Tư duy và ngôn ngữ
Đã từ lâu rồi, tôi nghĩ về vấn đề này. Theo quan điểm triết học Mac – Lenin, tư duy là một bộ phận của ý thức, là sự phản ánh thế...
Đã từ lâu rồi, tôi nghĩ về vấn đề này.
Theo quan điểm triết học Mac – Lenin, tư duy là một bộ phận của ý thức, là sự phản ánh thế giới khách quan vào đầu óc con người một cách gián tiếp và khái quát. Tư duy là thuộc tính đặc biệt của vật chất có tổ chức cao, nó là hình ảnh chủ quan của một thế giới khách quan.
Tư duy từ lâu đã trở thành chủ đề nghiên cứu của triết học, tâm lý học, sư phạm, y học hay khoa học máy tính, v.v... Việc tái tạo lại bộ não dạng số học hay tạo ra cỗ máy có thể tư duy như con người đang dần trở thành hiện thực, nhờ những nghiên cứu về nguồn gốc và cách hoạt động của tư duy trong hàng ngàn năm lịch sử con người.
Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp giữa con người, là cầu nối cho sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần tạo nên văn hóa mỗi dân tộc, vùng miền trên thế giới. Con người trở nên vượt trội hơn so với các loài động vật chính là nhờ sự phát triển của phương pháp giao tiếp bằng hệ thống ngôn ngữ phức tạp, khả năng mà không một loài động vật nào, từng được biết đến, có thể làm được. Bạn nghĩ ngôn ngữ không phức tạp ư? Thử bỏ tiếng mẹ đẻ sang một bên và học một thứ ngôn ngữ mới xem.
Ngôn ngữ và tư duy có mối liên hệ mật thiết với nhau, ngôn ngữ là cơ sở để tư duy ra đời, tư duy làm cho ngôn ngữ tồn tại và phát triển. Từ thời ăn lông ở lỗ, tại điểm ngôn ngữ bắt đầu hình thành, giọng nói ấy vang lên trong đầu. Đó chính là hiện hữu đầu tiên của hoạt động tư duy. Con người từng không biết rằng mình có thể tư duy, thậm chí ý niệm về sự tồn tại của chính mình cũng không hề rõ ràng. Rồi xuất hiện giọng nói ấy trong đầu, họ lắng nghe những gì nó nói, làm theo những gì nó bảo. Bắt đầu hình thành sự tôn sùng, sự sợ hãi. Đó là giọng nói của ai? Của thần linh hay ma quỷ? Ngày nay chúng ta mặc định hiểu rằng giọng nói đó là chính ta, khi suy nghĩ vấn đề gì, chúng ta sẽ cụ thể hóa nó bằng ngôn ngữ. Tâm trí sử dụng ngôn ngữ ta học được để tự độc thoại với chính mình. Thật kỳ lạ, cảm giác cứ như mình đang nói chuyện với ai, nghĩ kĩ hơn lại thấy có chút không đúng lắm, nhưng rất khó giải thích.
Trải qua hàng triệu năm tiến hóa, cho đến hiện tại, ngôn ngữ là thứ duy nhất con người sử dụng để tư duy, chúng ta dùng ngôn ngữ để khái quát hóa sự vật, sự việc. Đó chính là cách hoạt động của tư duy. Không có ngôn ngữ thì không thể tư duy. Ngay trong lúc bạn đang đọc bài viết này, những gì vang lên trong đầu bạn là suy nghĩ của tôi, bạn đang suy nghĩ về suy nghĩ của tôi. Thử tưởng tượng bạn không hề biết tiếng Việt hay bất kỳ ngôn ngữ nào. Giờ đây trong đầu bạn còn lại điều gì? Những tiếng gâu gâu, meo meo, tiếng gió, tiếng mưa, tiếng quạt gió, v.v.... Việc tiếp nhận ngôn ngữ của con người chủ yếu sử dụng đến thị giác và thính giác. Tôi thực sự tò mò, liệu một người mù, điếc bẩm sinh có cảm giác như thế nào?
Nhờ có ngôn ngữ mà ta có thể tưởng tượng được bất cứ điều gì. Thần linh, ma quỷ, chúa trời, đấng sáng thế, vũ trụ, nguyên tử. Nếu không có ngôn ngữ thì làm sao để người khác có thể hiểu được bạn đang nói đến cái gì? Làm gì có con kiến nào tôn thờ thần linh, đâu ra con chim nào hiểu được định luật vạn vật hấp dẫn? Chúng chỉ có thể biết về những thứ hiện hữu xung quanh mình, nào thể tưởng tượng về một thứ không hề tồn tại?
Thử tưởng tượng về cái máy đọc suy nghĩ của bạn, nó có khả năng đọc được giọng nói trong đầu người khác. Trong trường hợp bạn không hiểu được ngôn ngữ họ sử dụng thì cũng chẳng thể hiểu được người ta đang suy nghĩ gì. Giữa những người sử dụng chung một ngôn ngữ hay giữa các loại ngôn ngữ khách nhau, cách hiểu và cách sử dụng ngôn ngữ không phải giống nhau hoàn toàn. Mỗi một ngôn ngữ khác nhau giống như một bản mã hóa khác nhau của tư duy. Nếu coi tư duy là ngôn ngữ máy (chỉ là một chuỗi dài 0 và 1) thì mỗi ngôn ngữ lập trình tương tự như một ngôn ngữ nói khác nhau. Do vậy, cơ bản các hoạt động tư duy diễn ra đều giống nhau (tương tự tất cả máy tính đều hoạt động bằng ngôn ngữ máy), chỉ khác nhau ở cách mã hóa.
Với mỗi ngôn ngữ khác nhau là một phương thức tư duy khác nhau. Sử dụng được bao nhiêu ngôn ngữ thì khả năng tư duy càng phong phú bấy nhiêu. Ví dụ đơn giản về cách tư duy được thể hiện qua ngôn ngữ. Đối với tiếng Việt, việc sử dụng ngôi thứ nhất là rất đa dạng với các đại từ nhân xưng như: “Tôi, tao, tớ, con, em, anh, bố, mẹ, v.v...”. Trong khi đó, đối với tiếng Anh, chỉ có một từ: “I”. Điều này cho thấy sự khác biệt lớn trong cách tư duy của những người sử dụng 2 loại ngôn ngữ này. Trong suy nghĩ của người sử dụng tiếng Việt rõ ràng có tư tưởng về vị trí của bản thân người nói đối với người nghe rất rõ ràng. Khi giao tiếp với người có vai về ngang hàng tôi sẽ xưng “tôi”, khi nói chuyện với kẻ thù tôi sẽ sử dụng “tao”, khi nhắn tin cho mẹ tôi sẽ tự xưng là “con”. Có vẻ một người sử dụng tiếng Anh sẽ không thích suy nghĩ phức tạp như vậy, đơn giản chỉ là “I”. Sự phức tạp trong cách xưng hô của Tiếng Việt giúp người nói thể hiện cảm xúc cũng như ý đồ với người nghe rõ ràng hơn nhiều.
Ngôn ngữ là cách diễn giải gián tiếp của tư duy, vậy thì. Nếu có cách nào đó giúp còn người có thể trực tiếp thể hiện tư duy với người khác? Lúc đó mọi chuyện sẽ như thế nào?
Tôi đã luôn suy nghĩ về thứ công nghệ có thể lưu trữ được cảm xúc, tư duy của con người trong một khoảng thời gian nào đó. Khi sử dụng nó được nạp trực tiếp vào cơ thể và tái hiện toàn bộ những cảm xúc cùng với suy nghĩ đã được lưu trữ. Nếu nó có thật, tôi sẽ mua lại trải nghiệm của một phi hành gia vũ trụ, một vận động viên leo núi, một tay đua F1.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất