bất kỳ giá trị nào của riêng họ.
Theo tôi... sống như vậy có thể coi là vô nghĩa...
Nhưng hãy khoan cảm thấy thấy mất hy vọng, những bạn trẻ của tôi, còn có rất nhiều cách để các bạn thay đổi được tương lai của bản thân và thật rằng cũng chỉ có mình bạn mới làm được điều này. Ở đây tôi muốn nói đến một giải pháp được đưa ra bởi triết gia người Đức – Friedrich Nietzsche về hình tượng “siêu nhân” hay "Übermensch" trong tiếng Đức. Đến đây tôi cũng xin lưu ý, “Siêu nhân” hay “Übermensch” về bản chất cũng chỉ là một quan điểm triết học được phát triển từ quan sát và suy luận cá nhân Nietzsche, còn gặp nhiều tranh cãi, vì vậy giải pháp này chỉ mang tính tham khảo và cần áp dụng có chọn lọc. Trước khi đi tới giải pháp của cho chuỗi sự việc từ chọn sai ngành đến tồn tại vô nghĩa thì chúng ta cần phân tích lý do cho thỏa đáng đã.

Người trẻ và cuộc chiến mang tên “cuộc đời”. 

Từ khi còn nhỏ, người trẻ đã được dạy dỗ rằng chỉ có cạnh tranh mới tạo nên phát triển và chỉ có thành công mới mang lại hạnh phúc. Ở xã hội ấy, con người được dạy để tạo ra nhiều tiền bạc và của cải đơn giản bởi vì họ đang sống trong thời buổi kinh tế thị trường đổi mới. Người trẻ được dạy là phải cố gắng hết mình, thậm trí là không từ thủ đoạn để có chỗ đứng trong công ty vì như vậy mới được coi là thành công. Có thể nói “cuộc chiến” mà những “chiến binh Gen Z” phải đối mặt cũng chả dễ dàng gì.
Kết quả là người ta chỉ thấy một xã hội với tràn lan những “công nhân viên chức” sớm tối đi làm trong ảm đạm và nhàm chán. Họ thậm chí không nhận thức được công việc thường nhật vì “miếng cơm manh áo” ấy đang dần khiến họ quên mất đi mục đích sống, mong muốn thật của chính mình. Cay đắng hơn là khi những cố gắng cho “vừa lòng” xã hội ấy chỉ để lại những thứ vật chất tạm thời nhưng sự trống rỗng thì cứ kéo dài mãi. Hỏi giá trị thực sự của những công việc ấy là gì, có lẽ những con người “trưởng thành” này cũng không thể biết. 
Những điều trên liên quan trực tiếp tới câu chuyện quyết định ngành học của học sinh. Các bạn trẻ thay vì chọn học những ngành mình thực sự thích và đam mê thì lại chọn ngành có khả năng mang lại tiền tài và sự ổn định. Ngay bản thân “thói quen” hoàn thành xong bậc THPT là sẽ thi đại học chính quy và chọn một nhóm ngành được vạch ra từ trước cũng tương tự như vậy, nó đã ăn sâu vào tiềm thức cộng đồng mà không mấy ai nhận ra. Thế hệ Gen Z bị đưa đẩy tới lối suy nghĩ rằng họ chỉ có bấy nhiêu sự lựa chọn để tồn tại trong xã hội. Chính mục tiêu “nhân tạo” đã và đang làm mài mòn ý chí cá nhân của lớp trẻ và phai mờ bản sắc của mỗi cá thể sống trong xã hội. 
Tuy nhiên, trong xã hội khắc nhiệt ấy, đâu đó vẫn có những bản trẻ dám sống thật thà và dám sống để tạo ra những chân lý riêng. Những người trẻ này được gọi là những “Übermensch“.

Übermensch – khi tôi được là tôi tốt đẹp nhất. 

“The individual has always had to struggle to keep from being overwhelmed by the tribe. If you try it, you will be lonely often, and sometimes frightened. But no price is too high to pay for the privilege of owning yourself.” – Friedrich Nietzsche
“Siêu nhân” (Übermensch) được Nietzsche nhắc đến trong cuốn sách viết năm 1883 của ông, tựa đề “Zarathustra đã nói như thế” (Also sprach Zarathustra). Nietzsche quan niệm rằng: “siêu nhân, con người bị vượt qua, bị vượt lên”. Từ loài linh trưởng – cụ thể là chi Homo, con người đã trải qua cả triệu năm tiến hóa và đến ngày này chúng ta có thể tự tin nói loài người đã tiến bộ, phát triển so với với tổ tiên của mình rất nhiều. Đối với Nietzsche, siêu nhân không phải là kẻ mang trong mình sức mạnh siêu nhiên như mắt laser hay có khả năng bay lượn, "Siêu nhân" xuất hiện khi con người bị vượt qua. Ý nói ở đấy tức “Siêu nhân” là bản thể tiến hóa của con người hiện đại. Ý chí của “Siêu nhân” nằm ở khả năng phê phán và chấp nhận sự phê phán, sự phê phán hướng vào những mặt cần phê phán và có tác dụng hoàn thiện con người.
Ý chí hùng cường của “Siêu nhân” yêu cầu anh ta chỉ dựa vào bản thân và do đó tạo ra mục đích sống của riêng mình, độc lập với phần còn lại của xã hội để giải thoát con người khỏi những tư tưởng, xiềng xích giáo điều của xã hội và của chính những hoang tưởng do chính con người tạo nên. 
Điều này nghe có vẻ rất đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Bởi chấp nhận việc sống tách rời với những đánh giá dưới hệ quy chiếu của xã hội là điều rất khó khăn đặc biệt là khi ở Việt Nam, lối sống tập thể đã gắn liền trong đời sống xã hội rồi. Thái độ này đòi hỏi một sự dũng cảm đặc biệt, táo bạo và mãnh liệt với những mong muốn của mình.
Quan điểm của Nietzsche về “Siêu nhân” khích lệ con người ta dám sống hết mình, dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách để rồi vươn lên sống mãnh liệt hơn, đúng với bản chất hơn. Con người phải tự nắm lấy vận mệnh của bản thân họ chứ không đặt vào tay tổ chức, cộng đồng hay thần thánh nào nữa. 

Chọn ngành, chọn nghề hay chọn làm “Siêu nhân”? 

Dòng chảy của xã hội đưa đẩy Thế hệ Gen Z vào một “bộ khung cuộc đời” vô hình khiến người trẻ quên mất rằng mình còn có quyền và còn quá nhiều những lựa chọn khác để sống. Các bạn trẻ thực chất có thể chọn bất kỳ ngành học, công việc mình muốn hay thậm chí là không chọn học đại học chính quý để dành thời gian đó tìm hiểu, làm những gì mình thực sự khao khát. Ở đây tôi không cổ súy cho việc các bạn bỏ bê tương lai vì những mong muốn viển vông. Hãy nhớ để trở thành một “Siêu nhân” yếu tố sáng suốt và tự chủ tư duy là yêu cầu  tiên quyết.
Về vấn đề tự chủ tư duy Nietzsche đã dặn dò người trẻ như sau: “Cách chắc chắn nhất để làm hỏng người trẻ tuổi là hướng dẫn anh ta coi trọng những ai suy nghĩ giống nhau hơn là những ai tư duy khác biệt.”
Tuy nhiên “Siêu nhân”, với tính chủ động tất yếu như vậy mà việc xác định mình muốn gì, thích gì khi còn ở độ tuổi non nớt, đang phụ thuộc vào gia đình thì lại càng khó khăn, nhưng cũng không phải là không làm được. Quy trình này đòi hỏi thời gian, sự kiên trì và quyết liệt đối ở mỗi cá nhân.
Người trẻ nên tập trung vào sự phát triển của bản thân mình trên hệ quy chiếu của chính mình. Điều này nghe thì có vẻ phức tạp nhưng lại khá dễ hiểu. Tôi định nghĩa quan điểm này giống như việc bạn xác định được rõ ràng bản thân muốn biết điều gì về thế giới này hay muốn tạo ra giá trị gì cho thế giới này. Học về nghệ thuật phong kiến, học văn chương của Ai Cập cổ đại, học triết học ở Trung Đông, học những ngôn ngữ cổ,… bất kỳ kiến thức nào mà mang lại giá trị tốt đẹp và xuất phát từ mong muốn chính đáng của cá nhân thì kiến thức và công việc đó xứng đáng được biết đến và tôn vinh. 
Các bạn trẻ còn sức lực và nhiệt huyết, tại sao lại đổ hết năng lượng và thời gian quý giá của mình vào những hư vô để rồi cảm thấy trống rỗng...?

“Siêu nhân” không hoàn hảo?

Không, “Siêu nhân” quá hoàn hảo và chính vì vậy mà nó rất khó để trở thành một "siêu con người" toàn vẹn nhất. “Hoàn hảo” ở đây được phát triển từ sự soi chiếu trọn vẹn đến mức tuyệt đối với chính bản thân, không bị ảnh hướng bởi bất kỳ ngoại tác nào, cả trực tiếp và gián tiếp.
Tuy nhiên chính vì mang tính độc lập cao như vậy mà “Siêu nhân” trở nên cô độc, tàn nhẫn và “thượng đẳng”. Thử nghĩ xem, khi đã trở thành một người tách biệt về tư duy với một tập thể thì một phản ứng tâm lý dễ hiểu đó là cho rằng mình thông thái và “thượng đẳng” hơn phần còn lại của thế giới.
Thật vậy, “Con người phải trở thành tốt lành và hung tợn hơn – đó là đạo lý do chính ta giảng dạy. Điều xấu ác vĩ đại nhất thì cần thiết cho điều thiện hảo tuyệt vời nhất của siêu nhân”. Nét độc đáo của “Siêu nhân”, do đó, luôn được thể hiện khác với đám đông, nghĩa là tư duy, hành động mang nét nổi loạn và chất chứa những khắc khoải cô độc.
Những sai lệch về mặt nhận thức và đạo đức là có thể xảy ra. Khi đã chọn trở thành một “Siêu nhân”, mặc cho việc suy chiếu vào bản thân đến đâu thì những mưu cầu của bạn trẻ vẫn cần dựa trên động cơ hướng thiện và tránh xa những lệch lạc về luân lý cơ bản của con người. "Vượt trên con người" không phải bạn phá bỏ tất cả những giá trị cốt lõi tốt đẹp của giống loài mình. Phê phán những tồn đọng, quy chiếu hạn hẹp của xã hội nhưng cũng phải chấp nhận phê phán những hạn chế, xấu xa của bản thân và cải thiện nó. Các bạn trẻ nếu như không hiểu rõ điều này có thể dẫn đến những lối tư duy độc đoán và đi ngược lại những luân lý đúng đắn cơ bản của con người và lúc này thì hệ quả thậm chí còn tệ hại hơn. 

“Siêu nhân” ở trong mỗi con người.

Chọn ngành hay chọn trường, cũng như bao quyết định khác mà người trẻ đưa ra trong cuộc đời. Nó có thể mang tính bước ngoặt hoặc cũng có thể bình thường như việc chọn món ăn trong nhà hàng. Và bởi vì những bạn trẻ của tôi, các bạn còn trẻ, cái "lý do, lý trấu" thiêng liêng mang tên tuổi trẻ này cho phép bạn có thể sai và sửa. Nhưng những cái sai này cần đánh giá trên thang chấm của bản thân chứ không phải cái đúng, cái sai của cộng đồng xung quanh. Bạn học kinh tế, tốt thôi, nhưng không vì nó kiếm ra nhiều tiền của hay vì thị trường công việc bảo bạn vậy. Những lý do đó chỉ mang lại hạnh phúc tạm thời. Bạn nên học kinh tế vì bạn quan tâm đến nó, yêu những giá trí mà đồng tiền mang lại, cách mà nó vận hành xã hội,… Những niềm đam mê trong trẻo mới khiến bạn hạnh phúc với việc học và mang lại những giá trị thực sự trong tương lai.
Quan điểm của Nietzsche về “Siêu nhân” hay “Übermensch” còn gặp nhiều tranh cãi trong giới triết học. Tuy nhiên, cũng như những quan điểm triết học vĩ đại khác, chúng ta nên nhìn nhận nó với thái độ tôn trọng và cởi mở. Bạn có thể chọn con đường cho riêng mình, trở thành một “Siêu nhân” dù trả giá đắt nhưng tôi tin kết quả sẽ rất xứng đáng. Hoặc các bạn trẻ có thể lựa chọn việc chỉ áp dụng những định hướng mang tính tích cực từ quan điểm này. Bắt đầu với việc nhìn vào cái “tôi” nhất của bản thân, táo bạo với những khao khát, không phụ thuộc vào sự đánh giá của thế giới bên ngoài, dám hiên ngang sống vì mình, là mình và tìm ra mục đích sống riêng cho bản thân. Theo tôi đây mới thực sự là giá trị nhân văn tốt đẹp từ quan điểm của Nietzsche mà chúng ta, con người có thể học tập và áp dụng. 
Bạn vốn đã là những “Siêu nhân”. Những “bộ khu cuộc đời” như việc đi tới trường hay đi làm ở công ty, thực chất không phải nghĩa vụ bắt buộc của con người mà là do con người tự đặt tên bằng ngôn ngữ và tạo ra đủ lâu để nó bám rễ vào tư duy của cả một cộng đồng lớn. Những người trẻ của tôi, chọn ngành, chọn nghề không nên là câu hỏi khiến bạn lo lắng và buồn bã vì nó. Câu hỏi cần bạn quan tâm là bản thân bạn chọn là ai? Bạn muốn tạo ra điều gì? Dù bạn muốn hay không, “Siêu nhân” vẫn đã và đang tồn tại trong bạn, nó có thể đang ngủ yên và cần được đánh thức. Chỉ cần bạn, những bạn trẻ của tôi, bạn đủ dũng cảm để chấp nhận và tìm ra tố chất “siêu nhân” phi thường bên trong chính bản thân mình, xả thân vì nó, cố gắng vì nó thì tôi tin không có xiềng xích nào có thể trói buộc bạn bay cao được cả. 
Tác giả: An Oddball Kinsei.