Từ ngữ đúng giúp ta cảm nhận đúng!
Bạn về lại thị trấn thời niên thiếu, ngang qua nhà cô bạn gái năm 16 tuổi. Bạn tìm lại chỗ từng là cửa sổ phòng của cô ấy. Từ bên ngoài,...
Bạn về lại thị trấn thời niên thiếu, ngang qua nhà cô bạn gái năm 16 tuổi. Bạn tìm lại chỗ từng là cửa sổ phòng của cô ấy. Từ bên ngoài, mọi thứ vẫn trông như cũ, cho dù giờ đây ai khác đang sống ở đó. Cô ấy đã kết hôn, có hai con nhỏ và đang sống ở một thị trấn khác. Bạn cảm thấy một nỗi hoài cổ dâng ngập tâm hồn về những thứ đã không còn nữa. Không phải là bạn nhớ cô ấy, hay nhớ những điều hai bạn từng có với nhau, hay những chuyện gì diễn ra sau đó. Thật khó để giải thích cảm giác ấy là gì nhưng nó làm lòng bạn cuộn sóng. Bạn cảm thấy mất mát nhưng gần như không biết diễn tả cảm xúc của mình ra sao. Khoảnh khắc này thật khó nắm bắt, dù có giấy mực ở bên, bạn cũng khó có thể ghi lại được điều gì. Nó cũng giống như cảm giác lúc bạn ở lại góc nào đó một mình giữa sân trường sau buổi lễ bế giảng - cảm giác mất mát vĩnh viễn một điều gì đó không thể gọi tên.
Trong đa số ngôn ngữ thời hiện đại, bạn khó có thể chỉ dùng một từ mà diễn tả được cảm xúc này. Nó như một khao khát trộn lẫn giữa u buồn và ngọt ngào cho một điều đẹp đẽ còn lại trong ký ức: một tình bạn thời thơ ấu, một chuyện tình buồn... Đó là sự pha trộn giữa nỗi đau của sự mất mát và niềm vui khi mình được ban tặng cảm giác đáng yêu đó một lần nữa trong đời.
Vấn đề cơ bản là, trong mối quan hệ giữa ngôn ngữ và cảm xúc, từ lâu đã tạo nên những cuộc tranh luận trong triết học. Một số nhà tư tưởng cho rằng cảm xúc hoàn toàn không phụ thuộc vào lời nói: ví dụ, trẻ sơ sinh đã có thể cảm nhận được tình yêu của cha mẹ chúng trước khi chúng biết nói những từ 'ê, a' để diễn tả cảm xúc đó. Nhưng một số triết gia khác lại nhấn mạnh rằng, một số cảm xúc nhất định sẽ vẫn chưa được biết đến nếu chúng ta không có những từ ngữ tương ứng để giúp nhận ra và mô tả chúng.
Như thường lệ của những tranh luận trong triết học, sự thật nằm đâu đó ở giữa, trong ranh giới mơ hồ của hai thứ. Ngôn ngữ không hoàn toàn tạo nên cảm xúc, nhưng nó làm sâu đậm và sáng tỏ một cách rõ ràng và đẹp đẽ những cảm xúc đó. Những từ ngữ thích hợp, do tác động của nó, giúp ta nhận biết về bản thân, nhận ra một cách rõ ràng và chắc chắn đời sống nội tâm của mình.
Hiện tượng này trở nên rõ ràng khi ta bắt gặp từ ngữ của một ngôn ngữ khác mà ngôn ngữ của chúng ta không có một thuật ngữ xúc tích nào để mô tả. Sau đó, ta nhận ra rằng một từ chính xác quan trọng đến nhường nào để làm cảm xúc trở nên dễ hiểu hơn.
Lấy một ví dụ vui vẻ, người Na Uy họ có một từ gọi là 'forelsket' chỉ cảm giác phấn khích trong giai đoạn đầu của tình yêu, khi ta không thể tin được một ai đó quá hoàn hảo như thế có thể bước vào cuộc đời mình, và - trời ơi - nghĩ về ta với những điều thực sự đẹp đẽ. Rồi ta có thể kể lại rằng "Em hoàn toàn bị đổ gục và mềm nhũn khi những ngón tay của chúng em đan chặt vào nhau...". Và đó là 'forelsket'.
Nhưng nó không chỉ là một vài từ ngữ kỳ diệu trong ngôn ngữ nước ngoài giúp làm sáng tỏ tâm trí ta. Đây chính là những gì mà nền văn học vĩ đại có thể làm. Những thứ mà ta gọi là bài thơ, tiểu thuyết hay, về cơ bản đã làm giảm đi mức độ tự tha hoá và hiểu lầm của ta, giúp ta hiểu đúng đắn bản thân mình.
Sau một thời gian đọc sách, ta có thể biết cách sắp xếp, kết nối những từ ngữ và câu văn để diễn tả đầy đủ những cảm xúc của ta, dù nó có thể mong manh và dễ dàng tan vỡ. Đó cũng chính là món quà mà Shakespeare đã ca tụng trong Giấc mộng đêm hè (A Midsummer Night’s Dream).
Nhờ có văn chương, tâm hồn ta được giải thoát khỏi những chiếc bình bị khoá kín. Những từ ngữ đúng đắn và đẹp đẽ sẽ xóa tan những cô lập. Và chúng chính là cầu nối dẫn dắt ta đến với tình yêu!
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất