Môn học chuyên ngành đầu tiên của tôi là ngữ văn Anh. Tôi tốt nghiệp đại học năm 1981. Dạy môn văn chương Anh cho đến năm 1993 thì được học bổng sang Mỹ học ngành Đông Á Học, tốt nghiệp MA năm 1995. Sau đó được viện Harvard-Yenching tiếp tục tài trợ, tôi xin vào học chương trình tiến sĩ tôn giáo học tại Boston, lấy bằng năm 2001. Có nghĩa là từ khi đi học những môn mà tôi thích thú thật sự chỉ là ngọai ngữ, triết học, tôn giáo, văn học, nói chung là các ngành nhân văn, xã hội. Ngay trong thời trung học tôi ghét nhất là các môn toán, lý, hóa, nói chung là khoa học tự nhiên.
Từ năm 2001 do nhu cầu kiếm sống tôi chuyên đi dịch cho các khóa đào tạo quản trị kinh doanh và phát hiện ra mình hoàn toàn dốt nát về thế giới thật. Tối ngày đọc tiểu thuyết Haruki Murakami hay nghiên cứu tư tưởng Nagarjuna khiến cho tôi trở thành hoàn toàn dốt nát về những sức mạnh thực sự đang chi phối thế giới. Một trong những sức mạnh đó là các công ty, doanh nghiệp, xí nghiệp, các tập đoàn kinh doanh siêu quốc gia. Quản trị kinh doanh đối với tôi như một loại thiên khải mới: tôi bắt đầu nhận thức thế giới từ một góc nhìn khác hẳn. Tuy vẫn tiếp tục ái mộ Mạc Ngôn và Murakami, giờ đây tôi thích đọc P. Kotler, M.Porter, G.Hamel, D. Aaker, Tôn Thất Nguyễn Thiêm nhiều hơn, dành nhiều thời gian hơn vào việc nghiên cứu tác phẩm của họ. Tôi bắt đầu nhìn nhận vai trò hết sức quan trọng của kinh doanh trong cuộc sống và quan tâm theo dõi sự phát triển của các thương hiệu lớn. So với bạn bè đồng trang lứa, đồng học, tôi cảm thấy mình hiểu biết về hoạt động của Toyota, IBM, Dell, Sony, Samsung, Fedex rõ ràng là hơn hẳn một trời một vực. Bạn bè tôi bắt đầu ngán tôi vì thấy hai bên không còn hợp “rơ” nữa. Hầu hết các bạn bè tôi vẫn chỉ quanh quẩn bên cạnh Hemingway, Bùi Giáng, Basho, Kim Dung, còn tôi chỉ khoái thảo luận tư tưởng của Gary Hamel hay phân tích chiến lược của Unilever. Đó là chưa kể những mô hình phân tích trong ngành quản trị kinh doanh không những có ích cho những người điều hành doanh nghiệp và ngay cả những cá nhân bình thường cũng có thể áp dụng để cải thiện chất lượng cuộc sống. Ví dụ mô hình SWOT hay công cụ BSC (Balanced Scorecard) có thể áp dụng cho một quốc gia, doanh nghiệp, hay một cá nhân cũng đều có hiệu quả như nhau.
Nhưng trong một dịp phiên dịch cho một giáo sư chuyên gia về kinh tế-tài chính, tôi lại kinh nghiệm một thứ thiên khải mới. Chính kinh tế-tài chính mới là cốt lõi của mọi vấn đề. Hầu hết mọi người đều cho rằng đây là một môn học hết sức khô khan, chẳng có gì hấp dẫn, và không liên quan gì đến cuộc sống “thực”. Cuộc sống “thực” theo họ là tình cảm, tình yêu, là quan hệ gia đình, là nhậu nhẹt với bạn bè, là làm thơ tình tặng người yêu, là tán gái, là theo trai…v..v…Đúng là kinh tế và tài chính thì không thể lãng mạn được. Chẳng có một chút gì là sự ấm áp của tình người khi đọc vào một cuốn sách kinh tế học hay một cuốn giáo trình thị trường chứng khoán. Tất cả chỉ là những con số buồn tẻ, lãnh đạm. Nhưng sức mạnh của chúng chính là chỗ đó: kinh tế học hay khoa học tài chính không quan tâm đến tình cảm của con người. Thậm chí chúng còn lợi dụng những tình cảm đó (thành kiến, sự tham lam, sự sợ hãi) để tấn công vào túi tiền của con người. Khi nghiên cứu quản trị kinh doanh, tôi tưởng các tập đoàn siêu quốc gia là nhất, là những kẻ nắm vận mệnh thế giới trong tay, nhưng khi nghiên cứu kinh tế-tài chính, tôi thấy điều đó chỉ đúng một phần. Chính các hệ thống tài chính-ngân hàng mới thực sự là ông chủ nhân của thế giới. Hay nói cho thật chính xác, tập đoàn tài chính+nhà nước+tập đoàn kinh doanh xuyên quốc gia đã tạo ra một “công ty thống trị toàn cầu” nắm quyền chi phối tất cả từ chiến tranh giữa các vì sao đến vòng eo lý tưởng của phụ nữ, từ những lý luận triết học cao siêu nhất, từ những tổ chức tôn giáo thiêng liêng nhất, cho đến ý nghĩ hàng ngày của một tiểu thương chợ Bến Thành. Tất cả đều nằm trong vòng kim cô kềm tỏa của tài chính-chính trị-kinh doanh. Ngay cả những đoạn văn độc đáo nhất của Murakami cũng thuộc về văn hóa Mỹ: thái độ “không phán đoán” của ông đối với tình dục, cũng như toàn bộ cái gọi là tư tưởng hậu hiện đại, là một làn sóng nhỏ trong cơn bão táp của toàn cầu hóa đưa các giá trị của Mỹ đi đến tận những cánh rừng bạt ngàn của Phi Châu. Do các nhận thức này chi phối, sách gối đầu giường của tôi hiện nay là J. Stiglitz (hai bộ sách viết về toàn cầu hóa kinh tế), T. Friedman (cũng hai bộ Thế Giới Phẳng và Chiếc Lexus & Cây Ôliu), Song Hongbinh (Chiến Tranh Tiền Tệ), và bộ Tự Điển Phân Tích Kinh Tế. Tôi có cảm giác các nhà quản trị (nước ngòai, trong nước, kinh doanh và phi kinh doanh) vẫn chưa thực sự có những hiểu biết vững chắc về các lãnh vực thuộc kinh tế-tài chính. Các giáo trình về quản trị kinh doanh thường chỉ bàn lướt qua về các chủ đề này. Cũng theo cảm nhận chủ quan của tôi, chính do sự thiếu hiểu biết về tài chính (ngay cả một người có bằng tiến sĩ kinh tế như Alan Greenspan mà còn chẳng hiểu biết mô tê gì về các vấn đề này) mà các chủ tịch hội đồng quản trị hay các CEO của các doanh nghiệp lớn đã giao trọn số phận của họ cho các phù thủy bậc thầy về tài chính, những người chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc làm sụp đổ hệ thống kinh tế-tài chính của Mỹ hiện nay.
Từ kinh nghiệm tự học của bản thân tôi nghĩ đến cuộc tranh luận đang diễn ra hiện nay về cải cách giáo dục. Nếu giáo dục phải đảm nhận chức năng quan trọng nhất là nhận thức- nhận thức về thế giới, nhận thức về bản thân, nhận thức về xã hội- thì một chương trình học thực sự phải là Thế Giới Học, một ngành học tổng hợp của nền văn minh thuộc Làn Sóng Thứ Ba và chương trình này có thể bắt đầu ngay từ cấp tiểu học. Nhận thức về thế giới tự nhiên nên học ở cấp tiểu học. Nhận thức về bản thân trong mối quan hệ với người khác nên học ở cấp trung học (tâm lý học+xã hội học+triết học). Nhận thức về xã hội (vai trò của 3 thiết chế quan trọng nhất: nhà nước, hệ thống tài chính, các tập đoàn kinh doanh, cũng như vai trò của các tổ chức dân sự) nên học ở cấp đại học. Tất cả các môn học có liên quan đều có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nhau và được thống nhất dưới tên gọi chung là Thế Giới Học. Lối học và nội dung học của hệ thống giáo dục truyền thống chẳng những đã không giúp chúng ta nhận thức đúng đắn về cơ cấu thực sự của thế giới mà còn bịt mắt chúng ta không cho phép chúng ta nhìn thấy các cơ cấu đó. Cái học chuyên môn hóa kiểu Mỹ (chia thật nhỏ thực tại ra cho đến khi thực tại hoàn toàn biến mất) và cái học văn chương hóa kiểu phương Đông (khinh bỉ hoàn toàn những gì không liên quan đến sự tu dưỡng nội tâm) đều có chung một chức năng: phá hủy sự nhận thức của con người về thực tại, một thứ thực tại phức hợp, đa dạng, biến đổi và bị nhào nặn bởi các lực lượng chính trị, kinh tế, tài chính, và thương mại.
Cũng từ việc nghiên cứu thêm về lãnh vực kinh tế-tài chính tôi thấy những nhà triết học lại càng xa rời thực tế hơn nữa (ngoại trừ Marx có lẽ là triết gia duy nhất trong lịch sử triết học có một kiến thức sâu sắc về kinh tế học) trong khi mục tiêu chính của triết học là phải giúp chúng ta nhận thức được cấu trúc của thực tại đang vận hành. Adam Smith thì cố gắng trở thành triết gia nhưng lại được lưu danh sử sách là thủy tổ khai sáng ngành kinh tế học hiện đại. Michel Foucault, thần tượng của tôi, bàn đủ mọi chuyện từ y khoa đến nhà tù, bệnh điên, và tình dục, nhưng chưa bao giờ ngó ngàng đến kinh tế-tài chính. Điều đáng nói là ngay những nhà kinh tế học thì chỉ biết khép mình trong lãnh vực chuyên môn hết sức nhỏ hẹp của họ nên về phương diện giúp chúng ta nhận thức thực tại họ còn tệ hại hơn nhiều so với các triết gia. Thỉnh thoảng cũng có những ngoại lệ: Stiglitz, Keynes, Hayek, những kinh tế gia chuyên nghiệp bước ra khỏi tháp ngà chuyên môn của mình để thảo luận những vấn đề chính trị, xã hội, triết học và gần đây là Stephen Levitt, những người giúp chúng ta phần nào nhìn thấy được diễn biến của thế giới thực tại thông qua các công cụ của kinh tế học.
Hình như đây cũng là điều các thế lực tài chính mong muốn: càng ít người hiểu biết về họ càng tốt. Ở đây lý thuyết bất đối xứng thông tin của Joseph Stiglitz tìm được một nơi áp dụng thích hợp: chừng nào chúng ta còn mù tịt về những gì đang vận hành thế giới này, các siêu tập đoàn chính trị-kinh doanh-tài chính vẫn tiếp tục ung dung bóp nặn thế giới này theo ý đồ của họ.
Thế Giới Học không cho chúng ta biết những ông chủ thực sự của thế giới là ai. Điều đó là bất khả thi về mặt nguyên tắc, nhưng đó là con đường duy nhất dẫn đến việc tái nhận thức và tái kiểm tra hệ thống nhận thức của chúng ta về thực tại với mong muốn thay đổi thực tại đó. Theo tôi, văn minh nhân loại đang diễn biến theo một trình tự của triết học Hegel: hợp đề (làn sóng thứ nhất, nếu nói theo danh từ của A. Toffler) là văn minh phương Đông: quy tất cả những gì phồn đa phức tạp trong thế giới bên ngoài vào những nguyên tắc bên trong nội tâm, phản đề (làn sóng thứ hai) là văn minh phương Tây, từ bỏ thế giới bên trong để vươn ra khảo sát và chế ngự thế giới bên ngòai thông qua thao tác phân tích chẻ nhỏ thế giới đó thành manh mún li ti, hợp đề (làn sóng thứ ba), trở về với nội tâm sau con đường phân tích ngoại giới, nâng cao nhận thức lên một tầm cao chất lượng mới (hiểu rằng ngay cả sự phân biệt giữa chủ thể và khách thể cũng chỉ là giả tạo). Làn sóng thứ ba này sẽ kết hợp những thành tựu của làn sóng thứ hai thành một loại khoa học mới: Thế Giới Học.
TS. DƯƠNG NGỌC DŨNG