Tư cách Trịnh Công Sơn
Em không ghét Trịnh Công Sơn, vì em chẳng kỳ vọng gì ở ông này hết. Ngay cả khi Trịnh Công Sơn có một tư cách rất tầm thường, thì việc...
Em không ghét Trịnh Công Sơn, vì em chẳng kỳ vọng gì ở ông này hết. Ngay cả khi Trịnh Công Sơn có một tư cách rất tầm thường, thì việc đó cũng không can hệ gì đến em.
Nhưng em ghét cái cách mà người ta ngày nay nói về nhạc Trịnh với một thái độ thành kính xen lẫn bí hiểm. Thực sự thì nhạc Trịnh Công Sơn có lớn không? Em nghĩ thứ duy nhất có ý nghĩa trong suốt cả cuộc đời sáng tác của Trịnh Công Sơn, cũng chính thứ làm nên tên tuổi của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, là những bài hát phản chiến viết trong nửa sau của cuộc chiến tranh.
Thế mà ngày nay, thứ duy nhất còn sót lại là dăm ba bức thư tình vớ vẩn và vài dật sự về mấy bóng hồng quanh ông ta. Đó có lẽ là khía cạnh duy nhất ở Trịnh Công Sơn được phép kể và người thời nay còn thấy hứng thú. Âu cũng xứng đáng với cuộc đời của một con người lập lờ, cơ hội và hèn kém.
Nếu trong những năm 60-70 đó, Trịnh Công Sơn không vào Sài Gòn mà ra Hà Nội thì đố mà có Trịnh Công Sơn như ngày hôm nay.
Em từng rất mê nhạc Trịnh. Hồi lớp 5, lớp 6, em đã biết hát theo băng cát sét: “Chiều đi lên đồi cao hát trên những xác người”. Những hình ảnh như “thịt xương”, “rừng xương khô”, “núi đầy mồ” hay cả “chìm dưới cơn mưa một người chết đêm qua” và “một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời” đã cho em những cảm giác sợ hãi ngây thơ đầu tiên về cái chết và tâm linh.
Nhưng rồi sau này, nghe nhiều hơn và đọc nhiều hơn, em nhận ra nhạc Trịnh Công Sơn chỉ toàn là những than khóc lập lờ, chẳng có vai trò gì trong cuộc chiến.
Chiến tranh là gì? Chiến tranh có nghĩa là anh tát tôi bật máu thì tôi cũng phải đấm anh vỡ mồm, bao giờ anh chết thì tôi mới sống. Chiến tranh không có nghĩa là ngồi xem hai người đánh nhau xong rồi bình luận triết lý nhân sinh và than khóc. Ở tình thế đó, anh lập lờ nghĩa là anh trí trá. Nếu từ bi mà giải quyết được xung đột, thì Phương Chứng đại sư đâu có thua Nhậm Ngã Hành? Phản chiến ca sống được trong quá khứ là vì, như Đặng Tiến nói, nó giống như thuốc an thần bác sĩ phát cho bệnh nhân mất ngủ.
Trịnh Công Sơn đã nhận được quá nhiều ân sủng, cả trước và sau, không chỉ trong đời sống mà cả trong văn nghệ. Chẳng lẽ không có một mối liên hệ nào giữa Gia tài của mẹ và Dương Nghiễm Mậu? Chẳng lẽ cái màu Nắng thủy tinh đó không có chút gì can hệ đến Thanh Tâm Tuyền? Và hiển nhiên, Trịnh Công Sơn hẳn đi theo Bùi Giáng. Không có những bước chân văn nghệ mở cõi thì chắc còn lâu mới có Trịnh Công Sơn.
Đó là về phần lời – vốn vẫn được đánh giá cao hơn phần nhạc – của Trịnh Công Sơn. Còn phần nhạc thì sao? Đâu ngẫu nhiên mà một số người, như Dương Thụ chẳng hạn, cho rằng Trịnh Công Sơn chỉ là “người hát thơ”, không phải một nhạc sĩ như Văn Cao và Phạm Duy. Bởi vì đúng như Phạm Duy nói, nhạc của Trịnh Công Sơn rất đơn giản, và chính vì đơn giản nên nó mới phổ biến. Barley Norton phân tích rất cặn kẽ điều này trong cuốn Music and Protest in 1968. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Trịnh Công Sơn hoàn toàn sử dụng vốn tự có, không có mang đến bất cứ phát hiện nào mới mẻ cho tiến trình phát triển của tân nhạc Việt Nam.
Trịnh Công Sơn là một trang dở tệ còn sót lại của câu chuyện về tân nhạc và lịch sử Việt Nam, đã bị mối mọt thời gian ăn gần hết. Chỉ những ai kiên nhẫn phục chế mới thấy được có những tài năng đáng kể hơn Trịnh Công Sơn rất nhiều.
Hồ Chí Minh, 14.12.2020
Trịnh Nhật Tuân
Trịnh Nhật Tuân
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất