Từ Tân Thế Giới đến Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ - Nguồn gốc của đất nước tự do
Một quá trình thai nghén trong nó cả nền hòa bình thế giới
Nhắc đến Hoa Kỳ, chúng ta nghĩ đến điều gì? Một đất nước giàu có, hùng mạnh về cả quân sự và kinh tế? hay một đất nước với một cụm từ rất nổi tiếng trên thế giới-”Giấc mơ Mỹ “? Có lẽ sẽ có rất nhiều từ khóa sẽ hiện ra trong đầu của mỗi người đọc nhưng tôi tin rằng luôn có một đặc tính mà ai khi nhắc đến Mỹ đều sẽ nói đến, đó là Tự do. Vâng, một đất nước luôn tự hào là một nền dân chủ hùng mạnh, một đất nước luôn phát biểu trước thế giới rằng mình là một nước tự do, dân chủ và độc lập. Nhưng, những điều này từ đâu ra? Có phải nước Mỹ sinh ra đã có những thứ độc lập, tự do như vậy hay không? Điều gì khiến cho họ được tôn trọng thậm chí tôn vinh lên làm biểu tượng của sự tư do đến như vậy? Trong bài viết này (và một vài bài sau) tôi sẽ cố gắng giới thiệu các bạn những thông tin quan trọng giải thích vì sao Mỹ lại luôn gắn liền với sự độc lập và tự do dân chủ. Họ đã đánh đổi những gì để có được những điều thế giới ngưỡng mộ như ngày nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Châu Mỹ không giống như những châu lục khác như châu Á, Châu Âu, trước thế kỷ 15 (cụ thể là 1492) đây là nơi ở của nhiều nền văn minh và bộ lạc cổ đại có từ lâu đời như Maya (Khoảng 2000 TCN – 16 CN), Aztec (Khoảng 1300 – 1521) và không hề có sự giao thương, trao đổi với các châu lục khác ở thời điểm đó. Điều này là do địa lý của Châu Mỹ là một lục địa nằm tách biệt, ngăn cách với châu Á bằng Thái Bình Dương về phía Tây và bị Đại Tây Dương ngăn cách với châu Âu ở phía đối diện.
Chỉ đến khi Christopher Columbus, một nhà hàng hải người Ý đã “đi nhầm” đến đây thay vì đi đến Ấn Độ, một “tân thế giới” mới được mở ra với các nhà hàng hải châu Âu (Cụ thể hơn khi đó Columbus đang trong quá trình tìm một con đường đi đến Ấn Độ gần hơn hải trình trước đó mà các tàu thuyền châu Âu vẫn thường di chuyển, cho nên ông đã thử thay vì đi về phía Đông Châu Âu rồi đi đến Ấn độ, ông đã chọn đi về hướng ngược lại băng qua Đại Tây Dương với mục đích rút ngắn hành trình. Nhưng vì các tính toán sai về địa lý và hàng hải đã khiến ông không ngờ rằng nơi mình đặt chân đến không phải là Ấn Độ mà là một vùng đất hoàn toàn mới). Tuy nhiên, dù đã phát hiện ra một vùng đất khác lạ với những gì đoàn thủy thủ của mình vẫn thường đến, Columbus vẫn không hề biết về sự tồn tại của một lục địa mới mà chỉ nghĩ mình đã đến một khu vực khác của Ấn Độ (điều này được thể hiện rất rõ trong lá thư gửi vua Ferdinand và hoàng hậu Isabella của Tây Ban Nha rằng “On the thirty-third day after leaving Cadiz I came into the Indian Sea” tạm dịch là trong ngày thứ 33 rời khỏi đảo Cadiz, tôi đã đến Ấn Độ Dương), sự phát hiện này của Columbus và thủy thủ đoàn đã là quá đủ để về sau các quốc gia như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan và đặc biệt là Anh đến với tân thế giới này để thuộc địa hóa. Hãy tập trung vào người Anh và tua nhanh thời gian một chút đến thế kỷ 16!
Người Anh tham gia cuộc chơi
Tự do tuyệt đối, tự trị cao độ
Thời điểm ban đầu, người Anh không coi Châu Mỹ (hay cụ thể hơn là Bắc Mỹ) là một miếng bánh ngon cho nền kinh tế của mình, họ coi đây là sân chơi của Tây Ban Nha và Pháp suốt gần 1 thế kỷ. Đến năm 1607, người Anh mới bắt đầu với cuộc thuộc địa hóa đầu tiên với mục đích khi đó đa phần có nhiều điểm tương đồng với những quốc gia Châu Âu đi trước bao gồm kinh tế (tìm nguồn vàng bạc và tài nguyên quý hiếm mới), dân số (sự bùng nổ dân cư tại các đất nước châu Âu thời điểm đó đang tạo áp lực cho một nơi ở mới rộng hơn) và bệnh dịch (tàn dư của dịch bệnh cái chết đen làm cho người dân châu Âu muốn tìm một nơi ở an toàn hơn),v.v. Họ bắt đầu với một khu vực mang tên Jamestown tại tiểu bang Virginia hiện nay với nhiều gian nan nhưng sau đó là nền tảng cho một cuộc mở rộng lãnh thổ thuộc địa của người Anh với 13 bang thuộc địa mà chúng ta vẫn hay biết (Virginia (1607), Massachusetts (1620), New Hampshire (1623), Maryland (1632), Connecticut (1636), Rhode Island (1636), Delaware (1638), North Carolina (1653), South Carolina (1663), New York (1664), New Jersey (1664), Pennsylvania (1681), Georgia (1732)).
Không chỉ có Anh, một số các khu vực khác tại Hoa Kỳ hiện nay bị các nước châu Âu khác thiết lập thuộc địa (như New York (khi đó gọi là New Amsterdam) của người Hà Lan hay vùng đất trải dài từ thung lũng Mississippi, vùng Ngũ Đại Hồ đến vịnh Mexico, bao gồm các bang như Louisiana, Missouri, Illinois, Michigan, Wisconsin, Minnesota, và một phần Florida cùng nhiều bang khác dọc theo sông Mississippi trước kia thuộc quyền chiếm đóng của người Pháp hay các tiểu bang thuộc Tây Nam nước Mỹ thuộc quyền sở hữu của Tây Ban Nha) nhưng các thuộc địa của người Anh vẫn được cho là có hoạt động sôi nổi và tập trung nhất tại khu vực Hoa Kỳ trong khi các quốc gia châu Âu khác phân tán tại các khu vực ở Canada, Mexico và Nam Mỹ thì người Anh với một mảnh đất dù nhỏ nhưng vẫn tạo ra ảnh hưởng rất lớn tại Bắc Mỹ thời điểm đó và sau này.
Một đặc điểm thú vị khác của nước Anh so với các nước đi thuộc địa hóa khác ở châu Âu đó là một chính sách không chính thức mang tên Salutary Neglect (tạm dịch là sự bỏ bê có ích) được hoàng gia Anh áp dụng từ năm 1650 đến 1763, gọi là.không chính thức bởi vì nó không hề được đặt tên hay văn bản hóa cho đến tận 22/03/1775 khi Edmund Burke phát biểu trước quốc hội rằng sự bỏ bê khôn ngoan và có ích (wise and salutary neglect) là một nhân tố tạo ra sự thành công trong thương mại tại các thuộc địa ở Bắc Mỹ của Anh. Chính sách này có những đặc tính như tự do về thương mại, chính trị, kinh tế, văn hóa, luật pháp… tức là những người dân và lãnh đạo tại khu vực thuộc địa có quyền độc lập tạo ra các luật lệ, tổ chức quản lý, luật pháp và bản sắc văn hóa riêng biệt. Trên phương diện ngắn hạn, chính sách này tạo ra giá trị kinh tế tốt cho người Anh, tạo ra hiệu quả thương mại tối đa; ngoài ra trên phương diện dài hạn, đây cũng là nền tảng cho sự tự do, độc lập và tính đa dạng văn hóa của nơi đây (những điều mà ta có thể dễ dàng thấy ở nước Mỹ ở tận thời điểm hiện tại và cũng là giá trị cốt lõi của đất nước này), ngoài ra cũng là sự ươm mầm cho tư duy độc lập, tự chủ về mặt chính trị của khu vực thuộc địa so với mẫu quốc và tạo ra cuộc cách mạng lịch sử mà ta sẽ tìm hiểu trong những phần sau.
Tại sao chỉ có người Anh mới thực hiện chính sách này và là đặc trưng của Anh tại Bắc Mỹ? Khi tiến hành thuộc địa hóa các tiểu bang, hoàng gia và chính phủ Anh không trực tiếp làm điều này mà các công ty thương mại, nhà đầu tư các nhân là những đối tượng thực hiện (khác với các nước châu Âu khác sử dụng vốn và tài nguyên của vua và hoàng hậu nước đó đầu tư vào các chuyến thuộc địa hóa châu Mỹ điển hình như công ty Massachusetts Bay, doanh nghiệp đã được chính phủ ủy quyền để đi thuộc địa hóa bang Massachusetts. Chính sự “tư nhân hóa” quá trình thuộc địa này đã biến các khu vực thuộc địa của Anh ít lệ thuộc và bị kiểm soát bởi hoàng gia mẫu quốc. Thêm vào đó, vì mục tiêu của người Anh khi này chủ yếu đó là phát triển kinh tế từ thuộc địa nên sẽ rất tốn kém để có thể trực tiếp quản lý và điều hành một khu vực mà phải tốn hơn 2 đến 3 tháng để liên lạc cho nên người Anh đã sử dụng chính sách nới lỏng về chính trị và thương mại. Ngược lại, các quốc gia châu Âu khác như Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sử dụng chính sách quản lý thuộc địa tập trung, thắt chặt với mục tiêu chiếm đóng lãnh thổ và truyền bá tôn giáo, cho nên cần sự kiểm soát chặt chẽ từ các mẫu quốc này.
Khi con cừu nào đủ lông cũng phải vào chuồng để xén
Tuy nhiên, sự tự do này chỉ được người Anh đã không được duy trì vĩnh viễn. Tôi xin phép được giới thiệu với bạn một trong những xung đột lớn nhất thế giới thế kỷ 18: Chiến tranh 7 năm xảy ra trên toàn bộ 4 châu lục châu Á (Ấn Độ), châu Phi, châu Âu, châu Mỹ. Tại Bắc Mỹ, cuộc chiến này được người Anh gọi là chiến tranh Pháp Ấn (French and Indian war) (cái tên ý chỉ ở góc nhìn của người Anh là xung đột giữa họ đối với liên minh người Pháp và người da đỏ nội địa tại Bắc Mỹ (khi này vẫn bị gọi là người Ấn Độ do sự phân biệt châu Mỹ và Ấn Độ khi đó chưa hình thành)). Đây là một cuộc chiến xung đột về lãnh thổ và tranh chấp trên diện rộng giữa 2 liên minh các nước của Anh và Pháp nhưng trong bài viết này tôi xin chỉ lấy những diễn biến và tranh chấp tại Bắc Mỹ để làm tư liệu. Tại khu vực này, Anh và Pháp đã quyết liệt tranh chấp tại thung lũng sông Ohio, vùng Ngũ Đại Hồ, Canada (Quebec và Montreal), dãy Appalachians, và dọc sông Mississippi (có thể xem hình trước và sau tranh chấp để hình dung vị trí địa lý của cuộc chiến).
Sau cuộc chiến dài hơi này, Anh khi này sở hữu được rất nhiều vùng đất đai, đá bay Pháp ra khỏi vùng Bắc Mỹ để Anh và Tây Ban Nha chia nhau đất đai trong đó người Anh nắm giữ Florida (kết quả thỏa thuận trao đổi Cuba cho Tây Ban Nha tại Hiệp ước Paris 1763), Quebec và Montreal của Canada, Tây dãy Appalachians (bao gồm Thung lũng sông Ohio và khu vực từ dãy Appalachians đến sông Mississippi) từ tay Pháp. Có thể nói, Anh khi này đã trở thành “địa chủ” tại Bắc Mỹ nhưng nó khiến hoàng gia và chính quyền mẫu quốc trở nên rất khó khăn trong việc cân bằng lợi ích giữa các bên thuộc địa của mình. Một bên là thổ dân da đỏ ở những khu vực vừa mới chiếm được và một bên là những người dân trong 13 bang thuộc địa trước đó đang có nhu cầu mở rộng và di cư về phía Tây do áp lực về dân số ở khu vực sống khi đó dần trở nên chật chội và họ đã dần tiến hành các cuộc mở rộng phạm vi thuộc địa từ trước cả chiến tranh Pháp Ấn, nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, mẫu quốc đã phải cân bằng lợi ích với thổ dân da đỏ bằng cách ngăn cản người dân ở 13 bang thuộc địa không được mở rộng về phía Tây (đây như một hành động đầu tiên đi ngược lại với đặc tính ưa tự do và độc lập của những thuộc địa vốn hình thành từ chính sách nới lỏng của mẫu quốc từ trước giờ).
Kể từ thời điểm kết thúc chiến tranh Bảy năm, chính quyền Anh đã bắt đầu thắt chặt hơn một chính sách quản lý mà họ đã làm lỏng tay vào nửa đầu thế kỷ 18 đó là hệ thống thuộc địa dạng công ty thương mại (là dạng quản lý thuộc địa của các công ty được bổ nhiệm đi thuộc địa hóa mà tôi có nói trước đó) sang mô hình thuộc địa hoàng gia (Royal Colonies). Cụ thể hơn, Hoàng gia Anh đã tiến hành cử đại diện của mình đến thuộc địa bao gồm các Thống đốc là những người thay mặt nhà vua để quản lý từng tiểu bang ở nhiều khía cạnh như thi hành pháp luật, thu thế, … Dẫu cho ở thuộc địa vốn tồn tại một thực thể đại diện cho người dân mang tên Hội đồng thuộc địa (Colonial Assembly) nhưng các quyết định về đề xuất luật hay các phán quyết quan trọng thì giờ đây đã chuyên quyền và tập trung vào thống đốc của Hoàng gia hơn khi họ có quyền phủ quyết các đề xuất của hội đồng thuộc địa mà không vấp phải sự khống chế về pháp lý. Đây cũng là tiền đề cho rất nhiều đạo luật về thuế phí để bòn rút thuộc địa tối đa mà tôi xin trình bày ở phần kế tiếp đây.
Các đạo luật về thuế - phương tiện vắt kiệt thuộc địa của mẫu quốc
Sau cuộc chiến tranh 7 năm tốn kém mà Anh đã tham gia, không chỉ dừng lại ở mặt địa chính trị; dẫu có được chiến thắng đậm đà, cuộc chiến đã khiến cho nợ công của nước Anh tăng từ 74 triệu Bảng vào 1766 lên 133 triệu Bảng sau đó 7 năm. Trước đó thì mẫu quốc đã thả tự do về thương mại về thuế cho các thuộc địa nhưng sau cuộc chiến tranh mà trước đó vận hành bằng thuế của người dân ở mẫu quốc, hoàng gia vấp phải sự phẫn nộ rất lớn của người dân nên họ đã tiến hành quá trình “vắt sữa” thuộc địa bằng rất nhiều thứ thuế.
Các đạo luật “cơ bản”
Tôi xin phép liệt kê sơ một số đạo luật về thuế đã được ban hành.
Đầu tiên, trước cả chiến tranh 7 năm, đạo luật Đường mật (Molasses Act) - 1733 được nước Anh ban hành với các thuộc địa về 2 sản phẩm chính là mật đường và rượu rum nhập khẩu, nhắm vào ngành công nghiệp chế biến đường và rum ở các thuộc địa; Dẫu vậy đạo luật này đã không được tiến hành quá gắt gao nhưng nó cũng đã tạo ra được một số làn sóng phẫn nộ đầu tiên về thuế khi nó được thực thi.
Kể từ sau chiến tranh 7 năm, ta có Đạo luật thuế đường (Sugar Act) - 1764 nhắm vào các sản phẩm làm từ đường (đường, si rô và mạch nha) nhập khẩu. Ngay từ đạo luật đầu tiên trong năm này đã khiến vùng New England phá sản hàng loạt cơ sở kinh doanh. Sau đó là các đạo luật khác về yêu cầu của mẫu quốc đối với thuộc địa mà tôi sẽ lướt qua như đạo luật tiền tệ (Currency Act) - 1764 nghiêm cấm thuộc địa tự phát hành tiền giấy, và rất nhiều đạo luật oái oăm khác mà tôi khó có thể nói hết trong bài viết này.
Đạo luật thuế tem - No taxation without representation
Với rất nhiều loại thuế và đạo luật yêu cầu đến từ mẫu quốc là như vậy, nhưng “giọt nước làm đầy ly” đối với người dân thuộc địa chính là Đạo luật thuế tem (Stamp Act) - 1765 nơi chính quyền Anh yêu cầu tất cả các sản phẩm in ấn bao gồm báo, tạp chí, văn bản pháp luật đều phải được dán tem để hải quan thu thuế với mục đích được đưa ra đó là duy trì quân đội và bộ máy hành chính ở thuộc địa. Đạo luật này đồng nghĩa với việc những giới nhà báo, luật sư… đều sẽ phải trả thuế nếu muốn dùng tài liệu một cách hợp pháp.
Điều đặc biệt ở đây đó còn là việc thuế tem là loại thuế trực tiếp đầu tiên đánh vào người dân thuộc địa. Để giải thích kỹ hơn thì thuế trực tiếp là loại thuế được áp vào khiến cho người tiêu dùng trực tiếp phải nộp cho chính phủ, trong khi đó, thuế gián tiếp là loại thuế được áp dụng với những lái buôn, người nhập hàng; mặc dù chung một tác động làm cho giá sản phẩm càng thêm đắt đỏ nhưng hành động “rút tiền từ ví” trực tiếp của người dân khiến cho họ nảy sinh sự bất bình và tạo ra làn sóng phản đối dữ dội với câu khẩu hiệu mà dân học lịch sử nào cũng phải nằm lòng “No taxation without representation” (không có đại diện thì không nộp thuế).
Nguồn gốc của câu nói này đến từ lập luận của chính quyền thuộc địa rằng họ không hề có đại diện trong quốc hội của Anh dẫn đến các quyết định về ban hành thuế chưa bao giờ được chính quyền thuộc địa cân nhắc và cho ý kiến của mình, điều này khiến họ bất bình vì không biết số tiền phải nộp đó sẽ được sử dụng vào đâu và họ không bao giờ có quyền biểu quyết về vấn đề này. Đại biểu Patrick Henry tại bang Virginia còn phát biểu rằng việc đánh thuế không cần đại diện là một sự đe dọa với sự tự do của các thuộc địa; Quốc hội nơi đây cũng tuyên bố người dân Virginia có quyền được hưởng tất cả những quyền lợi như người Anh tức chỉ có những người do dân họ bầu ra mới có quyền thu thuế dân.
Ngoài lề: Ta có thể so sánh một chút ở phần này với một phần thuộc địa khác của Anh đó là Ấn Độ. Tại sao cùng là thuộc địa nhưng một nơi mạnh mẽ đòi quyền tự do về thuế trong khi một nơi vốn tồn tại suốt nhiều thế kỷ nộp thuế đều đặn cho mẫu quốc mà không cần đại diện? Câu trả lời ở đây có 2 yếu tố: Thứ nhất, do chính sách lơ là có ích (Salutary Neglect) của Anh vào các thuộc địa Bắc Mỹ như đã trình bày ở phần trên làm cho chính quyền ở thuộc địa có một tư duy và tư tưởng độc lập hơn về chính trị làm cho các quyết định và hoạt động của thuộc địa trước đó vốn chưa bao giờ bị can thiệp sâu thế này như thời điểm áp đạo luật thuế tem nên họ đưa ra nhiều lập luận để bảo vệ quyền tự do đã tồn tại hơn 100 năm ở khu vực thuộc địa này để đòi hỏi quyền lợi; trái lại ở Ấn Độ, là một nơi người Anh áp đặt chế độ tập trung quyền lực vào hoàng gia và chính quyền ngay từ những thời điểm đầu đặt chân đến đây nên từ lâu họ đã quen với việc nộp thuế không cần đại diện; so sánh về mặt tiềm năng vào những thời điểm mà Anh còn mới đặt chân đến đây giống như một khu đất hoang tàn chưa có đủ tiềm lực và tiềm năng tăng trưởng, người dân châu Âu di cư đến đây còn đối mặt với rất nhiều vấn đề như bệnh dịch điển hình là sốt rét hay các nạn đói trên khu vực còn hoang dã như vậy, nhìn chung là người Anh khi đó chưa trông mong vào một nơi như thuộc địa mới này có thể cho họ ngay lợi ích kinh tế trong khi đó miếng bánh béo bở từ hàng trăm năm mang tên Ấn Độ vẫn còn đó nên người Anh quyết định “vứt xó” thuộc địa tại Bắc Mỹ cho chúng tự phát triển.
Thứ hai, về sắc tộc, những người dân ở thuộc địa Bắc Mỹ và Ấn Độ có những sự khác nhau rõ ràng dẫn đến sự khác nhau về đòi hỏi quyền lợi. Trong khi Ấn Độ là những người dân bản địa, sắc tộc khác với những người quản lý thuộc địa là người da trắng châu Âu nên việc họ luôn coi người dân ở Ấn Độ chỉ là những thực thể thấp kém hơn, bên kia bán cầu tại Bắc Mỹ, những người sinh sống ở thuộc địa có 2 nhánh là nhóm người thổ dân ở Bắc Mỹ lâu đời tuy nhiên không ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển thuộc địa ở đây, nhóm người chính đóng góp vào sự phát triển của thuộc địa là những người dân Anh da trắng di cư đến để lập nghiệp cho nên họ luôn tự hào mình là công dân của đất nước vĩ đại, là người có quyền tương đương không khác gì ở mẫu quốc nên họ có quyền được đưa ra các ý kiến bảo vệ quyền lợi của mình (Chi tiết này là hoàn toàn có cơ sở khi nhiều Hiến chương của nhà vua Anh ngày trước đã khẳng định rằng việc người dân Anh đi khai hoang, thuộc địa hóa và định cư tại các thuộc địa của Anh sẽ không đồng nghĩa với việc đánh mất quyền của công dân Anh mà còn hưởng đầy đủ thậm chí là hơn. Ví dụ như hiến chương Virginia (được ban bố trong 3 lần 1606, 1609, 1612) tuyên bố rằng những người dân Anh sống tại các vùng thuộc địa được hưởng đầy đủ Quyền tự do, Đặc quyền và quyền miễn trừ truy tố trong bất kỳ lãnh thổ nào của nước Anh (Bản gốc “ All and every the Persons being our Subjects, which shall dwell and inhabit within every or any of the said several Colonies and Plantations... shall have and enjoy all Liberties, Franchises, and Immunities within any of Our other Dominions, to all Intents and Purposes, as if they had been abiding and born within this our Realm of England.”) hay hiến chương Massachusetts Bay 1629 dành cho chuyến thuộc địa hóa tiểu bang Massachusetts của công ty cùng tên với hiến chương trình bày rằng những nhà thám hiểm của Anh được hưởng mọi quyền tự do và miễn trừ như các thần dân tự do và hợp pháp như các con dân ở mẫu quốc (Bản gốc: “The said Adventurers and their Successors... shall have and enjoy all Liberties and Immunities of free and natural Subjects, within any of the Dominions of Us, our Heirs and Successors, as if they and every of them were born within the Realm of England.”).
Quay lại với đạo luật thuế tem, tại đại hội thuế tem ở New York tháng 10/1765, 27 đại biểu từ 9 trên 13 bang thuộc địa tranh thủ dư luận đang sôi sục kêu gọi Hoàng gia và Quốc hội Anh giảm thuế. Sau đó một năm, dưới sức ép của các phong trào tẩy chay ở Mỹ đã khiến các lái buôn của Anh ủng hộ phong trào đòi hủy bỏ luật lệ này. Điểm kết của đạo luật này đó là việc Quốc hội Anh lùi bước bãi bỏ Đạo luật Thuế tem và sửa đổi Đạo luật Đường. NHƯNG, chưa dừng lại ở đó, được bên này thì lại mất bên kia, có vẻ như quyền lợi của người dân thuộc địa không bao giờ có thể đi song song với quyền lợi của người dân mẫu quốc, một đạo luật về thuế khác lại xuất hiện mang tên Đạo luật Townshend.
Đạo luật Townshend - khi thuộc địa đã trở thành kẻ thù
Vào năm 1767, tước mâu thuẫn và sự phản đối tình trạng sưu cao thuế nặng ở trong nước, bộ trưởng Tài chính Anh Charles Townshend, xây dựng một chương trình tài khóa mới với mục tiêu giảm thuế của người Anh bằng cách thu thuế triệt để vào ngành thương mại của Mỹ.
Cụ thể, mẫu quốc yêu cầu đánh thuế cực cao vào các mặt hàng nhập khẩu từ Anh vào thuộc địa, các mặt hàng được nhắm đến có đặc điểm khan hiếm ở thuộc địa và gần như khó sản xuất mà phải nhập khẩu như giấy, thủy tinh, chì, chè… Thêm một cái trớ trêu nữa đó là việc đánh thuế lần này đi thẳng vào các mặt hàng do nước Anh sản xuất, tức Anh là nhà cung cấp chúng và chính quyền Anh có toàn quyền áp thuế tùy thích vào các mặt hàng này; Điều này đồng nghĩa quốc hội đã đánh gãy được lập luận của chính quyền thuộc địa khi giờ đây không cần phải áp thuế vào thuộc địa nữa, không thể dùng khẩu hiệu no taxation without representation. Đạo luật này như một đòn trừng phạt hơn là một chính sách “vắt sữa” nền kinh tế khi nó gần như khiến các mặt hàng trên khi đi vào thuộc địa sẽ gặp rất nhiều khó khăn do chính phủ dựng nên hàng rào thuế quá dày. Đạo luật Townshend ảnh hưởng đến người dân thuộc địa đến mức họ phải các sản phẩm tự cung tự cấp như quần áo bằng vải dệt bằng sợi tự se, giấy tự chế hay tìm thức uống khác thay thế trà (điều mà tôi nghĩ người Anh ở thuộc địa không thích lắm). Dù cho khác với đạo luật thuế tem khi nó không gây ra phẫn nộ diện rộng như trước khi mọi người vẫn có thể tự cung tự cấp sản phẩm nội địa, nhưng không tránh khỏi một số khu vực nổi loạn mạnh mẽ phản đối đạo luật này như khu vực Boston, nơi sự phẫn nộ hóa thành bạo lực.
Tại Boston, các nhân viên thuế vụ bị tấn công và đối xử thô bạo đến mức họ phải cần sự trợ giúp của 2 trung đoàn từ Anh để bảo vệ sự an toàn của họ. Đỉnh điểm của sự hỗn loạn là vào ngày 05/03/1770, một vụ ném tuyết vô hại vào binh lính Anh tại nhà Hải quan Boston đã biến thành một cuộc tấn công đầy hỗn độn, một ai đó đã ra lệnh bắn và sau đó tuyết trắng của khu vực Boston đã ám mùi thuốc súng và nhuốm máu của 3 người dân; sau này người ta gọi sự kiện này với cái tên vụ thảm sát Boston (Boston Massacre) và là bằng chứng tố cáo sự tàn bạo của người Anh. Đối mặt với sự phản đối như vậy, Quốc hội đành rút lui không lâu và hủy bỏ luật thuế Townshend nhưng vẫn giữ luật thuế này với mặt hàng chè ở đây. Mọi chuyện dần lắng xuống thì một sự kiện khác lại bắt đầu nhen nhóm cho bạo lực tiếp theo gắn liền với thứ đồ uống yêu thích này của người Anh.
Tiệc Trà Boston
Sau 3 năm sống trong sự yên bình, công ty Đông Ấn (một công ty thương mại thế giới hùng mạnh) đang lâm vào tình trạng tài chính khó khăn phải sang cầu viện nước Anh để được độc quyền xuất khẩu chè sang lục địa. Chính phủ mẫu quốc quyết định cho phép công ty Đông Ấn phân phối trực tiếp cho người bán lẻ mà không cần thông qua các lái buôn thuộc địa. Điều này làm ảnh hưởng đến sự chênh lệch giá so với cả những mặt hàng chè hiện đang buôn lậu và trốn thuế tại thuộc địa, có nguy cơ làm cho công việc làm ăn của các lái buôn tại đây gặp vô số bất lợi. Đây không chỉ là hành động gây mất cân bằng giá trong thị trường mà còn là hình ảnh một công ty nước ngoài độc quyền cả một nền buôn bán chè của người dân nội địa làm cấp tiến kích động nên các phong trào chống đối giành độc lập. Các lái buôn bắt đầu hợp sức lại và đe dọa các lô hàng chè trên tàu chở từ bên kia Đại Tây Dương rằng hoặc trả hàng về nước Anh hoặc chúng sẽ bị bốc dỡ lại vào kho nhằm không cho chúng được buôn bán trong thị trường thuộc địa. Dẫu các phong trào chống đối các đại lý của công ty Đông Ấn diễn ra trên khắp các hải cảng dọc bờ Đại Tây Dương của Mỹ nhưng riêng tại Boston, các nhân viên tại đây đã bất chấp cho hàng cập bến bằng tàu biển.
Để đáp trả, đêm ngày 16/12/1773, một nhóm người cải trang thành người da đỏ Mohawk với dẫn đầu là Samuel Adams (một người rất nhiều huyết trong các phong trào chống đối chính quyền mẫu quốc và luôn nung nấu ý định tạo ra một phong trào mang tính cách mạnh để có được sự tự do cho người dân thuộc địa); họ đã đột nhập lên 3 chiếc tàu của Anh đang buông neo và đổ tất cả các kiến chè xuống cảng Boston tạo ra một hình ảnh mà mọi người vẫn thường gọi là Tiệc trà Boston huyền thoại.
Sau sự kiện này, công ty Đông Ấn đã chỉ trích thuộc chính phủ Anh là không thể quản lý được đám thuộc địa nổi loạn của mình, làm cho chính quyền vô cùng mất mặt và buộc phải có những động thái “đưa thuộc địa vào khuôn khổ” của Hoàng gia.
Các đạo luật cưỡng bức
Mở đầu là đạo luật Boston, yêu cầu đóng cửa cảng Boston cho đến khi tất cả số chè bị ném xuống sông kia được giải quyết hoàn toàn. Đây như một bản án cận tử cho một khu vực vốn sống bằng giao thương và xuất nhập khẩu, khống chế vào huyết mạch khiến cho khu vực cảng biển này gần như thất thu hoàn toàn. Ngoài ra trong quá trình cử quân đến của Hoàng gia, chính quyền Anh cũng ban hành Đạo luật Hậu cần yêu cầu chính quyền thuộc địa phải cung cấp đầy đủ chỗ ăn chỗ ngủ cho lính của Hoàng gia, thậm chí bắt buộc phải sử dụng cả nhà ở của dân nếu không thể đáp ứng và binh lính có toàn quyền đuổi dân ra khỏi nhà của họ để cư trú.
Tiếp theo, là một trong những Đạo luật rất quan trọng trong lịch sử của thời thuộc địa, được xếp vào hàng những Đạo luật không thể dung thứ (Intolerable Acts) - Đạo luật Quebec, đặt theo tên một vùng đất thuộc địa của Anh tại Canada ngày nay. Đạo luật này nhắm vào khá nhiều mặt nhưng điển hình nhất là về lãnh thổ và tôn giáo.
Cụ thể hơn, về lãnh thổ, đạo luật Quebec ban hành trong bối cảnh biên giới của vùng Quebec tại Canada đang mở rộng xuống phía Nam tới vùng sông Ohio và Mississippi (nơi mà ngày nay nằm trên các bang Illinois, Indiana, Michigan, Ohio, Wisconsin và một phần của Minnesota). Đây là khu đất mà cả 2 phía là thuộc địa của Mỹ và vùng thuộc địa Quebec đều muốn nắm giữ do tài nguyên thiên nhiên phong phú nhưng động thái cho phép phần thuộc địa ở Canada tiến hành sáp nhập cũng là một nước đi cho thấy một hàng rào vả thẳng vào mặt của người dân thuộc địa tại Mỹ rằng không được xê dịch dù chỉ một tấc về phía Tây và Tây Bắc.
Về tôn giáo, Hoàng gia Anh cũng đã thông qua đạo luật này mà công nhận rằng giáo phái Tin lành (Protestantism) là một mối đe dọa đến Công giáo La Mã và có tính phổ biến cao trong khu vực thuộc địa. Các nội dung ban hành trong Đạo luật Quebec dù không có các biện pháp răn đe hay trừng phạt quá gắt gao, tuy nhiên góc nhìn của người dân thuộc địa ở Mỹ cho rằng đây là một sự cưỡng bức dần vượt mức chịu đựng của họ và là mồi lửa quan trọng cho ý định cách mạng với bước đầu là một cuộc thảo luận chưa từng có giữa các lãnh đạo tại các bang để lên kế hoạch cho cách mạng.
Đại hội lục địa lần thứ nhất (The First Continental Congress)
Đại hội này được tổ chức vào ngày 05/09/1774 ở Philadelphia dưới sự yêu cầu của hội đồng thị dân Virginia. Đại hội gồm 55 đại diện của gần như đầy đủ các bang thuộc địa trừ bang Georgia. Tại cuộc thảo luận kéo dài hơn một tháng, các đại biểu đã cho ra những chi tiết đầu tiên về thái độ, chiến lược và cơ sở cho một cuộc cách mạng chưa từng có tiền lệ. Tôi xin phép được lược qua như sau:
Thứ nhất, hội nghị cho rằng một tình thế rất khó giải và đòi hỏi sự tỉ mỉ cao độ đó là việc cân bằng giữa việc ngoại giao với chính phủ Anh nhằm xin quyết định nhượng bộ của mẫu quốc và khả năng thể hiện một thái độ tương đối trung lập, không quá lộ ra những tư tưởng cấp tiến hay tinh thần độc lập dân tộc để có thể duy trì được lòng tin của những đối tượng còn giữ thái độ trung lập (khi này vẫn là đông đảo) tại thuộc địa.
Thứ hai, các đại biểu ở hội nghị khi đó đã hướng đến một diễn văn với các mục tiêu tuyên bố không tuân thủ các đạo luật cưỡng bức của người Anh và kết thúc nó bằng một tuyên bố hùng hồn rằng người dân ở đây có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc như các con dân ở chính quốc. Cuối hội nghị, người ta cũng đã đúc kết những quyền của người dân và luận tội những gì mẫu quốc Anh đã làm với thuộc địa của mình (Bạn có nghe quen không? Đây đều coi như là miếng gạch đầu tiên cho bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử của nước Mỹ và cả thế giới sau này)
Tuy nhiên, điều có sức ảnh hưởng lớn nhất và quan trọng nhất của đại hội lục địa lần thứ nhất này đó chính là quyết định thành lập Hiệp hội lục địa (Continental Association) với rất nhiều mục đích như kêu gọi tẩy chay hàng nhập khẩu từ Anh, xây dựng các ủy ban điều tra hải quan nhằm thắt chặt thương mại và đặc biệt là đứng lên lãnh đạo thuộc địa, khuyến khích các bang xóa bỏ quyền hành của Hoàng gia Anh cho thấy thuộc địa nơi đây đã rất sẵn sàng cho một sự độc lập hoàn toàn khỏi mẫu quốc, họ tiến hành các cuộc tích trữ bao gồm vũ khí, nhu yếu phẩm và binh lực tiến hành cho một cuộc “đón tiếp” người Anh.
Khởi đầu cho chuỗi ngày nổi dậy của thuộc địa là tại thị trấn Lexington ngày 19/04/1775 tại bang Massachusetts Bay (tên khi đó của bang Massachusetts hiện nay), một cuốn chạm trán nhỏ giữa 77 binh lính du kích của Mỹ và quân Hoàng gia Anh. Dẫu cho ý định ban đầu của đoàn du kích là từ từ rút lui và chủ trương không nổ súng, nhưng vì đã có người ở phía binh lính Anh phát động nên một cuộc đấu nhỏ khiến 8 sinh mạng ra đi và 10 người khác bị thương dành cho cả 2 bên. Tuy nhiên đó chưa là gì so với cuộc chiến ở thị trấn Concord chủ động phục kích binh lính Hoàng gia khi họ đang trên đường về lại Boston. Lực lượng quân sự và du kích quân của Mỹ có lẽ đã “học lỏm” kế hoạch “vườn không nhà trống” của Việt Nam, họ chôn giấu hết tất cả đạn dược vũ khí của mình, còn lại những thứ khác như nhà cửa, lương thực nếu không được lực lượng của Mỹ đem theo đều bị tiêu hủy dẫn đến không hề có một điểm nào trên đường đi về của binh linh Anh để họ có thể lấy được tài nguyên bổ sung cho mình kết hợp với việc quân lính đi đến đâu, đều có những họng súng của du kích quân chĩa vào đến đó nên sau khi đi qua khu vực Middlesex (một thị trấn khác của bang Vịnh Massachusetts), quân Anh đã bị rỉa sinh lực tổn hại đến hơn 250 quân tử vong và bị thương, trong khi con số tương tự của du kích quân Mỹ chưa đến một nửa với 93 người. Nhờ 2 cuộc chiến thành công ở Lexington và Concord đã mở đường cho Đại hội lục địa một lần nữa được diễn ra, đem lại nhiều hứa hẹn với các quyết định được cân nhắc kỹ lưỡng từ đại hội trước đó một năm.
Đại hội lục địa lần thứ hai (The Second Continental Congress)
Diễn ra tại Philadelphia ngày 10/05/1775, Đại hội lục địa lần thứ II khi này đã có được rất nhiều sự cải tiến và phát triển so với đại hội lần thứ I.
Đầu tiên phải nói đến đó là sự tham gia của đầy đủ 13 bang thuộc địa thay vì 12 như trước đó khiến cho số địa biểu khi này là 65 đại biểu trải đầy đủ trên lãnh thổ thuộc địa. Về quân sự, khi này không còn là sự phát triển lẻ tẻ của các nhóm du kích vài chục người nữa, ngày 14/06/1775, quyết định thành lập Quân đội lục địa (Continental Army) với vị tổng tư lệnh được bổ nhiệm là George Washington (đại diện của bang Virginia).
Ngoài Quân đội lục địa còn có Hải quân lục địa thành lập vào tháng 10 cùng năm với vai trò bảo vệ bờ biển thuộc địa và tấn công tàu của người Anh. Tuy nhiên tư tưởng chủ đạo quan trọng nhất bên trong đại hội này đó là công nhận sự thay đổi về mục tiêu từ hòa giải với Hoàng gia Anh sang tuyên bố độc lập khỏi mẫu quốc. Dẫu vậy, không phải quan điểm này được ủng hộ hoàn toàn, một số nỗ lực từ các cử tri có quan điểm và ý kiến trung lập hơn phản đối sự ly khai này đã thông qua lời thỉnh cầu cành Ô liu (Olive Branch Petition) để cầu xin nhà vua Anh ngăn chặn các hành động thù địch đang leo thang nhưng nhà vua George khi đó đã bác bỏ, và tuyên bố ngược lại vào tháng 8 năm 1775 rằng thuộc địa đang xảy ra tình trạng nổi loạn, một quyết định đã khiến mọi nỗ lực “nối lại tình xưa” giữa mẫu quốc và thuộc địa trở thành tro tàn. Khi này, phương án “duy ngã độc tôn” bắt đầu được tiến hành - tuyên bố độc lập một cách hùng hồn và có sức nặng và đây cũng là điểm khởi đầu cho văn kiện hòa bình quan trọng nhất của thế giới sau này.
Lương tri và Tuyên ngôn độc lập
Tháng 1 năm 1776, Thomas Paine, một lý thuyết gia chính trị người Anh đã phát hành ra ấn phẩm dày 50 trang mang tên “Lẽ Thường” hoặc “Lương Tri” tùy nơi dịch (tên tiếng Anh: Common Sense) như một cú vả thẳng mặt vào tư tưởng quân chủ cha truyền con nối cho rằng một người có ích trong xã hội lẽ ra nên được trọng dụng và sẽ có nhiều tác dụng hơn tất cả những kẻ núp bóng triều đình để cậy quyền triều đình mà sống một cách lưu manh. Ông cũng ủng hộ nền độc lập của nước Mỹ trong tác phẩm của mình như sau: “Hoặc là tiếp tục cam chịu cúi đầu trước tên vua tàn bạo và một chính phủ sẽ mục ruỗng, hoặc là tự do và hạnh phúc với tư cách là một nền cộng hòa độc lập tự chủ”. Sức mạnh của nội dung là một mặt, mặt khác ấn phẩm này còn được lưu truyền và bán được hơn 100.000 bản trong 3 tháng đầu tiên phát hành đủ để thấy rằng sức mạnh tiềm tàng của lực lượng cách mạng hiện tại đang là lớn mạnh và dữ dội như thế nào.
Tuy nhiên, sức mạnh của một ấn phẩm đơn thuần như vậy không thể đủ cho một văn kiện có sức nặng, sự chờ đợi về một tuyên ngôn chính thức vẫn ở đó và nó đang chờ ngày được đọc lên một cách đầy kiêu hãnh. Ngày 07/06/1776, Richard Henry Lee, đại diện cho bang Virginia tại đại hội lục địa đã trình bày một nghị quyết (sau này người ta gọi nó là Nghị quyết Lee hay Nghị quyết độc lập (Lee Resolution or The Resolution for Independence)) tuyên bố rằng “những thuộc địa hợp nhất này đây được, và có quyền phải được trở thành những quốc gia tự do và độc lập”. Ngay lập tức sau nghị quyết của Lee, một ủy ban 5 người do Thomas Jefferson (đại diện của Virginia) được lập nên để soạn thảo một bản tuyên ngôn để có thể bỏ phiếu thông qua.
Sau không đến 1 tháng làm việc, ngày 04/07/1776 là ngày mà bản Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ được thông qua (đây cũng là ngày được chọn làm ngày quốc khánh hay ngày độc lập của Xứ Cờ Hoa). Sau đó 4 ngày vào ngày 08 tháng 07, tại Quảng trường độc lập (Independence Square) tại Philadelphia, John Nixon, một thành viên của hội đồng an ninh Pennsylvania đã lần đầu tiên đứng trước công chúng và đọc một cách đầy hào hùng trước các con dân của 13 thuộc địa.
Lời kết
Tôi xin kết thúc bài viết này ở đây. Đây là một nỗ lực khá lớn của tôi để có thể đem đến cho mọi người những thông tin mang tính cô đọng, quan trọng đối với cuộc cách mạng đầy quan trọng của nước Mỹ. Đây cũng đã là cơ hội cho tôi để có thể từng bước khơi gợi niềm yêu thích lịch sử trong chính bản thân mình trước tiên và mong là các bạn cũng thế, tôi rất mong nhận được những lời nhận xét, đánh giá và bổ sung của các bạn độc giả nếu tôi có lỡ gạt đi chi tiết nào quan trọng hoặc có gì đó viết sai bởi vì đây cũng chỉ là lần thứ 2 thứ 3 tôi cố gắng viết một bài về lịch sử như thế này.
Ở phần sau tôi sẽ tiến hành bàn luận sâu hơn về quá trình giữ vững nền độc lập sau tuyên ngôn, giá trị và tầm ảnh hưởng của văn kiện này đến với một số cuộc cách mạng quan trọng trên thế giới, cảm ơn các bạn đã đọc!!
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất