Tư duy của bạn là tập hợp những suy nghĩ và niềm tin hình thành thói quen suy nghĩ của bạn. Và thói quen suy nghĩ của bạn ảnh hưởng đến cách bạn nghĩ, những gì bạn cảm thấy và những gì bạn làm. Tư duy của bạn ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận thế giới và cách bạn cảm nhận về bạn.
Như vậy, tư duy giống như kim chỉ nam giúp bạn định hướng cách tiếp nhận thông tin cũng như cách bạn phản ứng lại, đưa ra thái độ và quyết định.
Chắc hẳn bạn đã từng nghe câu chuyện về con voi và sợi dây thừng nhỏ.



Một người đàn ông đi ngang qua những con voi. Đột nhiên, anh dừng lại, nhận thấy những sinh vật to lớn này bị cột bởi sợi thừng nhỏ ngay chân chúng, không xích, không cũi. Rõ ràng là các con voi to lớn này có thể bứt sợi dây thừng để được tự do nhưng chúng lại không làm.
Anh thấy người quản tượng gần đấy và bước lại hỏi, tại sao các con voi lại đứng yên mà không cố gắng chạy trốn vì sợi dây thừng quá nhỏ. Người quản tượng trả lời: “À. Tại khi chúng còn nhỏ tôi đã dùng sợi dây thừng nhỏ này để buộc chúng. Lúc đó, chúng không thể bứt sợi dây thừng mà chạy đi được. Khi trưởng thành, chúng vẫn cho rằng chúng không thể bứt nổi sợi dây thừng. Chúng chưa từng thử để được tự do”.
Người đàn ông ngạc nhiên. Những sinh vật to lớn này dễ dàng bứt sợi dây thừng để được tự do, nhưng chúng lại tin rằng chúng không thể.
Những con voi này đã mang một tư duy sai dẫn đến chúng có niềm tin mãnh liệt rằng chúng bất lực trước sợi dây thừng này, dẫn đến việc chúng quyết định từ bỏ và chịu trói buộc.
Như vậy bạn thấy đấy, nếu có tư duy sai lầm thì bạn có thể phải trả giá rất đắt và vụt mất rất nhiều cơ hội trong cuộc sống!

Hai loại tư duy



Theo nghiên cứu của Carol Dweck, có hai loại tư duy: Tư duy cố định (Fixed Mindset) và tư duy tăng trưởng (Growth Mindset).
- Trong một tư duy cố định, mọi người tin rằng phẩm chất của họ là những đặc điểm cố định và do đó không thể thay đổi. Những người này ghi nhận trí thông minh và tài năng của họ hơn là làm việc để phát triển và cải thiện chúng. Họ cũng tin rằng chỉ có tài năng mới dẫn đến thành công và không cần phải nỗ lực.
- Trong tư duy tăng trưởng, mọi người có niềm tin cơ bản rằng học tập và trí thông minh của họ có thể phát triển theo thời gian và kinh nghiệm. Khi mọi người tin rằng họ có thể trở nên thông minh hơn, họ nhận ra rằng nỗ lực của họ có ảnh hưởng đến thành công của họ, vì vậy họ đã dành thêm thời gian để đạt được thành tích cao hơn.
Dweck và các đồng nghiệp của bà đã đưa ra 2 lựa chọn cho những đứa trẻ 4 tuổi: chúng có thể chơi lại một câu đố xếp hình dễ hoặc thử một câu khó hơn. Kết quả cho thấy rằng:
Những đứa trẻ thuộc nhóm tư duy cố định lựa chọn cách an toàn, chọn câu dễ hơn để xác nhận cho khả năng đã có của chúng. Trong khi đó, những đứa trẻ với tư duy “tăng trưởng” luôn muốn thử thách bởi những câu đố khó hơn và không ngừng đặt câu hỏi: “Tại sao lại phải chơi cùng một trò mà chả học thêm được bất kỳ điều gì mới?” Điều này củng cố thêm cho nhận định: những đứa trẻ với tư duy cố định muốn đảm bảo rằng chúng thành công để được coi là thông minh, trong khi những đứa trẻ với tư duy tăng trưởng luôn muốn trau dồi để trở nên thông minh hơn.
Cũng qua nghiên cứu này, Carol Dweck đã rút ra kết luận chung như sau:
1. Một người có “tư duy tăng trưởng” (growth mindset) thành công hơn qua thử thách và xem thất bại không phải là bằng chứng của sự không thông minh. Thất bại chính là bước đệm cổ vũ cho sự tăng trưởng và mở rộng những khả năng đang có.
2. Những người tin vào tài năng của họ có thể được phát triển (thông qua làm việc chăm chỉ, chiến thuật tốt và sự hỗ trợ của những người khác) sở hữu tư duy tăng trưởng. Họ có xu hướng đạt được nhiều hơn những người có tư duy cố định (những người mà tin rằng tài năng của họ là bẩm sinh). Đó là bởi vì họ đã dồn hết năng lượng vào sự học hỏi và ít lo lắng hơn về việc chứng minh sự thông minh của mình.
Những người có tư duy cố định thường luôn muốn thể hiện rằng mình thông minh bởi vì họ tin rằng họ được sinh ra với một mức thông minh cũng cố định và không thể bị thay đổi. Những người này luôn sợ bị người khác nhìn nhận là ngu dốt bởi vì họ không tin rằng có thể cứu vãn được nếu bị nhìn nhận như vậy.,
Niềm tin cố định sẽ ngăn cản bạn tạo ra những thay đổi tích cực. Nếu bạn có một đặc điểm mà bạn tin rằng không thể thay đổi, chẳng hạn như trí thông minh, cân nặng hoặc thói quen xấu của bạn, bạn sẽ luôn muốn trốn tránh những tình huống có thể gây khó chịu cho bạn hoặc làm bạn cảm thấy mình vô dụng.
Mặt khác, nếu bạn có ý nghĩ rằng thói quen của bạn là không cố định, thì niềm tin đó sẽ là bước quan trọng đầu tiên để tạo ra sự thay đổi thực sự trong cuộc sống của bạn. Cho dù đó là xây dựng một kỹ năng mới, học một ngôn ngữ mới hay phá bỏ một thói quen xấu, có tư duy phát triển sẽ giúp bạn hình thành niềm tin rằng bạn 100% có khả năng hoàn thành bất kỳ mục tiêu lớn nào.
Một số ví dụ về tư duy cố định mà bạn có thể tìm thấy hàng ngày:
1. Tôi giỏi một cái gì đó hoặc tôi không thể làm được.
2. Nếu tôi không làm thì tôi sẽ không bị thất bại, hoặc dễ hiểu hơn, không dám làm vì sợ thất bại.
3. Ghen tị với thành công của người khác
4. Tất cả mọi lời phê bình đều là công kích cá nhân (kể cả phê bình mang tính xây dựng)
5. “It is what it is”
6. Học cho nhiều vào rồi để làm cái gì?
7. Tôi từ bỏ khi tôi cảm thấy thất vọng hoặc thất bại
8. Tôi không được nhận vào làm vị trí ấy đâu, nên thôi chả cần nộp
9. Tôi không thích thử nghiệm những điều mới.
10. Cái này không phải lỗi của tôi!Tôi muốn ổn định, an toàn hơn là phát triển.

Tư duy hay công cụ?

Hiện nay nếu bạn đi tìm trên các bài đăng tuyển dụng, rất dễ tìm thấy những bài đăng yêu cầu bạn phải thành thạo một ứng dụng hay công cụ nào đấy. Điều này rất dễ hiểu vì khi xã hội phát triển, mọi người tìm kiếm các cách làm việc với năng suất cao hơn, những người vào là phù hợp và làm được việc ngay với môi trường và công cụ sẵn có đang được sử dụng.
Tôi còn nhớ ngày xưa khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã trải qua cách học đọc chép và học vẹt để đối phó mỗi khi tới bài kiểm tra. Những lần học vẹt để thuộc bài sử là hết cả tiếng đồng hồ là bình thường. Bây giờ khi giật mình nhìn lại, xem các video nói về lịch sử rất trực quan, có câu truyện và giải thích rõ ràng tại sao những sự kiện như vậy lại xảy ra, cực kỳ logic và thực tế. Chứ không phải chỉ là những câu chuyện trong bài học lịch sử là đã từng xảy ra các mốc sự kiện A, B, C, D và rồi sau đó rút ra kết luận và bài học gì, cực kỳ chán và khó hiểu! Lịch sử là những sự kiện, dòng chảy có tính liên kết và xảy ra đầy nội dung và dụng ý. Cái chúng ta luôn cần nắm được khi tìm hiểu một vấn đề vẫn phải là hiểu được bản chất của nó trước!
Hiện nay với tư duy mì ăn liền, muốn mọi thứ đều nhanh, thì rất nhiều bạn trẻ chọn cách học là học cách sử dụng công cụ một cách máy móc để có thể “đi làm được ngay”, như vậy đã vô tình giết chết tư duy và suy nghĩ của các bạn. Khi đó bạn chỉ là một cỗ máy, nhận yêu cầu và dùng công cụ mình được học ấy để thực hiện yêu cầu một cách công nghiệp và không suy nghĩ nhiều thay vì phải lên kế hoạch và suy nghĩ mình cần làm gì, tại sao phải làm như thế và làm như thế nào, rồi mới chọn công cụ phù hợp.


Theo ý kiến của tôi, cần phải học và có một tư duy đúng đắn trước. Với một tư duy đúng đắn, bạn có thể học cách sử dụng rất nhiều công cụ và biết cách dùng đúng công cụ nào trong các trường hợp nhất định, bạn sẽ là người làm chủ công cụ. Còn ngược lại, bạn sẽ bị lệ thuộc vào công cụ và bó buộc với nó, khi một công cụ mới được sinh ra tiên tiến hơn thay thế cho công cụ cũ, nếu bạn không kịp thích nghi, bạn sẽ bị đào thải cùng với công cụ cũ ấy.
Tư duy đúng đắn cũng có nghĩa là bạn hiểu rõ bản chất vấn đề và biết mình làm gì, như vậy khi bắt đầu làm một điều gì mới, hay cần giải quyết một vấn đề, bạn đều có thể thích nghi và xử lý được. Như vậy, rơi vào đâu cũng sống được, làm cái gì cũng tự tìm cách giải quyết được.
Tiếp theo
Để có được một tư duy phát triển đúng đắn và không bị hạn hẹp khi làm một Product Manager, điều quan trọng là bạn cần có được một góc nhìn đa chiều, để có thể so sánh, phân tích và đối chiếu để đưa ra nhận định khách quan và toàn vẹn nhất.
Chúng ta hãy thử tìm hiểu và phân tích vấn đề qua một số góc nhìn khác nhau về Product Manager trong các bài tiếp theo trong Series này.