Boys’ Love (BL) chỉ các tuyến nội dung tập trung vào mối quan hệ tình cảm giữa nam giới bắt đầu xuất hiện tại Nhật Bản vào những năm 1960 và sau đó lan rộng sang các nước Châu Á. Sự phổ biến của BL đã truyền cảm hứng cho dòng tiểu thuyết Đam Mỹ tại Trung Quốc và series phim BL tại Thái Lan (hay còn được quốc gia này ví như “sức mạnh mềm”).

Tại sao cần biết về BL?

- Hành trình phát triển của BL sẽ cho bạn thấy những thay đổi trong cách xã hội nhìn nhận về nữ quyền, LGBTQ. Cụ thể hơn, BL thay đổi cách một người nhìn nhận về xu hướng tính dục, tình dục,.. ra sao.
- Nhìn nhận sự trổi dậy của BL như một loại hình văn hóa đại chúng cho bạn một gợi ý về việc văn hóa có khả năng tác động đến “danh tính” của mỗi cá nhân và cộng đồng như thế nào.

3 bước ngoặt của BL

1. “Vì phụ nữ, cho phụ nữ”

BL lần đầu tiên được xuất hiện tại Nhật Bản vào giữa những năm 1960s thông qua làn sóng tác giả truyện tranh mới là nữ giới. Trước đó, các nhân vật nữ trong manga thường hiện lên một cách yếu đuối, phụ thuộc vào người nam bởi những định kiến xã hội lúc bấy giờ. Với nhân vật chính là nam giới, các tác giả nữ có thể tiếp cận độc lập và chủ động hơn trong việc xây dựng tính cách nhân vật cũng như các tuyến nội dung thiên về tình dục. 
Các bộ truyện BL được xây dựng theo sở thích của nữ giới (Ảnh: Manga “Kaze to Ki no Uta”  - một trong những bộ BL đầu tiên tại Nhật Bản)
Các bộ truyện BL được xây dựng theo sở thích của nữ giới (Ảnh: Manga “Kaze to Ki no Uta” - một trong những bộ BL đầu tiên tại Nhật Bản)
Vậy BL đã thay đổi cách phụ nữ nhìn nhận bản thân ra sao? Có 3 khía cạnh cơ bản là: 
1. Kiến tạo lại vai trò giới: BL là không gian giải thoát nữ giới khỏi những định kiến và sự bất bình đẳng về quyền lực của người nữ trong xã hội. Với BL, vì mối quan hệ giữa hai người là cùng giới tính nam (tức được cân bằng về quyền lực) nên người nữ có thể tự kiến tạo lại vai trò giới của bản thân bằng cách đặt mình vào vị trí của nam giới. 
2. Xóa bỏ nhãn quan nam giới (male gaze): Nhãn quan nam giới là cách đàn ông nhìn phụ nữ theo xu hướng tình dục hóa. Phụ nữ không còn là một chủ thể mà thay vào đó là một vật thể thụ động, được dùng để trang trí hay thỏa mãn nhu cầu của nam giới. Với BL, vì người nữ không tồn tại nên nhãn quan nam giới cũng được xóa bỏ. 
3. Cho phép các ảo tưởng về tình dục: Với các nước Châu Á nói chung, có một kỳ vọng từ xã hội rằng nữ giới phải trong sáng, không có những suy nghĩ “dâm dục”. Ngược lại, BL cho phép nữ giới có các ảo tưởng về tình dục một cách an toàn, không hệ lụy, trong một cộng đồng đóng được chiếm đa số bởi nữ. Đồng thời, vì quan hệ tình dục được diễn ra giữa nam giới, tức các suy nghĩ về tình dục cũng hướng đến người nam, nữ giới có thể xem mình đứng vô can bên ngoài những ham muốn ấy và không ảnh hưởng đến những kỳ vọng xã hội về người nữ.  

2. “Văn hóa độc hại, biến thể của ngôn tình”

Khi mới bắt đầu nổi tiếng, các sản phẩm BL thường bị truyền thông với nhiều từ ngữ tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến người đọc. Thậm chí cụm từ chỉ cộng đồng fan BL - Hủ nữ có nguồn gốc từ tiếng Nhật là “fujoshi” nghĩa là “vô phương cứu chữa, hết cách, bó tay”, nhằm ám chỉ rằng những cô gái thích BL là không có tương lai, không nghĩ đến tình yêu cá nhân mà chỉ quan tâm đến tình yêu giữa nam giới.
Tại Việt Nam, sự phổ biến của Đam Mỹ cũng bị nhiều tờ báo mô tả như một biến thể của ngôn tình, hơn nữa, là một biến thể thô tục, phản cảm, bệnh hoạn. Thậm chí, Việt Nam và Trung Quốc còn đưa ra lệnh cấm xuất bản sách đam mỹ, cấm các tình tiết quan hệ tình dục đồng tính.
Trước những tranh cãi này, các nhà sáng tạo nội dung BL đã có những thay đổi về cách tiếp cận, như việc xây dựng nhân vật trung tính hơn, không áp đặt vai trò giới, như chồng vợ, công thụ như trước. Nhiều bộ truyện tranh cũng đã bao quát vấn đề người đồng tính nam gặp phải như truyện “Arashi No Ato” về những mặc cảm tâm lý của một người đồng tính hay như bộ phim “Gayok Bangkok” khai thác góc nhìn về căn bệnh HIV trong cộng đồng LGBTQ. Tại Việt Nam, những tác phẩm BL trên màn ảnh rộng cũng đề cập đến nhiều vấn đề thực tế hơn. Chẳng hạn “Thưa mẹ con đi” khắc họa việc “come out” với các thành viên trong gia đình. 
Fujimoto Yukari - Giảng viên tại đại học Meiji, nhà nghiên cứu về văn hóa và giới - chia sẻ rằng những ấn phẩm BL đã phá vỡ đi các chuẩn mực, khuôn mẫu xã hội bằng cách miêu tả tinh tế tính đa dạng của các mối quan hệ tình cảm. Qua đó, BL cũng xóa nhòa khoảng cách giữa hư cấu và hiện thực, mở ra một chương mới trong cách công chúng tiếp nhận, nhìn nhận về cộng đồng LGBTQ. 

3. “Nam giới đồng tính trong đời thật không liên quan đến BL.”

Khi BL mới bắt đầu phổ biến, đã có nhiều tranh cãi nổ ra từ phía những người trong cuộc - tức những người đồng tính nam – về việc BL đang miêu tả sai thực tế, từ đó áp đặt những tiêu chuẩn của nữ giới dị tính về người đồng tính. Theo đấy, BL đã tạo ra những khuôn mẫu như nếu bạn là gay, bạn nhất định phải đẹp trai, thành đạt,.. Nhà nghiên cứu Ishida cũng chia sẻ nhiều người đọc BL tại Nhật Bản thường cho rằng “Nam giới đồng tính trong đời thật không liên quan gì đến Yaoi cả.”
BL cũng thường được nhìn nhận dưới góc độ giải trí thuần túy hơn là mang ý nghĩa về các quyền lợi hay sự bình đẳng cho cộng đồng LGBTQ. Tính giải trí của BL có thể thấy qua việc kịch bản phim, tiểu thuyết BL thường lãng mạn hóa các khía cạnh đời thường và tạo ra các nhân vật hoàn hảo đến mức không thực. Điều này đã tạo ấn tượng chung rằng các nội dung LGBTQ chỉ là một phương tiện giải trí và không cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Về lâu dài, việc này có thể tạo ra những hiểu nhầm và nhìn nhận sai lệch về cộng đồng LGBTQ, đặc biệt khi các sản phẩm BL càng ngày càng trở nên dễ tiếp cận với nhiều độ tuổi người xem hơn. 
Các nội dung BL thường xoay quanh cuộc sống đại học với hình mẫu “con nhà người ta” (Ảnh: Các series phim BL trên LINE TV)
Các nội dung BL thường xoay quanh cuộc sống đại học với hình mẫu “con nhà người ta” (Ảnh: Các series phim BL trên LINE TV)
Sau này, đi cùng với sự thay đổi trong cách thể hiện, truyền tải của các nhà sáng tạo nội dung, cộng đồng LGBTQ đã dần thấy được chấp nhận và có tiếng nói. 
Nam Trần (21 tuổi) chia sẻ rằng: “Ở các nước Châu Á, thường có rất ít phim mang tính đại diện cho cộng đồng LGBTQ. Vì vậy khi lớn lên, được tiếp xúc với Internet và làn sóng phim BL, mình hiểu được về xu hướng tính dục cũng như mong muốn của bản thân trong một mối quan hệ. Ngoài ra, ở Việt Nam, khi nhắc đến mối quan hệ nam-nam thì mọi người vẫn thường có sự phân vai như một người nắm quyền chủ động, một người bị động, người top, người bottom,.. nhưng các bộ phim BL đã không còn sự phân vai và nhờ vậy, mình cảm thấy không cần phải cố để chạy theo khuôn mẫu nào nữa.” 
Nhiều fan BL tại các quốc gia khác cũng chia sẻ câu chuyện tương tự. Ashley (26 tuổi) cho biết BL đã mở ra một khía cạnh về bản thân mà cậu từng cố che giấu vì sợ người khác sẽ không hiểu được. Alyx, chủ kênh Youtube chuyên react các series phim BL, chia sẻ rằng bộ phim 2Moons2 đã giúp anh thấy được đại diện và là một phần của cộng đồng LGBTQ.
Qua ba sự thay đổi trên, có thể thấy được phần nào những chuyển biến mà Boys’ Love - với vai trò là một loại hình văn hóa đại chúng - đã làm được: Từ nâng cao vai trò, tiếng nói của nữ giới, cởi mở trong vấn đề tình dục cho đến chấp nhận sự đa dạng về xu hướng tính dục.
Có thể nói, BL còn gợi mở một cách nhìn “rộng” hơn về danh tính của mỗi người, khi những quy chuẩn càng ngày càng được “nới lỏng”. Trong tương lai, sự phổ biến của BL hứa hẹn sẽ đem đến một tiếng nói đa chiều hơn, tạo ra những khả thể và đại diện mới để bạn soi chiếu và tìm hiểu về chính bản thân mình.