[Truyện Ngắn] Huyễn Hoặc
Lần nào cũng vậy, người đàn ông đó luôn chọn ngồi ở ngay chính giữa dãy bàn ăn. Sau khi gọi một suất phở như thường lệ, ông ta yêu...
Lần nào cũng vậy, người đàn ông đó luôn chọn ngồi ở ngay chính giữa dãy bàn ăn.
Sau khi gọi một suất phở như thường lệ, ông ta yêu cầu thêm một chai rượu gạo rồi chỉnh lại cái ghế nhựa đang ngồi, vắt hai chân lên nhau, tay bó gối.
Đôi mắt dài dại chậm rãi nhìn xung quanh.
Người đàn ông đó chắc đã khoảng lục tuần, đã đến cái tuổi mà một kẻ như tôi phải gọi bằng ông. Dáng người nhỏ, gầy gò trơ xương. Khuôn mặt ông ta hơi quắt, cằm nhọn, hốc mắt trũng sâu và làn da nhăn nheo. Môi dưới hơi trề ra.
Ông ta đến đây lần đầu vào khoảng tháng sáu năm kia, và từ đó trở thành khách quen của quán.
Nghe nói ông có một người vợ đã mất cách đây năm năm do bệnh ung thư phổi và người con trai duy nhất thì đang đi làm ăn ở đâu đó biệt tích.
Thấy tôi đem ra một đĩa gồm những lát dưa chuột và một ít rau thơm, người đàn ông bỏ tay bó gối, hơi khom người rồi lấy giấy ăn lau qua lau lại đôi đũa.
Tôi lấy chai rượu gạo trông đùng đục và một cái chén nhỏ, đặt lên bàn. Đầu ông ta cứ gật gật như một con gà mái.
Một lát sau, phở được đem ra.
Cách ăn của ông ta khá kì lạ. Tô phở được yêu cầu cho nhiều nước, ít thịt. Ông ta đưa vào đó tất cả các gia vị có thể thấy được trên bàn : nào là hạt tiêu, nào là giấm, là chanh, nước mắm... Nhiều nhất là tương ớt, ông ta cho nhiều đến mức tô phở trở thành một bát nước đục ngầu, đỏ lòm.
Sau đó,liền chậm rãi thưởng thức tô phở kì dị của mình. Trên mặt phảng phất nét mãn nguyện.
Xong, ông ta không thanh toán và ra về ngay mà quay lại tư thế bó gối.
Đôi môi trề ra có ngậm thêm một mẩu tăm nhỏ.
Và rồi ông ta bắt đầu kể lể như thường lệ.
"Này! Con trai tôi lại vừa được một mối lớn nữa đấy"-Ông ta quay sang hướng bà chủ quán."Lần này chắc lại kiếm bộn "
"Ồ! Mát tay thật. Đúng là tuổi trẻ tài cao"
Bà chủ quán vốn đã quen với những câu chuyện như thế.
"Lần trước nó lãi được gần trăm triệu. Có gửi về cho tôi một ít."
"Khiếp thật! Lãi gì mà lãi ghê thế!"
"Con trai tôi vốn thông minh, biết thời biết thế.Chứ đâu như con nhà người? Trong xóm tôi ấy mà, có nhà cho con học lên thạc sĩ, tiến sĩ...ấy thế mà có ra gì đâu? Vẫn mạt hạng cả. Bỏ đi cả"
"Đúng vậy! Như con ông vẫn là hơn"
Người con trai độc đinh là niềm tự hào duy nhất của người đàn ông này.
Anh ta chắc khoảng hai bảy, hai tám gì đó. Theo lời bà chủ thì khá cao ráo, nhưng người gầy dỏng như bố và môi dưới cũng trề ra.
Nghe nói sau khi bà mẹ mất, anh ta bỏ nhà ra đi, theo một người bạn đến gần biên giới để làm ăn. Không biết ở đó làm gì, nhưng có vẻ cũng kiếm được kha khá tiền.
Tuy nhiên, từ đó đến giờ đã vài năm, chẳng khi nào anh ta trở về cả.
"Trong thư, nó nói sau khi xong vụ này. Nó sẽ về đây luôn đấy bà ạ!"
"Ô! Thế hả ông ? Cũng phải dăm năm rồi đấy nhỉ?"-Bà chủ quán quay ra, tỏ vẻ ngạc nhiên.
"Vâng, bà ạ, lúc đi nó bằng cậu này"-Ông ta chỉ vào tôi-"Bây giờ không biết như thế nào nữa. Chắc cũng phải cao lớn lắm"
"Con trai tôi nặng những tám mươi cân đấy! Cao gần mét tám! Cậu nhà chắc không bằng được"
"Giời! Con trai tôi nhiều tiền rồi, sau này ăn sơn hào hải vị thì sợ gì không to cao được như thế?"
"Nó về đợt này, tôi có tiền xây lại cái nhà. Nhà ngói dột quá, mà sức tôi thì không leo lên được.Chắc tôi xây lên ba tầng đấy, bà ạ".
Đôi mắt người đàn ông ánh lên niềm hi vọng.
Không biết đã là lần thứ bao nhiêu tôi nghe được câu chuyện về cậu con trai. Những câu chuyện về sự thành công của anh ta, nhưng lời anh ta nói qua thư, những lời chúc có phần lạnh lùng được viết, số tiền gửi về....Tất thảy đều được ông già đó kể lại, hơn nữa không chỉ một lần. Đến mức bà chủ, và cả những nhân viên trong quán đã thuộc làu những gì ông nói.
Từ sau bức thư nói sẽ trở về của con trai, tần suất những câu chuyện của ông ta còn dày đặc hơn nữa.
Ông ta còn chủ động bắt chuyện với những cô gái trẻ vào quán. Kể về con trai với tất cả những gì tốt đẹp nhất, cho dù đôi lúc hơi thái quá, hơi tâng bốc quá đà thành ra điêu toa, như thể đang giúp con trai tìm vợ.
"Cô nào vớ được cậu nhà là diễm phúc lắm đấy!" -Bà chủ quán nói.
"Chứ gì nữa!"- Một người làm tán đồng.
"Chắc phải lấy một cô tiểu thư đài các mới được! Ông ạ! Những cô tìm thấy ở đây không xứng đâu"-Một người làm khác nói.
"Cỡ như con trai tôi thì thiếu gì? Con gái người ta phải xếp hàng đợi đến lượt ấy chứ? Những cô ở đây, tôi hỏi cho vui miệng, chứ cái ngữ ấy thì sao sánh được với con trai tôi? Nếu thích, tôi cho nó lấy vài vợ!"
Người đàn ông cười lớn,miệng mở ra hết cỡ, như thể chẳng thể nào khép lại được nữa. Những nếp nhăn được đẩy lên gò má cao.
Ông ta vắt tay vào đầu gối, dựa lưng vào bàn, quay ra ngắm những bụi hoa giấy trên dải phân cách.Những bông hoa như bóng đèn quả nhót, màu tím và trắng mọc xen lẫn.
Có ai đó bỏ lên một bó hoa hồng. Cánh hoa chuyển màu đỏ đục, tàn úa.
Hai tuần sau, gió đông bắt đầu tràn về.
Những cơn gió luồn qua khe cửa, thi thoảng lại rít lên.
Bên ngoài, trời mưa rả rích, những đám mây nặng nề hơn làm không gian như trùng xuống. Thi thoảng, nước mưa tích tụ trên tấm bạt lại rơi xuống, gây nên một tiếng "ào".
Trong quán phở vắng tanh không một bóng khách.
Bà chủ quán và những người làm túm tụm với nhau nói chuyện phiếm. Được một lúc thì quay ra ngắm mưa. Những chiếc xe chạy qua làm nước bắn tung sang hai bên như một đôi cánh.
Có một người làm đến muộn. Chị ta dựng xe máy vào một góc tường, trải áo mưa lên rồi lấy tay che đầu mà chạy vào.
Chưa đến nơi, đã thấy tiếng oang oang.
"Này! Này! Mọi người đã biết tin gì chưa ?"
Chị ta dừng lại, hít một hơi dài,tiếp.
"Con trai của cái ông già hay đến khoe khoang ấy! Ha! Ha! Tưởng thế nào, hóa ra là đi đánh bạc ở biên giới. Ăn được chút ít. Nhưng đợt vừa rồi thua to, nghe nói đến hàng tỷ. Người ta đang đồn ầm lên kia kìa! Ha! Ha!".
Bà chủ quán và mấy người làm khác như bắt được vàng, nhao nhao.
"Thật đấy à?"-Bà ta hỏi.
"Thật mà! người ta đang đồn ầm lên kia kìa! Đây! Bà muốn thì tôi hỏi cho bà!"-Nói rồi chị ta rút ra chiếc điện thoại, gọi cho một người quen.Mọi người đều chăm chú lắng nghe từng chữ.
Sau đó, như vẫn chưa thỏa mãn, họ tìm được một người ở trong xóm đi ra, kéo người đó lại hỏi han đủ điều.
Quả đúng là sự việc đang được đồn ầm lên thật.
Trong quán vang lên một tiếng "ồ" lớn, cảm thán.Theo sau đó là một tràng cười khả ố.
"Đấy! Tôi biết ngay là ông lão điêu toa. Người ta làm quần quật bao lâu mà còn chả dư được đồng nào, huống chi con lão mới đi vài năm mà đã phất lên ngay được?"
"Kì này không những chẳng đem về được đồng nào, mà còn gánh nợ hàng tỷ. Cho chừa cái tật khoe mẽ!"
"Thế mà hôm trước lão còn nói tôi không xứng với con trai lão cơ đấy! Gớm! Ai mà thèm cái của phá gia chi tử ấy!"
" Tôi biết từ đầu rồi! Làm quái gì có chuyện cái thằng đấy mà kiếm nổi tiền. Người thì còm nhom, mặt mũi thì xấu xí. Môi trề cả ra. Cái tướng ấy thì không nghiện hút cũng bài bạc. Thế mà bố hắn thì khoe khoang lắm. Làm sao bằng con tôi được."-Bà chủ quán nói chen vào.
Thế rồi bà ta bắt chước hành động của người đàn ông kia.Ngồi vào giữa dãy bàn, vắt chân lên nhau, bó gối.Sau đó, làm ra vẻ điệu bộ khi kể chuyện của ông ta bằng một giọng mỉa mai, cay nghiệt.
Những người khác phá lên cười.
"Ha Ha! Để đấy, để đấy, để đến khi lão ra đây mà xem."
...
Nhưng rõ ràng, suốt một thời gian dài, không thấy người đàn ông đó đâu nữa.
Mãi đến vài tháng sau, khi không khí tỏa ra cái mùi của hoa quả chín rục.Nắng rọi xuống xuyên qua kẽ lá. Tuy nhiên, trời vẫn còn lạnh.
Bụi hoa giấy trở nên điêu tàn, xơ xác, những cánh hoa vương đất bụi bẩn thỉu.
Người ta đào đất lên để làm đường ống. Những cái ống màu cam uốn cong như những con giun đất khổng lồ.
Một cái mũ cối của ai đó bỏ quên đặt bên cạnh.
Người đàn ông xuất hiện lần nữa lúc người ta đã chán phải bàn tán về cậu con trai đánh bạc.
Trông như đã già đi cả chục tuổi. Mái tóc hai màu trắng đen của ông ta giờ đây bạc trắng toàn bộ. Mắt đục ngầu. Những nếp nhăn trở nên dày đặc. Môi dưới lại càng trề ra, trông như móm.
Ông không ngồi ở giữa như mọi khi mà rúc vào tít trong góc tường. Không gọi rượu.
Bà chủ quán dù đã lâu không nói đến chuyện người đàn ông, nhưng vẫn nhìn với vẻ khinh khi ra mặt. Bà ta quay sang nói nhỏ với một người làm:"Vẫn còn tiền ăn phở cơ đấy!"
Thế rồi, lại đích thân bà ta đem phở ra cho ông.
Trước khi đặt tô phở xuống, còn thêm một câu hỏi mỉa."Quý tử nhà ông dạo này vẫn tốt chứ?"
Ông ta nhìn lên, nở một nụ cười gượng gạo. Nụ cười ấy như thể vui mừng, như thể khoe khoang. Ông cố làm cho vẻ mặt giống với những lần trước đây nhưng đôi mắt khi mở to thì long nước.Ông reo lên như một đứa trẻ con.
"Có chứ! Bà ạ! Con trai tôi giỏi lắm! Nó đánh bạc. Nhưng không phải đánh bạc thường đâu! Mà là đánh bạc xuyên quốc gia cơ đấy!"
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất