Thanh Hóa là một vùng đất địa linh nhân kiệt với biết bao nhiêu anh hùng vĩ nhân, là thủy nguồn của những vị vua khai thiên lập quốc nhà Tiền Lê, nhà Hồ, nhà Hậu Lê, Chúa Trịnh hay nhà Nguyễn. Thanh Hóa còn nổi tiếng với nền ẩm thực phong phú và độc tôn như nem chua, gỏi cá nhệch; cũng như nghệ thuật thủ công truyền thông huyện Nga Sơn đã đi vào dân gian “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng, vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”. Ai cũng biết ít nhiều về mảnh đất Lam Sơn này nhưng lại ít người biết đến việc đây chính là nơi những quả dưa hấu đầu tiên được canh tác.
Các bạn hẳn đang nghĩ đến câu chuyện của Mai An Tiêm bị vua Hùng thứ XVII đầy ra đảo hoang và trở lại vinh quang với một loại quả mới. Vâng đúng vậy, hòn đảo hoang khi đó sau cả ngàn năm đã nối lại với đất liền trở thành huyện Nga Sơn như ta thấy ngày nay. Người dân tại đây vốn có truyền thống trồng dưa lâu đời do đất đai phù hợp, dưa hấu trồng trên phù sa từng là đáy biển nên thường có vị đậm đà rất riêng. Thêm vào đó là câu chuyện truyền thuyết quả dưa hấu gắn với mảnh đất này khiến cho dưa ở đây luôn có một chỗ đứng nhất định trên thị trường Việt Nam. Nếu như cách đây chỉ khoảng 5 năm, do áp lực cạnh tranh, cả Nga Sơn chỉ còn lại vỏn vẹn vài gia đình quyết giữ bằng được truyền thống này, những năm trở lại đây, với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, ngành dưa hấu Nga Sơn lại bừng sáng trở lại, thu về hơn 12 tỉ đồng trong vụ mùa 2018.
Ấy thế nhưng, đối với người dân Nga Sơn, Thanh Hóa, dưa hấu không phải là tất cả những gì họ cần lưu giữ, bảo tồn. Cứ mỗi dịp 12-14 tháng 3 Âm lịch, lễ hội Mai An Tiêm lại được tổ chức tại đền thờ chính tại xã Nga Phú, ngoài để vui chơi, đây còn là khoảng thời gian để cùng chiêm nghiệm về những giá trị lớn hơn mà câu chuyện Mai An Tiêm đem lại.
Còn nhớ lễ trao giải WeChoice Awards 2014, ban tổ chức đã chọn lựa câu chuyện của Mai An Tiêm làm chủ đề cho toàn bộ lễ trao giải năm đó. Mai An Tiêm chính là nhân vật truyền cảm hứng gần gũi nhất đối với mỗi người dân Việt. Anh là đại diện cho thế hệ thanh niên mới, dám nghĩ, dám làm,  không chấp nhận sự sắp đặt hay chông chờ vào sự giúp đỡ của người khác. Anh là minh chứng cho bài học vô cùng sâu sắc: chỉ có những người dám nghĩ, dám làm mới nhận được kết quả xứng đáng!
Mai An Tiêm, tên là Mai Yển, hiệu là An Tiêm, nguyên là một người đầy tớ được vua Hùng thứ XVII – Hùng Nghị Vương mua về, nhưng do cốt cách thông minh, đã được vua Hùng gả con gái nuôi cho và giao cho nhiều trọng trách quan trọng của đất nước. Mai An Tiêm vốn thẳng tính, không kéo bè kết phái nên thường mất lòng người. Một lần, có kẻ tâu với vua rằng Mai An Tiêm được vua hậu đãi nhưng luôn tỏ ra kiêu căng mà hùng hồn tuyên bố rằng tất cả những y có được ngày hôm nay là do nghiệp tốt từ kiếp trước và do chính đôi bàn tay y tạo nên chứ không hề phụ thuộc vào ai cả vì “của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Vua Hùng nghe làm không vui vì cho rằng An Tiêm không biết điều, không hiểu được một sự thật hiển nhiên rằng tất cả những gì y có  là do vua ban cho và vua cũng có thể lấy lại bất cứ lúc nào. Nói là làm, Hùng Nghị Vương đầy vợ chồng Mai An Tiêm ra ngoài đảo hoang với một chút lương thực để xem không có sự ưu ái của đức vua, y có thể sống được không. Ấy thế mà tuy có khó khăn mà y lại sống được. Mà không chỉ sống được, y và gia đình còn sống dư giả tại hòn đảo vốn không người. Vua Hùng đến đây thực sự công nhận tài năng của  An Tiêm và gọi trở lại về hầu cạnh.
den_tho_mai_an_tiem.jpg

Hẳn nhiên, Mai An Tiêm rất giỏi. Nhưng xém chút nữa chỉ vì tính tình thẳng ruột ngựa của mình, y đã đẩy chính bản thân mình và cả gia đình vào đường tuyệt mệnh. Điều gì sẽ xảy ra nếu như những con chim đó không tình cờ mang hạt dưa dấu đến với hòn đảo này? Hẳn là y sẽ lý giải bằng nghiệp. Nhưng liệu có đáng để đành liều tính mạng của cả gia đình, cái giá phải trả cho một tính cách như vậy thật sự có phần quá lớn.
Đây chính là lý do hình tượng quả dưa hấu được đưa vào câu chuyện một cách không hề ngẫu nhiên. Ban đầu khi cây dưa hấu mọc lên, đơm hoa, kết trái, An Tiêm vui lắm nhưng lại không biết khi nào thì quả dưa chín mà thu hoạch. Chỉ đến khi thấy những con sóc, chuột đục khoét, y bổ ra mới biết dưa hấu đã chín từ khi nào. Quả dưa hấu dù còn non hay đã chín đỏ thì bên ngoài vẫn luôn một màu xanh. Đây chính là bài học đắt giá nhất mà quả dưa hấu đã giúp cho An Tiêm hiểu ra là dù có chân tài, thực học, tính cách nghiêm trang, thẳn thắn nhưng cũng không được kiêu căng, phải đằm mình lại.
Hình tượng Mai An Tiêm với hai bài học trên mới thực sự là những giá trị tinh thần, bài học đạo đức, triết lý sống cân bằng mà người dân Nga Sơn, Thanh Hóa muốn lưu giữ và truyền lại những thế hệ sau. Dưa hấu nơi đây từ lâu đã không chỉ còn là một thứ hoa quả tươi mát, mà đã trở thành biểu tượng của một nhân cách sống cao đẹp, một biểu tượng truyền cảm hứng đầy văn minh.