Tương ứng: From Truant to Anime Screenwriter, My Lesbian Experience with Loneliness, Cibele
Có thể lần về một khoảng thời gian trước để giải thích cho những gì xảy ra bây giờ. Giống như nếu ai bữa nay bộc phát triệu chứng thì đó là chỉ báo cho biết một vụ lây truyền có thể đã diễn ra từ một, hai tuần trước đó. Hoặc giống như một tác giả hồi ký kể lại những chuyện xa lơ xa lắc hầu giới thiệu đây là cái quá khứ đã làm nên chính họ hiện tại. Ta lần về hồi đó.
Tôi nhớ lại anime đã đa dạng hóa từ chỗ chỉ dành cho thiếu nhi đến chỗ cho thêm cả thanh thiếu niên khi nào. Anime Gundam ra đời vào 1979, được đón nhận bởi những khán giả đã lớn lên sau thời Tezuka khởi động hoạt họa truyền hình bằng Tetsuwan Atom (1963), và đạo diễn Tomino của Gundam cũng là người mà vào buổi khởi đầu sự nghiệp đã tham gia dàn dựng anime (lại nữa) Tetsuwan Atom. Những tác giả và khán giả trưởng thành trong bầu không khí của anime, đã kéo anime trưởng thành theo họ.
Rồi khi nào anime cho otaku phát triển? Có phải là đâu đó hồi một nhóm otaku rủ nhau tự vẽ phim nghiệp dư để chiếu tại ngày hội Daicon IV (1983), và bọn họ liền đó lập thành hãng phim Gainax chuyên làm phim nhắm vào đối tượng otaku? (Lan man: Những người tham gia tích cực vào truyện tranh Việt bây giờ có phải cũng lớn lên sau cái thời Đôrêmon được xuất bản ở VN năm 1992 không?)
Dông dài vậy, chẳng qua tôi thấy ngạc nhiên khi gần đây tiếp cận được kha khá những tác phẩm tự thuật của những cô gái nhốt mình trong nhà. Có lẽ rằng phía tác giả đã cảm thấy thoải mái với đề tài này, và phía khán giả/độc giả cũng đã nhốt mình đủ lâu trong nhà để đồng cảm với loại tác phẩm này.
Tôi được vỡ lòng với thuật ngữ hikikomori từ cuốn tiểu thuyết Welcome to the NHK, xuất bản 2002 thì khá lâu rồi, công nhận, nhưng tôi đọc nó hồi cách đây chưa tới 10 năm thôi. Có điều thời đó nó là sách hư cấu, góc nhìn của một anh trai, và hikikomori thì đâu có bình thường, đâu có dễ cảm thông – Welcome to the NHK là một hồi chuông cảnh báo, cho người chuẩn bị bước vào thế giới M-A (và biết trước sẽ dễ sa chân).
Chớp mắt mấy cái, giờ đây tôi đã chứng kiến một nữ biên kịch nổi tiếng hàng đầu ngành anime viết hồi ký kể chuyện hikikomori, tức Okada Mari viết From Truant to Anime Screenwriter. Một phụ nữ, kể chuyện đời thật, và đã là người thành công. Bản tiếng Nhật ra mắt năm 2017, Okada sinh năm 1976 – 40 tuổi hơn là sự nghiệp đã khá khẩm và có fan đông đảo để tự tin viết hồi ký.
Trước khi bản dịch tiếng Anh xuất bản ra quốc tế, Kim Morrissy (cũng là dịch giả) đã tóm tắt nội dung sách đăng lên Anime News Network, là một phiên bản giới thiệu ngắn gọn, kỳ thú, và hẳn đã thay đổi cái nhìn của nhiều người về Okada (tôi thuộc hàng bắt đầu xem nhiều phim của Okada hơn từ sau bài này).
Nên ở góc độ PR cho phim Okada thì cuốn sách thành công đấy chứ. Okada Mari là nhân tố chủ chốt khởi động cho cái mà nhiều người gọi là “bộ 3 Chichibu” – bao gồm 3 anime AnoHana, KokoSake, SoraAo – tất cả đều đặt bối cảnh ở quê nhà Chichibu của bà, được viết từ kinh nghiệm cá nhân, và mang ít nhiều cảm giác hoài niệm. Lẽ thường đạo diễn hoặc nhà sản xuất là người định hướng cho phim, nhưng như Okada kể trong sách, tất cả bắt đầu khi một kịch bản dự thi của bà giành chiến thắng, và hy hữu thay, lần này Okada được quyền chọn đội ngũ sản xuất để phục vụ cho kịch bản của mình. Lựa chọn của Okada cũng đã mở đường cho một “bộ 3 1976” nữa, 3 nhà làm phim sinh cùng năm, cùng thực hiện “bộ 3 Chichibu” và gần như nở hoa cùng một lúc với dự án anime AnoHana: biên kịch Okada Mari, đạo diễn Nagai Tatsuyuki, thiết kế nhân vật & chỉ đạo hoạt họa Tanaka Masayoshi. Năm 2011 khi ra mắt, AnoHana đã thành công to, và nhân vật chính của nó – Jintan – là một hikikomori.
Okada đã khiến khán giả thông cảm cho Jintan trên phim, thì bà cũng làm độc giả thông cảm với một Okada ngoài đời thực. Cuốn sách giúp làm sáng tỏ nhiều điều về Okada, những điều bà sẽ mang theo vào nhiều kịch bản anime nguyên tác, như thời học trò là nạn nhân của bắt nạt, không thể hòa đồng, rồi trốn học liên tục, kéo theo sau đó là quan hệ ngày càng căng thẳng với một bà mẹ đơn thân đã sẵn nhiều uất ức, dồn tụ mãi cho đến một khoảnh khắc bùng nổ: ngày nọ, mẹ của Okada cầm dao xông vào đứa con gái vì “có một đứa con như mày thật xấu hổ không chịu nổi”.
Cuộc sống của một đứa học trò trốn học dĩ nhiên chỉ quanh quẩn ở nhà, nhưng Okada vẫn viết ra thành một cuốn sách không nhàm chán, vì bà có sự đánh giá lại quá khứ và nhìn nhận lại tình trạng bản thân. Okada là một trường hợp trốn học “thời xưa”, tức là thời còn chưa có internet để níu chân giải trí, và mỗi ca bỏ học đều rất cá biệt, bị liên tục chú ý và đàm tiếu, lại nhằm ngay ở một Chichibu quê mùa, nhìn đâu cũng thấy núi non, mà trong mắt Okada ngày trẻ không khác gì một nhà tù ngăn cách người ta với thế giới bên ngoài. Xuyên suốt thời học sinh, Okada vẫn là một ca bệnh khó chữa. Ở nhà thì mệt mỏi, tội lỗi với gia đình, lên lớp thì hễ nhìn thấy ánh mắt soi mói, phán xét xung quanh, bụng lại đau quặn lên và quyết chí bỏ về. Kỳ vọng và tội lỗi, phán xét và xấu hổ, là những vòng luẩn quẩn có từ trước khi người ta có thể đổ thừa cho các phương tiện giải trí của thời đại mới.
Có thể đi đến ngày hôm nay, Okada cũng không tầm thường chút nào (xin lỗi, tôi từng đánh giá thấp Okada). Cuốn hồi ký kể Okada đã giỏi đọc kanji từ bé, và trong khi bạn bè đang vật lộn đánh vần thì bà đã đọc tủ sách già dặn hơn ở nhà của người dì. Okada không phải bỏ học tính theo từng đợt một, hai ngày, mà tính theo từng 3, 4 tháng, ở nhà toàn đọc truyện với chơi game, vậy mà cũng chật vật qua lớp và lên tới đại học, rất dữ dội. Đi kèm với cô học trò giở chứng là đủ mọi nỗ lực của biết bao giáo viên suốt thời học sinh của bà. Có ông thầy hù sẽ cùng cả lớp đến tận nhà gõ cửa nhưng rốt cuộc thì mặc thây, có cô giáo phát hiện khả năng viết văn của Okada và dụ bà viết văn dự thi để cho qua lớp. Trường hợp thành công nhất, mà Okada hết sức mang ơn, là ông giáo Shimotani đã kiên nhẫn đều đặn gọi điện tới nhà, giao bài làm văn, rồi sửa bài qua điện thoại. Ấn tượng hơn nữa là số sách mà ông thầy đã giới thiệu, chủ yếu về những phụ nữ gặp khủng hoảng trong đời. Những mây mờ trong tâm trí, những suy nghĩ tự dối gạt bản thân, những điều khó lòng chấp nhận… của Okada đều phơi bày ra khi phải đối diện các tác phẩm ấy.
Đến một ngày bỗng ông thầy đưa bài làm văn của Okada cho cả vợ của ông đọc, và gợi ý hai người làm bạn. Một diễn biến rất kỳ quặc, nhưng Okada cũng miễn cưỡng gặp mặt bà vợ. Hóa ra cô học trò quý mến người bạn mới này ngoài sức tưởng tượng. Lần đầu tiên Okada gặp được một ai khác cũng ngượng ngùng, nhỏ nhẹ, giao tiếp khó khăn, ở sát gần mình như vậy. Phút chia tay, để tỏ lòng gắn bó, Okada vụng về nói một câu: “Em thường thấy không thoải mái khi ở gần những người tự tin.” Ngay lập tức, Okada nhận ra vợ của thầy đã tổn thương vì bị ngụ ý là “thiếu tự tin”, và bà hối hận rất lâu vì lời buột miệng đó.
Nhưng những đứa ru rú trong nhà, dằn vặt vì xem mình là một thứ của nợ của xã hội, đúng là thiếu tự tin, và đúng là mặc cảm khó hòa hợp với những người tự tin, cảm thấy thoải mái hơn khi ở cạnh những đứa ngượng nghịu giống mình (chỉ là đừng nên nói thẳng mặt ra cho đau lòng nhau). Việc biết rằng còn có những người khổ sở đang cố gắng ngoài kia cũng rất có tác dụng an ủi và động viên tinh thần. Có lẽ đó là một trong những điều mà tôi thích về cuốn sách này. Như Okada từng thích những cuốn sách được thầy giáo giới thiệu cho bà.
Trước hồi ký của Okada một năm, vào 2016, Nagata Kabi – một thanh niên vô danh vô dụng – đã cho ra mắt một bản báo cáo bằng tranh My Lesbian Experience with Loneliness, và kéo theo sau đó là 2 tập manga kiêm nhật ký My Solo Exchange Diary. Nagata là thế hệ “của nợ xã hội” sinh sau Okada một thập kỷ (1987), nhưng cũng cùng chung cảm hứng bộc bạch chuyện đời trong cơn khủng hoảng để nối gót tiền nhân.
(Lưu ý: Đọc manga theo trình tự từ phải sang trái.)
(Lưu ý: Đọc manga theo trình tự từ phải sang trái.)
Nagata Kabi không đến nỗi tự nhận là hikikomori, gia đình cha mẹ đầy đủ, nhưng không như trường hợp Okada lên đại học xong thì thoát hiểm, mà từ sau phổ thông mới là khoảng thời gian Nagata ngày một xuống dốc, lệ thuộc, trầm cảm. Bây giờ muốn viết truyện về bản thân thì lấy gì thuyết phục cho người đời đọc? Phải tìm ra một sự kiện đặc sắc nào đó chứ. My Lesbian Experience ra đời trong cảnh cùng đường: Nagata chìa tay xin tiền mẹ để lén đặt dịch vụ gái điếm đồng tính ở khách sạn, đi xong rồi về nhà vẽ lại bản báo cáo dài kỳ đăng lên pixiv, kể chuyện “làm sao mà tôi đi đến bước đường này”.
Đẩy con chuột vào đường cùng, nó sẽ rối trí quay ra cắn lại bạn. Đẩy một phụ nữ 30 tuổi vào đường cùng, cô ấy sẽ lôi ra cả những bài viết cringey nhất của mình để mà đăng Spiderum.
Đẩy con chuột vào đường cùng, nó sẽ rối trí quay ra cắn lại bạn. Đẩy một phụ nữ 30 tuổi vào đường cùng, cô ấy sẽ lôi ra cả những bài viết cringey nhất của mình để mà đăng Spiderum.
Quả là fan Dazai Osamu, cuộc đời kể ra thê thảm làm người ta lắm lúc phải cau mày, thiếu điều ụp mặt vào tay. Nagata nhớ lại chứng cuồng ăn khi đi làm thêm, có hôm bày đặt đi vệ sinh ở chỗ làm để ngấu nghiến gói mì sống cứng ngắc, máu miệng thấm cả cục mì mà không hay. Cô nhớ lại luôn thói quen rạch tay (đến độ tay lâu lâu bị chảy nước vàng vàng), bỏ bê vệ sinh cá nhân (quần lót mặc 3 ngày mới thay), những ngày thất nghiệp và điều trị tâm lý. Cuốn My Lesbian Experience là còn đỡ, tác giả mượn cái cớ đi love hotel để nhìn lại 10 năm trượt dốc, tức là đứng ở hơi xa xa nhìn lại. Sang đến My Solo Exchange Diary, Nagata đã gần cạn chuyện để khai thác, nên viết theo dạng nhật ký, và người đọc sẽ có cơ hội chứng kiến sự bất ổn của khổ chủ theo thời gian thực: dùng dằng chương trước vui vẻ ở trọ thoát ly gia đình, chương sau biện minh lý do chuyển lại về nhà với mẹ, chương trước khoe đi chơi, chương sau kể bị bác sĩ tâm lý bắt nhập viện (và ngồi vẽ luôn trong bệnh viện).
Vậy rồi ai đọc cái này? Tác phẩm truyện mạng pixiv của Nagata thu hút được nhiều sự chú ý đến nỗi có NXB liên lạc để in thành sách ở Nhật. Và khi Seven Seas phát hành bản dịch tiếng Anh thì nó lại đại thắng nữa, bao gồm giải Best Manga năm 2017 của Crunchyroll (Crunchyroll thì chả đáng tin, nhưng ít ra cho thấy cái manga lạ lùng khiêm tốn 1 tập này cũng không ế). Người ta thương cô gái Nhật thê thảm, lại càng ủng hộ vì cô góp tiếng nói thành thật táo bạo cho chủ đề bệnh tâm lý và giới tính. Cuốn sách bộc phát của Nagata khi bị dồn tới chân tường đã tìm được sự cộng hưởng ở thời đại (cũng vừa lúc mấy nhóm ủng hộ LGBT đang mạnh miệng hơn).
(Kể ra ở Nhật thì một tác giả tự nhận đồng tính và đứng ra viết tự thuật thế này là rất can đảm nhỉ? Với Nagata thì can đảm hơn nữa là phải đối diện với gia đình sau khi bà mẹ đọc quyển sách đầu tay của con và phát hiện ra con mình là như vậy. Về kịch tính gia đình và những thay đổi sau khi bí mật của tác giả đã bị vạch trần trước bàn dân thiên hạ, xem thêm tập sau: My Solo Exchange Diary.)
Không như Okada tỏ ra trưởng thành, thông thái so với phiên bản hikikomori trong quá khứ của bà, Nagata chẳng trưởng thành hay thông thái gì cho cam. Sách thì đọc của tác giả nam sầu đời, kinh nghiệm tình dục thì lấy từ các manga Boys’ Love, thỉnh thoảng giải thích các hành động của bản thân bằng “tôi đọc ở đâu đó”, “tôi tra trên mạng thấy”, “có bạn trên pixiv bình luận rằng”, “chắc là”, “có lẽ”, nói chung mò mẫm như thầy bói xem voi. Okada truy lần về tới thời còn con nít, thậm chí truy luôn cuộc đời của bà mẹ, còn Nagata chỉ lấy mốc 10 năm trước, mà tôi nghi không phải gốc bệnh, vì bản thân cô Nagata hồi 18 tuổi vấn đề cũng đã đầy ra. Đọc My Lesbian Experience tôi cứ thấy rất mù mờ, rất đáng ngờ, hồi đọc hết cả cuốn vẫn chưa tin Nagata là gay (với cái lối giải thích “hình như tôi mê mẹ tôi, chắc là có phức cảm gì, tôi rất thèm được mẹ ôm, chắc là tôi mê gái”), mãi sang cuốn Solo Diary mới tin hơn. Thật sự thì, MLEWL rất giống chất lượng blog tâm sự, có điều tất thảy được vẽ và giải thích bằng tranh, và được in ra thành sách cho mọi người bàn luận, trở thành một câu chuyện đại diện.
Cái cứu vớt cho cuốn manga này là tác giả rất thật thà và nhạy cảm khi phơi bày toàn bộ những khó khăn bản thân phải vật lộn. Okada bực bội muốn được tung bay, độc lập, còn Nagata từ đầu đã xác định mong muốn được người xung quanh đón nhận, thèm ôm (và bởi vậy cảm giác cô đơn càng mạnh mẽ). Okada xung đột với mẹ như nước với lửa, Nagata thì tha thiết làm đẹp lòng người thân. Chỉ cần nghe mẹ hỏi bâng quơ “Sao con nghỉ nhiều thế?”, Nagata đã thổn thức chạy ra đường để giải phóng cảm xúc tội lỗi. Trong câu chuyện về các thanh niên vô dụng bám rễ trong nhà ở Nhật, thật sự không thể thiếu vấn đề gia đình.
Nagata nhút nhát, thiếu tự trọng, lúc nào cũng thấy có lỗi với thế giới. Hễ thấy thú ăn chơi thì phải tránh xa ra, dặn lòng là ta không xứng đáng. Nhưng cũng trong mắt Nagata, những người bên ngoài đều rất được tôn trọng, kể cả cô escort cũng hiện lên hết sức tốt lành. (Và công ty gái ngành mà Nagata đặt hẹn này chẳng mấy chốc phát hiện ra cuốn sách, liền quảng cáo tích cực trên mạng xã hội cho tác giả.)
MLEWL không giỏi đưa ra giải thích hay giải pháp sáng suốt, nhưng đã làm hết sức để mô tả đời sống nội tâm của cô gái nhạy cảm Nagata. Không thiếu hài hước, nhiều lúc bi quan ảm đạm, đa phần thời gian cảm xúc mong manh đến nỗi chỉ cần sự xuất hiện của một chút lời nói hay hành động ấm áp nào đó là đủ gây cho người ta xúc động mạnh. Hạnh phúc cũng trở thành một lời chúc xa xỉ. Còn cô đơn là mặc định.
Lại trước nhật ký của Nagata 1 năm, vào 2015, Nina Freeman (1990) bên Mỹ cũng làm game kể lại kinh nghiệm tình dục lần đầu (mà theo ngôn ngữ của Nagata: “giao tiếp cao cấp”). Câu chuyện xảy ra vào 2009, khi Nina mới lên đại học, suốt ngày bám máy chơi game online, và phải lòng một anh bạn cùng chơi. Okada là biên kịch thì viết sách hồi ký, Nagata là họa sĩ thì vẽ manga nhật ký, Nina là nhà làm game thì đi dựng game mô phỏng quá khứ của mình, một thứ tự thuật ở thời đại công nghệ thông tin.
Trong 3 cô thì cô này trẻ nhất (9x so với 8x & 7x), tác phẩm cũng non nhất (dự án tốt nghiệp đại học được hoàn thiện thành game bán), câu chuyện cũng nhạt nhất, không có gì đạt đến mức đặc sắc, thật sự không thể mong đợi gì nhiều. Tôi cũng có phần không công bằng với nó vì tôi không phải dân chơi game, không hạp văn hóa Mỹ, và với trò này thì tôi quyết định xem playthrough trên youtube thay vì tải về. Nhưng mặt khác tôi cũng rất bao dung với một đồng chí nữ mọc rễ ở phòng, đốt thời gian chơi game và xem anime, ghiền Nhật, mê fan art, viết blog ngô nghê, làm thơ lưu trong máy, dán poster gái moé trên tường, và ở tuổi gần sát với tôi.
Cibele gợi nhớ nhiều đến tiền-game Gone Home, trò chơi hư cấu mang nhiều tính tự thuật kể về một cô gái trẻ hoang mang, đặt người chơi vào không gian nơi họ có thể khám phá ra nhiều bí mật của nhân vật nhất (và không có gì quá ngạc nhiên, hãng Fullbright làm Gone Home đã quyết định tuyển dụng Nina Freeman sau đó). Với Gone Home, đó là ngôi nhà của năm 1995; với Cibele, đó là cái máy tính năm 2009. Đập vào mắt người chơi là màn hình máy tính của Nina 19 tuổi, với những folder lưu các ghi chép và hình chụp vớ vẩn, kèm mấy tin nhắn mạng, và một game online Valtameri (ý là Final Fantasy XI) chờ sẵn.
Giao diện trong game: Nina Freeman đóng vai chính mình, và chia sẻ hình thật của bản thân.
Giao diện trong game: Nina Freeman đóng vai chính mình, và chia sẻ hình thật của bản thân.
Đây là một tự thuật về sự trẻ dại. Không dễ gì tìm được biểu hiện sâu sắc trong cái máy tính này, không chút ebook, tài liệu học tập, hay những dòng văn chiêm nghiệm. Không, hình chụp thì phải selfie, nghiệp dư, blog thì phải viết những câu biện hộ lủng củng và xì-tin, profile thì phải liệt kê game và anime nhăng nhít, bạn bè thì phải chat chit chuyện bồ bịch người này người kia. Có nhiều thể loại cô gái ru rú trong nhà, ở đây là một cô bị cuốn hút vào máy tính, quá say đắm viễn cảnh tình yêu qua mạng, và việc trốn từ đời thực lên không gian internet cũng không giấu được sự vụng về của cô ấy.
Nina thì không giải thích lằng nhằng gì về tình cảnh quá khứ, chỉ bày hết ra, ai muốn nghĩ gì thì nghĩ. (Dĩ nhiên như đã nói, cô bày ra toàn mấy thứ trẻ trâu cạn cợt.) Tôi lại lan man nhớ đến có một bà nghệ sĩ Tracey Emin (1963) từng bứng cả cái giường mình nằm mà đem đi triển lãm, cho ai muốn thấy gì thì thấy, kể cả thấy quần lót và băng vệ sinh. Tracey Emin tiếp thị bản thân bằng shock, sex, bệnh tâm lý, ngoài nghệ phẩm “Giường tôi” thì còn trưng bày một nghệ phẩm cái lều thêu tên những ai từng làm tình với bà, để khoe. Tôi muốn chê Emin, nhưng vì không rành nghệ thuật thâm sâu nên đành bớt nói bừa lần này. Trong cả bài viết này về các cô gái xa rời xã hội, tôi tán thành cuốn hồi ký của Okada nhất – một người có chuyện cá nhân lẫn chuyện công việc để kể. Ngoài đó ra, các cô gái đã vô dụng mà cứ muốn tự bạch thì rất dễ sa vào bày trò dễ dãi, hoang tưởng và ái kỷ, và làm tốn thời gian người khác. Thứ gỡ gạc cho Cibele trong mắt tôi, cũng một đặc điểm của My Lesbian Experience, là sự nhún nhường của tác giả, sự “thiếu tự tin” mà Okada cảm nhận được ở bà vợ ông thầy.
Cibele kết lại bằng một ghi chú của Nina: “First love is a very confusing thing, and sometimes it really hurts, but I’m glad I had mine with you.”
Nagata xem việc lấy tiền gia đình đi chơi gái là hành động đáng thất vọng, nhưng mô tả về cô gái điếm rất tử tế. Nina kể lại tình yêu qua mạng như khoảng thời gian bối rối và dại dột, nhưng vẫn dành sự tôn trọng cho anh Blake. Không chỉ Nina, mà cả Blake, đều tỏ ra là những kẻ thiếu tự tin, và một mô tuýp tán tỉnh quen thuộc là người này cứ tự chê bản thân, để rồi phấn khởi nghe người kia trấn an “em cũng xinh mà”, “em thấy anh đẹp trai đó chứ”. Cibele là câu chuyện của hai đứa loser gặp nhau, sung sướng tìm được một đồng minh đáng mến, rồi vì cùng là loser nên làm tổn thương nhau, và thông cảm cho điều đó.
Trong My Solo Exchange Diary, Nagata kể lại một kinh nghiệm kỳ lạ khi đồng ý hẹn hò với một độc giả nữ, nhưng happy ending có xảy ra không? Mối quan hệ giữa Nagata và cô độc giả, một mặt nào đó, lại phản ánh mối quan hệ giữa Nina và Blake, trong đó Nagata ứng với vai Blake. Những bản tự thuật này của đám ở lì trong nhà, tuy có nhược điểm là toàn kể mấy cuộc đời chán ngắt, tiêu cực, nhưng ít ra cũng chân thành thừa nhận những tổn thương (cho mình, cho người, cho nhau) và mời gọi sự cảm thông của khán giả.
Từ xa xưa 20 năm trước, tiền bối Welcome to the NHK chẳng phải đã từng cảnh báo? Hikikomori sẽ mắc kẹt trong phòng, sẽ vồ vập ngay một kẻ vừa vớ vẩn giống mình vừa sẵn sàng dang rộng vòng tay, và rồi thảm họa sẽ xảy ra. Căn bệnh ru rú trong nhà đâu có được dập tắt, nó vẫn còn lan rộng.