Tư duy phê phán
“Tư duy phê phán là sự suy niệm hợp lý tập trung vào việc quyết định nên tin điều gì hay làm điều gì.”
Trong bối cảnh khoa học công nghệ đang ngày càng phát triển, tại bất kì công việc nào cũng đòi hỏi sự sáng tạo, tìm tòi, nêu ra quan điểm của bản thân và tranh luận để bảo vệ quan điểm đó. Đáp ứng yêu cầu ấy, mỗi cá nhân cần phải rèn luyện cho bản thân những kỹ năng, tư duy cần thiết. Một trong số đó không thể không kể đến tư duy phê phán.
1. Tư duy phê phán là gì?
Theo một nghiên cứu của Geng (2014) có tới 64 định nghĩa khác nhau về tư duy phê phán.
Nhà triết học người Mỹ Robert Ennis định nghĩa: “Tư duy phê phán là sự suy niệm hợp lý tập trung vào việc quyết định nên tin điều gì hay làm điều gì.”
Viện Đại học Louisville, Kentuckey cho rằng: “Tư duy phê phán là một tiến trình tư duy tích cực và thành thạo trong việc khái niệm hóa, phân tích, tổng hợp, và đánh giá những tin tức thu nhận được từ sự quan sát hay do kinh nghiệm, suy niệm, lý luận, giao tiếp [với các nguồn tin khác] để hướng dẫn hành động và sự tin tưởng.”
Trong khi đó, tư duy phê phán được Đại học Quản trị Tham mưu Lục quân Mỹ AMSC định nghĩa là một sự tư duy có kỷ luật, tự định hướng, phản ảnh một trình độ cao về kỹ năng và khả năng tư duy - tư duy về sự tư duy của chính mình trong lúc suy tư để làm cho sự tư duy của mình trở nên tốt hơn.
Từ những định nghĩa trên, có thể hiểu một cách đơn giản, tư duy phê phán là quá trình vận dụng tích cực tư duy vào việc phân tích, tổng hợp, đánh giá sự việc, ý tưởng… từ sự quan sát, kinh nghiệm, bằng chứng, thông tin và lý lẽ nhằm đưa ra nhận định về sự việc hay cách giải quyết hợp lý nhất.
Tư duy phê phán thường bắt đầu với một câu hỏi quan trọng: Tại sao? Câu hỏi này dẫn tới nhiều “góc nhìn sâu” thú vị vì bạn đang muốn biết nhiều hơn về nó. Tính tò mò từ đây được khơi gợi và buộc bạn phải tìm được đáp án cho câu hỏi đó.
Ví dụ đơn giản nhất về tư duy phê phán có lẽ chính là câu chuyện của nhà vật lý học Isaac Newton khi ông thấy quả táo rơi và tự hỏi tại sao táo bao giờ cũng rơi xuống đất. Từ đó, ông thôi thúc mình tìm hiểu lý do và phát minh ra được định luật hấp dẫn - cũng chính là đáp án cho câu hỏi ông băn khoăn.
2. Tư duy phê phán khác gì với tư duy phản biện?
Hầu hết ai trong mỗi chúng ta cũng đều có khả năng tư duy, nhưng không phải người nào cũng có khả năng tư duy giống người nào. Tương tư như vậy, một số loại tư duy cũng hoàn toàn không giống nhau, tiêu biểu có thể kể đến sự khác biệt giữa tư duy phê phán và tư duy phản biện.
Nếu tư duy phản biện là một quá trình tích cực, chủ động mà người suy nghĩ hiệu quả về suy nghĩ của chính mình, liên tục đánh giá và sửa chữa để nó hoàn thiện thì tư duy phê phán lại có xu hướng phán xét nặng nề và tìm lỗi của các kiến thức, thông tin.
Nếu tư duy phản biện mang tính chủ động dựa trên một chủ đề nhất định để đưa ra quan điểm nhằm phản bác lại ý kiến đối lập để đi đến hướng suy nghĩ thống nhất thì tư duy phê phán là một quá trình thụ động mà trong đó người suy nghĩ hành động theo mong muốn, suy nghĩ định kiến hoặc cảm xúc mà không có bất kỳ tiêu chí đánh giá nào. Vì không có tiêu chí đánh giá hay một thước đo khách quan thực sự trong những kiểu suy nghĩ này, lời phê bình rất dễ đưa ra và thường khó được chấp nhận.
Trong khi tư duy phê phán là về sự phán xét, chủ yếu xoay quanh việc tìm ra lỗi, và ở mức độ cá nhân chủ quan, thì tư duy phản biện lại chú trọng hơn vào việc đặt ra câu hỏi và phân tích, cũng bao gồm việc tìm ra lỗi nhưng đối tượng chính của tư duy phản biện là sự lập luận, ở dạng khái niệm, lý thuyết hay luận điểm.
3. Vì sao tư duy phê phán quan trọng?
Tư duy phê phán đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống cũng như công việc của mỗi người. Nó ảnh hưởng rất nhiều đến thái độ của bạn trước một vấn đề cần phản bác, giúp bạn giải quyết những khúc mắc trong thực tiễn cũng như thành công trong công việc.
Trong học tập, công việc cũng như cuộc sống luôn yêu cầu mỗi người cần phải tìm tòi, sáng tạo, đánh giá, nêu ra quan điểm cá nhân nhằm đóng góp, xây dựng. Tuy nhiên, trong mỗi vấn đề, bên cạnh tiếp thu cái tốt, mỗi người cũng cần phản bác, phê phán lại cái xấu, điểm hạn chế. Tư duy phê phán sẽ giúp bạn phân tích, giải thích và định hướng suy nghĩ của chính mình trong mọi hành động, tránh rủi ro không cần thiết.
Ngoài ra, tư duy phê phán còn là nền tảng giúp mỗi người phát triển tư duy độc lập. Trong nhiều hoàn cảnh, khi yêu cầu sự đóng góp của từng cá nhân, đôi khi chỉ cần ý kiến của một người, mọi người sẽ hùa theo và ít khi chịu đưa ra quan điểm riêng. Chính vì vậy, họ cần tư duy phê phán để có thể nói lên suy nghĩ riêng của mình.
Bên cạnh việc độc lập về suy nghĩ, tư duy phê phán còn giúp mỗi cá nhân có cái nhìn bao quát, khách quan hơn với mọi vấn đề. Thay vì chăm chăm chỉ hướng đến suy nghĩ chủ quan, tư duy phê phán sẽ khiến mỗi người nhìn nhận, tiếp thu ý kiến, quan điểm của người khác, từ đó rút ra kinh nghiệm và xây dựng ý kiến của bản thân một cách tốt hơn.
Cuối cùng, tư duy phê phán sẽ hỗ trợ mỗi người giải quyết được các vấn đề trong cuộc sống. Từ những phân tích, đánh giá, xem xét vấn đề sẽ giúp bạn tìm ra hướng giải quyết cho những vấn đề nan giải trong cuộc sống.
4. Phương pháp rèn luyện tư duy phê phán.
Để trở thành một người có tư duy tốt thì việc rèn luyện tư duy phê phán là một trong những việc cần thiết đối với mỗi người. Để có thể rèn luyện lối tư duy phê phán, ta có thể áp dụng một số phương pháp sau:
Rèn luyện tư duy phê phán bằng cách trau dồi kiến thức, học hỏi không ngừng.
Bất kỳ vấn đề nào trong cuộc sống cũng yêu cầu có kiến thức để giải quyết, chính vì vậy việc trau dồi kiến thức, học hỏi không ngừng là điều dĩ nhiên để bạn có thể rèn luyện tư duy phê phán hoặc bất kỳ loại tư duy nào. Đặc biệt, thông qua quá trình học hỏi kiến thức cũng giúp cho mỗi người hình thành được “cái đẹp" trong lối suy nghĩ cũng như hành động, từ đó xây dựng được bản sắc cá nhân của chính mình.
Rèn luyện tư duy phê phán bằng cách thường xuyên tự đặt câu hỏi cho bản thân.
Mỗi khi có vấn đề nào đó xảy ra, thông thường câu hỏi đầu tiên mỗi người đặt ra sẽ là “Tại sao?" Việc đặt câu hỏi sẽ kích thích não bộ tìm cách trả lời cho câu hỏi đó. Chính vì vậy, đừng ngại ngần đặt ra các câu hỏi trong mọi tình huống bạn cảm thấy mông lung để tìm ra đáp án, bởi người có tư duy phê phán luôn đặt câu hỏi để tìm ra vấn đề phản biện.
Rèn luyện tư duy phê phán bằng cách thay đổi góc nhìn cá nhân và nhìn nhận vấn đề khách quan.
Trong cuộc sống, ở bất kỳ vấn đề nào, bạn cũng cần nhìn nhận, xem xét mọi khía cạnh của vấn đề theo cả khách quan lẫn chủ quan. Bởi ý kiến cá nhân của bạn không phải lúc nào cũng đúng 100%, việc áp dụng lối suy nghĩ cảm tính sẽ không thuyết phục được những ý kiến đối lập và dễ hình thành tư tưởng bảo thủ trong bạn. Chính vì vậy, để rèn luyện tư duy phê phán, bạn cần thay đổi góc nhìn cá nhân và nhìn nhận mọi vấn đề một cách khách quan, bao quát và đa chiều hơn.
Rèn luyện tư duy phê phán bằng cách đọc sách.
Sách là nguồn tri thức bất tận của nhân loại, đọc sách cũng chính là cách bản thân trau dồi kiến thức và tiếp xúc với nguồn tri thức của nhân loại. Để rèn luyện tư duy phê phán, mỗi người cũng có thể áp dụng phương pháp đọc sách. Một số cuốn sách bạn có thể tham khảo như: Phê phán năng lực phán đoán của tác giả Immanuel Kant; Cãi gì cũng thắng của Madsen Pirie; Lỗi mòn của tư duy cảm tính của hai tác giả Ori Brafman & Rom Brafman hay Nghệ thuật tư duy rành mạch của Rolf Dobelli;...
Như vậy, có thể thấy, tư duy phê phán là một trong những kỹ năng quan trọng mà bất cứ ai cũng nên có để có thể xây dựng được quan điểm cá nhân và bảo vệ quan điểm đó trong mọi lĩnh vực, tình huống. Rèn luyện tư duy phê phán sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong học tập, công việc cũng như cuộc sống.
Nguồn tham khảo:
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất