“Tao nói cho mày nghe! Tao nói thiệt được mấy ai dám làm như ổng”, đó là những lời mà tôi nghe được từ một người chú bên Pháp 9 năm trước dành cho ông Ba Oanh. Người ta hay gọi ông là kẻ điên vì những điều mà ông đã làm. Thế nhưng, suốt 43 năm qua, kẻ điên với thân hình gầy gò ốm yếu ấy đã giúp cho hơn 1.000 người có áo quan khi mất và đứng ra phụ trách ngần ấy nghi lễ ma chay cho những gia đình nghèo khổ không may có người thân qua đời. 
Ông Ba Oanh (tên thật Bùi Văn Oanh), hiện đang sống trong căn nhà thuê tại 772/7/10 Đoàn Văn Bơ, quận 4, TP.HCM. Một người kỳ lạ, người “dọn đường” cho những tử thi, người đi “xin” xác chết,... đó là những cụm từ được nhiều người dùng để miêu tả về người đàn ông với làn da rám nắng này. Ở tuổi 72, ông Ba Oanh vẫn làm công việc ma chay từ thiện cho những gia đình nghèo khó và sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi “ông trời bắt thôi thì thôi”. 
Tôi tìm đến cơ sở mai táng Phước Thiện - Oanh Lập theo một địa chỉ được cung cấp trên mạng. Thế nhưng khi tôi đến, người dân xung quanh cho hay cơ sở vừa chuyển sang nơi mới. Dưới sự giúp sức của người dân xung quanh, tôi tìm ược nơi ông Ba Oanh hiện đang cư ngụ. “Chỗ này là chỗ thứ 5 bác ở. Chỗ cũ thì bác bị ông chủ cũ đuổi ngay bữa đưa ông Táo về trời vì bác chứa quá nhiều quan tài trong nhà. Ổng không thích nên ổng đuổi. Chỗ mới này thì được một bà cho bác thuê nguyên căn với giá 5 triệu một tháng nhưng với điều kiện khi bả bán được nhà thì bác phải dọn đi ngay”, đó là những lời tâm sự của ông Ba Oanh khi được tôi hỏi vì sao ông lại chuyển sang nhà mới.  
Người bạn của những “xác chết” 
Trong căn nhà thuê rộng khoảng 30 mét vuông, hơn một nửa diện tích đã được ông Ba Oanh dùng để chứa 9 chiếc quan tài lớn nhỏ khác nhau, số còn lại được ông dùng để chứa những trang phục bái quan và đạo cụ để làm ma chay. Trên tường treo đầy những bức ảnh về những lần ông đi làm ma chay thiện nguyện cho những gia đình khó khăn ở khắp các tỉnh thành. Ông Ba Oanh cho biết ông thuê một nơi riêng chỉ để đựng quan tài vì không muốn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của vợ con.
Dạo quanh căn nhà một hồi, ông Ba Oanh giới thiệu cho tôi về cơ sở từ thiện mai táng Phước Thiện - Oanh Lập. Cơ sở được thành lập vào năm 1976. Công việc chính của cơ sở là đi làm ma chay thiện nguyện cho người dân nghèo không chỉ ở TP.HCM, mà còn ở những địa phương khác như An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ,... Đến nay, cơ sở đã có tổng cộng 21 thành viên (bao gồm cả ông), theo ông Ba Oanh: “Các thành viên đều xuất thân nghèo khó. Có người làm phụ hồ, có người chạy xe ôm, người khác thì lụm ve chai. Những hễ có cuộc gọi nào thì anh em đều sẵn sàng lên đường để giúp những mảnh đời bất hạnh an tâm về nơi chín suối”. Khó khăn là thế, nhưng các thành viên đều cố gắng đóng góp một chút kinh phí cho cơ sở trong một chiếc thùng Tam Bảo hằng tháng. Đến ngày 30, ông Ba Oanh sẽ cùng với các thành viên sẽ mở chiếc thùng Tam Bảo đó ra để mua đèn, khăn, trái cây để phục vụ cho tang lễ. 
Đội mai táng Phước Thiện - Oanh Lập    ẢNH: Internet
Đội mai táng Phước Thiện - Oanh Lập ẢNH: Internet
Khi được tôi hỏi về lý do mà ông Ba Oanh lập ra Đội mai táng Phước Thiện - Oanh Lập, ông cho biết nguyên nhân để ông quyết tâm mở một cơ sở tiễn đưa người chết miễn phí bắt nguồn từ câu chuyện người cha quá cố lâm trọng bệnh và qua đời trong hoàn cảnh không có một áo quan để chôn cất tử tế. Nhớ về ký ức buồn ấy, đôi mắt của người đàn ông có gương mặt khắc khổ ấy đều trở nên đỏ hoe. “Về sau, mỗi ngày lụm bịch nilon, đạp xe ba gác, bác thấy thấy người ta chết xong ngồi nhớ tới cha mình. Giúp cho những mảnh đời bất hạnh đó, con mình làm việc tốt thì cha chú ở trên cao cũng sẽ vui mừng” - ông Ba Oanh kể lại.
Hành nghề ma chay từ thiện cho nay cũng đã ngót 43 năm, ông Ba Oanh xem tất cả mọi người đều là người thân của ông, bất kể họ là dân xì ke, ma túy, cờ bạc. Mỗi tối ông Ba Oanh đều cầu nguyện mọi người được bình an và có đủ miếng cơm manh áo. Đêm nào mà chiếc điện thoại Nokia cũ kĩ - thứ đã gắn bó với người đàn ông này hơn 30 năm reo lên, ông biết đã có chuyện không hay xảy đến những “người thân” của ông.
Có lẽ gần nửa thế kỷ làm ma chay từ thiện, chuyến đi đưa linh cữu của một cô bé sinh viên nghèo về với đất mẹ Quảng Trị sẽ mãi là kỷ niệm đáng nhớ của người đàn ông ngoài 70 này. “Cô gái đó chết xong bạn bè nó hoảng loạn. Nhỏ cùng phòng đòi thiêu rồi đem tro cốt về. Nhưng bác thì không như vậy. Bây giờ thiêu tốn tiền mà về gặp gặp được cha mẹ, họ hàng. Sau đó bác liên thuê xe chở về quê rồi giao cho gia đình. Khi mà đưa xuống quê hương bác rất hạnh phúc vì mình đã giúp cho cha mẹ của gia đình này có thể nhìn mặt con gái mình lần cuối” - ông Ba nhắc lại kỷ niệm cũ. 
Ông Ba Oanh có đặc biệt nhắc tới vị đạo diễn Phan Huyền Thư: “Hồi xưa tự nhiên có cô nào cứ chạy đi theo bác suốt. Bác còn tưởng là nó là công an tới bắt bác”, ông Ba Oanh hài hước kể lại. Vào năm 2013, đạo diễn Phan Huyền Thư đã tham gia chương trình Vì Bạn Xứng Đáng trên VTV và chiến thắng với số tiền hơn 63 triệu đồng. Số tiền sau đó được trao cho cơ sở của ông Ba Oanh để giúp cơ sở có thêm kinh phí hoạt động và các anh em trong đội có thêm chi phí để trang trải cuộc sống. 
Nỗi lo của người làm từ thiện
“Nếu ổng muốn thì ổng hoàn toàn có thể kêu gọi tiền từ những mạnh thường quân. Nhưng ổng không làm vậy. Ổng và mấy thằng đệ của ổng toàn làm trong âm thầm không à”, ông Bảy - hàng xóm của ông Ba Oanh chia sẻ. 
Gần nửa đời người cho công việc từ thiện, thứ mà ông Ba Oanh kỵ nhất là “0 đồng”. Hơn ai hết, ông hiểu được cái khổ của những người nghèo. “Không ai muốn mình nghèo cả. Người khổ thì lòng tự ái luôn dâng cao. Làm cái này mà cứ đi hô hào ta đây từ thiện. Ta đây cho hòm 0 đồng. Người ta tự ái lắm ”, ông Ba Oanh cho hay. Chính vì thế, mỗi khi ông đứng ra làm lễ bái quan cho một gia đình khó khăn không may có người chết, ông và các cộng sự sẽ làm một cách kín đáo và lặng lẽ nhất để cho gia đình đó không bị mang tiếng “kẻ đi xin hòm của Ba Oanh”. 
Ông Ba Oanh ngắm nhìn các áo quan đựng trong nhà       ẢNH: tự chụp
Ông Ba Oanh ngắm nhìn các áo quan đựng trong nhà       ẢNH: tự chụp
Những gì mà ông Ba Oanh đã làm trong suốt 40 năm thật cao cả, thế nhưng vẫn có những cái nhìn không mấy tốt đẹp của một số người dành cho ông cụ đã ở độ tuổi thất thập cổ lai hy. Suốt mấy chục năm nay, ông vẫn phải chịu lời ra tiếng vào khi có một số hàng xóm chửi rủa vì công việc ông làm đang đem lại vận xui cho người ta. “Tui bị người ta chửi là đồ khùng, đồ điên hoài. Mà nếu người ta không nhìn sâu vào sâu bên trong bản chất mà chỉ nhìn bề nổi thôi thì nghĩ tôi là đồ điên cũng phải”, ông cười giòn nói. Tuy thế, ông vẫn tiếp tục công việc từ thiện suốt ngần ấy năm. “20 chục thằng theo tôi chính là động lực lớn nhất”, ông Ba Oanh hùng hồn tuyên bố. 
Suốt ngần ấy năm làm từ thiện, điều mà ông Ba Oanh luôn canh cánh trong lòng chính là gia đình của ông. Ông quan niệm rằng khi đã làm từ thiện thì “không nên dòm vào gia đình”. Tôi phải dùng từ “nghèo rớt mồng tơi” để miêu tả về hoàn cảnh gia đình của ông. Người vợ đang bị bại liệt suốt 7 năm nay. Con cái của ông, đứa thì làm phụ hồ, kẻ thì chạy xe ôm công nghệ. “Người ta giúp mình 100 ngàn. Nhưng vợ mình ở đó mình bỏ được không! Con mình không có tiền đổ xăng thì mình cho nó được không! Nếu cháu cứ dòm vào gia đình thì chắc chắn 100 ngàn đó sẽ không bao giờ đến tay người bất hạnh. Cho nên bác nói vậy để gia đình hoản hỉ cho bác. Đừng buồn!”, ông Ba Oanh vừa tâm sự vừa rơm rớm nước mắt. 
Khi được tôi hỏi về điều mà ông mong muốn nhất hiện tại, ong Ba Oanh thở phào và nói: “Giờ bác chỉ mong mình có một nơi an toàn đựng hòm là được. Có được chỗ ở nhỏ thôi cũng được. Đừng đuổi chú đi”. Tôi rất bất ngờ vì câu trả lời của ông. Tôi hỏi tại sao ông lại không ước ông có một sức khỏe tốt hoặc ước mình có một số tiền để bù đắp lại cho gia đình, Ông hóm hỉnh đám: “Khổ cũng khổ. Nhưng nhiều khi mình tự an ủi mình là người giàu nhất cái xứ Đông Dương này. Mình có một sức mạnh vô hình, sức khỏe thì vô biên. Nhà xác gì bác vô hết. Mấy ông bác sĩ còn sợ bác nữa mà (cười)”. 
“Cái hòm mà sau này bác nằm xuống, đừng để cho bác mà hãy cho người ta. Bác thì đem đi thiêu rồi quăng xuống sông cũng được. Đốt chi uổng. Hãy để cho người ta. Chứ mình nghĩ cho bản thân mình thôi thì không được” - ông Ba Oanh tâm sự. 
Cuộc đời của ông Ba Oanh, tôi ví như một bản nhạc buồn, nhưng những giai điệu mà ông ngân lên thì luôn chứa chan những âm thanh của hy vọng bên trong. Cả đời tôi không bao giờ nghĩ sẽ có ngày tôi được gặp một người đàn ông kỳ lạ đến thế. Hết thảy nỗi khổ tâm của ông đều hóa thành giản đơn. Ấy là một tinh thần không bao giờ đầu hàng để đem đến những giá trị đẹp nhất cho đời. Với những số phận không may mắn khi phải chết bờ chết bụi ngoài kia, họ sẽ không cảm thấy cô đơn khi đã có ông Ba Oanh ở bên cạnh. 
Ông Ba Oanh đúng là “điên” thật! 
Dưới đây là địa chỉ mà ông Ba Oanh hiện đang sinh sống.
Cơ sở mai táng Phước Thiện - Oanh Lập
Địa chỉ: 772/7/10 Đoàn Văn Bơ, quận 4, TP.HCM
Số điện thoại : 097 808 85 64 - Bùi Văn Oanh (Ba Oanh)
P/s: Đây chỉ là bài viết để mình chia sẻ cảm nhận sau chuyến ghé thăm nơi ông Ba Oanh hiện đang sinh sống. Những ai muốn đóng góp vào thùng Tam Bảo của ông thì có thể trực tiếp liên hệ ông để quyên góp. Mình xin cảm ơn!