Từ thiện tại Việt Nam, thực trạng ra sao và chúng ta có thể làm gì để thay đổi?


Chuyện được nhiều người bàn tán gần đây của một nghệ sĩ về việc huy động từ thiện nhưng sau đó lại hoạt động không hiệu quả (đúng hơn là không giải ngân số tiền kêu gọi cho đồng bào miền trung) đã dấy lên trong cộng đồng nhiều nghi vấn về công tác từ thiện. Từ đó không những làm cho những người đứng ra kêu gọi bị mất uy tín, có nguy cơ đối diện với kiện tụng, mà còn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn là làm giảm sự tin tưởng của những người quyên góp. Hệ lụy rõ ràng nhất là nguồn viện trợ huy động trong tương lai có khả năng giảm vì các mạnh thường quân đã mất niềm tin vào một cái tên mà họ có thể tin tưởng giao phó khoản đóng góp của mình.
Một youtuber mà mình theo dõi cũng làm 2 video về chủ đề này, trong đó có một video khuyến nghị rằng tại sao chúng ta không làm từ thiện “kiểu tây”. Tức ám chỉ quyên góp cho các quỹ từ thiện, cho một tổ chức được lập ra có những con người, đôi khi là được trả công, để thực hiện các sứ mệnh từ thiện một cách chuyên nghiệp. Điều thú vị là mình biết có rất nhiều tổ chức như thế, cả quốc tế và trong nước, đang hoạt động tại Việt Nam. Không những họ đang hoạt động tại đất nước của chúng ta mà các tổ chức này đã hoạt động rất lâu rồi, nhưng hình như họ lại không được biết đến nhiều và còn xa lạ đến mức lại vô tình được gọi là “từ thiện kiểu tây”.
Sau khi cảm thấy thắc mắc tại sao lại có những nghịch lý như vậy tồn tại trong công cuộc từ thiện tại Việt Nam, mình đã đi tìm hiểu một số bài nghiên cứu về hành vi hoạt động từ thiện của người dân nước ta. Điều này thật sự khó khăn vì mình không tìm được quá nhiều bài nghiên cứu và đa phần quy mô không đủ lớn. Bài nghiên cứu có thể được coi là chất lượng nhất mình tìm được về vấn đề này thuộc về viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường được nhà xuất bản giao thông vận tải xuất bản vào năm 2015 link bài nghiên cứu: https://www.researchgate.net/publication/299433039_Nhan_thuc_cua_nguoi_dan_ve_hoat_dong_tu_thien_va_kha_nang_gay_quy_cua_cac_to_chuc_phi_chinh_phu_Viet_Nam
Tuy với quy mô nghiên cứu theo mình là còn nhỏ ( chia làm 2 đợt với đợt 1 là 105 người tham gia và đợt 2 là 1197 người tham gia) phương pháp nghiên cứu là phỏng vấn tình nguyện viên. Nhưng kết quả của bài nghiên cứu khá tương thích với giả thuyết mình đặt ra khi nói về nhận thức từ thiện của người Việt Nam. Bài viết này sẽ không tập trung về bê bối từ thiện của các nghệ sĩ mà tập trung nhiều vào kết quả của bài nghiên cứu năm 2015 cùng những nhận xét của mình ( tác giả bài viết này).
1/ Ý thức làm từ thiện của người Việt rất cao, nhưng quan điểm làm từ thiện còn rất hạn chế.
Một điều đáng mừng là đại đa phần người tham gia khảo sát (81%) đều cho rằng từ thiện là một hoạt động cần thiết cho sự phát triển an sinh xã hội và chia sẻ rằng ít nhiều trước đây họ đều quyên góp cho hoạt động từ thiện (điều này thật sự rất khó đính chính nhưng cứ cho rằng tất cả mọi người tham gia khảo sát đều trả lời trung thực về hành vi của họ). Con số này nói lên rằng người Việt có tinh thần tương thân tương ái rất lớn.
Bạn hãy tự hỏi bản thân, khi nhắc đến từ thiện bạn sẽ nghĩ đến đối tượng nào, là ai? Nếu câu trả lời của bạn là quyên góp cho người nghèo, người khuyết tật và đồng bào bị thiên tai bão lũ thì bạn đã giống đa số những người tham gia cuộc khảo sát trên. Cụ thể thì có 80% số người được tham gia khảo sát nghĩ đối tượng nhận từ thiện là các hoàn cảnh nghèo và khuyết tật. Hình thức quyên góp của họ thường là trực tiếp bằng tiền mặt hoặc nhu yếu phẩm cho những hoàn cảnh khó khăn này. Tinh thần “lá lành đùm lá rách” rất được đề cao ở nước ta. Điều đáng nói ở đây là các hoạt động từ thiện mang tính chất phát triển con người rất ít được đề cập đến khi những người tình nguyện chia sẻ với bên phỏng vấn. Tiêu biểu chỉ có 7% người tham gia khảo sát đề cập đến hiến máu nhân đạo, 11% đề cập đến bảo vệ môi trường (một vấn đề mà theo mình là nguyên nhân của rất nhiều thiên tai) và 24% cho các hoạt động khuyến học (thiếu giáo dục là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nghèo đói). Những con số trên có thể cho ta thấy rằng: phần nào đó quan điểm làm từ thiện của người Việt còn khá hẹp, tập trung vào giải quyết vấn đề trước mắt nhiều hơn là các vấn đề gốc rễ.
2/ Người Việt làm từ thiện với mong muốn lòng tốt sẽ được “đền ơn”.
Từ việc giúp đỡ hàng xóm láng giềng để với quan điểm rằng khi mình đang khỏe mạnh giúp đỡ họ thì sau này khi khó khăn họ sẽ giúp đỡ lại mình. Cho đến việc làm từ thiện với niềm tin tôn giáo rằng những hành động ấy sẽ được thần linh, chúa, phật nhìn thấy và rồi mình sẽ được hưởng phước ở thế giới khác.
Nhìn chung, đây là một kỳ vọng chính đáng và có thể nói là một phần của quy luật thế giới loài người chúng ta. Điều này cũng có một ý nghĩa tích cực khi mà những cá nhân vốn đã từng rơi vào những hoàn cảnh khó khăn trước đây và vượt qua được nhờ từ thiện thường sẽ có tinh thần làm từ thiện nhiều hơn vì họ nghĩ rằng họ nợ xã hội và đến lúc họ đền đáp điều đó. Một cử chỉ vô cùng tốt đẹp và làm tôi nhớ đến bộ phim Pay it forward (đền đáp tiếp nối), khi mà các hành động đẹp được lan truyền. Ngược lại, những người từng làm từ thiện rất tích cực khi gặp khó khăn nếu không nhận được sự giúp đỡ từ cộng động, sau khi kinh tế của họ hồi phục, họ sẽ đặt câu hỏi về cách thức hoạt động của hệ thống từ thiện, từ đó ít quyên góp hơn. Khi đọc đến trường hợp này, mình nhận thấy một bộ phận người Việt đang làm từ thiện với một tinh thần rất bảo hiểm (quyên góp khi được sống bình yên, khá giả và kỳ vọng khi gặp khó khăn mình sẽ là người được hỗ trợ, điều thú vị ở đây chính là Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tham gia bảo hiểm khá thấp trên thế giới).
3/ Từ thiện ở nước ta thiếu niềm tin, mang phong cách “mỳ ăn liền”.
 Tuy rằng có tới 80% người được tham gia nhận xét rằng họ rất quan tâm tới từ thiện và cho rằng từ thiện là một hoạt động giúp xã hội tốt lên. Tuy nhiên niềm tin chung của cộng đồng (hoặc ít nhất là những người tham gia khảo sát) cho các tổ chức kêu gọi đóng góp (kể cả là chính quyền, nhà nước) vẫn chưa thật sự quá cao. Thể hiện qua việc nhiều người làm từ thiện vẫn muốn trực tiếp đánh giá các đối tượng được nhận viện trợ . Điều này dẫn đến việc đa phần những quyên góp từ thiện thường dành cho các cá nhân tại địa phương người quyên góp nhiều hơn. Điều này cũng lí giải cho nguyên nhân khối các tình nguyện viên khảo sát đến từ các vùng thôn quê và có thu nhập ở mức trung bình, thấp thường không chọn các tổ chức phi chính phủ để quyên góp mặc dù các tổ chức này được đánh giá là hoạt động hiệu quả hơn và đang cố gắng giải quyết nhiều vấn đề gốc rễ hơn. Lí do thường được đưa ra chính là người dân không quá hiểu cụm từ “tổ chức phi chính phủ” là gì. Một số còn nghĩ đây là các tổ chức chống phá nhà nước, chính quyền và tuyên truyền những những thông tin sai lệch. Đấy là còn chưa kể đến việc hiệu quả hoạt động của các tổ chức này cần thời gian để quan sát chứ không phải ngay tức thì như việc tặng một thùng mỳ cho một gia đình khó khăn mà họ biết trong thôn, mình gọi đây là phong cách từ thiện “mỳ ăn liền”. Điều này cũng khó tránh khỏi vì theo khảo sát, vẫn có rất nhiều người tham gia nói rằng họ nhận thông tin kêu gọi từ loa phường và truyền hình, một nguồn thông tin dạng thụ động, thay vì các nguồn thông tin mang tính chủ động hơn như internet. Thêm nữa dù làm từ thiện nhưng đã là một tổ chức thì chắc chắn sẽ có những chi phí vận hành của nó, đây là điều mà những ai chưa tìm hiểu sẽ không nắm rõ. Sẽ rất khó cho các tổ chức này tiếp cận đến nguồn đóng góp của người dân khi mà họ vẫn quan niệm muốn 100% số tiền quyên góp của họ phải đến tay đối tượng cần sự giúp đỡ. Vì sẽ cần rất nhiều nhân lực để đảm bảo một chiến dịch từ thiện đạt được mục tiêu đề ra.
Ở trên chính là những thực trạng mình rút ra từ bài nghiên cứu, như đã nói thì nó rất sát với những giả định của mình từ trước khi nghiên cứu về vấn đề này. Đến đây thì đáng ra mình sẽ đề ra một số phương án theo quan điểm cá nhân để góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng về từ thiện. Nhưng rồi mình nhận thấy, không có gì có thể thay đổi nhận thức của cộng đồng tốt hơn việc chúng ta được giáo dục nhiều hơn, hiểu biết hơn và tiếp cận được nhiều thông tin hơn. Các tổ chức đang nhận được nguồn lực từ thiện cần minh bạch hơn và các tổ chức có năng lực cần quảng bá mình tốt hơn. Bạn thì sao? Theo bạn làm cách nào để chúng ta làm từ thiện hiệu quả hơn?