Mấy hôm nay lượn lờ mạng xã hội đâu đâu cũng thấy “khum”, “chằm zn” mà mọi người gọi đó là ngôn ngữ mới của gen Z. Nó làm mình nhớ ngày xưa học cấp 2, cấp 3 thường dùng trộm điện thoại của mẹ, cái điện thoại cục gạch bàn phím bấm đau cả tay mà mình có thể nhắn tin mà không cần nhìn. Hồi đấy toàn viết vắn tắt nhất có thể để tiết kiệm tin nhắn. Thời đó xa rồi, và dường như nó đang quay trở lại theo một biến thể mới khi kết hợp cả tây, tàu, ta, rồi còn cả nguyên tố hóa học nữa. Kỳ thực lúc thoải mái nhắn tin với bạn bè mà thấy nó dùng một hai từ mới thì thấy dễ thương bỏ qua, nhưng dùng nhiều quá lại khiến mình khó chịu vì bản thân bắt đầu bật chế độ bắt lỗi tiếng Việt. 
Ngày trước học môn tiếng Việt mình không giỏi, làm sai nhiều. Bây giờ mình vẫn hay mắc lỗi sắp xếp sai cấu trúc câu, thiếu chủ vị hay câu văn không rõ nghĩa. Điều đầu tiên mình cố gắng làm chính là viết đúng chính tả trước khi viết văn hay. Ngôn ngữ tiếng Việt có nhiều câu từ hay nhưng đang dần mai một do ít sử dụng. Những từ thuần Việt gắn liền với người nông dân, nền nông nghiệp lúa nước, nghe thân thương bình dị mà giờ đây mình chỉ còn nghe người già, người trung niên ở quê còn dùng. Quê mình mọi người hay bị ngọng, cũng có một số từ ngữ địa phương dùng phổ biến mà thực ra là do phát âm sai, như từ “toàn” mọi người đọc là “tuyền”, vật dụng thì “muôi, vá”. Lúc lên cấp 3 lâu lâu quen phát âm như ở nhà, bạn bè trong lớp hay trêu chọc mình vì dùng từ “lạ”. Mình cười đồng ý vì một số từ phát âm như vậy là sai, nhưng có những từ là từ ngữ thuần Việt nhưng không phổ biến với tất cả mọi người.
Mình rất trân trọng những ngày thơ ấu đã cho mình lớn lên trong những bài ca dao của bà và được lắng nghe cách dùng từ của thế hệ trước. Có vẻ mình đang già hóa so với thế hệ gen Z nên khó tiếp nhận cái mới này chăng? Em mình bảo, những đứa như bọn mình dù tuổi nằm ở thế hệ Z nhưng lại không thể hấp thụ được một số dòng chảy đang tạo ra trên mạng xã hội. Dù thế hệ nào mình vẫn muốn tiếng Việt giữ được vẻ đẹp của nó. Tiếng Việt có thể không long lanh vì nó lớn lên cùng cây lúa cây bông, không hiện đại sang chảnh như ngôn ngữ khác trên thế giới, nhưng chúng ta đều bắt đầu bi bô tập nói từ tiếng Việt. Mình xin mượn thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ để kết lại bài viết này:
“Ai thuở trước nói những lời thứ nhất
Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu
Ðiều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt
Ai người sau nói tiếp những lời yêu?
Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về…”