Tào Tháo: Kỳ tài gian hùng
Có lẽ là mọi thứ bạn cần biết về Tào Tháo, đệ nhất gian hùng thời Tam quốc (tất nhiên là qua các ghi chép lịch sử)
Tam quốc có lẽ là một trong những thời kỳ nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tam quốc không phải thời kỳ loạn lạc nhất, nhưng nhiều người biết đến nhất thì hẳn là đúng. Sự nổi tiếng này chủ yếu đến từ bộ tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung - một trong Tứ đại danh tác của Trung Quốc. Nói về độ phủ sóng của “Tam quốc diễn nghĩa” thì có lẽ không cần nói nhiều, bởi vì thậm chí nhiều lúc người ta còn lấy “Tam quốc diễn nghĩa” ra để bình lịch sử là đủ hiểu.
Cũng vì thế mà bản thân các nhân vật lịch sử xuất hiện trong thời kỳ này thường được biết đến nhiều hơn hẳn. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về cuộc đời và những chiến tích của một trong những nhân vật nổi tiếng nhất thời kỳ ấy - Tào Tháo, gã “đại gian hùng” đã dựng nên cơ đồ nhà Ngụy, quốc gia mạnh nhất trong Tam quốc.
Tài liệu lịch sử được sử dụng trong bài chủ yếu đến từ hai bộ sử là “Tam quốc chí” và “Tư trị thông giám”.
Xuất thân
Tào Tháo sinh năm 155, vốn là người huyện Tiêu, nước Bái (nay thuộc tỉnh An Huy), là con trai của Tào Tung. Cha ông vốn xuất thân trong gia đình bình thường, không có tiếng tăm, gia thế không được nêu rõ. Sứ sách chỉ ghi lại rằng Tào Tung là con nuôi hoạn quan Tào Đằng mà thôi. Cũng có thuyết cho rằng Tào Tung vốn họ Hạ Hầu, sau làm con nuôi Tào Đằng mới đổi họ; cho nên nói Tào Tháo với hai vị tướng thân cận Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên là anh em họ bởi như thế.
Tào Đằng bấy giờ là một trong những hoạn quan rất có thế lực trong triều đình. Ông ta phục vụ trong triều hơn 30 năm, trải 4 đời vua, thậm chí còn được phong tước Hầu. Nói cách khác, Tào Đằng có thể xem như một vị đại thần, quyền lực rất lớn. Nhờ đó mà Tào Tung được giữ nhiều chức vụ; mà lúc đó triều đình hủ bại, việc mua quan bán tước đầy rẫy nên sau Tào Tung còn được làm đến Thái úy.
Gia cảnh có quyền thế như vậy nên từ nhỏ, Tào Tháo đã sống trong giàu sang, nhung lụa và có cơ hội kết giao với giới tinh hoa quý tộc. Đây là tiền đề khá vững chắc để ông tiến vào con đường chính trị. Tuy vậy, từ nhỏ Tào Tháo lại vốn ham chơi, phóng túng, ít chịu học hành mặc dù ai cũng nhận xét ông là người thông minh nhanh trí. Vì cứ chơi bời như vậy nên ít ai cho rằng Tào Tháo sẽ làm nên trò trống gì. Tuy thế, vẫn có một số người cho rằng Tào Tháo là người sẽ làm nên nghiệp lớn. Như có Thái úy Kiều Hiền có lần từng bảo với Tào Tháo rằng:
Thiên hạ sắp loạn to, không phải người có tài ‘mệnh thế’ tất không cứu được. Anh chính là người đó.
Một người khác là Hứa Tử Tương có quen biết với Kiều Huyền cũng từng bảo với Tào Tháo rằng: “Thời bình anh là năng thần, còn thời loạn thì anh là gian hùng”. Tào Tháo nghe thế thì mừng lắm, vì cho là mình nhất định làm nên bá nghiệp.
Dẹp loạn Khăn Vàng, diệt trừ hoạn quan
Đến năm Tào Tháo 20 tuổi thì thi đỗ Hiếu liêm, được quan Kinh Triệu doãn tại Lạc Dương bấy giờ là Tư Mã Phòng bổ nhiệm làm Bắc bộ Úy ở kinh thành. Khi giữ chức Bắc bộ Úy, Tào Tháo nổi tiếng là nghiêm khắc và công minh, cứ trái luật là phạt, bất kể thân phận. Ông cho làm roi ngũ sắc rồi dựng hai bên cổng, cứ ai phạm cấm lệnh là nọc ra đánh đến chết thì thôi. Có lần chú của Kiển Thạc - một hoạn quan có thế lực và cũng là sủng thần của Hoàng đế - đi đêm bị bắt, cũng bị Tào Tháo cho người nọc ra đánh. Nhờ có gia thế lớn nên Tào Tháo không việc gì, tiếng tăm lại vang khắp kinh thành. Đám sủng thần rất ghét nhưng không làm gì được, bèn tìm cách đuổi Tào Tháo khỏi Lạc Dương, đổi cho ông làm Huyện lệnh ở Đốn Khâu.
Năm 184, khởi nghĩa Khăn Vàng do Trương Giác lãnh đạo bùng nổ; triều đình hạ lệnh cho quan lại các nơi chiêu binh để đánh dẹp. Tào Tháo bấy giờ cũng được phong làm Kỵ Đô úy, đem quân bình loạn tại quận Dĩnh Xuyên. Sau đó tiếp tục được phong làm Tế Nam Tướng (tức Tướng quốc ở một nước chư hầu là Tế Nam, gồm 10 huyện). Tại đây, đa phần các quan Trưởng Sử đều dựa vào thân thích có thế lực để tham nhũng, lộng hành. Tào Tháo bèn dâng tấu xin đuổi 8 người như thế, sau đó lại phá hơn 600 ngôi miếu thờ mà triều đình không cho phép thờ cúng. Nhờ thế trong quận được yên ổn. Sau đó, Tào Tháo tiếp tục được phong làm Thái thú Đông quận, nhưng lần này ông không nhận mà cáo bệnh về làng.
Ít lâu sau, triều đình lại một lần nữa cho gọi Tào Tháo về Lạc Dương, phong cho ông làm Điển quân Hiệu úy. Tình hình nhà Hán lúc này càng lúc càng loạn. Mặc dù những thủ lĩnh của quân Khăn Vàng là ba anh em Trương Giác đã bị tiêu diệt từ cuối năm 184, nhưng dư đảng của họ còn gây loạn lẻ tẻ chưa dứt (và thực tế là đến tận năm 205 mới kết thúc hẳn). Chính trị trong triều đình thì vốn đã hủ bại từ lâu, nay càng lúc càng suy đồi. Nạn mua quan bán tước tràn lan, Hoàng đế chỉ lo ăn chơi hưởng lạc, để đến mức hoạn quan lũng đoạn triều chính, trong khi đó thì phe ngoại thích cũng lăm le muốn chiếm đoạt quyền lực.
Tháng 5 năm 189, Hoàng đế nhà Hán là Linh đế băng hà khi mới 33 tuổi. Sinh thời, Hán Linh đế thường muốn chọn Lưu Hiệp làm Thái tử vì thấy con trưởng Lưu Biện không đủ trí tuệ. Tuy nhiên bấy giờ Linh đế lại sủng ái mẹ của Lưu Biện là Hà Hoàng hậu; hơn nữa anh trai của Hà Hoàng hậu là Hà Tiến lại đang nắm chức Đại Tướng quân, quyền lực rất lớn. Do đó, Linh đế vẫn trù trừ không quyết đoán được
Thế rồi đến khi hấp hối, Linh đế lại quyết định muốn để Lưu Hiệp kế vị, bèn giao phó việc ấy cho Thượng quân Giáo úy Kiển Thạc. Sau khi Linh đế băng hà, Kiển Thạc muốn giết Hà Tiến trước để đoạt quyền, nên cho mời Hà Tiến vào hậu cung. Thế nhưng trong cung có người theo phe Hà Tiến biết việc ấy nên kịp báo tin. Hà Tiến bèn không vào cung nữa mà quay về đại doanh củng cố lực lượng. Nhờ thế lực của Hà Tiến mà hai ngày sau, Lưu Biện được tôn làm vua, tức là Hán Thiếu đế, Hà Thái hậu nhiếp chính; Đại Tướng quân Hà Tiến cùng Thái úy Viên Ngỗi đảm đương công việc triều đình.
Vua mới lên ngôi, mâu thuẫn giữa hai phe ngoại thích và hoạn quan ngày càng gay gắt. Hà Tiến bày mưu với các thủ hạ thân tín mưu bãi chức rồi giết sạch bè lũ hoạn quan. Tào Tháo tuy xuất thân từ gia đình hoạn quan, nhưng bấy giờ lại cùng theo phe với Hà Tiến. Tuy vậy, mưu kế không thành khi Hà Thái hậu không chịu theo vì bà chịu ơn của đám hoạn quan. Hà Tiến bấy giờ mật lệnh cho Thứ sử Tây Lương Đổng Trác và Thứ sử Tịnh Châu Đinh Nguyên đang đóng ở Hà Đông cùng đem quân vào kinh thành Lạc Dương để ép Thái hậu phải đồng ý diệt trừ hoạn quan.
Trong số các thủ hạ của Hà Tiến, chỉ có Tào Tháo lên tiếng phản đối việc mời quân bên ngoài vào. Ông cho rằng bọn hoạn quan dù mang tiếng là lũng đoạn triều chính, nhưng thực chất làm gì có vây cánh cũng như binh lực. Trong khi đó, Hà Tiến là Đại Tướng quân, thừa đủ sức cho quân xông vào cung, bắt giết sạch bọn hoạn quan là xong. Thế mà giờ mạo hiểm mời quân bên ngoài vào kinh thành, thực chất có khác gì tự dẫn sói vào nhà. Dù thế, Hà Tiến nhất quyết không nghe, vẫn cứ lệnh cho hai tướng Đổng Trác và Đinh Nguyên đem quân đến Lạc Dương. Tháng 8 năm 189, Hà Tiến nghe theo lời khuyên của thủ hạ Viên Thiệu, đích thân vào cung thuyết phục Thái hậu nghe theo mưu kế. Chẳng may tin tức lộ ra, bè lũ hoạn quan trong cung chủ động ra tay, cho phục binh giết chết Hà Tiến. Tin tức truyền ra, Viên Thiệu cùng với Tào Tháo mang quân đánh vào hoàng cung, giết các hoạn quan để báo thù cho Hà Tiến. Trong cung đại loạn, không biết bao nhiêu người chết, Hán Thiếu đế cùng Trần Lưu vương Lưu Hiệp cũng chạy ra ngoài. Đúng lúc đó Đổng Trác theo lệnh gọi của Hà Tiến vừa kéo quân tới kinh thành, đón được anh em vua Hán đưa về.
Đổng Trác đem quân tới, nhanh chóng khống chế triều đình. Nhiều người e sợ nên tìm cách rời kinh thành, trong đó có cả Viên Thiệu. Đổng Trác kiểm soát được triều đình rồi, bèn phế Hán Thiếu đế, lập Trần Lưu vương Lưu Hiệp làm vua - đó chính là Hán Hiến đế, vị vua cuối cùng của nhà Hán. Đầu năm 190, Tào Tháo được Đổng Trác phong làm Kiêu kỵ Hiệu úy, nhưng không rõ vì sao ông quyết định trốn khỏi kinh thành. Tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” lý giải hành động này là vì Tào Tháo ám sát Đổng Trác không được nên bỏ trốn; kỳ thực chính sử không chép lý do vì sao ông bỏ trốn. Tuy vậy, có thể suy đoán rằng Tào Tháo không muốn theo Đổng Trác làm loạn, lại nghĩ mình ở kinh thành chẳng có thế lực gì, muốn chống lại cũng chẳng được, vậy chỉ còn cách trốn đi mưu việc.
Sau đó Tào Tháo chạy về phía đông tới huyện Trung Mâu. Có viên Đình trưởng thấy Tào Tháo có vẻ lén lút, cho rằng ông là đinh tráng trốn binh dịch bèn bắt giữ. Nhưng sau đó Tào Tháo được một viên Công tào cứu giúp, thuyết phục được Huyện lệnh Trung Mâu thả ông ra. Tào Tháo sau đó chạy về Trần Lưu, đó cũng là lúc chư hầu các nơi rục rịch khởi binh thảo phạt Đổng Trác.
Hợp binh với chư hầu đánh Đổng Trác
Ở kinh thành Lạc Dương, Đổng Trác cho người giết Hà Thái hậu và Thiếu đế đã bị phế. Bấy giờ Thái thú Đông quận là Kiều Mạo muốn kêu gọi quân phiệt các nơi khởi binh đánh Đổng Trác, bèn giả danh ba đại lão trong triều đình là Tư đồ Dương Bưu, Tư không Tuân Sảng và Thái úy Hoàng Uyển, phát hịch kể tội Đổng Trác, kêu gọi mọi người hãy cứu thiên tử. Chư hầu nhiều nơi hưởng ứng, hợp binh rất đông, quy tụ theo Viên Thiệu, do ông có danh vọng rất cao. Tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” khi khắc họa sự kiện này đã nêu ra 18 trấn chư hầu hợp binh, nhưng trên thực tế chỉ có 11 chư hầu. Trong số ấy, Tào Tháo cũng kêu gọi được 5000 người, bèn đi theo dưới quyền một trong 11 trấn chư hầu khởi binh là Trương Mạc.
Các trấn chư hầu khởi binh, đều đồng loạt tôn Viên Thiệu làm minh chủ. Tháng 2 cùng năm, Đổng Trác biết tin các trấn chư hầu hợp binh rất đông, có ý lo ngại, bèn ép triều đình dời đô về Trường An. Trước khi lên đường, lại cho đốt sạch cung thất nhà cửa ở Lạc Dương, chỉ để tướng Từ Vinh cầm một đạo quân ở lại. Quân chư hầu thấy Đổng Trác đốt kinh thành bỏ chạy, nhưng cũng không truy kích, đều đóng trại lại, có vẻ vẫn còn e ngại lực lượng của Đổng Trác. Duy chỉ có Tào Tháo là lên tiếng yêu cầu tiến quân, vì ông nhận định đây là thời cơ không thể bỏ lỡ. Chứ nếu để Đổng Trác ổn định lại ở Trường An rồi thì càng thêm khó khăn. Cuối cùng các chư hầu vẫn không hành động, Tào Tháo bực tức bèn tự dẫn quân của mình tiến đánh Thành Cao, chỉ có Trương Mạc phái tướng Vệ Tư đem quân theo giúp. Nhưng còn chưa đến Thành Cao, Tào Tháo đã đụng độ quân của Từ Vinh. Do ít quân hơn nên Tào Tháo bại trận, binh lính chết quá nửa, bản thân ông cũng trúng tên suýt bị bắt, may có em họ Tào Hồng nhường ngựa cho cưỡi mới thoát được.
Tào Tháo đem tàn quân rút chạy về Toan Tảo tìm các chư hầu. Bấy giờ lực lượng các trấn chư hầu tụ họp đông tới hơn mười vạn, nhưng chẳng một ai có ý tiến quân. Tào Tháo cố hết sức thuyết phục, lại kiến nghị họ chia quân tiến lên: Viên Thiệu thống suất đại quân đánh Thành Cao, bao vây Lạc Dương; còn Viên Thuật thì ngầm đánh từ Nam Dương đánh úp vào cửa Vũ Quan, chiếm lấy Tràng An, cắt đứt đường tiến lui của Đổng Trác. Nhưng Viên Thiệu và các chư hầu bỏ ngoài tai lời kiến nghị của ông. Tào Tháo tức giận bỏ đi, chiêu mộ được thêm 4000 quân mã đi đánh Lạc Dương. Tuy nhiên giữa đường quân mới mộ làm phản. Dù Tào Tháo ra sức trấn áp, tuốt gươm giết chết vài chục người nhưng số đông vẫn tản đi, chỉ còn lại 500 quân theo ông. Không còn cách nào khác, Tào Tháo đành bỏ việc đánh Đổng Trác để xây dựng lại lực lượng. Các chư hầu do Viên Thiệu đứng đầu về sau cũng dần có xu hướng chia rẽ và tan rã, thậm chí một số chư hầu còn quay ra đánh giết lẫn nhau.
Thế là việc các chư hầu khởi binh đánh Đổng Trác tuy rầm rộ nhưng cuối cùng không ra đâu vào đâu. Trong các cánh quân, chỉ có Tào Tháo và Tôn Kiên nhất quyết muốn đánh, nhưng quân ít lương thiếu, cuối cùng đều không thành công. Đổng Trác ở Trường An thừa thời cơ phía đông hỗn loạn, lại càng có thời gian củng cố lực lượng và vây cánh, kiểm soát hoàn toàn triều đình.
Xây dựng thế lực
Tào Tháo sau khi rời bỏ liên minh đánh Đổng Trác thì trở về quê nhà, tiếp tục thu nạp hào kiệt khắp nơi. Trong khi đó, một số chư hầu cho rằng hiện tại Đổng Trác đang nắm thiên tử trong tay; cho nên để đối chọi lại, họ cũng cần một vị vua. Viên Thiệu và Hàn Phức bèn mưu lập một người trong tông thất có tiếng thời bấy giờ là Thứ sử U Châu kiêm Đại tư mã Lưu Ngu lên ngôi. Tuy nhiên, Tào Tháo từ chối không tham gia, vì cho đấy là phản nghịch, chứng tỏ Viên Thiệu cũng có dã tâm chẳng kém Đổng Trác. Tuy sau đó Viên Thiệu vẫn cử người đến chỗ Lưu Ngu xin ông lên ngôi để lập triều đình chống Đổng Trác, nhưng Lưu Ngu nhất quyết không nghe, còn dọa rằng nếu cứ ép ông thì bản thân sẽ trốn sang chỗ của người Hung Nô. Cuối cùng việc không thành, liên minh các chư hầu chống Đổng Trác sau đó cũng dần tan rã.
Về phần Tào Tháo, ông chỉ tập trung củng cố lực lượng còn yếu của mình. Bấy giờ tàn dư quân Khăn Vàng ở Đông Quận vẫn liên tục làm loạn, thanh thế rất lớn, lên tới hơn mười vạn, chiếm cứ Hắc Sơn. Tào Tháo bèn đem quân tới đánh với quân Khăn Vàng tại Hắc Sơn. Quân Khăn Vàng tuy đông, nhưng ô hợp, thiếu kỷ luật, trang bị kém nên bị Tào Tháo đánh bại, nhưng chưa thua hẳn. Đến đầu năm 192, quân Khăn Vàng tổ chức phản công, Tào Tháo bèn để lại một đạo quân nhỏ cố thủ ở phía đông Vũ Dương, còn tự ông mang quân chủ lực tập kích căn cứ Đông Quận của địch. Tào Tháo sau đó đánh chiếm được Đông Quận và đây trở thành nơi căn cứ thực sự đầu tiên của ông.
Không lâu sau, quân Khăn Vàng ở Thanh Châu tấn công Duyện Châu, giết chết Thứ sử Lưu Đại. Theo lời đề nghị của Bảo Tín - một trong số các chư hầu tham gia liên minh đánh Đổng Trác, Tào Tháo đem quân tới cứu Duyện Châu. Bấy giờ có nhân sĩ ở Đông Quận là Trần Cung cũng theo Tào Tháo, thuyết phục được các thủ hạ cũ của Lưu Đại tôn Tào Tháo lên làm Thứ sử Duyện Châu. Tào Tháo sau đó đem quân quyết chiến một trận ở huyện Thọ Trương.
Trong trận đánh, Bảo Tín tử trận, Tào Tháo mang 1000 quân tập kích doanh trại địch nhưng không thành, tổn thất mấy trăm người phải lui. Ông áp dụng chiến thuật tiêu hao từng bước, quân Khăn Vàng phải lùi dần. Sau cùng, Tào Tháo dồn được địch tới Tế Bắc. Khi đó phía sau lưng quân Khăn Vàng là Thanh Châu và Ký Châu do Viên Thiệu chiếm giữ. Sau một thời gian, quân Khăn Vàng bị tuyệt lương, không còn đường chạy nên phải đầu hàng.
“Tam quốc chí” chép rằng sau khi thắng trận, Tào Tháo thu nhận tới hơn 30 vạn binh tốt của quân Khăn Vàng, lại thêm gia quyến những người ấy hơn 1 triệu người. Tào Tháo sau đó thu nhận những người tinh nhuệ nhất, đặt tên đạo quân ấy là Thanh Châu binh. Con số này nhiều người không cho là thật, mà chỉ là ước lệ. Thực tế không rõ ông thu nhận bao nhiêu người, nhưng chắc chắn đó là một con số đáng kể và giúp bổ sung lực lượng, bước đầu tiên giúp Tào Tháo nắm chắc địa phận Duyện Châu.
Giữa năm 193, cha Tào Tháo là Tào Tung từ quan về quê, mang theo hơn 100 xe hành lý chứa nhiều vàng bạc châu báu. Thế nhưng khi đi qua địa phận Từ Châu thì bị Trương Cương là bộ tướng của Thứ sử Đào Khiêm giết chết, đồ đạc đều bị cướp. Đào Khiêm khi trước không tham gia liên minh đánh Đổng Trác. Cho đến tận khi Đổng Trác bị giết vào tháng 4 năm 193, ông vẫn ủng hộ triều đình tại Trường An của vua Hiến đế; dù bấy giờ triều đình lại bị hai thủ hạ cũ của Đổng Trác là Lý Quyết và Quách Dĩ kiểm soát. (Người tên Lý Quyết này thực ra chính là Lý Thôi trong các bản dịch “Tam quốc diễn nghĩa” mọi người đã quen thuộc, nhưng chính xác phải dịch là Lý Quyết, vì thế trong bài viết này mình cũng sử dụng những cách dịch đúng nhất có thể).
Tào Tháo nghe tin cha bị hại ở Từ châu, cho rằng Đào Khiêm đồng mưu sai khiến thủ hạ. Sau đó lại lấy cớ Đào Khiêm ủng hộ đám Lý Quyết và Quách Dĩ nên khởi binh sang báo thù. Mặt khác, Tào Tháo cũng muốn nhân thể chiếm luôn địa phận Từ Châu vốn trù phú mà lại liền kề Duyện Châu để mở rộng thế lực. Quân Tào tấn công mạnh mẽ, hạ liền một lúc hơn mười thành, đại thắng quân Đào Khiêm một trận lớn ở Bành Thành. Quân Đào Khiêm không chống nổi, phải lui về cố thủ ở huyện Đàm. Chiến dịch Từ Châu này của Tào Tháo gây thiệt hại vô cùng lớn, sử sách ghi chép đều nói rằng quân Tào đánh giết đến mức người chết đầy đồng, nghẽn cả sông Tứ. Các nhà sử học dù là thời xưa hay thời nay đều cho rằng hành động của quân Tào ở Từ Châu là tàn ác một cách quá đáng. “Tư trị thông giám” có ghi lại hành động của quân Tào như sau:
Khi trước, vùng Kinh, Lạc gặp loạn Đổng Trác, dân lưu lạc dời về đông, đa phần nương thân ở đất Từ, đúng lúc Tháo đến, chôn giết trai gái mấy chục vạn khẩu ở sông Tứ, nước không chảy được. Tháo đánh huyện Đàm không thắng được, bèn rút, đánh lấy các huyện Lự, Tuy Lăng, Hạ Khẩu, đều làm cỏ các nơi ấy, chó gà cũng diệt tận, gò ấp không còn người đi lại nữa.
Đào Khiêm đánh không lại quân Tào thế mạnh, bèn rút vào cố thủ trong thành Đan Dương, lại cho người cầu cứu Thứ sử Thanh Châu là Điền Khải. Điền Khải lúc đó lại đang giao chiến với Viên Thiệu, đã cầu cứu tướng giữ Bình Nguyên là Công Tôn Toản - người có mâu thuẫn với Thiệu. Công Tôn Toản bèn cử Lưu Bị đem quân tới giúp, nhưng Điền Khải sau đó lại cho Lưu Bị đem quân tới cứu Từ Châu trước. Lưu Bị đem mấy nghìn quân sang, lại được Đào Khiêm cấp cho 4000 quân nữa, trước sau có khoảng một vạn người, cố thủ Đan Dương. Tào Tháo vây đánh nhiều ngày không được, cuối cùng lương cạn, phải rút lui.
Đầu năm 194, Trương Mạc cùng Trần Cung ở Đông Quận không tuân phục Tào Tháo nữa sau chiến dịch Từ Châu, bèn phát động binh biến ở hậu phương ở Duyện Châu, đồng thời mời Lã Bố đem quân tới chống lại. Hai người tôn Lã Bố làm Thứ sử Duyện Châu, chuẩn bị nghênh chiến với Tào Tháo.
Lã Bố bấy giờ lấy thành Bộc Dương làm đại bản doanh, cho quân đi đánh chiếm các thành trì của Tào Tháo ở Duyện Châu. Chỉ còn 3 nơi vẫn cố thủ và trung thành với Tào Tháo là Yên Thành, Đông A và huyện Phạm. Tào Tháo đem quân về, thấy Lã Bố chỉ đóng quân ở Bộc Dương mà không cho người trấn giữ những nơi hiểm yếu, bèn cho rằng Lã Bố vô mưu, có ý coi thường. Vì thế, ông lập tức cho quân tấn công Bộc Dương; ngờ đâu quân của Tào Tháo không địch nổi, lại bị kỵ binh của Lã Bố đột kích, cuối cùng vỡ trận. Quân Tào Tháo thua lớn, doanh trại bị đốt cháy, bản thân ông bị bỏng cánh tay trái và suýt bị bắt sống. Trong bóng đêm, quân kỵ của Lã Bố đuổi đến nơi nhưng không biết mặt ông bèn hỏi Tào Tháo ở đâu, ông nhanh trí chỉ tay phía trước bảo rằng: "Người cưỡi con ngựa vàng đang chạy kia chính là hắn."
Quân kỵ của Lã Bố nghe thế bèn thả ông mà đuổi lên phía trước, Tào Tháo vì thế mà thoát nạn. Sau đó Tào Tháo thu quân trở lại, cùng Lã Bố chống giữ nhau hơn 100 ngày ở Bộc Dương, cả hai đều e ngại nên chỉ thủ vững không ra đánh. Đến mùa thu năm 194, ở Duyện Châu có nạn châu chấu nên bị mất mùa, cả hai bên đều bị thiếu lương. Tào Tháo sau đó phải rút quân về Yên Thành, còn Lã Bố cũng thu quân về Sơn Dương. Đến mùa đông, tình thế càng khó khăn, một hộc thóc bị đội giá lên đến 50 vạn tiền, thậm chí còn xảy ra cảnh người ăn thịt lẫn nhau để sống sót. Bấy giờ Viên Thiệu ở phía bắc đang mạnh, cho người gửi thư đến muốn Tào Tháo về đầu quân cho mình. Tào Tháo gần như sắp mất toàn bộ Duyện Châu, quân lương sắp hết, có ý muốn theo về với Viên Thiệu. Tuy nhiên mưu sĩ của ông là Trình Dục khuyên can, bảo rằng không nên vì khó khăn nhất thời mà chịu khuất phục ở dưới Viên Thiệu. Cuối cùng, Tào Tháo nghe theo, lên kế hoạch mới để chống cự Lã Bố.
Đầu năm 195, tình hình trở nên khả quan hơn đôi chút, Tào Tháo bắt đầu cho quân tấn công lực lượng của Lã Bố. Rút kinh nghiệm, lần này ông chia quân làm nhiều cánh, thi hành chiến lược dương đông kích tây để bòn rút sức lực của quân Lã Bố. Song song với đó, Tào Tháo cử quân chủ lực đi đánh Định Đào. Khi Lã Bố cho quân đến cứu, ông lại chuyển sang tấn công huyện Cự Dã, bao vây hai tướng của Lã Bố là Tiết Lan và Lý Phong.
Trần Cung và Lã Bố biết tin, vội đem hơn 1 vạn quân từ Định Đào đi cứu. Tào Tháo ít quân hơn, bèn lợi dụng địa hình dùng kế mai phục đánh bại Lã Bố trên đường rồi thúc quân lấy Định Đào. Lã Bố và Trần Cung thua trận, buộc phải rút lui; huyện Cự Dã không có viện binh, cuối cùng bị quân Tào đánh hạ, hai tướng Tiết Lan và Lý Phong đều bị chém đầu. Trong khi Lã Bố và Trần Cung còn lúng túng chưa biết hành động ra sao thì Tào Tháo đã điều các cánh quân đánh chiếm các thành trì nhỏ ở Duyện Châu. Lã Bố nghe tin mấy thành xung quanh bị hạ, hoang mang tột độ bèn chạy về Từ Châu, bấy giờ đang do Lưu Bị nắm giữ.
Ở Duyện Châu chỉ còn anh em Trương Mạc, Trương Siêu ở Ung Khâu và Tang Hồng ở Đông Quận chống lại Tào Tháo. Trương Mạc biết không thể chống lại được, bèn gửi gia quyến cho Trương Siêu, sai giữ Ung Khâu, còn mình đi Thọ Xuân cầu cứu Viên Thuật. Thế nhưng giữa đường, Trương Mạc lại bị thủ hạ làm phản giết chết. Tào Tháo sau đó mang quân vây đánh Ung Khâu. Tang Hồng sức yếu không cứu được Trương Siêu nên ngày đêm sai người đến Ký Châu xin Viên Thiệu cứu Ung Khâu. Viên Thiệu cảm thấy ra quân bất lợi, cho nên nhất định không phát binh ứng cứu. Cuối cùng sau 4 tháng, Tào Tháo hạ được Ung Khâu, Trương Siêu tự sát, cả nhà đều bị giết sạch. Tang Hồng cũng vì việc này mà tuyệt giao với Viên Thiệu, sau này bị Viên Thiệu cử binh đến đánh và giết chết. Còn về phần Tào Tháo, sau khi bình định xong các nơi, coi như đã chiếm lại được Duyện Châu.
Đến lúc này, một bước ngoặt nữa xảy ra, đánh dấu điểm khởi đầu thực sự cho hành trình tranh bá Trung Nguyên của Tào Tháo - đó chính là việc ông sáng suốt cho người đi hộ giá Hán Hiến đế và đón thiên tử về với mình.
Tranh bá Trung Nguyên
Lại quay về thời điểm lúc Đổng Trác bị Vương Doãn và Lã Bố lập mưu giết chết ở Trường An thì chẳng bao lâu sau, thủ hạ của Đổng Trác là Lý Quyết và Quách Dĩ cũng khởi binh báo thù. Hai người tập hợp được tới hơn mười vạn quân, đánh thẳng vào Trường An, cuối cùng triều đình chống không nổi, Vương Doãn bị giết, Lã Bố phải bỏ chạy. Lý Quyết và Quách Dĩ lại chia nhau nắm quyền, khống chế triều đình, rốt cục Hán Hiến đế vẫn bị kìm kẹp như trước.
Đến năm 194, khi ở phía đông các chư hầu giao tranh kịch liệt thì giữa Lý Quyết và Quách Dĩ cũng xảy ra mâu thuẫn. Hai người cuối cùng dàn quân đánh nhau ngay ở Trường An. Chiến sự kéo dài sang năm 195, nhân dân bỏ kinh thành chạy, lực lượng cả hai đều dần suy yếu. Hán Hiến đế nhân cơ hội đó trốn khỏi Trường An cùng các cận thần, chạy về phía đông vào đầu năm 196. Tuy vậy, trên đường gặp nhiều khó khăn nên đến tận thàng 7 năm 196, Hán Hiến đế mới tới được Lạc Dương - bấy giờ vẫn còn trong tình trạng đổ nát hoang tàn sau khi bị Đổng Trác đốt phá vài năm trước. Đoàn tùy tùng của Hán Hiến đế không nhiều, lại ở vào hoàn cảnh rất thiếu thốn và có nguy cơ bị các chư hầu tranh đoạt.
Tào Tháo lúc đó nghe tin, bèn nghĩ đến việc đón Hán Hiến đế về địa phận của mình. Tuy nhiên, nhiều tướng lĩnh của ông tỏ ra lo ngại, vì xung quanh còn nhiều chư hầu lăm le. Hơn nữa, bên cạnh vua Hán còn có những kẻ như Dương Phụng, Hàn Tiêm chưa chắc đã chịu phục tùng. Lực lượng của Tào Tháo tuy không yếu, nhưng chưa đủ áp đảo các thế lực xung quanh. Duy chỉ có Tuân Úc cực lực ủng hộ việc nghênh đón vua Hán. Theo phân tích của ông, việc đón thiên tử về sẽ cho lực lượng của Tào Tháo sự chính danh. Bấy giờ nhà Hán tuy đã suy yếu, nhưng trên danh nghĩa vẫn là triều đại chính thống, nghĩa sĩ khắp nơi còn rất nhiều người ủng hộ. Nếu Tào Tháo đem quân tới hộ giá, đón thiên tử về với mình, ông có thể sử dụng danh nghĩa ấy để chiêu mộ hiền tài khắp nơi về dưới trướng. Tuân Úc còn khuyên Tào Tháo phải hành động nhanh, vì không phải chỉ mình ông có ý định nghênh đón thiên tử. Nếu bỏ lỡ thời cơ và chậm trễ để thế lực khác ra tay trước thì hối không kịp. Tào Tháo khi ấy mới quyết đoán, cho người đem quân tới Lạc Dương hộ giá. Lấy lý do Lạc Dương đổ nát không kịp tu sửa, ông đưa Hán Hiến đế về Hứa Xương, cho xây dựng cung thất tông miếu.
Sau khi nghênh đón nhà vua, Tào Tháo được Hán Hiến đế phong làm Vũ Bình hầu, giữ chức Tư không, kiêm nhiệm công việc của Xa kỵ tướng quân. Hán Hiến đế vốn muốn phong cho ông chức cao hơn là Đại tướng quân nhưng vì Tào Tháo còn e ngại thế lực của Viên Thiệu, muốn tránh xung đột ngay, vì vậy ông nhường chức Đại tướng quân cho Viên Thiệu. Mưu sĩ Tuân Úc của Tào Tháo cũng được phong làm Thị trung kiêm Thượng thư lệnh, trông nom về văn thư. Phủ Tư không của Tào Tháo từ đó trở thành nơi thực sự ban ra mọi sắc lệnh của triều đình. Cũng từ đây, Tào Tháo dần trở thành người đứng đầu trên thực tế của nhà Hán.
Giai đoạn này, Tào Tháo chủ yếu tập trung nhiều hơn vào việc củng cố và phát triển nội lực của mình để tranh bá với các chư hầu khác. Chiến tranh liên miên nhiều năm khiến việc chăm lo nông nghiệp bị đình trệ, ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp lương thực cho quân đội trong các cuộc giao tranh. Trong hoàn cảnh kinh tế bị tàn phá, Tào Tháo đã nhận thức được tầm quan trọng của việc khôi phục nông nghiệp. Ngay từ khi làm chủ Duyện Châu, Tào Tháo đã rất tán thành ý kiến của Mao Giới và Hàn Hạo về vấn đề này, bắt đầu mang ra thảo luận trong nội bộ.
Vũ lâm giám Tảo Chi bấy giờ đề xuất với Tào Tháo nên tổ chức đồn điền; sau khi thảo luận kỹ ông quyết định cho thi hành. Chính sách đồn điền của Tào Tháo nói nôm na là chiêu mộ những nhóm nông dân đang lang thang về tập trung lại, xây dựng đồn điền. Họ sẽ được cấp nông cụ, trâu bò, hạt giống để tự canh tác rồi dựa vào số thu hoạch để thu tô. Nhờ áp dụng chính sách này, Duyện Châu do Tào Tháo cai quản dần hồi phục, lương thực bắt đầu dư dả đủ dùng trong lãnh địa lẫn cung cấp cho quân đội.
Sau khi nghênh đón Hán Hiến đế về Hứa Xương, Tào Tháo vẫn tiếp tục cho thực hiện chính sách đồn điền trên quy mô lớn. Chế độ đồn điền từ đó trở đi cũng được xem là sách lược tối quan trọng với lực lượng của họ Tào. Thực thi chính sách đồn điền đã những thành quả quan trọng. Hàng năm, các khu vực đồn điền trong lãnh địa của Tào Tháo cung cấp hàng triệu hộc quân lương. Đời sống của nông dân được giải quyết, góp phần ổn định khu vực mà ông cai quản để lo việc chinh phạt những khu vực khác.
Địa bàn của Tào Tháo khi đó có thể coi là nằm ở giữa Trung Nguyên, tiếp giáp nhiều chư hầu: phía bắc có Viên Thiệu, phía tây có Mã Đằng và Hàn Toại, phía nam có Trương Tú, phía đông nam có Viên Thuật, phía đông có Lưu Bị và Lã Bố. Do đó, để làm chủ được vùng Trung Nguyên, Tào Tháo phải vạch ra sách lược rõ ràng để đối phó các chư hầu. Quan trọng nhất là tránh xung đột trực tiếp với thế lực mạnh nhất là Viên Thiệu và tiêu diệt những chư hầu nhỏ yếu trước. Mục tiêu đầu tiên của Tào Tháo là đánh dẹp Trương Tú - chư hầu nắm giữ địa phận Nam Dương, rất gần với Hứa Xương và có khả năng uy hiếp trực tiếp. Dẹp xong Trương Tú, Tào Tháo sẽ chuyển đích ngắm tới các chư hầu ở phía đông và đông nam là Viên Thuật, Lã Bố, Lưu Bị. Còn với Mã Đằng và Hàn Toại ở xa, ông cử Chung Do tới Tây Lương nhằm thuyết phục hai người trung thành với triều đình của Hán Hiến đế. Nhờ đó, Tào Tháo không phải phân bổ lực lượng ra quá nhiều mặt trận và có thể tập trung đánh từng mục tiêu một.
Đầu năm 197, Tào Tháo đích thân mang quân tấn công Nam Dương. Trương Tú liệu thế không chống nổi nên đầu hàng. Thế nhưng chỉ độ 10 ngày sau, Trương Tú lại bất mãn với Tào Tháo, bất ngờ dấy binh làm phản, tập kích doanh trại quân Tào. Sự việc quá đột ngột, ông không kịp trở tay. Quân Trương Tú sấn đến trại, lúc đó bộ tướng của Tào Tháo là Điển Vi một mình trấn giữ, giết rất nhiều quân của Tú. Nhờ Điển Vi chẹn cửa trước nên Tào Tháo mới chạy thoát được bằng cửa sau. Điển Vi cuối cùng bị quân Trương Tú giết chết, con cả Tào Tháo là Tào Ngang cùng cháu ông là Tào An Dân cũng chết trong loạn quân. Tào Tháo thua trận bất ngờ, buộc phải rút lui về Hứa Xương. Rất may là trong thời gian đó, Viên Thuật lại đang tranh giành với Lã Bố nên không có thời gian đánh úp Tào Tháo.
Tào Tháo sau đó lại mang quân đánh Trương Tú. Sau 2 lần giao chiến, Trương Tú không đánh lại nổi, cuối cùng bỏ chạy về Kinh Châu theo với Lưu Biểu. Tào Tháo bèn dùng danh nghĩa Hán Hiến đế phong tước cho con trai Tôn Kiên ngày trước là Tôn Sách ở Giang Đông. Giang Đông ở ngay sát Kinh Châu, mà ngày trước Tôn Kiên lại chết trong tay Lưu Biểu, nên Tôn Sách luôn thù ghét Kinh Châu. Ý định của Tào Tháo chính là mượn tay Tôn Sách để kiềm chế, không cho Lưu Biểu toàn lực hỗ trợ Trương Tú. Phải mãi vài năm sau, khi Tào Tháo tập trung vào chiến trường phía bắc với Viên Thiệu thì Trương Tú thế yếu, nhận ra việc Lưu Biểu dung nạp mình chỉ để làm vùng đệm với Tào Tháo. Do đó sau khi phân tích lợi hại, Trương Tú trở lại hàng Tào. Tào Tháo chấp nhận cho hàng, không kể lại thù cũ.
Ở phía nam tạm yên sau khi Trương Tú chạy tới Kinh Châu, Tào Tháo bèn hướng tầm mắt sang phía đông, nơi có thế lực của Lã Bố và Lưu Bị. Khi trước Lã Bố thua trận phải chạy sang Từ Châu đang do Lưu Bị quản lĩnh. Được một thời gian, Lã Bố bất thần đánh úp thủ phủ Từ Châu là thành Hạ Bi. Lưu Bị yếu thế, chấp nhận nhường Từ Châu cho Lã Bố, còn mình đem lực lượng ra đóng ở Tiểu Bái - một quận thuộc Dự Châu, hai bên tạm hòa hoãn. Đến năm 196 khi Tào Tháo đã đón được Hán Hiến đế về Hứa Xương, Lã Bố bèn cử người đến xin triều đình phong cho mình làm Thứ sử Từ Châu, nhưng Tào Tháo chưa đồng ý.
Đến năm 197, Viên Thuật ở Thọ Xuân xưng làm Hoàng đế, công khai phản lại triều đình. Lã Bố muốn kết thông gia với Viên Thuật, bèn giao con gái cho sứ của Viên Thuật là Hàn Dận mang về Thọ Xuân. Nhưng nửa chừng thì Lã Bố đổi ý, đuổi theo cướp con lại rồi bắt Hàn Dận mang đến Hứa Xương nộp Tào Tháo. Tào Tháo đem chém Hàn Dận và nhân danh Hán Hiến đế phong Lã Bố làm Tả tướng quân.
Việc Viên Thuật công khai xưng đế khiến y trở thành mục tiêu số một của mọi chư hầu. Dù bấy giờ thực chất không mấy ai còn thực sự trung thành với nhà Hán nữa, nhưng về danh nghĩa ai cũng là bầy tôi của Hán Hiến đế. Việc Viên Thuật ngang nhiên muốn làm Hoàng đế tức là chống lại triều đình, chính là cái cớ để các chư hầu danh chính ngôn thuận tấn công và tiêu diệt y. Tào Tháo đương nhiên cũng muốn đánh Viên Thuật trước, bèn cử người đến chỗ Tôn Sách yêu cầu án binh bất động, vì vốn Tôn Sách khi trước là thủ hạ của Viên Thuật. Tôn Sách khi ấy cũng vừa mới ly khai Viên Thuật nên lập tức đồng ý. Sau đó, Tào Tháo đem quân đánh Viên Thuật, đại thắng và chém chết tướng Kiều Nhuy của Viên Thuật.
Trong lúc Tào Tháo định đánh tiếp thì ở Từ Châu lại có biến. Đầu năm 198, Lã Bố lo ngại về thế lực của Lưu Bị đang dần phát triển, bèn sai hai bộ tướng Cao Thuận và Trương Liêu mang quân tấn công Tiểu Bái. Lưu Bị thua trận phải cầu cứu Tào Tháo. Ông sai Hạ Hầu Đôn đến cứu nhưng hai đạo quân không địch nổi Cao Thuận và cùng bị đánh bại. Lưu Bị sau đó chạy về Hứa Xương nương nhờ ông.
Tháng 9 năm 198, Tào Tháo đích thân đem quân đánh Từ Châu, có cả Lưu Bị theo cùng. Tháng 10, quân Tào đánh hạ Bành Thành, lại tàn sát quân dân trong thành rồi tiến quân đến Hạ Bi. Lã Bố đích thân đem kỵ binh đón đánh, nhưng thua to, tướng Tào là Nhạc Tiến bắt sống được viên mãnh tướng của Lã Bố là Thành Liêm. Lã Bố sợ hãi, ban đầu định hàng, song Trần Cung kiên quyết phản đối. Lã Bố cuối cùng cử người đi cầu cứu Viên Thuật, lại giao chiến mấy trận nữa với quân Tào đều thua cả, phải rút vào cố thủ trong thành Hạ Bi mà không dám ra đánh nữa.
Quân Tào vây đánh mấy tháng không hạ được, bắt đầu mệt mỏi. Tào Tháo muốn lui quân, nhưng Tuân Du và Quách Gia khuyên nên đánh gấp. Tào Tháo theo kế, sai quân khơi sông Nghi và sông Tứ đổ nước vào thành. Thành ngập nước, quân Lã Bố nguy khốn, thế cùng lực kiệt, mà Viên Thuật lại cũng không ứng cứu. Có Thái thú Hà Nội là Trương Dương vốn thân với Lã Bố, muốn đem quân đi cứu nhưng lại bị thủ hạ là Dương Sửu giết chết để hàng Tào Tháo. Thủ hạ của Trương Dương là Tuy Cố giết Sửu báo thù cho chủ. Tào Tháo bèn cử người đem quân đón đánh, giết Tuy Cố và thu hết thủ hạ của Trương Dương.
Trong thành Hạ Bi bấy giờ nguy cấp, tướng của Lã Bố là Hầu Thành nhân bị trách phạt mà đem lòng giận, bèn cùng các tướng Tống Hiến, Ngụy Tục trói Trần Cung và Cao Thuận mang nộp và mở cửa ra hàng Tào Tháo. Quân Tào bấy giờ tràn vào trong thành, Lã Bố cùng số ít thủ hạ lui về trên lầu Bạch Môn, cuối cùng phải đầu hàng chịu trói. Lã Bố xin hàng, ban đầu Tào Tháo định ưng theo, nhưng Lưu Bị đứng bên cạnh lên tiếng nhắc chuyện Lã Bố trước theo Đinh Nguyên và Đổng Trác rồi lại làm phản, giết chủ. Tào Tháo nghĩ ra, bèn giết Lã Bố; Cao Thuận và Trần Cung không hàng, cũng bị giết cả. Trong số các thủ hạ của Lã Bố bị bắt, Tào Tháo chiêu hàng được Tang Bá và Trương Liêu.
Diệt trừ xong thế lực của Lã Bố, Tào Tháo thu quân về Hứa Xương. Ông không trả Từ Châu cho Lưu Bị, mà phong thủ hạ là Xa Trụ làm Thứ sử. Tào Tháo đem Lưu Bị về Hứa Xương để ngầm quản thúc, còn phong cho Lưu Bị chức Tả tướng quân.
Việc Tào Tháo nắm trọn quyền hành khiến quốc cữu Đổng Thừa bất mãn. Năm 199, Đổng Thừa ngầm liên kết với một số quan lại thân tín và trung thành, trong đó có cả Lưu Bị, lập mưu trừ khử Tào Tháo. Tuy nhiên chưa có cơ hội thì có tin báo về rằng Viên Thuật sức cùng lực kiệt đã bỏ Hoài Nam định chạy lên Hà Bắc và nhường ngôi hoàng đế cho Viên Thiệu. Tào Tháo bèn sai Lưu Bị đem quân chặn đánh. Viên Thuật thua trận, lại phải rút về, không lâu sau bệnh mất.
Ở Hứa Xương, mưu đồ của Đổng Thừa bại lộ, ông bị Tào Tháo giết cả họ. Tào Tháo bấy giờ tra ra mới biết Lưu Bị cũng đồng mưu với Đổng Thừa. Còn Lưu Bị, ngay sau khi đuổi đánh Viên Thuật bèn chính thức ly khai, dùng mưu giết Xa Trụ và chiếm lại Từ Châu. Tào Tháo nổi giận chia quân đi chuẩn bị đánh Từ Châu. Lưu Bị biết mình thế yếu bèn sai người đi cầu cứu Viên Thiệu. Tào Tháo cũng chia quân ở Quan Độ để chờ quân Hà Bắc. Tuy nhiên, sau một thời gian không thấy Viên Thiệu cử động, Tào Tháo quyết định đánh Lưu Bị trước. Có người khuyên ông nên cảnh giác kẻo bị hai bên địch đánh kẹp, nhưng ông quả quyết rằng Viên Thiệu trù trừ không quyết đoán sẽ không ra quân gấp để cứu Lưu Bị.
Quân Tào gấp rút tiến đánh Từ Châu, Lưu Bị ít quân chống không nổi, thua tan tác. Lưu Bị bỏ chạy sang Hà Bắc theo Viên Thiệu, Trương Phi trốn về Nhữ Nam. Trong khi đó, gia quyến của Lưu Bị đều bị quân Tào bắt được. Quan Vũ không có đường chạy, đành chấp nhận theo hàng Tào Tháo.
Sau khi chiếm lại Từ Châu, Tào Tháo bấy giờ nắm trong tay 4 châu ở vùng Hà Nam là Ty Châu, Dự Châu, Duyện Châu và Từ Châu. Trong khi đó, thế lực mạnh nhất ở phía bắc là Viên Thiệu cũng nắm trong tay 4 châu là Ký Châu, Thanh Châu, U Châu và Tịnh Châu. Mặc dù diện tích lãnh thổ cả hai bên có thể nói là tương đương, nhưng thực chất Viên Thiệu sở hữu lực lượng mạnh hơn hẳn. 4 châu của Tào Tháo tuy ở vùng trung tâm, nhưng qua nhiều năm hỗn chiến giữa các chư hầu đã bị tổn hại nghiêm trọng. Trong khi đó lãnh thổ của Viên Thiệu không bị ảnh hưởng quá nhiều, đất rộng người đông, lương thực dồi dào. Năm 200, sau khi thua trận ở Từ Châu, Lưu Bị tìm đến chỗ Viên Thiệu xin hàng. Viên Thiệu khi ấy quyết định chính thức phát động đại quân tấn công Tào Tháo. Đây chính là lúc bắt đầu cuộc chiến Quan Độ - một trong ba đại chiến dịch thời Tam quốc (bên cạnh trận Xích Bích và trận Di Lăng).
Diệt họ Viên, trở thành thế lực mạnh nhất
Một trong những chiến dịch lớn nhất trong thời Tam quốc chính là chiến dịch Quan Độ, cuộc quyết đấu giữa hai thế lực mạnh nhất miền bắc lúc ấy là Tào Tháo và Viên Thiệu.
Về tương quan lực lượng giữa hai bên, có thể khẳng định là quân Viên đông hơn hẳn quân Tào. Tất nhiên không đến mức chênh lệch khủng khiếp như tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” mô tả (trong tiểu thuyết, La Quán Trung viết rằng Viên Thiệu có 70 vạn quân, trong khi Tào Tháo chỉ có 7 vạn - đây đều là những con số ước lệ, không có tính chất tham khảo). “Tam quốc chí - Viên Thiệu truyện” chép rằng Viên Thiệu “chọn lấy chục vạn quân tinh nhuệ, một vạn quân kỵ, chuẩn bị đánh huyện Hứa"; tức là lực lượng đánh Tào Tháo của Viên Thiệu là 11 vạn quân. Con số này nhìn chung được đông đảo học giả tán đồng, nhiều tài liệu cũng ghi rằng quân Hà Bắc đi đánh Quan Độ có đến chục vạn. Về lực lượng của Tào Tháo, đại khái cũng chỉ có thể ước lượng. “Tam quốc chí - Vũ đế kỷ” ghi rằng trong trận Quan Độ, quân Tào chỉ có “chưa đầy vạn người”. Đây cũng là con số không đáng tin, vì quá ít so với tình hình thực tế chiến trận sau này. Lật lại một vài ghi chép trước, thì khi mới thua Lã Bố ở Bộc Dương, Trình Dục có động viên Tào Tháo rằng tuy chỉ còn ba thành ở Duyện Châu thì lực lượng quân Tào vẫn có trên vạn người. Vậy thì sau khi mở rộng lãnh địa lên tới 4 châu trước trận Quan Độ, ít nhất lực lượng của ông cũng phải ở vào khoảng 3-4 vạn người. Như vậy, có thể coi rằng trong trận Quan Độ, lực lượng Viên Thiệu đông gần gấp 3 lần quân Tào.
Từ trước khi Lưu Bị chạy lên Hà Bắc, Viên Thiệu đã có ý định tấn công rồi. Nhưng vốn nhược điểm của Viên Thiệu là trù trừ thiếu quyết đoán nên không bao giờ nhanh chóng phát binh được. Sau khi bàn bạc với các mưu sĩ, Viên Thiệu đem đại quân đi đánh Tào Tháo, đóng ở Lê Dương, lại sai học sĩ Trần Lâm soạn hịch kể tội Tào Tháo.
Sau đó Viên Thiệu chia quân, một mặt đánh thành Bạch Mã, mặt khác đóng ở bến Diên Tân. Tháng 4 năm 200, Tào Tháo dẫn Trương Liêu và Quan Vũ đi cứu Bạch Mã và cũng chia quân ra Diên Tân để phân tán sự chú ý của Thiệu. Quả nhiên Viên Thiệu tăng cường thêm quân cho Diên Tân mà không chú ý Bạch Mã. Tào Tháo nhân đó đột ngột thúc quân đánh mạnh ở Bạch Mã, sai Quan Vũ ra trận giết chết mãnh tướng của Viên Thiệu là Nhan Lương, giải vây thành Bạch Mã.
Tháng 5 năm 200, Tào Tháo cùng Quan Vũ và Trương Liêu đi men theo Hoàng Hà về phía tây đến cứu Diên Tân. Viên Thiệu cùng Lưu Bị và Văn Xú mang quân đuổi theo. Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu một trận nữa tại đây, giết chết Văn Xú. Vì lực lượng ít hơn địch nên sau đó ông lui quân về phía nam sông Tế, tức là bến Quan Độ đóng đồn, còn Viên Thiệu đóng lại ở Diên Tân. Sau trận Diên Tân, hai bên tạm hưu chiến. Lưu Bị thấy Viên Thiệu không đủ tài năng để chống Tào Tháo nên bỏ đi tìm cách xây dựng lại lực lượng. Quan Vũ sau khi lập công trả ơn Tào Tháo cũng lẻn trốn đi tìm Lưu Bị và sau hai người tái ngộ với Trương Phi ở Nhữ Nam.
Còn về quân Tào và quân Viên thì sau vài tháng ngưng nghỉ điều quân, hai bên tái chiến từ tháng 8, chống giữ nhau tới hơn 100 ngày. Vì mất hai tướng, Viên Thiệu điều đại quân đến Dương Vũ, phía tây bắc Trung Mâu, men theo đồi cát dọc bờ sông, dựng vài chục doanh trại kéo dài từ đông qua tây, định triển khai hai cánh bao vây quân Tào rồi tiêu diệt. Tào Tháo không lui binh, cũng chia quân làm nhiều nhóm chống cự, nhưng vì ít quân hơn nhiều nên không đủ phân ra các vị trí có địch. Viên Thiệu mang quân ra khỏi luỹ, giao chiến với quân Tào. Quân Tào thua trận phải lùi lại mấy lần. Tào Tháo ra lệnh tướng sĩ cố giữ vững trận địa, quân địch khiêu chiến nhiều lần nhưng không ra đánh.
Viên Thiệu bèn bày trận trên dãy núi đất, dựng nhiều chòi gỗ, đứng trên đó bắn xuống doanh trại quân Tào. Quân Tào mỗi người phải dùng thuẫn gỗ che đỡ tên bắn. Sau đó Tào Tháo dùng xe bắn đá, có sức mạnh bắn những viên đá mười mấy cân bay ra xa ngoài ba trăm mét, phá nát các chòi gỗ của địch. Viên Thiệu lại cho quân đào nhiều địa đạo vào doanh trại quân Tào. Ông phát hiện bèn sai quân đào đường hầm theo chiều ngang nằm phục sẵn, hễ quân Viên đến thì bắn chết.
Hai bên giữ nhau lâu ngày, Tào Tháo sắp hết lương, muốn rút lui, bèn hỏi ý kiến Tuân Úc đang trấn thủ Hứa Xương. Tuân Úc viết thư trả lời, khuyên Tào Tháo kiên trì giữ, nhất định không được rút lui, nếu không hậu quả không biết đâu mà lường. Trong thư, Tuân Úc viết rằng:
Tất cả quân lính của Thiệu tụ ở Quan Độ, muốn cùng Công quyết thắng bại. Công lấy quân chí nhược chống giữ quân cường mạnh, nếu chẳng khắc chế được họ, tất bị đè bẹp, đó là thế lớn trong thiên hạ vậy. Vả lại, Thiệu chỉ là kẻ anh hùng áo vải thôi, có thể tụ người ta mà chẳng biết dùng. Với tài thần vũ minh triết của chúa công lại được lẽ đại thuận phù giúp, việc nào chẳng xong!
Tào Tháo nhận được thư, bèn hạ quyết tâm chống giữ đến cùng, lệnh cho tướng sĩ gắng sức thủ vững. Đánh lâu ngày không hạ được, nội bộ của Viên Thiệu lại bộc lộ sự mâu thuẫn. Viên Thiệu bấy giờ có sai Thuần Vu Quỳnh mang 1 vạn quân đi về nhận lương để chở ra mặt trận. Mưu sĩ Hứa Du hiến kế cho Viên Thiệu rằng nhân lúc Hứa Xương phòng thủ lỏng lẻo, phái một cánh binh đi vòng qua Quan Độ tập kích, nhưng Viên Thiệu không nghe vì không tin tưởng Hứa Du. Đúng lúc đó Hứa Du có người nhà bị tội vào ngục, xin Viên Thiệu tha không được nên bất mãn, bỏ sang hàng Tào Tháo.
Được tin báo của Hứa Du, Tào Tháo bèn đích thân dẫn 5000 kỵ binh đến tập kích kho lương của Viên Thiệu đang ở Ô Sào. Đang đêm, quân Tào bất ngờ tập kích, Nhạc Tiến chém chết được Thuần Vu Quỳnh. Tào Tháo đốt sạch kho lương của Viên Thiệu. Trong hơn 1 vạn quân của Quỳnh thì hơn 1000 bị giết, số còn lại đầu hàng. Tào Tháo sai cắt hết mũi xác chết, lưỡi của bò ngựa giao cho quân đầu hàng mang về doanh trại Viên Thiệu để uy hiếp tinh thần, làm nhụt ý chí quân Hà Bắc.
Viên Thiệu thấy lửa cháy từ xa, biết tin Ô Sào bị đánh, một mặt điều quân đi cứu, mặt khác sai Trương Cáp, Cao Lãm đi cướp doanh trại Tào. Nhưng Tào Tháo đã bố trí quân phòng bị trước; Trương Cáp và Cao Lãm không hạ được trại Tào, lại nghe tin Tào Tháo phá tan Ô Sào trở về, bèn quyết định đầu hàng Tào.
Viên Thiệu liên tiếp nghe tin thua trận, kho lương bị mất, tướng sĩ náo loạn, kéo nhau bỏ chạy. Tào Tháo thừa cơ dẫn quân tập kích khiến quân Viên đại bại. Viên Thiệu hốt hoảng, cùng con là Viên Đàm dẫn 800 kỵ binh chạy một mạch, qua sông Hoàng Hà mới dám dừng lại nghỉ. Hơn 7 vạn quân của Viên Thiệu không theo kịp chủ, đều xin hàng Tào Tháo. Trong số đó có một vài người không hoàn toàn quy thuận, có biểu hiện trá hàng. Tào Tháo sợ phát sinh hậu hoạ bèn ra lệnh chôn sống cả 7 vạn hàng binh.
Sau một thời gian ngơi nghỉ, Tào Tháo mang quân truy kích Viên Thiệu. Tháng 4 năm 201, hai bên chạm trán nhau lần nữa tại Thương Đình ở ven Hoàng Hà. Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu một trận lớn nữa. Viên Thiệu thu quân về, tinh thần suy sụp, mắc bệnh nằm một chỗ.
Trong lúc họ Viên suy yếu, Tào Tháo lui về Hứa Xương rồi sau đó điều quân tấn công Lưu Bị đang liên kết với tướng Khăn Vàng là Cung Đô ở Nhữ Nam. Ban đầu ông sai Sái Dương đi đánh nhưng Dương bị Lưu Bị giết chết. Tào Tháo bèn tự cầm đại quân đi đánh. Quân Tào giết chết Cung Đô, Lưu Bị không chống nổi, phải bỏ chạy về Kinh châu theo Lưu Biểu.
Tạm yên mặt nam, Tào Tháo quay trở lại đánh Hà Bắc. Tháng 5 năm 202, Viên Thiệu ốm không khỏi, qua đời. Khi quân Tào tiến đánh, các con Viên Thiệu là Viên Đàm (con cả) và Viên Thượng (con thứ ba) chia nhau chống giữ. Tào Tháo đánh Viên Đàm ở Lê Dương từ tháng 2 đến tháng 9 năm 203 không hạ được. Nắm được nội tình anh em họ Viên đang tranh giành quyền thừa kế, Tào Tháo bèn rút đại binh để Đàm và Thượng đánh nhau, tự suy yếu lực lượng. Quả nhiên hai anh em mang quân đánh nhau, Viên Đàm bị thua chạy lên Bình Nguyên. Tào Tháo bèn mang đại quân trở lại, vì để chia rẽ họ Viên, ông lấy danh nghĩa cứu Viên Đàm. Viên Thượng hoảng sợ bỏ đánh Bình Nguyên rút về Nghiệp Thành, hai tướng của Thượng là Lã Khoáng, Lã Tường đầu hàng ông. Sau khi hứa kết thông gia với Viên Đàm, ông lại rút về nam cho anh em họ Viên đánh nhau. Nội tộc họ Viên lại tái chiến.
Đầu năm 204, Tào Tháo mang quân đánh Nghiệp Thành. Lúc đó Viên Thượng lên Bình Nguyên đánh Viên Đàm chưa về, thành do Thẩm Phối giữ. Quân Tào tấn công không nổi. Tháng 5 năm đó, Tào Tháo sai đào một hào lớn, dẫn nước sông Chương Hà vào thành. Nghiệp Thành bị nước bao vây cô lập, đến tháng 8 thì dân trong thành chết đói quá nửa. Viên Thượng nghe tin vội về cứu, Tào Tháo bèn điều quân chặn đánh. Quân của Viên Thượng tan vỡ, các tướng dưới quyền chạy sang hàng Tào. Viên Thượng thua trận, phải bỏ chạy về Trung Sơn. Viện binh bị đánh tan nhưng Thẩm Phối vẫn kiên cường phòng thủ, sai người mang nỏ cứng ra ngoài thành, phục ở chỗ Tào Tháo hay đi tuần qua mà bắn, khiến có lần ông suýt bị nỏ bắn trúng. Nhưng sau đó cháu của Thẩm Phối là Thẩm Vinh phản họ Viên, mở cửa thành cho quân Tào. Tào Tháo hạ được thành, dụ hàng Thẩm Phối không được bèn sai mang chém.
Tình hình nguy ngập là thế, nhưng nội tộc họ Viên vẫn đánh nhau không ngừng. Biết Viên Thượng thua bỏ chạy, Viên Đàm bèn kéo quân đến đánh Trung Sơn, sau đó chiếm luôn cả Ký Châu. Viên Thượng phải bỏ chạy đến U Châu nương nhờ con thứ hai của Viên Thiệu là Viên Hy.
Tào Tháo sau đó gửi thư tuyên bố cắt đứt thông gia với Viên Đàm và tiến đánh Bình Nguyên. Viên Đàm bỏ chạy về Nam An. Tháng 1 năm 205, Tào Tháo tiến đánh Nam An, Viên Đàm bị thủ hạ giết chết để hàng Tào. Anh em Viên Hy, Viên Thượng ở U châu không lâu thì thủ hạ của Viên Hy là Tiêu Xúc, Trương Nam làm phản. Hai anh em phải bỏ chạy sang Liêu Tây, nương nhờ thủ lĩnh Ô Hoàn là Đạp Đốn. Tháng 10 năm 205, Tào Tháo mang đại quân tấn công Liêu Tây, đánh đuổi bộ lạc Ô Hoàn ở Liêu Tây, Liêu Đông và Hữu Bắc Bình. Anh em họ Viên bèn chạy sang Liêu Đông với Công Tôn Khang.
Đầu năm 207, anh em họ Viên đến Liêu Đông. Tào Tháo đi chiêu hàng đến Liễu Thành ở Liêu Tây, không mang quân truy đuổi. Ông đoán biết nếu tiến đánh, Công Tôn Khang sẽ liên hợp với họ Viên, vì vậy ông chủ ý lui quân về phía nam, tỏ ý không truy bức, Công Tôn Khang nhất định sẽ đem anh em Viên Thượng - Viên Hy giết chết. Tào Tháo không chờ động tĩnh từ phía Khang mà chủ động rút lui khỏi Liễu Thành về nam trong hoàn cảnh rất gian khổ. Khi đó ở phía bắc rất lạnh, quân đội của ông bị rét cóng; toàn quân đi 200 dặm không có nước; sau đó phải đào giếng sâu tới 39 trượng mới có nước. Lương thực hết, quân Tào phải giết ngựa chiến để ăn. Quân Tào ăn hết vài ngàn con ngựa mới về tới khu vực có lúa của người Hán. Cuộc lui binh này cũng là một lần may mắn của Tào Tháo, bởi giả sử anh em họ Viên mà biết việc này đem quân truy kích, thì chưa chắc Tào Tháo đã chống cự nổi.
Và cũng đúng như dự liệu của Tào Tháo, Công Tôn Khang lập tức bắt chém anh em Viên Hy, Viên Thượng ngay lúc đến ra mắt, sai người mang thủ cấp nộp Tào Tháo ở Nghiệp Thành. Sau khi diệt họ Viên, Tào Tháo hoàn toàn làm chủ Trung Nguyên, trở thành lực lượng mạnh nhất khi đó. Ông tiến hành cải cách triều đình, khôi phục lại chức Thừa tướng và tự mình đảm nhiệm, đưa hàng loạt người thân tín nắm những chức vụ quan trọng.
Bấy giờ trong toàn lãnh thổ nhà Hán, chỉ còn một vài thế lực cát cứ, đáng kể nhất là Lưu Biểu và Lưu Bị ở Kinh Châu, Tôn Quyền ở Giang Đông, Trương Lỗ ở Hán Trung, Lưu Chương ở Ích Châu, Mã Đằng và Hàn Toại ở Tây Lương, Sĩ Nhiếp ở Giao Châu. Sau khi xem xét tình thế, Tào Tháo quyết định đem quân nam hạ, tiến hành tấn công các thế lực đáng gờm nhất là Kinh Châu Lưu Biểu và Giang Đông Tôn Quyền. Đây chính là tiền đề dẫn đến trận chiến nổi tiếng và quan trọng bậc nhất thời Tam quốc - trận Xích Bích, sự kiện mà nhiều người đánh giá là “chia ba thiên hạ từ ấy”.
Trận Xích Bích - thiên hạ chia ba
Tào Tháo nam hạ, mục tiêu đầu tiên chính là Kinh Châu của Lưu Biểu. Hiện Lưu Bị cũng đang ở đó, được sai trấn giữ Tân Dã. Tháng 7 năm 208, Tào Tháo bắt đầu khởi binh tiến đánh Kinh Châu. Nhưng quân Tào còn chưa đến nơi thì Lưu Biểu đã bệnh mất, con thứ là Lưu Tông lên thay. Tháng 9, quân Tào tiến đến Tân Dã, nhưng Lưu Bị đã rút về Phàn Thành từ trước do biết mình không thể địch nổi đại quân của Tào Tháo.
Quân Tào dần áp sát, Lưu Tông cùng thủ hạ sợ hãi bèn ra hàng, Tào Tháo không đánh mà thu được Kinh Châu. Lưu Bị nghe tin ấy, bèn đem theo hơn 10 vạn dân cùng bỏ đi, chạy về hướng Giang Lăng là nơi chứa lương thảo và vũ khí của Kinh Châu. Tào Tháo bèn lập tức cho kỵ binh tức tốc đuổi theo. Quân Tào đuổi kịp quân Lưu Bị ở Trường Bản huyện Đương Dương, nhưng bị Trương Phi chặn đường, không dám tiến.
Vừa lúc đó sứ giả của Tôn Quyền là Lỗ Túc cũng đến Đương Dương, gặp được Lưu Bị. Theo lời khuyên của Lỗ Túc, Lưu Bị quyết định liên minh với Tôn Quyền để chống Tào Tháo. Ông cử mưu sĩ của mình là Gia Cát Lượng sang Giang Đông cùng Lỗ Túc để lo việc liên minh, bản thân mình cùng Quan Vũ - Trương Phi rút về cố thủ Giang Hạ với con trưởng của Lưu Biểu là Lưu Kỳ. Tào Tháo thúc quân đuổi tiếp đến Giang Lăng nhưng không thấy Lưu Bị, bèn chiếm lấy kho lương và vũ khí ở đó. Sau đó ông tập hợp đại quân chuẩn bị tiến đánh Tôn Quyền.
Về phía Lưu Bị và Tôn Quyền, thì sau khi Gia Cát Lượng sang Giang Đông đã đến yết kiến Tôn Quyền ở Sài Tang. Gia Cát Lượng giỏi nhìn người, biết tính Tôn Quyền nên chủ định nói khích, cường điệu quá sức mạnh của Tào Tháo và còn khuyên Tôn Quyền hàng đi cho nhanh. Tôn Quyền bấy giờ mới hỏi ngược lại là nếu hàng Tào có ích như thế thì sao Lưu Bị không hàng đi cho rồi? Gia Cát Lượng bấy giờ mới chỉ ra rằng đến như một kẻ sĩ nhỏ nhoi như Điền Hoành nước Tề ngày xưa còn không chịu hàng Hán Cao tổ Lưu Bang thì cớ gì tông thất như Lưu Bị lại chấp nhận hàng Tào? Tôn Quyền nghe thế, giận lắm, nói rõ quyết tâm đánh Tào, nhưng vẫn lo quân ít không đánh nổi. Vả lại Lưu Bị cũng mới thua trận, sức lực đâu mà chống đại quân Tào Tháo?
Bấy giờ, Gia Cát Lượng mới phân tích kỹ tình hình thực tế của hai bên, để thấy rằng hợp sức chống Tào là việc hoàn toàn có thể và nên làm với cả Lưu Bị lẫn Tôn Quyền:
Lưu Bị tuy thua trận, nhưng 1 vạn thủy quân của ông còn nguyên, hơn nữa Lưu Kỳ ở Giang Hạ cũng có hơn 1 vạn quân nữa. Phía Tôn Quyền ở Giang Đông cũng không ít binh lực (mà như Tôn Quyền nói là 10 vạn quân ở đất Ngô). Quân Tào Tháo đông, nhưng đã mỏi mệt sau khi truy kích Lưu Bị, như Gia Cát Lượng nói thì đấy là "nỏ mạnh đã bắn xa hết sức, sức chẳng thể xuyên thủng tấm lụa mỏng". Mặt khác, quân Tào vốn toàn người phương bắc, chẳng quen thủy chiến. Tuy thu được Kinh Châu, nhưng Kinh Châu mới hàng, lòng người chưa phục. Nếu quyết tâm chống đỡ, đánh thắng Tào Tháo thì thiên hạ sẽ thành thế chân vạc, cả Lưu Bị và Tôn Quyền sẽ có không gian phát triển
Tôn Quyền nghe rõ phân tích, quyết định thành lập liên minh.
Từ trước khi liên minh Tôn - Lưu thành lập, Tào Tháo đã gửi thư cho Tôn Quyền, nói rằng ông có 80 vạn quân, sẽ sớm nam hạ. Ý tứ của bức thư đã rõ ràng: vừa ám chỉ lực lượng mạnh mẽ, vừa có ý bảo Tôn Quyền nên sớm đầu hàng giống Lưu Tông Kinh Châu. Triều thần Đông Ngô lúc này chia làm hai phe chủ hàng và chủ chiến. Phe chủ hàng do Trương Chiêu đứng đầu, dựa vào lý lẽ quân số vượt trội của Tào Tháo mà bảo rằng Giang Đông không thể chống nổi, nên hàng là hơn. Phe chủ chiến thì do Chu Du đứng đầu, cùng Lỗ Túc đều muốn thành lập liên minh chống Tào. Ngoài ra, Chu Du còn phân tích kỹ thực lực của Tào Tháo để cho thấy đánh Tào hoàn toàn có khả năng chiến thắng. Con số 80 vạn quân đương nhiên chỉ là khoa trương, không thể tin. Chu Du chỉ ra rằng Tào Tháo đem quân đánh Kinh Châu nhiều nhất chỉ 15 - 16 vạn, thu được quân Kinh Châu cùng lắm là 7 - 8 vạn nữa. Như vậy đại quân Tào Tháo nam hạ thực chất chỉ nhỉnh hơn 20 vạn quân một chút. 20 vạn quân tuy đông, nhưng phần lớn là người phương bắc không thạo thủy chiến, lại không quen khí hậu, đi đường xa mỏi mệt. Số quân biết thủy chiến hầu hết là quân Kinh Châu, mới hàng nên chưa chắc đã hết lòng chiến đấu. Như vậy tính ra nếu quyết chiến, tuy quân Tào đông gấp 3 gấp 4 lần quân của liên minh Tôn - Lưu, nhưng kỳ thực lợi thế chẳng nhiều đến thế. Huống hồ ngay khi trước đã có trận Quan Độ, Tào Tháo ít quân vẫn thắng được Viên Thiệu, vậy hà cớ gì Tôn - Lưu lại không làm được?
Cuối cùng Tôn Quyền thực sự hạ quyết tâm liên minh đánh Tào, bèn cử Chu Du, Trình Phổ và Lỗ Túc đem 3 vạn quân ra trận, hợp sức với Lưu Bị. Tương quan lực lượng hai bên nhìn chung thì Tào Tháo có lợi thế hơn. Đại quân Tào nam hạ khoảng hơn 20 vạn, một vài ước tính cao nhất có thể lên tới 25 vạn, nhưng chắc chắn không thể là 80 vạn như Tào Tháo khoa trương. Phía liên minh Tôn - Lưu có 5 vạn quân, bao gồm 2 vạn quân của Lưu Bị - Lưu Kỳ và 3 vạn quân bên Giang Đông; tất cả đều thông thạo thủy chiến.
Về diễn biến, trận Xích Bích có thể chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn đụng độ ban đầu tại Xích Bích dẫn đến sự rút lui của quân Tào về chiến trường Ô Lâm trên bờ Tây Bắc của Trường Giang; giai đoạn thủy chiến mang tính quyết định; giai đoạn tháo chạy của Tào Tháo về hướng Hoa Dung.
Trong giai đoạn đầu, thủy quân Tôn - Lưu ngược dòng Trường Giang tới Xích Bích, tại đây họ chạm trán với tiền quân của Tào Tháo. Bị hành hạ bởi bệnh dịch, rồi tinh thần và sức lực suy giảm do các cuộc hành quân kéo dài từ, quân Tào gặp bất lợi và phải rút về đóng quân ở Ô Lâm phía bắc Trường Giang.
Để giảm sự tròng trành của thuyền chiến (vốn khiến binh lính thường xuyên bị say sóng), Tào Tháo ra lệnh dùng xích sắt nối nhiều thuyền lại với nhau. Quan sát động thái này của quân Tào, Hoàng Cái bên Đông Ngô đã kiến nghị với Chu Du dùng kế trá hàng và được Chu Du tán đồng. Việc gửi thư trá hàng của Hoàng Cái lập tức được Tào Tháo tin theo, không cần phải bày kế khổ nhục làm Hoàng Cái phải chịu đòn roi và cũng không cần Hám Trạch phải đấu trí với Tào Tháo đến mức như tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” mô tả. Việc trá hàng thuận lợi, Hoàng Cái chuẩn bị một đội thuyền để bơi sang đánh úp vào thủy trại quân Tào. Đội thuyền này đều được chất đầy vật liệu dễ cháy cùng mồi lửa.
Khi đội "hàng binh" của Hoàng Cái đến giữa sông thì các hỏa thuyền bắt đầu được châm lửa. Chúng theo gió Đông Nam lao thẳng vào hạm đội quân Tào. Sức gió lớn, thêm việc bị gắn chặt vào nhau nên các thuyền chiến của Tào Tháo nhanh chóng bắt lửa khiến một số lớn binh lính chết cháy trên thuyền hoặc chết đuối dưới sông.
Trong lúc thủy trại quân Tào hoảng loạn vì đám cháy, liên quân Tôn - Lưu lập tức tiến vào chiếm lĩnh trận địa và chia cắt lực lượng của Tào Tháo. Tào Tháo không chống cự nổi trước tình thế hỗn loạn này, buộc phải rút chạy. Ông cùng một số ít binh lính lui về phía đường Hoa Dung xuyên qua vùng đầm lầy lớn phía Bắc hồ Động Đình. Trời mưa to khiến đường rút lui càng trở lên lầy lội, Tào Tháo phải ra lệnh cho binh lính, kể cả những người bị thương, vác cỏ để lấp đường. Khó khăn cho quân Tào càng trầm trọng khi Chu Du và Lưu Bị không ngừng đuổi theo tới tận Nam Quận. Cuối cùng, thiệt hại nặng nề khiến Tào Tháo phải bỏ ý định nam hạ, rút về Nghiệp Thành. Ông cử Tào Nhân và Từ Hoảng ở lại trấn thủ Giang Lăng, Nhạc Tiến trấn thủ Tương Dương. Tổn thất của quân Tào trong trận này cực kỳ lớn, không cách nào tính rõ được. Nhưng có thể tin rằng hầu hết đại quân nam hạ của Tào Tháo đều thất tán, không chết thì cũng bị bắt hoặc lạc mất. Phía liên quân Tôn - Lưu cũng thiệt hại khá nặng, nhưng thắng lợi này giúp cả Lưu Bị và Tôn Quyền có thời cơ và không gian để mở rộng thế lực.
Trận Xích Bích kết thúc, thế cục thiên hạ cơ bản đã hình thành. Tào Tháo là lực lượng mạnh nhất, nhưng thua trận này khiến ông không còn có thể thuận lợi nam hạ được nữa. Bấy giờ tuy vẫn còn một vài chư hầu cát cứ khác, nhưng đều không tồn tại được lâu. Thế chia ba thiên hạ về sau cũng được xác lập bởi ba lực lượng tham gia trận Xích Bích là Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền. Ngoài ra, trận Xích Bích còn một ý nghĩa nữa mà thường ít được chú ý hơn: đó chính là xác lập hình thái chia cắt bắc - nam. Từ sau trận Xích Bích, trừ một thời gian ngắn thống nhất dưới triều Tây Tấn, thì Trung Hoa luôn bị chia cắt hai bờ bắc - nam bởi vô số thế lực và triều đại khác nhau. Tình trạng ấy kéo dài tới gần 400 năm, mãi đến triều Tùy mới chấm dứt.
Không thể nam hạ, Tào Tháo trở lại với việc tiếp tục củng cố thế lực, tiêu diệt các thế lực còn cát cứ ở phương bắc.
Kiến lập nền móng nhà Ngụy
Sau trận Xích Bích, về cơ bản thế đứng của ba họ Tào, Tôn và Lưu khá vững, lực lượng dần cân bằng nên Tào Tháo không còn thời cơ nam tiến thuận lợi để thống nhất Trung Hoa như trước nữa. Trong khi Tôn Quyền và Lưu Bị ra sức giành lấy những vùng đất đai phía nam thì Tào Tháo án binh bất động trong 2 năm 209 - 210. Thời gian này ông chủ yếu ở lại Nghiệp Thành, cho xây đài Đồng Tước để hưởng thụ.
Sau một vài năm nghỉ ngơi dưỡng sức, Tào Tháo bắt đầu tính đến việc tiêu diệt các thế lực cát cứ khác. Mục tiêu số một bấy giờ chuyển sang thế lực của Mã Đằng - Hàn Toại ở Tây Lương. Trước khi ra tay đánh dẹp chư hầu ở Trung Nguyên, ông từng sai Chung Do viết thư trấn an Mã Đằng và Hàn Toại nhằm khiến hai người không gây hấn. Trước khi nam hạ đánh Kinh Châu, Tào Tháo đã mượn danh Hán Hiến đế triệu Mã Đằng về Hứa Xương phong cho ông chức Thái úy. Ngoài mặt là ban thưởng, nhưng kỳ thực mục đích chính là để chia cắt với Hàn Toại. Bên cạnh đó, ông còn phong cho con Mã Đằng là Mã Siêu làm Thiên tướng quân, Đô đình hầu, thay cha quản lĩnh quân đội dưới quyền.
Năm 211, Tào Tháo phái Chung Do và Hạ Hầu Uyên đi đánh Trương Lỗ ở Hán Trung. Ý đồ của ông là nếu muốn đến Hán Trung thì phải đi qua Quan Trung, đại quân tiến về phía tây trên danh nghĩa là đi đánh Trương Lỗ, nhưng thực chất là gây sức ép với Mã Siêu, Hàn Toại. Binh tướng Tây Lương khi ấy sẽ nghi ngờ Tào Tháo muốn tập kích, chỉ cần họ có động tĩnh gì thì lập tức triều đình Hứa Xương sẽ có lý do chính đáng để chinh phạt Tây Lương. Quả nhiên các tướng Tây Lương thấy quân Tào không đánh họ ở gần mà lại đánh Trương Lỗ ở xa nên lo lắng, cuối cùng khởi binh chống lại, Mã Siêu và Hàn Toại cầm đầu, tập hợp 10 vạn quân chuẩn bị chiến đấu.
Tháng 7 năm 211, Tào Tháo đích thân mang quân đánh Mã Siêu. Đến Đồng Quan, ông bí mật phái Từ Hoảng và Chu Linh mang quân vượt bến Bồ Bản, đóng trại ở Hà Tây để chặn đường lui của Mã Siêu. Mã Siêu bàn với Hàn Toại chia quân ra chặn ở bờ bắc ngăn quân Tào nhưng Hàn Toại không nghe theo. Mã Siêu thấy thế bèn tự mình hành động. Khi quân Tào vượt sông sang bờ bắc thì Mã Siêu bất thần đem quân đến đánh úp. Người chèo thuyền của Tào Tháo bị trúng tên chết, Hứa Chử liền một tay cầm yên ngựa che cho Tào Tháo, tay kia chèo thuyền. Cùng lúc đó viên Hiệu úy là Đinh Phỉ sai thả hết trâu ngựa ra đường khiến quân Mã Siêu tranh nhau đi bắt, sao nhãng việc truy kích Tào Tháo. Nhờ đó ông được thoát nạn, qua bờ bên kia.
Theo kế của Giả Hủ, Tào Tháo quyết định tìm cách ly gián Hàn Toại và Mã Siêu. Ông vốn quen biết với Hàn Toại từ trước, nhân khi ra trận không có mặt Mã Siêu, Tào Tháo nói chuyện với Hàn Toại khá thân mật. Vì vậy, Mã Siêu bắt đầu nghi ngờ Hàn Toại. Sau đó Tào Tháo lại gửi thư cho Hàn Toại, cố ý gửi nhầm bản nháp có nhiều chỗ gạch xóa. Mã Siêu đòi xem, thấy vậy lại càng nghi ngờ Hàn Toại muốn phản mình.
Biết nội bộ quân Tây Lương đã nghi ngờ nhau, Tào Tháo ra quân tiến đánh. Ông dùng khinh binh nhử trước cho địch đuổi theo rồi mới dùng quân tinh nhuệ giáp công. Quân Tây Lương dao động, bị đánh đại bại. Hàn Toại bỏ chạy về Kim Thành còn Mã Siêu chạy sang bộ lạc của người Nhung. Tào Tháo dẫn quân truy kích Siêu đến tận Yên Định nhưng chưa bắt được thì có tin Tôn Quyền dẫn quân xâm phạm nên ông lui quân, chỉ để Hạ Hầu Uyên ở lại.
Năm 212, Tào Tháo về đến Hứa Xương bèn mượn danh Hán Hiến đế hạ lệnh giết Mã Đằng, tru di tam tộc. Về sau, Mã Siêu tập hợp các bộ tộc người Khương, người Hồ quay trở lại tấn công các quận huyện Lũng Thượng, giết Thứ sử Lương châu là Vi Khang. Thủ hạ của Vi Khang là Dương Phụ khởi binh báo thù cho chủ, hợp binh với Hạ Hầu Uyên đánh bại Mã Siêu. Mã Siêu thua trận phải chạy sang đầu hàng Trương Lỗ ở Hán Trung. Vùng Tây Lương cơ bản thuộc quyền kiểm soát của Tào Tháo.
Bình định Tây Lương xong, Tào Tháo nhận thấy thế chân vạc giữa lực lượng của mình với Lưu Bị và Tôn Quyền đã vững. Giang Đông hiểm yếu, chưa thể đánh được, nhất là sau hàng loạt cuộc đụng độ giữa quân Tào và Đông Ngô hậu Xích Bích. Đến năm 214, Lưu Bị từ Kinh Châu tiến vào đánh chiếm Ích Châu của Lưu Chương, việc này khiến Tào Tháo phải gấp rút hành động. Dự định của ông là nhanh chóng bình định Trương Lỗ, chiếm Hán Trung để có đường đánh vào Ích Châu diệt Lưu Bị.
Tháng 3 năm 215, Tào Tháo đem quân vượt qua đường Trần Thương, nhưng chưa đánh Hán Trung vội mà tiến về phía tây để đánh nốt quân Hàn Toại đang liên kết với tộc người Đê. Tháng 5, quân Tào đại thắng ở Hà Trì, Hàn Toại bỏ chạy từ Kim Thành về Tây Bình thì bị thủ hạ giết chết đem thủ cấp nộp cho Tào Tháo. Diệt xong Hàn Toại, Tào Tháo mới tiến quân đánh Hán Trung.
Thấy quân Tào thế mạnh, Trương Lỗ vốn định hàng nhưng em trai là Trương Vệ kiên quyết không chịu, đem mấy vạn quân trấn giữ ải Dương Bình. Tào Tháo cho quân vây đánh 3 ngày không được, nhưng sau đó lại bất ngờ chiếm được ải. “Tam quốc chí” chép rằng quân Tào trong đêm đột kích mà chiếm được ải. “Tư trị thông giám” lại chép rằng: Tào Tháo đánh mãi không được, có ý nản muốn lui binh. Ông phái Hạ Hầu Đôn và Hứa Chử gọi quân trên núi rút về. Tiền quân Tào Tháo rút trong đêm, không biết thế nào lại đi lạc vào trong biệt doanh của Trương Vệ. Quân trong doanh thấy thế hoảng hốt tưởng ải đã mất liền bỏ chạy tán loạn. Tân Bì, Lưu Diệp ở hậu quân thấy thế mới bảo rằng quân mình đã chiếm được doanh trại địch. Hạ Hầu Đôn và Hứa Chử thấy thế cho người báo với Tào Tháo, ông liền thúc quân xông lên chiếm được ải, Trương Vệ phải bỏ chạy.
Nghe tin Trương Vệ thua trận, Trương Lỗ muốn hàng nhưng lại nghe theo thủ hạ Diêm Phố khuyên, chưa hàng ngay mà chạy ra núi Đại Ba, dựa vào các thủ lĩnh bộ tộc cố thủ, sau đó mới sai người đến xin Tào Tháo xin giảng hoà. Trước khi đi, Trương Lỗ không nghe theo lời khuyên đốt kho tàng khiến quân Tào đói mà khoá hết kho tàng, niêm phong lại. Tào Tháo khen ngợi việc Trương Lỗ không đốt kho tàng, chấp nhận cho đầu hàng, phong làm Trấn nam tướng quân, tước Lãng Trung hầu. Khi trước Mã Siêu theo về với Trương Lỗ, nhưng chẳng bao lâu sau bỏ vào Ích Châu theo Lưu Bị. Bộ tướng của Mã Siêu là Bàng Đức nhân vì bị bệnh không theo được phải ở lại, nay cũng theo hàng Tào Tháo.
Lấy được Hán Trung rồi, Tào Tháo để Hạ Hầu Uyên ở lại trấn thủ, thêm cả Trương Cáp, Từ Hoảng và Đỗ Tập trợ giúp. Vốn ban đầu, Tư Mã Ý và Lưu Diệp đều khuyên Tào Tháo nhân cơ hội thúc quân vào bình định nốt Ích Châu, nhưng ông chần chừ. Lưu Diệp lại khuyên rằng Lưu Bị mới lấy Ích Châu, lòng dân chưa ổn, nếu đánh nhanh thì chắc chắn thắng, Tào Tháo vẫn không nghe. Cuối cùng một thời gian sau, Ích Châu dần ổn định, cơ hội đã qua, Tào Tháo bèn quay về Nghiệp Thành.
Việc Tào Tháo không tiến đánh Ích Châu ngay sau khi lấy Hán Trung được nhiều người xem là phí mất cơ hội. Tuy nhiên, có lẽ Tào Tháo vẫn lo về mặt nam của Tôn Quyền hơn là Lưu Bị - người thường xuyên thua trận trước ông. Và thực ra ngay trong thời gian quân Tào đánh Hán Trung, Tôn Quyền đã đem 10 vạn quân vây đánh Hợp Phì, nhưng không thắng nổi Trương Liêu. Tào Tháo rút về mà không vào Ích Châu, hẳn cũng là vì lo ngại thế lực của quân Giang Đông. Về Nghiệp Thành, Tào Tháo lại tiếp tục việc củng cố quyền lực của mình.
Ban đầu khi làm Thừa tướng, Tào Tháo được Hán Hiến đế phong Vũ Bình hầu, ăn lộc 1 vạn hộ. Sau trận Xích Bích, Tào Tháo có ý chuyển thủ phủ quyền lực của mình sang Nghiệp Thành nên thường xuyên ở đây, không chú trọng đến Hứa Xương nhiều nữa. Do tự mình chuyên quyết việc triều đình, Tào Tháo đã gặp phải sự chống đối ngấm ngầm từ các lực lượng ủng hộ Hán Hiến đế. Tuy nhiên, các lực lượng này không đủ mạnh và bị Tào Tháo đàn áp thẳng tay, kể cả những người thân thích của Hiến đế cũng bị giết hết.
Năm 213, Tào Tháp ép Hán Hiến đế phong mình làm Ngụy Công, ban cho Cửu tích, tức là 9 loại lễ vật do thiên tử ban cho đại thần có công trạng đặc biệt, là lễ vật cao nhất. Sau đó, Tào Tháo cắt Ngụy quận và 9 quận khác ở Ký Châu hợp vào lãnh thổ nước Ngụy làm đất ăn lộc. Nước Ngụy của Tào Tháo với tư cách là một nước chư hầu nằm trong lãnh thổ nhà Hán bắt đầu hình thành. Tháng 11 cùng năm, Tào Tháo thiết lập một bộ máy triều đình nước Ngụy riêng biệt, có Thượng thư lệnh, Thị trung và lục khanh. Việc này từ trước đó đã khiến nhiều đại thần trong triều đình không bằng lòng, vì đấy gần như là cái điềm họ Tào sẽ cướp ngôi nhà Hán. Thậm chí thủ hạ thân tín của Tào Tháo là Tuân Úc cũng khuyên can, nhưng ông không bằng lòng nghe theo. Không lâu sau, Tuân Úc qua đời. “Tam quốc chí” chép rằng Tuân Úc mắc bệnh mà qua đời, nhưng nhiều tài liệu khác cho rằng Tuân Úc uống thuốc độc tự vẫn để phản đối việc Tào Tháo làm Ngụy Công. Dù lý do thật sự là gì, thì việc Tuân Úc phản đối Tào Tháo lên làm Ngụy Công vẫn là thật. Nhưng bấy giờ cũng chẳng ai đủ sức ngăn cản ông nữa rồi.
Đến năm 216, sau khi bình định Hán Trung trở về, Tào Tháo tiếp tục ép Hán Hiến đế phong cho mình làm Ngụy Vương. Việc này lại tiếp tục bị nhiều đại thần phản đối, một thủ hạ khác của Tào Tháo là Trung úy Thôi Diễm cũng vì tỏ ý phản đối mà bị hạ ngục giết chết. Nhưng cuối cùng cũng không ai làm được gì, Tào Tháo vẫn được phong làm Ngụy Vương, lấy Chung Do làm Tướng quốc nước Ngụy, đến năm sau ông lấy con thứ Tào Phi làm Thái tử.
Cũng trong năm 216, ở Hán Trung bắt đầu xảy ra giao tranh giữa quân Tào và quân Lưu Bị. Trương Cáp mang quân vượt núi Đại Ba, tiến sâu vào 2 quận Ba Đông, Ba Tây, dời vài vạn dân về Hán Trung. Khi tiến đến Đãng Cừ thì chạm trán quân Ích Châu do Trương Phi chỉ huy chặn lại. Hai bên giữ nhau 50 ngày, cuối cùng Trương Cáp bị Trương Phi đánh bại, phải rút chạy về Nam Trịnh.
Tháng 11 năm 217, Lưu Bị sai Trương Phi đóng đồn ở Cố Sơn, Ngô Lan đóng ở Hạ Biện. Tào Tháo bèn cử Tào Hồng và Tào Hưu ra đối địch, hai người sau đó đánh bại được quân Ngô Lan, khiến Trương Phi phải rút lui khỏi Cố Sơn.
Nghe tin bại trận, Lưu Bị và mưu sĩ Pháp Chính đem đại quân tấn công ải Dương Bình. Quân Tào giữ ải yếu nên không giữ nổi. Đầu năm 219, Lưu Bị qua sông Miện Thủy, dựa vào sườn núi Định Quân đóng quân. Hạ Hầu Uyên không biết là kế, mang toàn quân đến vây đánh, bị phục binh của tướng Hoàng Trung từ trên núi đổ xuống đánh ngang sườn. Hạ Hầu Uyên và Thứ sử Ích Châu là Triệu Ngung cùng tử trận. Lưu Bị chiếm được Hán Trung. Tào Tháo được tin, tức tốc đem đại quân từ Trường An qua hang Tà Cốc tiến đánh Lưu Bị. Quân Ích Châu giữ thế phòng thủ không ra giao chiến. Qua hơn 1 tháng khiêu chiến không đánh được trận nào, quân Tào mệt mỏi. Lưu Bị lại sai người lọt vào hàng ngũ quân Tào làm nội ứng, phao tin đồn khiến quân Tào chán nản. Tào Tháo lúc đó tuổi đã cao, sức lực không còn tráng kiện; ông liệu thế không thể thắng được Lưu Bị, đành hạ lệnh lui quân. Tào Tháo không những triệt thoái khỏi Hán Trung, mà lệnh cho các cánh quân còn lại cùng rút về. Toàn bộ vùng Hán Trung vậy là đều thuộc về Lưu Bị hết.
Ở phía đông và nam, quân Tào vẫn nhiều lần giao tranh với Giang Đông, nhưng cuối cùng hai bên gần như bất phân thắng bại. Trong nhiều năm, Tôn Quyền và Lưu Bị vẫn duy trì liên kết để chống lại Tào Tháo, giữ thế chân vạc cân bằng. Nhưng sau khi Tào Tháo mất Hán Trung thì phát sinh biến cố mới, mà chủ yếu nằm ở vấn đề tranh chấp các vùng đất của Kinh Châu mà Tào Tháo không lấy được. Trước đó, hai bên đã có xung đột trong việc bên nào lấy vùng nào. Sau trận Xích Bích, cả Lưu Bị và Tôn Quyền đều ra sức đánh lấy các quận Kinh Châu. Cuối cùng Lưu Bị lấy được thêm 4 quận là Trường Sa, Linh Lăng, Võ Lăng và Quế Dương; còn Tôn Quyền cũng lấy được Nam Quận. Sau nhiều lần thỏa thuận, Lưu Bị đổi Giang Hạ, Trường Sa và Quế Dương cho Tôn Quyền để lấy Nam Quận, hai bên cùng chia lửa chống với quân Tào ở phía bắc. Khi Lưu Bị vào Ích Châu có để lại Quan Vũ trấn thủ các quận Kinh Châu.
Năm 219, sau khi chiếm được Hán Trung và đẩy lui quân Tào, Lưu Bị tự xưng làm Hán Trung Vương, coi như ngang hàng với Tào Tháo. Trên đà thắng lợi, Quan Vũ ở Kinh Châu cũng khởi binh bắc tiến, tấn công Phàn Thành. Tào Nhân bèn sai Vu Cấm và Bàng Đức đem quân đóng trại ở phía bắc Phàn Thành để cản địch. Bấy giờ vào mùa mưa, nước sông Hán tràn bờ gây lũ lụt. Quan Vũ vốn biết khí hậu Kinh Châu, lợi dụng lũ lụt và cho quân cưỡi thuyền đánh thốc vào trại quân Tào. Bảy cánh quân Tào đều bị dìm chết gần hết, Vu Cấm đầu hàng còn Bàng Đức không chịu nên bị Quan Vũ giết. Quan Vũ sau đó bao vây Phàn Thành, lại cử quân vây đánh Tương Dương. Tào Tháo vội sai Từ Hoảng đem quân đến cứu Phàn Thành, nhưng Từ Hoảng nhất thời chưa thể phá vây được.
Tào Tháo thấy tình thế nguy ngập, có ý muốn dời đô, đưa Hán Hiến đế từ Hứa Xương về Nghiệp Thành để tránh tình huống xấu nhất. Tuy nhiên, Tư Mã Ý và Tưởng Tế hết sức can ngăn, khuyên rằng thế Quan Vũ tuy mạnh, nhưng quân phòng thủ các nơi còn chưa tan vỡ. Hơn nữa, việc này còn ảnh hưởng đến cả Giang Đông, chi bằng thuyết phục Tôn Quyền tập kích Quan Vũ từ phía sau, tất nhiên sẽ phá được.
Đúng lúc đó thì Tôn Quyền cũng sai người dâng thư đến xin quy phục, giúp ông giáp công đánh Quan Vũ ở mặt đông. Tào Tháo mừng rỡ, nhưng vẫn dùng mưu: một mặt ông nhận cho Tôn Quyền đầu hàng; mặt khác ông lại mang thư đầu hàng của Tôn Quyền buộc vào tên, sai Từ Hoảng cho người bắn vào trại của Quan Vũ. Việc làm đó của ông đẩy Quan Vũ và Tôn Quyền vào thế không đội trời chung khiến ông có thể ngồi nhìn hai bên đánh nhau mà vẫn có thể giải vây cho Phàn Thành, giữ yên được mặt nam.
Quan Vũ vây Phàn Thành lâu ngày không hạ được, Từ Hoảng quyết định đột kích giải vây. Tôn Quyền cũng phong Lã Mông làm Đại đô đốc, ngầm đem quân đánh úp Nam Quận.Ở mặt trận Phàn Thành, Quan Vũ bấy giờ đóng quân ở hai trại là Vi Đầu và Tứ Trủng. Từ Hoảng bèn phao tin đánh Vi Đầu, nhưng ngầm đánh đồn Tứ Trủng. Quan Vũ mắc mưu nên bị thua nặng, quân chết rất nhiều; khi thua trận chạy về mới biết Nam Quận đã mất. Quan Vũ cùng đường chạy ra Mạch Thành, cuối cùng bị quân Tôn Quyền bắt sống mang về giết chết.
Tôn Quyền giết Quan Vũ, sai người mang đầu đến Lạc Dương nộp cho Tào Tháo. Ông không mang đầu Quan Vũ đi bêu mà sai làm lễ tang trọng thể theo nghi thức an táng. Đây là một nước cờ cao tay của Tào Tháo. Vốn ban đầu, Tôn Quyền biết rằng về sau chắc chắn Lưu Bị sẽ khởi binh báo thù, cho nên đem đầu nộp Quan Vũ nộp cho Tào Tháo là để gián tiếp nói rằng ông giết Quan Vũ là theo lệnh Tào Tháo. Thế nhưng bằng việc hậu táng Quan Vũ, Tào Tháo cũng gián tiếp tuyên bố: Tôn Quyền tự ý giết Quan Vũ, chứ Tào Tháo không liên quan gì. Quả nhiên về sau Lưu Bị khởi binh báo thù đã nhất định muốn đánh Giang Đông chứ không đánh Tào Tháo.
Dẹp xong Quan Vũ, Tào Tháo dâng biểu với Hán Hiến đế, phong Tôn Quyền làm Phiêu kỵ tướng quân, lĩnh chức Thứ sử Kinh Châu, lại phong cho tước Nam Xương hầu. Tôn Quyền cũng cho người đến triều cống, dâng thư xưng thần với Tào Tháo, lại úp mở muốn Tào Tháo nhận lĩnh thiên mệnh thay nhà Hán, đăng cơ xưng đế. Không chỉ Tôn Quyền, thủ hạ Tào Tháo nhiều người cũng có ý đó, vì vốn ông đã nắm thực quyền nhiều năm rồi, Hán Hiến đế chỉ là bù nhìn. Thế nhưng dù ai nói gì, Tào Tháo vẫn nhất mực từ chối. Ông chỉ bảo rằng: “Nếu thiên mệnh ở ta, ta chỉ làm Chu Văn vương thôi!”
Nói câu này, Tào Tháo đã thực sự thừa nhận mình có đủ thực lực để làm Hoàng đế, nhưng cuối cùng ông vẫn không làm theo. Vì sao lại như vậy? Có người cho rằng Tào Tháo muốn có danh trung thần nên nhất quyết không chịu thay nhà Hán. Ông ví mình với Chu Văn vương vì thuở xưa, Chu Văn vương khi ấy có đến hai phần ba thiên hạ nhưng trước sau vẫn phụng sự nhà Thương. Nhưng nghĩ sâu xa hơn, Tào Tháo nói câu này cũng là để ám chỉ ông muốn để dành việc thay thế nhà Hán cho con trai mình là Tào Phi. Khi xưa con Chu Văn vương là Chu Vũ vương là người lật đổ nhà Thương để lập nhà Chu, vậy Tào Tháo coi mình là Văn vương thì cũng chính là ngầm ám chỉ Tào Phi sẽ lật nhà Hán mà lập nhà Ngụy.
Qua đời và nhận định
Cuối năm 219, bệnh đau đầu của Tào Tháo lại tái phát. Ông giao cho Thái tử Tào Phi quản lý Nghiệp Thành, còn mình về Lạc Dương dưỡng bệnh. Bệnh Tào Tháo ngày càng nặng, cuối cùng vào tháng giêng năm 220, Tào Tháo qua đời ở Lạc Dương, thọ 66 tuổi. Tào Phi sau đó nối ngôi Ngụy Vương và chỉ vài tháng sau ép Hán Hiến đế nhường ngôi cho mình, thành lập nhà Ngụy. Tào Tháo sau được truy tôn làm Thái tổ Vũ Hoàng đế. Lúc còn sống Tào Tháo chưa từng xưng đế, nhưng người tạo nền móng cho nhà Ngụy và dọn đường cho Tào Phi thay thế nhà Hán chính là ông.
Đánh giá về Tào Tháo xưa nay vẫn thường khá chia rẽ. Có người cho ông là trung thần vì đến chết vẫn không phản Hán, nhưng lại có người bảo rằng đấy chỉ là trên danh nghĩa, còn Tào Tháo thực tế khống chế thiên tử, độc bá triều đình thì không thể gọi là trung thần được. Khách quan mà nói, Tào Tháo thực sự là một nhà chính trị lỗi lạc, một nhà lãnh đạo giỏi và đặc biệt là một tài năng quân sự. Ông khởi điểm kém hơn rất nhiều thế lực chư hầu khác, nhưng cuối cùng lại vươn lên trở thành người thống nhất được miền bắc Trung Hoa. Riêng việc đó thôi cũng đủ thấy được tài năng của Tào Tháo. Ông cũng là người biết làm chính trị, quản lý triều đình và giúp vùng Trung Nguyên có thể phát triển khá tốt sau nhiều năm chiến loạn. Ngoài ra, cũng phải kể tới đóng góp trong khôi phục nông nghiệp thời loạn lạc của Tào Tháo. Trong khi nhiều quân phiệt chỉ dùng chính sách cướp đoạt của nông dân thì chính sách đồn điền của Tào Tháo đã góp phần khôi phục nông nghiệp bị tàn phá, vừa giải quyết đời sống nông dân, vừa đảm bảo lương thực cho quân đội của ông. Chính điều đó là một trong những yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng của Tào Tháo ở vùng Trung Nguyên. Đông Ngô, Thục Hán sở dĩ cũng có đủ thực lực, giữ được thế cân bằng với Tào Tháo và con cháu ông sau này nhờ sớm học tập chính sách phát triển đồn điền với mô hình tương tự của Tào Tháo trong khu vực mà họ quản lý.
Tất nhiên, Tào Tháo cũng có nhiều khuyết điểm, mà đáng kể nhất là đa nghi, tàn bạo, hiếu sát, cư xử nhiều lúc xảo trá. Vì thế nên đương thời đa số đều kính sợ chứ không yêu mến ông. Trong thời loạn thế, có lẽ tính cách như Tào Tháo mới làm nên bá nghiệp; và thực tế là ông đã thành công trong việc gây dựng cơ đồ nhà Ngụy. Thế nhưng hậu quả về sau của nó chính là vì mang tiếng “cướp ngôi” nhà Hán nên bản thân nhà Ngụy cũng chẳng tồn tại được dài lâu. Nhà Hán truyền thừa đã được trên dưới 400 năm, quan niệm chính trị đề cao Thiên mệnh, nhấn mạnh trung nghĩa đã ăn sâu vào tầng lớp sĩ phu. Nhưng Tào Tháo đã phá bỏ truyền thống đó, ông chứng minh rằng chỉ cần bề tôi có đủ sức mạnh khống chế triều chính là có thể giành ngôi. Như vậy, Tào Tháo đã mở ra thời đại mà không khí chính trị đầy rẫy nghi kị giữa vua và quan, tạo ra thông lệ quyền thần cướp ngôi, bề tôi làm phản. Từ Tào Ngụy cho đến đầu thời nhà Đường, suốt gần 400 năm, chỉ cần bề tôi có chút lực lượng là lập tức làm loạn, không triều đại nào được yên ổn dài lâu, cái thông lệ đó chính là do Tào Tháo mở đầu.
Một điểm đáng nói nữa về Tào Tháo chính là cách dùng người của ông. Có thể nói là trong phần lớn trường hợp, Tào Tháo biết cách dùng người, vì thế nên nhiều lần hiểm nguy, nhất là giai đoạn đầu mới khởi binh, mà ông vẫn vực lại được. Tào Tháo nhiều lần thắng nhờ biết dùng người, nhưng nhiều lần thua bại cũng bởi dùng người không đúng. Điều này thực ra thể hiện rõ nhất ở những thất bại quân sự của ông, nhất là giai đoạn từ trận Xích Bích trở đi. Tào Tháo thu nạp thuộc hạ với phương châm “có tài là dùng”, tức là chỉ cần có tài chứ không cần biết liêm sỉ, tiết nghĩa của người đó thế nào. Tào Tháo đối với thuộc hạ và binh sĩ không gây dựng được sự trung thành và tin tưởng như là Lưu Bị, mà Tào Tháo dùng quyền mưu để khống chế họ, nên trong đám thuộc hạ nhiều kẻ luôn có ý làm phản. Có lẽ đó cũng là lý do mà đến cuối cùng Tào Tháo vẫn không hoàn thành được giấc mơ thống nhất thiên hạ.
Nửa đời chinh chiến liên tục, Tào Tháo đã kiến lập được cơ đồ hùng mạnh và coi như dọn sẵn đường cho con trai Tào Phi lập Ngụy thay Hán. Nhà Ngụy tuy chẳng tồn tại được lâu, nhưng không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của Tào Tháo trong thời kỳ ấy. Tào Tháo, cũng như nhiều nhân vật lịch sử khác, đều có ưu điểm và khuyết điểm. Đánh giá về ông xưa nay cũng thường chia thành nhiều thái cực. Khen cũng nhiều mà chê bai cũng chẳng ít, nhưng không thể phủ nhận rằng nếu không có Tào Tháo, rất có thể thiên hạ sẽ còn loạn lạc hơn nữa, và nhà Hán cũng chẳng thể tồn tại dù chỉ trên danh nghĩa thêm ngần ấy năm. Có lẽ nhận xét đúng nhất về Tào Tháo cũng chính là nhận xét nổi tiếng nhất về ông:
Năng thần thời bình, gian hùng thời loạn.
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất